Tác phẩm nổi tiếng và câu chuyện về đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh

756
Thiền sư Tuệ Tĩnh
Thiền sư Tuệ Tĩnh
Đánh giá

Tiểu sử

Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, tự Linh Đàm, hiệu Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa, quán tại hương Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1623 hoặc 1633, mất năm 1713.

Ông là một vị danh sư và cũng là người đầu tiên dạy nghề thuốc ở nước ta, sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Đinh và đời nhà tiền Lê.

Khi chưa xuất gia, Tuệ Tĩnh nổi tiếng là người thông minh, trí tuệ. Đã có lần vua Đinh Tiên Hoàng mới ông ra làm quan, nhưng ông khước từ. Sau thấy vua quyết bắt ép, ông liền trốn vào chùa Hồng Vân ở phủ Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên. Nhưng không bao lâu bị bại lộ, ông phải lánh sang Tàu, tu tại chùa Vạn Phúc. Nơi đây ông được vị danh y về nha khoa là Vương quan Thanh truyền cho nghề chữa thuốc. Sau hơn 10 năm học hành, ông được họ Vương tận tình chỉ bảo, sau đó ông xin trở về nước.

Tại chùa Hồng Vân, ông đã cứu chữa cho nhiều người bệnh. Ông còn truyền nghề thuốc lại cho một số môn đệ. Ông là người đã chữa lành bệnh răng cho vua Lê Trang Tôn

Khi sư Tuệ Tinh viên tịch, vua Lê truyền lập đền thờ. Ông đã truyền lại tập sách y học tên là Nam dược ghi chép những điều nghiên cứu về dược tính của nhiều thứ thuốc Nam.

Sự nghiệp và tác phẩm nổi tiếng của Tuệ Tĩnh

Tác phẩm nổi tiếng của Tuệ Tĩnh phải kể đến là Nam dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư. Tuệ Tĩnh là người thầy thuốc Việt Nam đầu tiên dương cao ngọn cờ “Thuốc Việt Nam chữa người Việt Nam”: Hai bài thuốc nam mà Tuệ Tĩnh là tác giả trong bộ sách “Hồng nghĩa giác tư y thư” (HNGTYT) với những câu mở đầu:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”

Tôi ở đây có nghĩa là đầy tớ, học trò của thầy (tiên sư).

Hoặc câu:

“Thiên thư riêng định cõi Nam
Thổ sản khác nhiều xứ Bắc…”

đây có thể coi như bản tuyên ngôn về thuốc Việt Nam ta.

Tuệ Tĩnh là một vị sư và là một thầy thuốc rất gần gũi quần chúng cho nên hầu hết tài liệu ông biên soạn đều bằng chữ nôm và được viết theo thể văn vần thơ phú cho nên người đọc dễ nhớ, dễ thuộc. Do đó ngay khi Tuệ Tĩnh còn sống, những tài liệu do Tuệ Tình viết ra đã được in đi, in lại nhiều lần: “Sách viết xong, khắc thành bản in, để ở chùa Hộ xá, huyện Giao Thuỷ, người địa phương biết được đường hướng chữa bệnh, lưu truyền đến nay tiếng tăm vang lừng khắp nước” (Trích từ HNGTYT in năm 1717).

Năm 1717 (tức Năm Vĩnh Thịnh thứ 13) có thể coi là năm vinh quang đối với Tuệ Tĩnh. Vào “mùa xuân năm Đinh dậu (1717), nhà sách Liễu Tràng đem bản sách (của Tuệ Tĩnh) dâng lên vua.” Cũng trong năm 1717 bia chùa Giám được sư Như Ứng (học trò của Tuệ Tĩnh) đã dựng bia ghi công Tuệ Tĩnh đã có công đắp tượng phật 24 tay, nhưng chưa kịp dựng bia thì Tuệ Tĩnh đã mất vào năm Quý Tỵ (1713).

