Thông tin về Vitamin D – bí quyết cho xương chắc khỏe

6
Vitamin D
Vitamin D
Đánh giá

Vitamin D có ở đâu?

Vitamin D chủ yếu được tìm thấy trong thức ăn có nguồn gốc động vật. Chẳng hạn như sữa, bơ, trứng, gan, thịt,…

Vitamin D không phải là một hoạt chất mà là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các vitamin từ D2 đến D7, chúng có cấu trúc tương tự nhau. Trong số đó, 2 hoạt chất thể hiện hoạt tính sinh học mạnh nhất là Vitamin D2 và Vitamin D3.

Trong cơ thể người, dạng Vitamin D3 (Cholecalciferol) được hình thành từ 7 dehydrocholesterol ở các tế bào dưới da nhờ tác động của tia UV (ánh sáng tử ngoại). Nếu da được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng Vitamin D3 được sản xuất ra từ các tế bào dưới da, có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu về Vitamin D của cơ thể.
Vitamin D2 (ergocalciferol) được tổng hợp từ ergosterol có trong nấm và men bia.

Vitamin D
​Công thức cấu tạo của Vitamin D

Thông tin chung về Vitamin D

Không chỉ mang đến các tác động có lợi trên sự phát triển của xương, Vitamin D còn tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa khác.

Dược lý và cơ chế tác dụng của Vitamin D

Dược lực học

Vitamin D tham gia vào quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ, mà chủ yếu là calci và vitamin D. Cụ thể, Vitamin D đẩy mạnh quá trình hấp thu calci và phosphat tại ruột và tăng tái hấp thu calci ở ống lượn gần. Sau đó, Vitamin D còn tham gia vào quá trình calci hóa sụn tăng trưởng, khiến xương dài ra.

Cơ chế hoạt động của vitamin D

Vitamin D điều hòa nồng độ calci trong máu ở mức ổn định. Nếu nồng độ calci trong máu giảm mà không có đủ nguồn cung cấp calci thì vitamin D (kết hợp với hormon tuyến cận giáp PTH) sẽ huy động calci từ xương ra.

Ngoài ra, vitamin D còn tham gia vào quá trình biệt hóa tế bào biểu mô. Một số nghiên cứu đã nhận thấy tác dụng ức chế tăng sinh tế bào ung thư của Vitamin D trên bệnh nhân mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiết melanin,…

Vitamin D
Quá trình tổng hợp và chuyển hóa vitamin D3

Dược động học

Hấp thu: Vitamin D dễ dàng được vận chuyển từ niêm mạc ruột vào máu nhờ muối mật và lipid. Vitamin D2 và Vitamin D3 đều được hấp thu tại ruột non. Trong đó, cơ thể hấp thu Vitamin D3 tốt hơn so với Vitamin D2. Khoảng 80% lượng Vitamin D uống vào được hấp thu qua ruột non nhờ muối mật. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào về vấn đề tuổi cao có làm thay đổi khả năng hấp thu Vitamin D đường uống hay không.

Phân bố: Sau khi được hấp thu tại ruột vào máu, Vitamin D bắt đầu kết hợp với một loại alpha – globulin đặc biệt (protein gắn Vitamin D) huyết tương. Khi đó Vitamin D sẽ tích lũy ở gan, mỡ, xương, cơ và niêm mạc ruột trong vòng vài giờ. Các chất chuyển hóa của vitamin D kết hợp với alpha-globulin, được dự trữ trong mỡ và cơ trong một thời gian dài. Một phần chất chuyển hóa của Vitamin D2 có thể được phân bổ vào sữa sau khi bổ sung liều cao Vitamin D2.

Chuyển hóa: Trong cơ thể, Vitamin D2 và Vitamin D3 chuyển hóa ở gan tạo thành 25-hydroxyergocalciferol và 25-hydroxycocalciferol tại các ty lạp thể. Sau đó, các hợp chất này được chuyển hóa tại thận nhờ enzym hydroxylase tạo ra chất chuyển hóa là 1,25-dihydroxyergocalciferol và 1,25-dihydroxycholecalciferol vẫn còn hoạt tính.

Thải trừ: Vitamin D thải trừ chủ yếu qua phân và một phần nhỏ được thải trừ qua nước tiểu. Thời gian bán thải của các chất chuyển hóa 25-hydroxy trong máu khoảng từ 10 ngày đến 3 tuần và của các chất chuyển hóa 1,25-hydroxy là khoảng 4 – 6 giờ. Tại thận, các chất 1,25-hydroxy tiếp tục được chuyển hóa để tạo thành các dẫn chất 1,24,25-trihydroxy. Trung bình thời gian bán thải của Vitamin D là 19-48 giờ.

