Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cúc Liên Chi Dại trang 98 – 99, tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là cây chứng ếch, Camomille sauvage.
Tên khoa học Parthenium hysterophorus L. (Argyrochoeta bipinnatyfida Cav, Villanova bipinnatifida Orteg.).
Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Mô tả cây
Cúc liên chi dại là một loại cỏ mọc hoang ở khắp nơi, sống hàng năm, cao chừng 0,30-1m, rất nhiều cành, toàn thân cành đều có lông ngắn. Lá mọc so le, lá phía dưới 2 lần xẻ lông chim, gần như không có cuống, thùy tù, lá phía trên chẽ lồng chim hoặc nguyên. Cụm hoa hình đầu, tụ thành chuỳ. Tổng bao 6-7mm hình bán cầu, có hai loại lá bắc: 5 lá bắc ở phía trong rộng hơn, hình khiên, mọc đối so với lá bắc ngoài: 5 hoa cái. Quả bế 5 do các hoa cái ở xung quanh sinh ra
Phân bố
Nguồn gốc cây này ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Mọc khắp ở Việt Nam, nhiều nhất ở các nơi đất bỏ hoang ở Hà nội.
Thành phần hoá học
Chưa được nghiên cứu kỹ. Theo các tài liệu, trong cây này có chứa một ancaloit gọi là parthenin dưới dạng vảy mỏng, đen, rất đắng, tan trong nước. Theo Guyot, đây không phải là một chất nguyên, mà là một phức chất giống như digitalin hay scillitin.
Chất Parthenin được coi là hoạt chất của cây:100mg hoà tan trong nước đặt trên lưỡi sẽ gây chảy nước bọt rất nhiều. Nó có tác dụng chữa nhức đầu thường xuyên hay từng cơn. Theo Guyot thì nó không có tác dụng chữa sốt.
Gần đây Ulrici ở La Havana đã chiết từ lá và hoa cây này một ancaloit gọi là pacthenixin dưới dạng tinh thể không màu, bóng và đắng. Chất pacthenixin độc ở liều cao và được đề nghị dùng với liều 1g một ngày để chữa sốt, nhức đầu.
Công dụng và liều dùng
Cây này chưa thấy được dùng ở Việt Nam. Tại các nước khác, như ở đảo Giamaic, người ta dùng cây để chữa các vết loét, một số bệnh ngoài da, đặc biệt chữa bệnh sang bạch hành (herpes).
Chất parthenin dùng với liều nhỏ, tăng dần từ 100mg đến 2g sẽ gây trong dạ dày một cảm giác nóng và giúp sự tiêu hoá.
Chú ý nghiên cứu thêm.