Cuốn “Nam Dược Thần Hiệu” và ” Hồng Nghĩa Giác Tự Y Thư”
Cuốn “Nam Dược Thần Hiệu” và ” Hồng Nghĩa Giác Tự Y Thư”

Đền, chùa thờ đại danh y Tuệ Tĩnh

Trong lúc Tuệ Tĩnh còn đang sống, ảnh hưởng và uy tín của ông đã rất rộng lớn. Khi Tuệ Tĩnh mất, chỉ trong một vùng bán kính chưa đầy 3km có tới 4 nơi thờ:

Chùa Giám

Tức là chùa Yên Trang hay An Trang hay Hải Triều là nơi Tuệ Tĩnh tu vào cuối đời và mất năm Quý tỵ (1713). Có bức tượng Tuệ Tĩnh tạc năm 1936 – 1939 (theo lương y Thái Văn Liễn trong thời gian này làm việc tại Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội).

Chùa Giám
Chùa Giám

Đền thánh thuốc nam

Đặt trong làng Nghĩa Phú, quê hương của Tuệ Tĩnh.

Đền bia

Đặt giữa hai làng Nghĩa Phú và Văn Thai

Đền bia
Đền bia

Đền trung

Đặt ở chân đê làng Văn Thai.

Lý giải một số tranh cãi, truyền thuyết về năm sinh năm mất của Tuệ Tĩnh

Truyền thuyết về Tuệ Tĩnh bắt đầu xuất hiện vào năm 1846, sau khi ông đã mất được hơn 130 năm.

Thiền sư Tuệ Tĩnh, tác giả Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư, theo ý kiến truyền thống, là danh y sống vào thế kỷ 14 đời Trần. Nhưng đã có một số ý kiến cho rằng nhà sư này sống vào cuối thế kỷ 17.

Chứng cứ đưa ra bao gồm nhiều mặt: Phân tích những bài Phú Nôm trong các sách của ông có nhiều yếu tố muộn; trong các bài thuốc mà ông nêu lên chứng tỏ chịu ảnh hưởng của các danh y Trung Quốc đời sau, chẳng hạn, Lý Thời Trân.

Trong những chứng cứ đưa ra, có người đã viện dẫn tấm bia năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) ở chùa Giám, nơi quê hương của Tuệ Tĩnh và cho rằng đến năm này, Tuệ Tĩnh vẫn còn sống ở đây.

Để làm sáng tỏ những vấn đề thời đại sống của Tuệ Tĩnh, ngày 22 tháng 7 năm 1992, một đoàn nghiên cứu gồm các cán bộ Viện Khảo cổ học, Viện Hán Nôm, Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã về khảo sát tại chùa Giám ở huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng. Bia năm Vĩnh Thịnh thứ 13 cho biết: thiền sư Tuệ Tĩnh có tên đầy đủ là Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh, mất năm Quý Tỵ tức năm 1713. Tuệ Tĩnh đã xuất gia từ bé nên không có chuyện ông đi học, làm quan, rồi mới xuất gia và chết ở Trung Quốc như truyền thuyết đã nói.

Các di tích thờ Tuệ Tĩnh đã được khảo sát cho đến nay chưa tìm thấy dấu vết nào chứng tỏ Tuệ Tĩnh đã sống và dựng chùa, xây dựng tháp, chữa thuốc ở thế kỷ XIV (đời Trần)… các di tích thờ Tuệ Tĩnh cũng như bản thân pho tượng có niên đại từ cuối thế kỷ XVII cho đến năm 1900.

