Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Mã Thầy trang 274 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là Củ Năn, Bột Tề.
Tên khoa học Heleocharis plantaginea R. Br.
Thuộc họ Cói Cyperaceae.
Mô tả cây
Cây có củ to, mọc dưới nước. Thân không có lá, tròn dài, gần như chia đốt, ngoài mặt có khía đọc, phía trong có nhiều vách ngang. Lá được thay thế bởi những bẹ hình trụ. Cụm hoa chỉ gồm có một bông nhỏ màu vàng nâu ở ngọn.
Theo Merrill thì loài mã thầy Heleocharis tuberosa (Roxb.) Schult, cũng chỉ là một dạng đã được tuyển chọn và đưa vào trồng trọt của loài Heleocharis plantaginea. Dạng trồng này rất ít khi ra hoa
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mã thầy được nhân dân những vùng núi cao lạnh gắn biên giới Việt Nam-Trung Quốc trồng để lấy củ ăn.
Củ mã thầy (miền Nam gọi là củ năng) to bằng củ hành, ngoài có lớp vỏ màu nâu đen. Khi dùng thì cạo bỏ lớp vỏ này rồi ăn sống hay nấu với thịt. Có khi được nấu chè ăn cho mát.
Thành phần hóa học
Củ mã thầy chứa tới 77% hydrat cacbon (gồm tinh bột và đường với số lượng bằng nhau), 8% protein (theo Hooper), nhưng có tác giả lại phân tích thấy trong mã thấy có 60% tinh bột và 7% protein và một ít đường (theo Hemmi).
Năm 1945, Chen và cộng sự (An antibiotic substance in the Chinese Water Chesnut Heleocharis tuberosa-Nature 156: 234-Anh) nghiên cứu thấy dịch ép của củ mã thầy có tác dụng ức chế đối vị với trùng staphylococcus và vi trùng coli.
Công dụng và liều dùng
Ngoài công dụng làm thức ăn bổ và mát, mã thầy được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát (đường tiện), bệnh về gan (vàng da), trường hợp nhiệt (lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ). Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc.