Bèo tây (lục bình, lộc bình, bèo nhật bản) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

568
Bèo Tây
Bèo Tây
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Bèo Tây trang 124 – 125, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là bèo Nhật Bản, lộc bình.

Tên khoa học Eichhornia crassipes Solms.

Thuộc họ Bèo tây Pontederiaceae.

Tên bèo tây vì nguồn gốc ở nước ngoài đưa vào. Tên bèo Nhật Bản vì có người cho rằng từ Nhật đưa về. Lộc bình do cuống lá phình lên giống lọ lộc bình.

Mô tả cây

Cây thảo, sống nổi ở nước hay những nơi ẩm ướt. Lá mọc thành hình hoa thị, có cuống phồng lên thành phao nổi, trông giống như chiếc lọ lộc bình. Đây là một cây được nhập vào nước ta từ 1905 (không rõ từ nước nào), nhưng mọc lan rất nhanh khắp nơi, do đó nhân dân gọi là bèo Nhật Bản hay bèo tây để chỉ nguồn gốc ngoại lai, khác với cây bèo cái vốn sẵn có lâu đời ở nước ta.

Gân lá hình cung, hoa mọc thành chùm ở ngọn. Hoa không đều, màu xanh nhạt, đài và tràng cùng màu, dính liền với nhau ở gốc. Cánh hoa trên có một đốm vàng 6 nhị, 3 dài, 3 ngắn. Bầu thượng 3 ô đựng nhiều noãn. Quả nang

Hoa và lá bèo tây
Hoa và lá bèo tây

Phân bố, thu hái và chế biến

Như trên đã nói, cây vốn không có ở nước ta. Được đưa vào trồng ở nước ta từ 1905 để làm thức ăn cho lợn và làm phân xanh.

Chỉ từ mấy năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền nam nước ta nhân dân dùng toàn lá cây này giã nát với ít muối trắng đắp lên những vết sưng tấy hay bị viêm có kết quả tốt. Thường chỉ dùng tươi. Hái quanh năm không phải chế biến gì khác.

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Trước đây người ta chỉ nhận xét đây là một cây dễ trồng, cho lợn ăn chóng béo.

Công dụng và liều dùng

Chỉ mới thấy dùng đắp bên ngoài khi bị đau (mụn nhọt, vết thương) thì hái một nắm bèo tây rửa sạch, giã nát, thêm một ít muối trắng rồi đắp lên nơi sưng tấy. Khô thì lại thay miếng đắp khác. Ngày thay hai hay ba lần.

Thường những vết tẩy rút rất nhanh. Nếu chưa nung mủ thường sẽ tan, nếu đã nung mủ rồi thời gian nung mủ rút ngắn, chóng vỡ hay chóng trích được hơn.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, nhân dân thường dùng cây bèo Nhật Bản đắp lên những nơi sưng tấy, viêm loét do các chất độc hóa học của giặc gây ra, có nhiều kết quả tốt.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!