“Quyết định miệng” về lễ Tưởng niệm Thánh Y Tuệ Tĩnh

Trong buổi gặp mặt đầu năm với cán bộ công chức cơ quan Bộ Y Tế và đại diện các đơn vị trực thuộc vào ngày 2.1.2001, Giáo sư Đỗ Nguyên Phương (Uỷ viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y Tế lúc đó) đã tuyên bố: “Với tấm lòng trân trọng các di sản quý giá về Y Dược học cổ truyền dân tộc, Bộ Y Tế sẽ tổ chức trọng thể lễ Tưởng niệm Cụ Tuệ Tĩnh vào ngày 15 tháng 2 âm lịch năm nay. Từ nay, ngành y tế sẽ tổ chức trọng thể ngày giỗ 15/1 (Rằm tháng Giêng âm lịch) của Cụ Hải Thượng Lãn Ông (HTLÔ) vào những năm chẵn, còn với những năm lẻ thì tổ chức lễ tưởng niệm Cụ Tuệ Tĩnh” (trích Đặc san Những Cây Thuốc Quý số 1).

Phải nói quyết định nâng tầm lễ tưởng niệm Thánh Y Tuệ Tĩnh lên ngang hàng với Y Tổ HTLÔ có một ý nghĩa lớn lao nhằm trả lại vị trí xứng đáng của Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh trong vai trò là người đặt nền móng xây dựng nền y dược dân tộc Việt Nam với tuyên ngôn nổi tiếng: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” và “Thiên thư việt định Nam bang / Thổ sản hữu thù Bắc quốc”. Vai trò vị trí ấy mặc dù từ lâu đã luôn được khắc ghi trong tâm khảm bao thế hệ thầy thuốc Đông y dược và toàn thể nhân dân VN, nhưng việc thừa nhận trên cấp độ quốc gia của nhà nước ta, có lẽ đây là lần đầu, sau nhiều thập niên gần như ta chỉ suy tôn HTLÔ là Y Tổ độc nhất của dân tộc.

Chủ trương mới này đã được Bộ Y Tế và một vài cơ quan hội ngành hưởng ứng thực hiện. Đi đầu là Hội Dược Liệu VN và Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Cây Con Làm Thuốc IAM đã tổ chức Hội thảo “Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Đại danh y Tuệ Tĩnh” tại Hội trường Bộ Y tế ngày 1.3.2001. Sau đó Bộ Y Tế đã phối hợp với Trung ương Hội Đông y VN và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm tại cụm di tích quê hương Danh y Tuệ Tĩnh vào ngày 9.3.2001.

Một vài địa phương khác như Tp.HCM cũng đã tổ chức Hội thảo và lễ giỗ Tuệ Tĩnh vào dịp này. Tuy nhiên, theo quan sát, hầu hết các địa phương còn lại chưa tích cực hưởng ứng chủ trương này. Bên lề lễ giỗ Y Tổ năm 2003 tại một địa phương có Nhà thờ Y Tổ xây dựng đã lâu đời ở Miền Trung, Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho biết theo văn bản chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y Tế ngày 9/12/1999 có nêu rõ:”Hàng năm lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch – ngày mất của Danh y HTLÔ làm ngày truyền thống của những người làm công tác YDHCT Việt Nam”, nên các địa phương thực hiện theo chỉ thị này, còn chủ trương giỗ Tuệ Tĩnh vào các năm lẻ có lẽ chỉ được Bộ Y tế thực hiện tại cơ quan Bộ và trên quê hương cụ Tuệ Tĩnh mà thôi.

Kể ra ông Chủ tịch Hội Đông y Thành phố nói cũng có lý. Có lẽ với một quyết định…miệng như đã nói thì khó mà thay đổi một tập quán được các cơ sở y tế nhà nước ta duy trì suốt nửa thế kỷ qua. Thiết nghĩ Bộ Y Tế nên nghiên cứu ban hành một văn bản chỉ thị bằng giấy mực hẳn hoi gửi đến các cơ sở y tế hội ngành y dược trong cả nước để cùng thực hiện quyết định đã đề ra, từ đó mới phát động được phong trào nghiên cứu, học tập và vận dụng các đường hướng, quan điểm, kinh nghiệm y dược của Tuệ Tĩnh trên phạm vi rộng rãi cả nước, góp phần tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Cuộc đời, thân thế và niên đại của Tuệ Tĩnh cho đến nay vẫn là một ẩn số

