ĐẠI CƯƠNG VỀ HÓA DƯỢC – DƯỢC LÝ HỌC

4736
Đại cương về Hóa dược - Dược lý học
5/5 - (1 bình chọn)

BÀI 1

ĐẠI CƯƠNG VỀ HÓA DƯỢC – DƯỢC LÝ HỌC

HÓA DƯỢC – DƯỢC LÝ I

MỤC TIÊU HỌC TẬP:

  1. Trình bày được định nghĩa thuốc và cách phân loại.
  2. Nêu được 3 nguyên tắc sử dụng thuốc.
  3. Biết được nội dung và phương pháp học tập môn học.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Khái niệm về thuốc:

1.1 Định nghĩa:

Thuốc là những chế phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên, bán tổng hợp hoặc tổng hợp toàn phần thành những dạng thích hợp để phục vụ cho việc phòng bệnh, chữa bệnh hoặc chẩn đoán bệnh cho con người.

1.2 Phân loại:

Các thuốc được chia thành những loại cụ thể sau:

1.2.1 Thuốc điều trị bệnh:

Có tác dụng chữa nguyên nhân hoặc triệu chứng của một bệnh cụ thể. Thí dụ:

  • Morphin: Chữa triệu chứng đau trong một số trường hợp như chấn thương nặng, phẫu thuật hoặc ung thư giai đoạn cuối.
  • Ampicilin: Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da, mô mềm.

1.2.2. Thuốc phòng bệnh:

Có tác dụng phòng ngừa các bệnh có thể gặp về sau.

Thí dụ: Tiêm Vaccin BCG cho trẻ sơ sinh để phòng lao.

1.2.3. Thuốc hỗ trợ điều trị:

Không có tác dụng chữa bệnh trực tiếp nhưng có tác dụng làm tăng, hỗ trợ hoặc khắc phục các tác dụng phụ của thuốc điều trị nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Thí dụ: Isoniazid dùng để điều trị lao nhưng có tác dụng phụ là gây viêm thần kinh ngoại vi nên thường dùng kèm với Vitamin B6 để phòng tác dụng này.

1.2.4. Thuốc thăm dò, chẩn đoán:

Phục vụ cho việc xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh. Thí dụ :

  • Các chất cản quang có iod được sử dụng rộng rãi trong X-quang chẩn đoán như chụp tủy sống, chụp động mạch, chụp X-quang đường tiêu hoá.
  • Barisulfat dùng chụp X-quang thực quản, dạ dày, ruột.

1.2.5. Thuốc bổ dưỡng, tăng thể lực: như các vitamin, các Acid Amin.

1.3  Nguyên tắc sử dụng thuốc:

Để đảm bảo sử dụng thuốc trong điều trị một cách hợp lý, an toàn và có hiệu quả, cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau:

1.3.1. Chọn phác đồ điều trị với thuốc đặc trị phù hợp, dùng liều tối thiểu có hiệu lực và nguy cơ tác dụng phụ thấp nhất.

Dùng thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian quy định.

1.3.2. Có biện pháp xử lý kịp thời khi sử dụng thuốc quá liều hoặc xảy ra tai biến.

1.3.3. Tuân thủ các nguyên tắc, quy định trongviệc sử dụng các nhóm thuốc như kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc chống viêm không steroid, các corticoid…

2. Các môn học liên quan:

2.1. Môn hóa cơ sở:

Hóa phân tích.

2.2. Môn y cơ sở:

Gồm giải phẫu, giải phẫu bệnh, bệnh lý học.

2.3. Môn dược học:

Dược liệu, bào chế.

3. Nội dung môn học:

3.1. Phần hóa dược:

3.1.1 Học về các nhóm thuốc sắp xếp theo tác dụng dược lý. Thí dụ:

– Thuốc an thần, gây ngủ.

– Thuốc điều trị rối loạn tâm thần.

– Thuốc chữa ho.

– Thuốc kháng sinh.

– Thuốc chữa lao…

3.1.2. Trong mỗi nhóm thuốc sẽ có 2 phần:

– Phần đại cương: Trình bày những đặc điểm chung của nhóm thuốc.

– Phần thuốc cụ thể: Trình bày một số thuốc chính của nhóm.

Mỗi thuốc sẽ học các mục:

  • Tên chính (tên gốc, tên generic)
  • Tên biệt dược thông dụng.
  • Công thức hóa học (chỉ với thuốc điển hình của mỗi nhóm)
  • Tính chất.
  • Tác dụng và cơ chế tác dụng.
  • Đặc điểm dược động học.
  • Chỉ định.
  • Cách dùng và liều lượng.
  • Tác dụng không mong muốn.
  • Chống chỉ định và những điều cần lưu ý khi sử dụng.
  • Phương pháp bảo quản.
3.2. Phần dược lý:

Học về tác dụng của thuốc trong cơ thể, bao gồm quá trình hấp thu, phân bố,chuyển hoá và thải trừ thuốc.

3.3. Các thuốc học trong chương trình sẽ được lồng ghép giữa Hóa dược và Dược lý.

4. Phương pháp học tập:

Áp dụng phương pháp học tập chủ động

  • Nghe giảng trên lớp kết hợp với tự học và tham khảo tài liệu có liên quan.
  • Gắn liền học tập lý thuyết trong nhà trường với thực tế ngành dược, với các thuốc thông thường đang sử dụng trong phòng và điều trị bệnh cho con người.

ĐẠI CƯƠNG VỀ HÓA DƯỢC – DƯỢC LÝ HỌC./.

Tham khảo giáo trình khác tại đây

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!