Công dụng và chỉ định của Vitamin D

Vitamin có vai trò vận thúc đẩy vận chuyển calci và phospho từ ruột vào xương và kích thích quá trình tạo xương. Vì thế, Vitamin D thường được chỉ định để:

  • Bổ sung nếu khẩu phần ăn không cung cấp đủ Vitamin D.
  • Phòng và điều trị còi xương hoặc nhuyễn xương do thiếu Vitamin D .
  • Phòng và điều trị giảm phosphat huyết gia đình (còi xương kháng Vitamin D).
  • Phòng và điều trị còi xương phụ thuộc Vitamin D.
  • Phòng và điều trị loạn dưỡng xương hoặc giảm calci huyết thứ phát do bệnh thận mạn.
  • Phòng và điều trị còi xương và nhuyễn xương do dùng thuốc chống động kinh.
  • Phòng và điều trị loãng xương do corticoid.
  • Chống co giật do suy cận giáp.
  • Phòng và điều trị loãng xương.
  • Điều trị một số bệnh ngoài da như chứng xơ cứng bì.
  • Phòng và điều trị bệnh lupus thông thường, viêm khớp dạng thấp,…

Chống chỉ định của Vitamin D

Không sử dụng vitamin D trên người bị: tăng calci máu ở mọi nguyên nhân, sỏi thận kèm tăng calci niệu, cường cận giáp tiên phát, lao phổi đang tiến triển, bệnh cấp tính ở gan thận, mẫn cảm với Vitamin D.

Thận trọng khi sử dụng Vitamin D

Cần thận trọng khi sử dụng Vitamin D cho đối tượng như:

Người bị suy thận, sỏi thận, bệnh tim, vữa xơ động mạch. Vì nếu sử dụng không đúng cách gây tăng calci huyết thì sẽ làm trầm trọng thêm các bệnh lý này.

Người đang dùng các thuốc glycosid trợ tim. Vì tăng calci huyết có thể khiến người bệnh bị loạn nhịp tim.

Phải giám sát nồng độ phosphat máu trong khi điều trị bằng Vitamin D để giảm nguy cơ calci hóa lạc chỗ.

Cần giám sát nồng độ calci huyết khi bắt đầu bổ sung Vitamin D và khi có dấu hiệu nghi nhiễm độc.

Quá liều Vitamin D

Cần thận trọng để tránh gây quá liều, vì khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc của Vitamin D rất hẹp. Nếu uống mức liều 1,25 – 2,5 mg Vitamin D2 mỗi ngày và thường xuyên ở người lớn hoặc 25 mcg mỗi ngày ở trẻ em, thì có thể xảy ra quá liều Vitamin D.

Khi xảy ra quá liều, các triệu chứng của tăng calci huyết sẽ xảy ra. Bao gồm: yếu liệt cơ, đau mỏi cơ, đau đầu, choáng váng, chán ăn, khô miệng, miệng có vị kim loại, rối loạn tiêu hóa, ngủ gà, phát ban,… Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng của tăng calci huyết như: sỏi thận, vôi hóa thận, tổn thương thận gây đái nhiều về đêm, khát nước, nước tiểu ít.

Xử trí quá liều: Cần thường xuyên định lượng và giữ mức calci huyết ổn định ở 9-10 mg/dL và không được cao hơn 11 mg/dL. Nếu có calci niệu hoặc nước tiểu giảm, cần cho người bệnh uống nhiều nước. Ngừng các sản phẩm bổ sung Vitamin D và calci, duy trì chế độ ăn nghèo calci nếu cần. Thực hiện các phương pháp để giảm nhanh nồng độ calci huyết như dùng corticoid, thuốc lợi tiểu thải calci, cho uống dầu khoáng (để tăng đào thải qua phân), cho thẩm phân máu hoặc màng bụng, cho rửa dạ dày hoặc gây nôn (nếu mới uống)

Dùng Vitamin D cho các đối tượng đặc biệt

Cần thận trọng khi bổ sung vitamin cho các đối tượng đặc biệt như:

Phụ nữ mang thai: Vì tăng calci huyết khi đang mang bầu rất nguy hiểm. Hậu quả có thể gây dị dạng thai nhi (gây hẹp van động mạch chủ, chậm phát triển, mắc bệnh võng mạc) hoặc thai nhi mắc chứng suy cận giáp. Liều lượng bổ sung được khuyến cáo với phụ nữ mang thai là 600 UI (tương đương 15 mcg) hằng ngày. Chỉ nên bổ sung vitamin D nếu khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu này hoặc người mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng.

Phụ nữ cho con bú: Vitamin D có khả năng đi vào sữa mẹ. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, lượng Vitamin D trẻ nhận được sẽ tương quan với lượng Vitamin D trong huyết thanh của mẹ. Vì thế, nên kiểm soát để tránh quá liều Vitamin D. Nhu cầu Vitamin D mỗi ngày ở phụ nữ cho con bú là 600 UI (tương đương 15 mg). Nếu bà mẹ bổ sung Vitamin D với liều lớn hơn, cần giám sát chặt chẽ các dấu hiệu tăng calci huyết và nhiễm độc Vitamin D ở trẻ bú mẹ.

