Thông tin thuốc Piracetam – thuốc nootropic, cải thiện não bộ

7
Piracetam
Piracetam
Đánh giá

Piracetam và nhóm Nootropic

Đầu những năm 1960, các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu nhằm tìm ra hợp chất dẫn truyền thần kinh có cấu trúc tương tự GABA, có thể vượt qua hàng rào máu não và có khả năng hỗ trợ giấc ngủ. Tại thời điểm đo, các nhà nghiên cứu đã thành công tìm ra một phân tử có khả năng xâm nhập vào não, nhưng lại không có khả năng hỗ trợ giấc ngủ.

Vào khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1964, Corneliu E Giurgea (1923-1995) cùng nhóm của ông đã thực hiện hàng trăm cuộc thử nghiệm để khám phá ra 1 phân tử mang tên piracetam, có cơ chế hoạt động độc đáo với các hoạt động tích hợp cấp độ cao của não, và để phân loại nó, chúng ta cần 1 phân loại hoàn toàn mới.

Piracetam
Công thức cấu tạo của Piracetam

Năm 1972, Giugea đã đề xuất 1 phân loại hoàn toàn mới, được gọi là “nootropic”, nghĩa là “hướng tới tâm trí”. Cho đến ngày nay, ông vẫn được coi là cha đẻ của nootropic với những công trình và đóng góp to lớn của mình.

Piracetam được sản xuất lần đầu tiên và được tiếp thị bởi UCB Pharma vào năm 1971. Mặc dù, tại Mỹ, nó không được FDA chấp thuận cho bất kỳ mục đích sử dụng nào trong y tế và thực phẩm, nhưng ở Anh, piracetam được coi là thuốc kê đơn chủ yếu cho chứng rung giật cơ. Ngoài ra còn được sử dụng không chính thức cho các bệnh lý khác liên quan đến trí nhớ, khả năng nhận thức và học tập ở trẻ em, chứng rối loạn nhận thức ở người cao tuổi và tắc mạch do tế bào hồng cầu hình liềm.

Đặc điểm dược lý của Piracetam

Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của piracetam nói riêng và các racetam khác nói chung chưa được hiểu biết đầy đủ.

Đối với hệ thần kinh, Piracetam thúc đẩy sự dẫn truyền thần kinh của hệ thống glutamatergic và hệ cholinergic, tăng cường tính dẻo dai của sợi thần kinh. Ngoài ra còn làm trung gian cho các tác dụng bảo vệ thần kinh và chống co giật.

Đối với mạch máu, Piracetam có khả năng cải thiện vi tuần hoàn bao gồm cả lưu lượng máu não và thận thông qua việc làm giảm sự kết dính của hồng cầu với thành tế bào và giảm co thắt mạch.

Dược lực học

Tác dụng trên thần kinh

Piracetam gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, mạch máu và nhận thức mà không gây tác dụng an thần hoặc kích thích đối với hệ thần kinh trung ương. Sử dụng Piracetam được chứng minh là làm tăng lưu lượng tuần hoàn máu và tăng lượng oxy tiêu thụ trong các bộ phận của não.

Các thử nghiệm cho thấy, Piracetam cải thiện hoạt động của acetylcholine thông qua kích thích trên các thụ thể muscarinic cholinergic và ảnh hưởng 1 phần đến các thụ thể NMDA glutamate, có liên quan trực tiếp đến quá trình học tập và ghi nhớ.

Piracetam làm tăng mật độ các thụ thể ở chùy sau synap và/hoặc khôi phục chức năng các thụ thể này thông qua ổn định tính chất màng. Ngoài ra, Piracetam còn bảo vệ các tế bào thần kinh khi thiếu oxy, nhiễm độc hay khi dùng liệu pháp sốc điện nhờ tăng khả năng miễn dịch của não trong điều kiện thiếu hụt oxy.

Thông qua khả năng điều hòa hoạt động của các kênh ion (Na+, K+), Piracetam làm tăng tiêu thụ oxy não và làm tăng hoạt động adenylate kinase trong não chuột. Sự có mặt của các phân tử thuốc dường như làm tăng tổng hợp cytochrome b5, 1 phần cơ chế vận chuyển electron trong ti thể, tăng tính thấm một số chất trung gian chu trình Krebs thông qua màng ngoài ti thể và làm giảm mức độ mất tế bào thần kinh khi điều trị cai rượu ở chuột.