Sự nghiệp của Thiền sư Tuệ Tĩnh là một sự thực sáng chói trong lịch sử văn hoá – khoa học của Việt Nam, không ai có thể phủ nhận. Nói theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát, “đây có thể nói là một vị thiền sư nổi tiếng nhất và nổi tiếng hơn bất kỳ thiền sư Việt Nam nào khác; sách vở ông được học tập, nghiên cứu và thể hiện vào cuộc sống rộng rãi hơn bất cứ của vị thiền sư hay bất cứ tác giả nào của nền văn học khoa học Việt Nam. Ông đã được đặt tên đường, cơ sở y tế khắp cả nước và được suy tôn làm Tổ sư của nghề thuốc tại Việt Nam. Tuệ Tĩnh là một nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc. Sự nghiệp ông đã được nhân dân ngưỡng mộ và phong thánh, nằm trong số rất ít được nhân dân ta phong thánh từ lâu, như Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Thánh Trần và Thánh Tuệ Tĩnh.”(NS Giác Ngộ số 81, tr.31).

Tuy nhiên, có một sự thật khác, như phần lẩn khuất của mặt trăng, cuộc đời thân thế và niên đại của Tuệ Tĩnh cho đến nay vẫn còn là một ẩn số mà sự nghèo nàn về tư liệu lịch sử hiện tồn chưa cho phép chúng ta kết luận chính xác Tuệ Tĩnh thuộc về đời nhà Trần (thế kỷ XIV, theo truyền thuyết) hay đời Hậu Lê (thế kỷ XVII, theo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu uy tín như Dương Quảng Hàm, Trần Văn Giáp, Hà Văn Tấn, Đỗ Tất Lợi, Lê Mạnh Thát…và một số khám phá khảo cổ ở Chùa Giám đã hé mở).

Đã có nhiều cuộc hội thảo và không ít giấy mực ghi chép ý kiến tranh luận trên báo chí, nhưng đến nay ngoài cứ liệu khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhà sư, còn các vấn đề Tuệ Tĩnh có phải tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh không, Tuệ Tĩnh có đậu Thái học sinh, Hoàng giáp không, Tuệ Tĩnh có đi sứ hay bị bắt đi cống nhà Minh không v.v…vẫn còn là những câu hỏi chưa có đáp án (theo tóm tắt nội dung thảo luận Tuệ Tĩnh – Truyền thuyết, Tác phẩm, Niên đại của GS.Hoàng Bảo Châu ghi, đăng trên Thông tin YHCT số 102-2001).

Được biết Hội DLVN đã hình thành một nhóm nghiên cứu liên ngành do Viện IAM chủ trì để tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thân thế sự nghiệp Đại danh y Tuệ Tĩnh từ đầu năm 2001.

Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan, đây là một vấn đề khoa học lịch sử hết sức lớn lao, cần thiết phải có sự nhập cuộc chủ trì của các cơ quan cao cấp của Đảng và Nhà nước như Ban Khoa Giáo Trung ương, Uỷ ban Khoa học Xã hội …từ đó mới tập họp nhiều cơ quan ban ngành trong nước từ các Viện Sử học, Khảo cổ học, Hán – Nôm, YHCT,…hay các Hội Khoa học lịch sử, Đông y, Dược liệu…, đến các tổ chức cá nhân nước ngoài, cùng thực hiện nghiên cứu đề tài này theo quy mô nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và quốc tế.

Hoàn toàn không cường điệu khi nói rằng cần nghiên cứu Tuệ Tĩnh ở cấp độ quốc tế, bởi vì để trả lời các vấn đề hóc búa đã nêu về Tuệ Tĩnh, không chỉ đơn phương tìm kiếm sử dụng các nguồn tư liệu trong nước, mà phải mở rộng điền dã và nghiên cứu rà soát toàn bộ tư liệu lịch sử chính trị ngoại giao và y dược học có liên quan của Trung Quốc, và có thể cả ở thư khố một số nước đồng văn như Nhật Bản và Triều Tiên.