Liều lượng và cách dùng Vitamin D

Liều lượng bổ sung Vitamin D ở mỗi người là khác nhau vì lượng Vitamin D có được từ thức ăn và mục tiêu điều trị là khác nhau.

Để bổ sung vào khẩu phần ăn và tránh còi xương:

Trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc 1 phần: cần bổ sung 400 UI ( tương đương 10 mcg) Vitamin D/ ngày từ những ngày đầu sau sinh.

Trẻ lớn hơn 1 tuổi: nhu cầu hằng ngày là 600 UI (tương đương 15 mcg) Vitamin D/ ngày.

Người trưởng thành: cần 600 UI (tương đương 15 mcg) Vitamin D/ ngày.

Người cao tuổi (trên 70 tuổi): cần 800 UI (tương đương 20 mcg) Vitamin D/ ngày.

Phụ nữ mang thai và cho con bú: cần 600 UI (tương đương 15 mcg) Vitamin D/ ngày.

Còi xương hoặc nhuyễn xương do thiếu dinh dưỡng:

Dự phòng: Uống 400 UI Vitamin D/ ngày hoặc 800 UI/ ngày với người ít phơi nắng hoặc chế độ ăn nghèo Vitamin D.

Điều trị: Người hấp thu bình thường cần 1000-5000 UI/ ngày, trẻ em kém hấp thu cần 10000-25 000 UI/ ngày, người lớn kém hấp thu cần 10000-300000 UI/ ngày.

Còi xương kháng Vitamin D

Trẻ em: liều khởi đầu là 40000-80000 UI/ ngày kèm bổ sung phosphat, sau 3 đến 4 tháng thì tăng thêm 10000-20000 UI/ ngày.

Người lớn liều hàng ngày là 10000-60000 UI , kèm bổ sung phosphat.

Loãng xương hoặc nhuyễn xương do dùng thuốc chống động kinh

Uống 1000 UI Vitamin D/ ngày.

Loãng xương do dùng corticoid

Uống 50000 UI Vitamin D/ 3 lần/ tuần.

Loãng xương

Uống 1000-100000 UI Vitamin D/ ngày cùng với bổ sung calci và fluorid.

Tác dụng không mong muốn của Vitamin D

Ở mức liều phù hợp với sinh lý của cơ thể thì Vitamin D khá an toàn và hầu như không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng Vitamin D liều cao hoặc dùng dài hạn, có thể gây ra các biến chứng quá liều. Các tác dụng không mong muốn khi điều trị bằng Vitamin D bao gồm:

  • Tăng calci máu và tăng phosphat máu
  • Tăng calci niệu
  • Các triệu chứng cấp: đau đầu, chán ăn, rối loạn tiêu hóa
  • Các tác dụng phụ lâu dài: sỏi thận, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh cảm giác, calci hóa các mô mềm, loạn dưỡng calci-hóa.

Trong số đó, các triệu chứng liên quan đến tăng calci máu khá nghiêm trọng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Vì thế, nếu đang điều trị bằng Vitamin D hoặc sử dụng Vitamin D liều cao, người bệnh cần được đo nồng độ calci, phosphat, magnesi, nito ure, phosphatase kiềm, trong máu và nước tiểu. Dấu hiệu cảnh báo tăng calci huyết ở người bị nhuyễn xương hoặc loạn dưỡng xương do thận là hiện tượng giảm nồng độ phosphatase kiềm.

Người bệnh bị Canxi máu như tăng canxi máu cần được uống nhiều nước hoặc truyền dịch để tránh hình thành sỏi thận ở người bị tăng calci niệu.

Tương tác thuốc của Vitamin D

Tránh dùng đồng thời Vitamin D với các thuốc có tác dụng cô lập axit mật. Chẳng hạn như cholestyramine hoặc colestipol hydroclorid. Vì các thuốc này có thể làm giảm khả năng hấp thu Vitamin D tại ruột.

Dầu khoáng có thể khiến Vitamin D nhanh chóng bị đào thải hơn nếu sử dụng quá nhiều.
Ở những người bị suy cận giáp và đang sử dụng thuốc lợi tiểu thiazid, việc sử dụng thêm Vitamin D có thể gây tăng calci huyết.

Các thuốc gây cảm ứng enzym gan (như Phenobarbital, Phenytoin) có thể cản trở quá trình chuyển hóa của Vitamin D. Kết quả là làm giảm tác dụng của Vitamin D khi dùng cùng.
Không dùng Vitamin D cùng với corticosteroid vì corticosteroid làm cản trở hoạt động của Vitamin D.