Sử dụng piracetam trước khi kích thích co giật làm giảm mức độ co giật và tăng cường hiệu quả chống co giật của các thuốc chống co giật thông thường.

Tác dụng trên mạch máu

Piracetam làm giảm khả năng kết tập tiểu cầu, tăng tính đàn hồi và khả năng biến dạng cũng như giảm sự kết dính của hồng cầu với nội mô mạch máu, giảm co thắt mao mạch. Ở những người bình thường khỏe mạnh, piracetam làm tăng tổng hợp prostacyclin, giảm nồng độ fibrinogen và các yếu tố đông máu trong huyết tương (VIII: C; VIII R: AG; VIII R: vW) tới 30 – 40%.

Dược động học

Hấp thu: Sau khi dùng đường uống, Piracetam hấp thu hầu như hoàn toàn và nhanh chóng thông qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng (F) đường uống của thuốc đạt xấp xỉ 100% và thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1 giờ sau khi dùng. Ở liều đơn 3.2g piracetam, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương (Cmax) đo được là 84 µg/mL. Nồng độ trong huyết tương đạt được trạng thái ổn định trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Sự có mặt của thức ăn trong đường tiêu hóa làm giảm Cmax của thuốc đi 17% và Tmax tăng từ 1 đến 1.5 giờ.

Phân bố: Piracetam có thể qua được hàng rào máu não, hàng rào nhau thai và màng hồng cầu, chúng phân bố ở tất cả các mô trừ mô mỡ với thể tích phân bố toàn thân đo được xấp xỉ 0.6 L/kg thể trọng.

Chuyển hóa: Chưa rõ về cơ chế chuyển hóa và sản phẩm chuyển hóa chính của piracetam.

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) trong huyết tương khoảng 5 giờ và trong dịch não tủy khoảng 8.5 giờ. Bài xuất qua nước tiểu 80-100% (90% dưới dạng không đổi). Độ thanh thải toàn cơ thể là 80-90 mL/phút.

Chỉ định của Piracetam

Piracetam được sử dụng trong y khoa như 1 thuốc kê đơn để điều trị:

  • Các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ,… do thiểu năng tuần hoàn não.
  • Ở người cao tuổi: Cải thiện các tình trạng bao gồm chứng mất trí nhớ, chóng mặt, kém tập trung, hoặc thiếu tỉnh táo, thay đổi khí sắc, rối loạn hành vi, kém chú ý đến bản thân, sa sút trí tuệ do nhồi máu não nhiều ổ.
  • Ðột quỵ thiếu máu cục bộ cấp.
  • Ðiều trị nghiện rượu.
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
  • Dùng bổ trợ trong điều trị giật rung cơ có nguồn gốc vỏ não.
  • Chứng khó đọc ở trẻ em

Liều dùng và cách dùng Piracetam

Liều dùng của Piracetam

Liều chỉ định khuyên dùng của Piracetam trong từng trường hợp cụ thể được trình bày trong ảnh sau đây:

Piracetam
Liều dùng của Piracetam

Cách dùng thuốc Piracetam hiệu quả

Piracetam có thể dùng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Có thể dùng trước hoặc trong bữa ăn. Uống cùng 1 cốc nước đầy, không cắn hay bẻ nát viên.

Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng Piracetam trong các trường hợp:

  • Người bệnh suy thận nặng (hệ số thanh thải creatinin dưới 20 ml/phút).
  • Người mắc bệnh Huntington.
  • Người bệnh suy gan.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR >1/100

Toàn thân: Mệt mỏi.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, trướng bụng.

Thần kinh: Bồn chồn, dễ bị kích động, nhức đầu, mất ngủ, ngủ gà.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Chóng mặt.

Thần kinh: Run, kích thích tình dục.

Tương tác thuốc

Vẫn có thể tiếp tục phương pháp điều trị kinh điển nghiện rượu (các vitamin và thuốc an thần) trong trường hợp người bệnh bị thiếu vitamin hoặc kích động mạnh.