Dù biết rằng không thể dễ dàng thực hiện, nhưng thiết tưởng nếu có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, sự đồng tâm cộng lực của đông đảo quần chúng vốn hết lòng ngưỡng mộ Tuệ Tĩnh và quan tâm đến lịch sử văn học khoa học nước nhà nói chung và y dược học nói riêng, nhất định chúng ta sẽ thực hiện được, cho dù thời gian có thể kéo dài cả hàng chục năm trời.

Việc xác định chính xác các câu viết, tác phẩm của Tuệ Tĩnh là một điều hết sức cần thiết.

Có lẽ chúng ta đã từng bắt gặp hai câu thơ nổi tiếng : “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần / Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” trong hàng chục, hàng trăm bài báo hay cuốn sách. Có một vài người đã nhầm lẫn là của HTLÔ (nguyên nhân xuất phát từ một vị bác sĩ với dụng ý tốt đẹp muốn mượn câu thơ của HTLÔ trong tác phẩm Vệ Sinh Yếu Quyết và sửa lại thành “Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần / Thanh tâm, tiết dục, thủ chân, luyện hình” mục đích cho người đọc dễ hiểu, dễ làm; nhưng trong quá trình tham gia biên soạn Bách Khoa Thư Bệnh Học, người thầy thuốc này đã quên mất câu mình sửa chữa lại tưởng là của… HTLÔ thật, từ đó khiến không ít người nhầm lẫn).

Còn lại, phần lớn các tác giả đều khẳng quyết chắc chắn câu thơ dưỡng sinh kia là của Tuệ Tĩnh. Một vị giáo sư đã viết bài về hai câu thơ đó ví như là bài thuốc trường sinh tuyệt hảo. Nhưng trong một bài viết khác cũng chính vị giáo sư này lại chỉ ra rằng “2 câu thơ dưỡng sinh cụ ghi lại trong sách Nam Dược Thần Hiệu(NDTH)” khiến tôi phải mất hơn nửa đêm ngồi lục tung cả cuốn sách thuốc Nam danh tiếng mà vẫn không tìm được xuất xứ câu thơ. Tức mình, vị giáo sư đã bỏ hẳn mấy ngày đọc toàn bộ quyển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư (HNGTYT) – 1978. Cuối cùng cũng tìm được hai câu thơ kia ở bài Bổ âm đơn – phần Các đơn thuốc và tác giả phần phần này không phải là Tuệ Tĩnh, mà là “Tráng Nho lão”.

Đọc chú thích của các dịch giả, “Tráng Nho lão” là “Tráng Nho lão truyền vật” tự Tác Phúc, hiệu Hành Thọ đường, không rõ tên chính, là một soạn giả đời Lê, quê: huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam hạ, gần nơi tu trì của Tuệ Tĩnh. “Tráng Nho” ý nghĩa cũng giống chữ “Tráng Tử” – tên hiệu của Tuệ Tĩnh, có lẽ soạn giả là nhà nho học mà theo học về y và có thể theo môn phái của Tuệ Tĩnh hay chính là môn đồ của Tuệ Tĩnh (dẫn theo trang 293).

Có lẽ đã đến lúc cần khẳng định lại 2 câu thơ nổi tiếng trên là của Tráng Nho lão.

Ngoài ra câu tuyên ngôn bất hủ trong bài Nam dược quốc âm phú: “Tôi tiên sư kính đạo Tiên sư / Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”, có khá nhiều học giả đã đổi:

  • tôi (nghĩa bề tôi) thành ta (nghĩa chúng ta)/tôn (nghĩa tôn kính)
  • Nam Việt thành Việt Nam.

Thêm nữa, câu tuyên ngôn bằng chữ Nôm đã bị chuyển ngược thành câu chữ Hán “Nam dược trị Nam nhân”, đã làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó.

Rõ ràng, khi nghiên cứu về Tuệ Tĩnh việc tìm hiểu chính xác đâu là các câu viết hay các văn bản, tác phẩm của ông đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Điều này cũng cho thấy tác phẩm thật sự còn lại của Tuệ Tĩnh không nhiều, nhưng ta lại nhận ra tầm ảnh hưởng rộng rãi lớn lao của những quan điểm xây dựng nền y học dân tộc mới mẻ và sáng tạo mà Tuệ Tĩnh khai phá đã bao trùm lên các y gia đương thời và hậu thế.

Tìm trong di cảo

Thật ra, điều vừa nói trên đây không phải là phát hiện mới mẻ gì. Khác với sách của HTLÔ, các tác phẩm HNGTYT và NDTH không hề có lời tựa của Tuệ Tĩnh, còn nội dung thì đã được người đời sau sửa chữa và thêm vào nhiều là việc nhiều người công nhận từ lâu. Chỉ xét riêng trường hợp tác phẩm HNGTYT, theo nguyên bản được chia làm 2 quyển thượng, hạ.

Quyển thượng gồm: Nam dược quốc âm phú , Trực giải chỉ nam dược tính phú, Y luận (gồm cả Tạng phủ Kinh lạc), Thương hàn cách pháp trị lệ (tức Thương hàn tam thập thất chuỳ).
Quyển hạ gồm: Thập tam phương gia giảm, Phương pháp biện chứng luận trị, Các phương thuốc gia truyền hiệu nghiệm được chọn lọc mà Hoàng triều ban bố cho nhân dân, Các đơn thuốc(Như ý đơn, Hồi sinh đơn, Bổ âm đơn).

Theo lời nhà xuất bản ở trang 3 sách dịch thì “qua nghiên cứu nguyên bản, thấy có lẫn lộn vài sai sót” như “tập Thập tam phương gia giảm là tập chủ yếu lại để xuống quyển hạ sau tập Thương hàn tam thập thất chuỳ”, nên nhà xuất bản đã “tạm sắp xếp lại”.

Nhưng như tìm hiểu và quan sát khi đọc HNGTYT thì trong 8 phần của bộ sách, ngoài phần Y luận (gồm cả Tạng phủ Kinh lạc) nguyên văn chữ Hán trích từ các sách y học Trung Quốc như Vạn Bệnh Hồi Xuân, Thọ Thế Bảo Nguyên; phần các phương thuốc gia truyền hiệu nghiệm được chọn lọc mà Hoàng triều (Lê) ban bố cho nhân dân tác giả hẳn là của Thái Y viện triều Lê; 2 phần Thương hàn cách pháp trị lệ và Phương pháp biện chứng luận trị do một người hiệu là Lão Mai soạn; cũng như phần Các đơn thuốc do Tráng Nho lão soạn đã nói ở trên. Như vậy chỉ còn lại 3 phần là Nam dược quốc âm phú, Trực giải chỉ nam dược tính phú và Thập tam phương gia giảm có nhiều khả năng đích thực là những tác phẩm của Tuệ Tĩnh.

Nếu đúng như thế, ta sẽ thấy sắp xếp theo nguyên bản mỗi quyển thượng- hạ có 1-2 phần đầu do Tuệ Tĩnh soạn kèm với một số phần sau do người khác hoặc đời sau trích dẫn hoặc soạn thêm là hoàn toàn hợp lý chứ không hề có sự lẫn lộn hay sai sót nào. Nếu bạn đọc còn nghi ngờ nên tự đọc kỹ HNGTYT theo bản in đã giới thiệu sẽ dễ dàng thấy rõ.

Chú ý, không nên đọc theo quyển sách gọi là Tuệ Tĩnh toàn tập in ở Miền Nam sau này, tuy vẫn dựa theo bản dịch trước nhưng đã tuỳ tiện biên tập cắt xén nhiều phần thơ văn cổ và các chú thích tuy nặng nề khó đọc nhưng rất công phu và giá trị của dịch giả. Đọc bản in kia có… đốt đuốc tìm cũng không thấy câu thơ dưỡng sinh đã nói, huống nữa là biết tác giả thực sự là ai. Đó là chưa nói đến quyển sách còn thiếu một tác phẩm quan trọng khác của Tuệ Tĩnh là Thiền Tông khoá hư lục (diễn Nôm) thì không nên và không thể đặt tựa sách là Tuệ Tĩnh toàn tập.

