Cây Cải Canh – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

183
Cây Cải Canh
Cây Cải Canh
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cải Canh trang 727-729 tải bản PDF tại đây.

Còn có tên là cải dưa, cây rau cải, giới tử.

Tên khoa học Brassica juncea (L.) Czerm et Coss. (Sinapis juncea L.).

Thuộc họ Cải Brassicaceae.

Giới tử Sinapis – Semen Sinapis hay Semen Brassicae junceae là hạt phơi hay sấy khô lấy ở quả chín của cây cải canh.

Mô tả cây

Cải canh là một loài cỏ mọc một năm hay hai năm có thể cao tới 1m hoặc 1,50m. Lá phía dưới có rãnh sau, phiến lá lượn sóng, mép có răng cưa to thổ. Hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, màu vàng. Quả hình trụ có mỏ ngắn. Hạt hình cầu, đường kính 1-1,6mm, 100 hạt chỉ nặng chừng 0,20g. Vỏ ngoài màu vàng hay vàng nâu, một số ít có màu nâu đỏ. Nhìn qua kính lúp sẽ thấy mặt hạt có những văn hình mạng, tế là một chấm rất rõ, ngâm nước sẽ phồng to, sau khi loại bỏ vỏ, hạt sẽ lộ ra hai lá mầm. Hạt khô không có mùi, vị như có dầu lúc đầu, nhưng sau có vị cay nóng. Tán nhỏ với nước sẽ có tinh dầu mùi hắc xông lên.

Hình ảnh Cây Cải Canh
Hình ảnh Cây Cải Canh

Phân bố, thu hái và chế biến

Được trồng ở nước ta để lấy rau ăn. Hiện nay ta chưa thu hoạch hạt để dùng làm thuốc hoặc ép dầu. Cho đến nay, ta vẫn còn phải nhập giới tử của Trung Quốc. Ở Trung Quốc người ta trồng rau cải để ăn rau, lấy hạt ép dầu và làm thuốc. Hạt lấy ở những quả chín phơi khô mà dùng. Phơi hay sấy phải ở nhiệt độ dưới 50° để bảo vệ các men có tác dụng.

Thành phần hoá học

Trong giới tử có một glucozit gọi là sinigrin, chất men myroxin, axit sinapic C11H12O5, một ít ancaloit gọi là sinapin C16H25NO6, chất nhầy, chất protit và chừng 37% chất béo trong đó chủ yếu là este của axit sinapic, axit arachidic và axit linolenic.

Sinigrin hay sinigrozit là chất myronat kali C10H16NO9S2K, khi bị myroxin thuỷ phân sẽ cho sunfat axit kali, glucoza và izothioxyanat alyla.

Chất izothioxyanat alyla là một tinh dầu có độ sôi 151°C, có tính chất kích thích mạnh.

Nếu tán nhỏ giới tử, thêm nước, trộn đều và để một ngày rồi thêm nước vào mà cất thì sẽ được chừng 0,93% tinh dầu không màu, trong đó có chừng 90% izothioxyanat alyla. Dược thư Trung Quốc quy định giới tử phải có ít nhất 0,6% tinh dầu (loại tốt có thể có tới 1,4%). Tạp chất hữu cơ không được quá 5%.

Chất myroxin ở nhiệt độ trên 60° sẽ bị phá huỷ, do đó khi phơi khô, sấy hay chế thuốc không được dùng nhiệt độ cao quá 50°C. Những chất như cồn, axit có tính chất làm vón protit, cũng phá huỷ tác dụng của myroxin.

Công dụng và liều dùng

Giới tử được dùng làm thuốc chữa ho, viêm khí quản, ra mồ hôi, dùng ngoài dưới dạng cao đán để gây đỏ da và kích thích da tại chỗ, trị đau dây thần kinh, dùng lau có thể gây da mọng nước. Ngày uống 3-6g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột.

Đơn thuốc có giới tử

(xem vị la bặc tử).

Thuốc cùng loại:

Cỏ bạch giới tử và hắc giới tử. Cả hai loại này đều có thể trồng ở Việt nam, nhưng vì chưa chú ý nên còn phải nhập.

  • Hắc giới tử Semen Sinapis nigrae là hạt phơi khô của cây hắc giới tử Brassica nigra Koch. Cây mọc hàng năm, quả ngắn, bóng; trong mỗi quả có 10-12 hạt. Hạt nhỏ, đường kính 1mm, 100 hạt nặng 0,14-0,17g.

Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc màu đen, trên mặt đôi khi có những mảnh mỏng trắng do tế bào chứa chất nhầy bị khô mà thành. Vỏ hạt mỏng, dòn có những vân hình mạng, tễ khá rõ.

Thành phần và công dụng giống như giới tử.

Bạch giới tử Semen Sinapis albae là hạt phơi khô của cây Brassica alba Boiss. Quả có lông, mỏ dài, mỗi quả chỉ có 4-6 hạt. Hạt nhỏ, hình cầu, đường kính 1,5-3mm. Mỗi 100 hạt nặng chừng 0,50g, mặt ngoài màu vàng nhạt hay vàng nâu, có văn hình mạng rất nhỏ.

Thành phần hoá học của bạch giới tử. Trong bạch giới tử có chất nhầy, chất glucozit gọi là sinanbin (Sinalbin) C, H,N,S,Os, men myroxin và ancaloit gọi là sinapin.

Thuỷ phân sinanbin bằng myroxin ta sẽ được Glucoza, Sunfat axit kali, sunfat axit sinapin và izothicxyanat p. hydroxybenzyla.

Thuỷ phân sunfat axit sinapin bằng Ba(OH), ta sẽ được colin, axit sinapic và bary sunfat:

Chất izothioxyanat p. hydroxybenzyla là một chất dầu màu vàng, vị cay nóng, có tính chất gây đỏ da, có thể gây phồng da.

Bạch giới tử được dùng trong đông ý để chữa ho, ép dầu và để chế mù tạc (một thứ gia vị dùng cả trong nhân dân châu Á và châu u).

Theo tài liệu cổ bạch giới tử có vị cay, tính ôn, vào kinh phế. Có tác dụng lợi khi trục đờm, ôn trung khai vị, tiêu thũng giảm đau. Dùng chữa ngực bụng đầy trướng, chữa ho, suyễn hơi đưa lên. Dùng ngoài đồ thũng độc.

Để phân biệt giới tử, hắc giới tử và bạch giới tử ta có thể dùng một số phản ứng hoá học như sau

1. Giới tửhắc giới tử. Lấy 3 hạt tán dập trong một cối sứ thêm 3 giọt dung dịch KOH 10%, nếu là giới tử có màu vàng, để lâu sẽ chuyển sang màu vàng lục.

2. Bạch giới tử. Lấy 1g hạt, thêm 10ml nước đun sôi, lọc. Thêm 5 giọt thuốc thử (Milon). Để vài phút nếu chuyển màu đỏ tức là bạch giới tử, không có màu đỏ tức là giới tử.

Phối hợp với nhận xét bề ngoài ta thấy:

1. Bạch giới tử. Vỏ màu trắng hoặc hơi vàng, đa số có đường kính 2mm, cho phản ứng của bạch giới tử.

2. Giới tử. Vỏ màu vàng sẫm, đến vàng nâu, đa số có đường kính 1mm, không cho phản ứng bạch giới tử.

Ngoài giới tử, bạch giới tử và hắc giới tử, trong đông y còn dùng:

Vân đài tử là hạt phơi khô của cải thìa Bras- sica campestris L. var. oleifera DC., thuộc họ Cải (Brassiceae). Cây mọc một năm hay hai năm, cao tới 1m, than nhẵn hoặc hơi có lông. Lá phía dưới xẻ sâu, lá phía trên xẻ nòng hơn, hoa màu vàng. Quả hình trụ dài 2-4cm; đường kính 5mm, ở đầu có mỏ hơi dài ra. Hạt hình cầu, đường kính 1-2mm, vỏ màu nâu đen hay đỏ nâu, một số có màu vàng; nhìn qua kính lúp sẽ thấy các vân mạng và tễ; không có mùi, vị nhạt, hơi có vị dầu.

Cây cải này được trồng ở khắp nơi trong nước ta để nấu canh, muối dưa, nhưng chưa khai thác lấy hạt. Trong hạt có 40-50% dầu, 23% protit, một glucozit khi thuỷ phân sẽ cho 0,40-0,60% tinh dầu với thành phần chủ yếu là crotonylaizothioxyanat. Còn dùng trong phạm vi nhân dân (Trung Quốc hay dùng hơn) làm thuốc giúp sự sinh nở dễ dàng, đẻ xong vẫn đau bụng. Liều dùng 6-9g. Chú ý để tránh nhầm lẫn với các giới tử khác.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!