Cây Cát Sâm (Cây Sâm Nam) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

418
Cây Cát Sâm
Cây Cát Sâm
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cát Sâm trang 901-902 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là Sâm Nam, Sâm Chuột, Ngưu Đại Lực, Sơn Liên Ngẫu, Đại Lực Thự.

Tên khoa học Millettia speciosa Champ.

Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

Cát là sắn. Vị thuốc giống củ sắn lại có tác dụng bổ do đó có tên cát sâm.

Mô tả cây

Cát sâm là một loại cây nhỡ, có những cành mọc tựa, có rễ củ mẫm, vị hơi ngọt, mát. Lá kép lông chim lẻ, có lá kèn. Lá chét mọc đối. Lá non và cành non có phủ lông mềm màu xanh xám. Hoa dài 10-25mm, đài hình ống, miệng loa rộng. cánh hoa màu đỏ hay hơi tím. Nhị 10. Vài hình sợi. Quả dẹt trong chứa 1-10 hạt hình thấu kính, rốn rộng và ngắn 

Cây Cát Sâm
Cây Cát Sâm

Phân bố, thu hái và chế biến

Cát sâm mọc hoang tại những vùng đối núi của nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình. Một số nơi trồng để lấy củ làm thuốc. Rễ củ đào ở những cây đã trồng được hơn một năm, vào thu đông, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác, hoặc tẩm nước gừng hoặc nước mặt rồi sao vàng. 

Thành phần hóa học

Có ancaloit (Sở thí nghiệm dược phẩm Quảng Châu-Nông thôn trung thảo dược chế tễ kỹ thuật 1971, 237).

Công dụng và liều dùng

Tại nhiều vùng cát sâm được coi như vị thuốc bổ mát, do đó mới có tên sâm. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược, ho, sốt khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác dưới dạng sắc. Mỗi ngày dùng 10-20g, có thể dùng tới 40g.

Nhân dân các tỉnh miền Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây) cũng dùng làm thuốc chữa đau nhức thấp khớp, đau lưng, viêm gan mãn tính, ho. Ngày uống 40-80g dưới dạng thuốc sắc

Đơn thuốc có Cát Sâm dùng trong nhân dân 

Thuốc bổ dùng cho những người yếu, ho, sốt khát nước

Cát sâm 12g, mạch môn 12g, thiên môn 8g. vỏ rễ dâu 8g, nước 400ml, sắc còn 200ml chia một ba lần uống trong ngày.

Thuốc chữa sốt, khát nước

Cát sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo 4 g, nước 400ml, sắc còn 200ml. Chia ba lần uống trong ngày.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!