Nhân đây, xin đề nghị thêm các cơ quan xuất bản và báo chí, với kỹ thuật in ấn, vi tính mã hoá chữ Hán Nôm hiện nay, có thể đưa nguyên bản tác phẩm Tuệ Tĩnh lên mạng, hoặc in ấn song ngữ Hán Nôm – Việt khi tái bản sách là một việc rất nên và rất cần thực hiện sớm để các độc giả có khả năng tiếp cận đối chiếu văn bản, tìm hiểu học tập nghiên cứu sâu hơn tác phẩm của người xưa.

Có hai Tuệ Tĩnh?

Gần đây, đọc một bài viết trên tạp chí Đông Y số 359, thấy đưa ra giả thuyết có 2 Tuệ Tĩnh, một Tuệ Tĩnh danh y huyền thoại ở chùa Giám đời Trần, và một Tuệ Tĩnh hậu duệ đời Hậu Lê cũng ở tại chùa Giám có công sưu tầm viết lại sách HNGTYT. Như nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát đã chỉ rõ “sự trùng tên giữa các thế hệ khác nhau là một điều tối kỵ trong một ngôi chùa hay một tổ đình”.

Tuy nhiên, giống như tác giả bài viết nọ đã nói rằng có hai Tuệ Tĩnh. Nhưng thật ra không phải là 2 người, mà đó là: Tuệ Tĩnh danh y và Tuệ Tĩnh môn phái. Môn phái Tuệ Tĩnh, xin bạn đọc lưu ý, người viết bài này không tự đặt ra cách gọi này mà chỉ mượn dùng thuật ngữ mà các nhà dịch chú sách HNGTYT đã từng nói đến trong chú thích về Tráng Nho lão có trích ở trên.

Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê cho biết môn phái là danh từ cũ, bây giờ gọi là trường phái, và giải nghĩa trường phái là “nhóm nhà khoa học hay văn nghệ sĩ có chung một khuynh hướng tư tưởng, một phương pháp luận hay một phương pháp sáng tác (thường có một người tiêu biểu đứng đầu).” Theo nội dung ngữ nghĩa vừa nói, rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định sự tồn tại của trường phái y dược Tuệ Tĩnh với những đặc trưng độc đáo không thể lẫn với bất kỳ một trường phái y dược nào khác, kể cả ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trường phái Tuệ Tĩnh không chỉ nổi tiếng với các tuyên ngôn y dược đề cao tinh thần độc lập tự cường, phát huy tối đa nội lực dân tộc như chúng ta đã biết, mà nhờ thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả và y phương minh của nhà Phật nên trường phái này đặc biệt mang tính nhân văn nhân đạo sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm phục vụ nhân dân, xây dựng nền y học toàn dân, y tế cộng đồng sức khỏe cho mọi người. Tuệ Tĩnh đã từng viết trong bài phú chữ Nôm: “Thương dân yểu trát, tiên thánh đà chép để đồ kinh / Vui đạo dưỡng sinh, hậu học sá tìm nơi diệu quyết”, lại nêu rõ đầu bài phú chữ Hán: “Dục huệ sinh dân / Tiên tầm thánh dược” (Muốn giúp sinh dân / Trước tìm thánh dược), đến đoạn cuối bản dịch bài này lại nhấn mạnh: “Góp mọi phương lương dược, rộng tay Phật tổ cứu dân / Nếm một hạt linh đơn, tỏ đạo Thiên tiên độ thế / Người người lên đài nhân cõi thọ sênh sang / Nơi nơi đượm gió mát khí hoà vui vẻ / Mừng thấy; nhân dân ấm chăn chiếu, nhà nước vững núi non / Mới không phụ cái nguyện ước cõi trời Nam rộng khắp ân huệ”. Lão Mai , cũng là một đệ tử “lễ thờ chư Phật mười phương”, người tham gia biên soạn trong HNGTYT cũng đã phát biểu quan điểm của mình: “Vì y giả nhân chi tư mệnh / Xưa Thần Nông đã định phương thư / Lòng nhân mở rộng thừa lưa / Tiến lên cõi thọ, khí hoà gió xuân / Tướng- y, cùng- đạt tuy phân / Đều là giúp nước giúp dân giúp đời” (trong Chứng trị phương pháp) và “Xem tam giáo cũng một đường / Nhân nghĩa thời tường, đạo đức thời sung” (trong Thương hàn cách pháp trị lệ).

