Thông báo 266/TB-VPCP KL của Phó thủ tướng CP tại cuộc họp liên nghành về an toàn thực phẩm

741
Thông báo 266/TB-VPCP năm 2018
Thông báo 266/TB-VPCP năm 2018
5/5 - (1 bình chọn)
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 266/TB-VPCP Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày 20 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo và đại diện các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, của Văn phòng Chính phủ về Tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong quý II năm 2018, đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận:

  1. Trong thời gian qua, nhìn chung việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thực phẩm sạch, an toàn ngày càng nhiều, nhất là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ về thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức. Tình trạng thực phẩm nhiễm vi sinh chưa giảm; một số quy trình, thủ tục về an toàn thực phẩm vẫn còn vướng mắc; tình trạng đầu tư sản xuất sạch theo các quy trình tiên tiến tại các trang trại gần đây có dấu hiệu nguội đi; quảng cáo, kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng diễn biến phức tạp.

Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý an toàn thực phẩm theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần quán triệt các nguyên tắc: Kiên quyết điều chỉnh phương thức, quy trình quản lý theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, quản lý dựa trên nguy cơ như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế; phấn đấu bảo đảm thực phẩm tiêu dùng trong nước cũng phải đáp ứng các yêu cầu như đối với thực phẩm xuất khẩu; trước hết là thực hiện quyết liệt tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Giao Bộ Y tế:
  2. a) Sớm có đánh giá để nhân rộng mô hình quản lý an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhất là về vấn đề cơ quan chuyên trách và việc bố trí nhân lực; hoàn thành Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ trước 31 tháng 7 năm 2018.
  3. a) Khẩn trương tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ), bảo đảm đồng bộ với phương thức quản lý an toàn thực phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm, trong đó lưu ý đổi mới quy trình xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
  4. c) Khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm, dần thay thế cho cách thức tổng hợp, báo cáo bằng văn bản như hiện nay.

Bộ Y tế làm việc với Ngân hàng thế giới, đề nghị Ngân hàng thế giới hỗ trợ xây dựng và thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm và có dự án hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm theo các Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

  1. d) Chủ trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng; lập danh sách các sản phẩm quảng cáo nhưng không công bố sản phẩm, quảng cáo quá mức, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để xem xét xử lý người quảng cáo, nhà phát hành quảng cáo theo quy định; đồng thời có thông tin cảnh cáo về nguy cơ không an toàn của các sản phẩm thực phẩm trên gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi, kịp thời đến người tiêu dùng.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm đăng tải, phát sóng (không thu tiền) các thông tin cảnh báo nêu trên.

  1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Chính phủ các giải pháp quản lý việc bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, bảo đảm ngăn ngừa các nguy cơ mất an toàn thực phẩm và thiệt hại của người tiêu dùng.
  2. Bộ Tài chính chủ trì, rà soát vấn đề kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các vướng mắc (nếu có), lưu ý bố trí bổ sung kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện các Chương trình phối hợp đã ký kết với Chính phủ theo quy định.
  3. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, có định hướng thông tin phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ, đồng thời chú ý tuyên truyền nhằm thay đổi các hành vi thói quen vốn rất phổ biến trong xã hội mà có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm bẩn vi sinh trong thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền qua các đoàn thể, gắn với tập huấn chuyên môn quản lý an toàn thực phẩm; nghiên cứu tổ chức các hình thức thông tin phù hợp, hấp dẫn như tổ chức các cuộc thi về an toàn thực phẩm…

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
– Các Bộ: TP, KHCN;
– UBTWMTTQVN, Hội NDVN, Hội LHPNVN;
– Các Thành viên BCĐ liên ngành TW về an toàn thực phẩm;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Văn Tùng, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NN, TCCV;
– Lưu: VT, KGVX (3) Q.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM

Nguyễn Văn Tùng

 

 

Thông báo 266/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp ban chỉ đạo liên nghành trung ương về an toàn thực phẩm.

DOWNLOAD VĂN BẢN GỐC TẠI ĐÂY

266_TB_VPCP_2018_VNRAS

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!