Ðã có một trường hợp có tương tác giữa piracetam và tinh chất tuyến giáp khi dùng đồng thời: Lú lẫn, bị kích thích và rối loạn giấc ngủ.

Ở một người bệnh thời gian prothrombin đã được ổn định bằng warfarin lại tăng lên khi dùng piracetam.

Lưu ý khi dùng và bảo quản

Lưu ý và thận trọng

Vì piracetam được thải qua thận, nên nửa đời của thuốc tăng lên liên quan trực tiếp với mức độ suy thận và độ thanh thải creatinin. Cần rất thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh bị suy thận và theo dõi chức năng thận thường xuyên trong suốt quá trình điều trị thuốc.

Điều chỉnh liều đối với bệnh nhân có hệ số thanh thải của creatinin (CrCl) dưới 60 ml/phút hoặc Cr huyết thanh trên 1,25 mg/100 ml:

  • CrCl từ 60 – 40 ml/phút, Cr huyết thanh từ 1,25 – 1,7 mg/100 ml: Chỉ định với liều bằng 1/2 liều bình thường.
  • CrCl từ 40 – 20 ml/phút, Cr huyết thanh từ 1,7 – 3,0 mg/100 ml: Dùng 1/4 liều chỉ định thông thường.
  • Không dùng cho người có CrCl dưới 20 ml/phút, Cr huyết thanh > 3.0 mg/100 ml.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Piracetam có thể qua nhau thai. Không nên dùng thuốc này cho người mang thai.
Không dùng piracetam cho người cho con bú.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc

Piracetam có thể gây ra các biểu hiện đau nhức đầu, chóng mặt trong quá trình sử dụng. Nếu có các biểu hiện này cần tránh làm việc cần tỉnh táo cao.

Quá liều và xử trí

Piracetam không độc ngay cả khi dùng liều rất cao. Không cần thiết phải có những biện pháp đặc biệt nếu dùng quá liều.

Bảo quản

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, ở nhiệt độ phòng.

Các chế phẩm có chứa Piracetam hiện nay

Piracetam là thuốc được kê thường xuyên để điều trị các chứng đau đầu, rung giật cơ và các tổn thương chức năng não bộ khác. Thuốc có sinh khả dụng và ổn định cao khi dùng cả đường uống và đường tiêm, do đó các dạng bào chế khác nhau của thuốc nhanh chóng được phát triển và phân phối ngoài thị trường như:

Viên nén 400mg, 800mg, 1200mg: Vaco-piracetam 400, Piracetam Egis 800, Piracetam Traphaco, Nootropil 800mg, Neni 800, Boricetam, Vipicetam 800, Maxxviton 800, Welltam 800, Geratam,

Viên nang: Piracetam 400 mg. Piracetam 800mg, Normabrain, Diorophyl, Eustam, Eloge Piracetam, Piracetam Capsule, Boricetam Caps, ……

Dung dịch uống hàm lượng 250 g/125 ml; ống 1,2 g/6 ml: Ceretrop, Davinfort, Piracetam Syrup, Nupigin, Ucogen, BFS piracetam, Autitam, Orilop, ..

Ống tiêm 1 g/5 ml; 3 g/ml: Piracetam Inj, Pirimas, Ape Cetam, Welcetam, Piracetam Kabi, P-tam, Spacetin,……….

Tài liệu tham khảo

  1. Bengt Winblad (Ngày đăng: 7 tháng 6 năm 2006). Piracetam: A Review of Pharmacological Properties and Clinical Uses, PMC. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  2. Andrei G Malykh 1, M Reza Sadaie (Ngày đăng: ngày 12 tháng 2 năm 2012). Piracetam and piracetam-like drugs: from basic science to novel clinical applications to CNS disorders, Pubmed . Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  3. YU FANG và cộng sự (Cập nhập: tháng 2 năm 2014). Effect of piracetam on the cognitive performance of patients undergoing coronary bypass surgery: A meta-analysis, PMC. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  4. M W Vernon 1, E M Sorkin (Ngày đăng: tháng 1 năm 1999). Piracetam. An overview of its pharmacological properties and a review of its therapeutic use in senile cognitive disorders, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  5. M Paczynski (Ngày đăng: tháng 10 năm 1997). Piracetam: a novel therapy for autism?, Pubmed . Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!