Có lẽ nhờ tính khoan dung văn hoá như vậy mà trường phái Tuệ Tĩnh đã thu hút được cả các nhà nho như Tráng Nho lão tham gia biên soạn phần Các đơn thuốc từ các y thư cổ Trung Quốc với quan điểm: “Quốc y cứu thế trước tiên / Trứ thư hằng để dõi truyền lập ngôn”.

Nhờ sự thống nhất khuynh hướng tư tưởng sáng tác ấy mà trường phái Tuệ Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu sáng tạo trong thừa kế phát huy y học cổ truyền, không chỉ đề xướng, cổ xuý, khuyến khích , đẩy mạnh phong trào dùng thuốc Nam trồng kiếm tại chỗ để trị bệnh rộng rãi, kịp thời và rẻ tiền cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo; mà trong việc thừa kế kho tàng y học cổ truyền phương Đông đã tinh tuyển nhiều y lý phương thang đơn giản súc tích mà hiệu quả thực tiễn. Điển hình là tác phẩm Nam Dược Thần Hiệu, như trong Phàm lệ viết rõ: “Sách này phương thuốc giản tiện, lý luận thông thường, ý muốn các nhà nho trong hương thôn, các sư sãi ở chùa chiền, chỉ xem qua một lời là đủ rõ được bệnh, chỉ cho một thứ thuốc mà giảm được thế bệnh, mới hay là trông hẹp mà ý rộng, giản tiện mà cô đọng”.

Đọc NDTH suốt 10 quyển bệnh học với gần bốn ngàn phương thuốc, chỉ duy nhất có một phương thuốc dùng nhân sâm (Quyển 8, mục XIV, tiểu mục 1), đủ nói lên điều khác biệt giữa trường phái Tuệ Tĩnh với một vài trường phái khác, thường dùng sâm tốt hàng lạng, có khi chỉ để sắc lấy nước chiêu uống với các thuốc khác. Đặc biệt, người viết bài này rất tâm đắc với phần Thập tam phương gia giảm, đánh giá đây một tuyển tập phương thang không tiền khoáng hậu trong Đông y cổ kim, bởi tính chất cực kỳ tinh giản trong việc dùng 13 phương thang với phép gia giảm linh hoạt có thể đối trị hầu hết các loại tạp bệnh nội thương ngoại cảm thường gặp của dân ta. Hẹn có dịp sẽ đi sâu phân tích tìm hiểu tác phẩm này.

Cũng cần nói thêm là hầu hết tác phẩm của trường phái Tuệ Tĩnh đều dùng hình thức thơ phú, chủ yếu lại dùng chữ Nôm dễ hiểu, dễ nhớ, giúp việc truyền bá phổ biến rộng rãi tri thức y học đến mọi tầng lớp nhân dân. Thiết tưởng, không chỉ các thầy thuốc, học giả, nhà nghiên cứu riêng ngành y dược cổ truyền mà ngay các phân ngành khác như y học dự phòng, y tế cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khoẻ cũng cần nghiên cứu học tập trường phái Tuệ Tĩnh để rút ra nhiều bài học quý báu áp dụng trong y học thời nay.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!