Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Sầu Riêng trang 945 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là thu ren (Cămpuchia), durio.
Tên khoa học Durio zibethinus Murray.
Thuộc họ Gạo Bombacaceae.
Mô tả cây
Sầu riêng là một cây to cao tới 25m. Lá mọc so le, đơn, nguyên, hình trứng thuôn dài, đầu nhọn, dày, trên mặt có những long vảy. Hoa mọc thành xim ở những đốt trên cành.
Quả to, hình đầu hay hình trứng dài, vỏ cứng, trên mặt vỏ rất nhiều gai ngắn, nhọn. Quả có 5 ngăn, mỗi ngăn chứa 3-5 hạt; quanh hạt có chất cơm màu trắng vàng mùi đặc biệt, chưa quen thì không thích nhưng đã quen rồi thì rất thơm. Hạt có lá mầm dày.
Phân bố, thu hái và chế biến
Sầu riêng được trồng rất nhiều ở miền Nam: nước ta. Ngoài ra còn được trồng ở Campuchia, Malaixia. Trồng chủ yếu để lấy quả ăn. Người ta cho quả sầu riêng rất bổ đối với trẻ em.
Làm thuốc người ta còn dùng rễ, lá. Dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học
Trong 100g cơm sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% chất đạm, 2,7% chất béo, 16,2% chất đường và nhiều chất khác.
Công dụng và liều dùng
Quả sầu riêng vừa là một quả ngon, lại là một quả ăn có tác dụng kích thích sinh dục. Rễ và lá còn được dùng làm thuốc chữa sốt và chữa bệnh về gan, da vàng.
Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc.
Lá còn dùng dưới dạng nấu nước tắm cho những người vàng da do bệnh gan.
Hạt sầu riêng rang lên hay nấu chín ăn được. Có thể làm thành kẹo, mứt.