Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cà Dái Dê Tím trang 250-251 tải bản PDF tại đây.
Tên khoa học Solanum melongena L.
Thuộc họ Cà Solanaceae.
Mô tả cây
Cây cao 0,75 đến 2,5m, thân có gai, đôi khi không gai. Lá có gai và nhiều lông, phiến lá hình bầu dục hay thuôn dài, đầu nhọn, phía gốc tròn hay lệch, dài 8-15cm, rộng 4-8cm, cuống lá dài 2-4cm. Hoa màu tím xanh, mọc thành xim có cuống, gồm 1-3 hoa. Quả có hình dáng, kích thước và màu sắc rất thay đổi. Hạt nhỏ trắng hình đĩa.
Tên Solanum melongena còn dùng để chỉ cây cà bát
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây được trồng khắp nơi để lấy quả làm thức ăn. Người ta còn dùng quả làm thuốc. Quả làm thức ăn hay làm thuốc thu hái như nhau. Rễ đào về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô cũng được dùng.
Thành phần hóa học
Trong quả cà tươi có tới 90% nước, rất ít protit (0-1,4%), chất béo còn ít hơn (0,05-0,10%). Người ta đã tìm thấy trong cà axit cafeic, cholin, và trigonellin.
Màu tím của cà do các sắc tố anthoxynozit chủ yếu là chất violanin thủy phân thành 2 phân tử glucoza, rhamnoza và ete p.cumaric của delphinidol.
Công dụng và liều dùng
Ngoài công dụng làm thức ăn, cà được trồng trong nhân dân làm thuốc lợi tiểu, thông mặt, để phòng chứng vữa động mạch (atherome) do tác dụng chống cholesterol, giống như công dụng của lá actiso.
Rễ cây, cuống ra quả sắc uống để chữa tiểu tiện ra máu, ỉa ra máu và lỵ ra máu. Hạt còn có tác dụng lợi tiểu.
Ngày dùng 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.