Tráng dùng đồng thời Vitamin D và các thuốc glycosid trợ tim. Sự kết hợp này có thể khiến bệnh nhân bị loạn nhịp tim.

Cách bảo quản Vitamin D

Các sản phẩm bổ sung Vitamin D dạng viên cần được đựng trong bao gói hoặc lọ kín, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh ẩm và tránh nhiệt độ cao (trên 25 độ C)

Đối với Vitamin D dạng dung dịch, nên sử dụng thuốc ngay sau khi mở bao bì và tránh để thuốc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến vitamin D

Rất nhiều người đang sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin D, nhưng vẫn chưa thực sự am hiểu về chúng. Tại đây, chúng tôi sẽ giải đáp những lo ngại của người dùng liên quan đến việc bổ sung Vitamin D.

Bổ sung Vitamin D cho bé sơ sinh đến bao giờ?

Đối với bé bú mẹ hoàn toàn hoặc 1 phần, nên bổ sung Vitamin D cho đến khi chế độ ăn của trẻ đáp ứng đủ nhu cầu. Thường là đến khi trẻ cai sữa và chuyển sang ăn bằng sữa công thức hoặc sữa tăng cường Vitamin D.

Đối với trẻ không bú mẹ, vẫn cần bổ sung Vitamin D nếu trẻ không ăn đủ lượng sữa công thức mỗi ngày, cụ thể là dưới 1 lít sữa.

Uống Vitamin D vào thời điểm nào để có hiệu quả tốt nhất?

Vitamin D thuộc loại vitamin tan trong dầu, hoặc các thực phẩm có chất béo. Nghĩa là khả năng hấp thu Vitamin D của cơ thể sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi có mặt của các thực phẩm giàu chất béo trong đường tiêu hóa. Vì vậy, để vitamin D được hấp thu tối đa, bạn nên bổ sung chúng cùng với bữa ăn.

Các nghiên cứu cho thấy, uống vitamin D vào bữa chính trong ngày hoặc bữa ăn có chất béo sẽ rất tốt cho việc hấp thu. Từ đó, làm tăng đáng kể hiệu quả của các sản phẩm bổ sung vitamin D. Bạn có thể uống trước hoặc sau ăn 30 phút, để đảm bảo vitamin D được hấp thu cùng với chất béo.

Mặc dù không có khuyến nghị chính thức nào về thời điểm tốt nhất trong ngày để bổ sung vitamin D, nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung chúng vào ban ngày.
Đó là bởi, uống vitamin D vào ban đêm có thể gây rối loạn giấc ngủ của bạn, khiến bạn ngủ không ngon giấc.

Nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm sản xuất hormone điều hòa giấc ngủ, Melatonin. Đây là loại hormone chịu trách nhiệm trong việc điều tiết chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Vì thế, uống vitamin D vào buổi tối có thể khiến bạn bị khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Các dạng thuốc bổ sung vitamin D phổ biến trên thị trường hiện nay

Các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D hiện nay thường là dạng vitamin D2 hoặc vitamin D3. Vì 2 dạng này mang đến hoạt tính mạnh nhất trong các loại vitamin D.

Dạng vitamin D2

Viên nang: Drisdol 1,25mg, Vina-AD (chứa 400 UI vitamin D2), Bidiplex (chứa 400 UI vitamin D2), Calmilk (chứa 125 UI Vitamin D2),…

Dung dịch uống: Stérogyl 2 000 000 UI/ 100ml, Vicaldex (chứa 0,025 mg/ 5ml Vitamin D2), Fudcadex 10ml (chứa 300 UI/ 10ml Vitamin D2),…
Viên nén: Vitamin D (Ergocalciferol 1,25 mg), Calciferol 1,25mg,…

Dung dịch để tiêm bắp: Calciferol 12,5 mg/ml, Stérogyl 15H 15 mg/1,5 ml,…

Dạng Vitamin D3

Viên nang mềm: Vitamin D3 1000 IU,…

Dung dịch uống: Adrigyl 7,5 mcg/giọt, Zyma D 10 000 UI/ml, Aquadetrim 10ml, Aquavit-D3 10ml,…

Dung dịch tiêm bắp: Vitamin D3 BON 5 mg/ml,…

Tóm lại, Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết giúp hệ thống xương khớp luôn chắc khỏe. Tuy nhiên, nên sử dụng Vitamin D ở liều lượng phù hợp với nhu cầu hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ. Vì thừa vitamin D có thể gây ra các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam (Xuất bản: Năm 2018). Chuyên luận Vitamin D và các thuốc tương tự – trang 1475, Dược thư Quốc gia Việt Nam. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 03 năm 2023
  2. Healthline (Ngày đăng: Ngày 13 tháng 10 năm 2022). When is the best time to take vitamin D? Morning or Night?, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 10 tháng 03 năm 202
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!