Thông tin thuốc Prednisolone – thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch

55
Prednisolone
Prednisolone
Đánh giá

Prednisolone là gì?

Prednisolone là một glucocorticoid tổng hợp có đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch. Sau khi gắn thụ thể bề mặt tế bào và xâm nhập tế bào, prednisolone đi vào nhân nơi nó liên kết và kích hoạt các thụ thể nhân cụ thể, khi đó sẽ dẫn đến biểu hiện gen thay đổi và ức chế sản xuất các cytokine tiền viêm. Tác nhân này cũng làm giảm số lượng tế bào lympho đang lưu hành, gây ra sự biệt hóa tế bào và kích thích quá trình chết rụng ở các quần thể khối u nhạy cảm. Prednisolone có vai trò như một tác nhân chống viêm, một chất chống ung thư, chất ức chế miễn dịch, chống dị ứng và chuyển hóa thuốc…

Prednisolone
Công thức cấu tạo của Prednisolone

Prednisolone còn được gọi với các tên khác: Hydroretrocortine, Metacortandralone, PRDL, Prednisolona, Prednisolonum.

Thuộc loại thuốc chống viêm corticosteroid, glucocorticoid

Prednisolone đã được FDA chấp thuận vào ngày 21 tháng 6 năm 1955.

Cơ chế hoạt động – Tác dụng dược lý của Prednisolone

Prednisolone là một hormon vỏ thượng thận có tác dụng sinh lý của một steroid nội sinh. Các tác dụng bao gồm: Tăng tổng hợp glycogen và dự trữ ở gan, cứt chế sử dụng glucose, tăng dị hóa protein làm cân bằng nitrogen âm tính, hoạt tính đối kháng Insulin, tăng hủy lipid và phân bố lại chất béo toàn bộ cơ thể, tăng thải trừ urat trong nước tiểu do tăng mức lọc cầu thận mà lượng creatinin bài tiết không bị thay đổi, tăng thải trừ calci qua thận và làm giảm hấp thu calci ở ruột. Prednisolone kích thích tạo hồng cầu ở tủy xương và kích thích tạo bạch cầu đa nhân trung tính, nhưng lại có tác dụng làm giảm tế bào lympho và bạch cầu ưa acid. Dùng corticosteroid ở liều sinh lý có thể thay thế sự thiếu hụt hormone nội sinh. Các tác dụng khác chỉ xuất hiện khi sử dụng liều cao hơn liều sinh lý nhằm điều trị hoặc chẩn đoán.

Tác dụng ức chế quá trình viêm của Prednisolone bằng cách gây phù, giãn mạch làm lắng đọng fibrin và di chuyển bạch cầu và các đại thực bào tới ổ viêm. Bên cạnh đó, prednisolone còn làm tăng sinh mao mạch, làm lắng đọng các Collagen và hình thành sẹo ở giai đoạn sau của lành sẹo vết thương. Cơ chế chống viêm như sau: Prednisolone làm ổn định màng lysosome của bạch cầu, ngăn cản sự giải phóng acid hydrolase phá hủy từ bạch cầu, ức chế sự tập chung của các đại thực bào tại vị trí ổ viêm, giảm sự kết dịch của bạch cầu với mao mạch nội mô, giảm tính thấm thành mạch, giảm bổ thể, đối kháng với hoạt tính histamin và giải phóng các kinin, giảm tăng sinh các nguyên bào sợi, lắng đong collagen và giúp hình thành sẹo

Tác dụng ức chế miễn dịch của prednisolone bằng cách làm giảm hoạt tính và thể tích của hệ lympho, giảm các tế bào lympho, giảm globulin miễn dịch và nồng độ các bổ thể, từ đó làm giảm phức hợp miễn dịch qua màng và các phản ứng mô với tương tác kháng nguyên – kháng thể.

Liều thấp hơn của Prednisolone cho tác dụng chống viêm, trong khi liều cao hơn có tác dụng ức chế miễn dịch. Sử dụng prednisolone liều cao trong thời gian dài liên kết với thụ thể mineralocorticoid, làm tăng nồng độ natri và giảm nồng độ kali. Prednisolone có thể kích các phần khác nhau của dịch dạ dày bài tiết, có tác dụng tăng giữ natri và làm mấy Kali trong tế bào, dẫn tới ứ đọng natri và tăng huyết áp

Sử dụng prednisolone không dùng để chữa khỏi hoàn toàn bệnh và cũng hiếm khi được chỉ định là phương pháp điều trị đầu tay, thường sẽ chỉ có thể dùng prednisolone hoặc các corticoid để hỗ trợ các trị liệu khác.

Dược động học Prednisolone:

  • Hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, nồng độ trong huyết tương đạt đỉnh sau 1-2 giờ (với viên nén).
  • Phân bố khắp cơ thể, liên kết với protein ở mức 65-91%, mức độ liên kết giảm dần ở người cao tuổi.
  • Chuyển hóa chủ yếu ở gan và hầu hết các mô.
  • Thải trừ qua nước tiểu, dưới dạng tự do hoặc sulfat hoặc glucuronid liên hợp. Thời gian bán thải của Prednisolone khoảng 3,6 giờ, thời gian tác dụng khoảng 18-36 giờ.

Chỉ định khi sử dụng Prednisolone

Prednisolone được chỉ định dùng trong tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Chỉ định cụ thể trong các trường hợp sau:

  • Bệnh dị ứng: Viêm da, quá mẫn với thuốc, viêm mũi dị ứng, bệnh huyết thanh.
  • Bệnh da: Viêm da tiếp xúc, hội chứng Stevens-Johnson, u sùi, viêm da có bóng nước…
  • Bệnh nội tiết: tăng calci huyết trong các bệnh ác tính, tăng sản bẩm sinh tuyến thượng thận, viêm u tuyến giáp.
  • Bệnh tiêu hóa: viết kết tràng có loét, dùng trong điều trị giai đoạn cấp bệnh Crohn.
  • Bệnh máu: xuất huyết giảm tiểu cầu, tan máu tự miễn, giảm tiểu cầu thứ phát.
  • Bệnh khối u: u lympho, bệnh bạch cầu cấp.
  • Bệnh thần kinh: xơ cứng thần kinh rải rác, phù não, tổn thương vùng đầu.
  • Bệnh ở mắt: viêm mắt, viêm màng mạch nho.
  • Bệnh phổi: điều trị giai đoạn nặng trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nấm phế quản, phổi dị ứng, hen phế quản, viêm phổi bùng phát hoặc lan tỏa, xơ hóa phổi, viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn…
  • Bệnh thận: Gây bài niệu, giảm protein niệu trong hội chứng thận hư, Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Bệnh xương – khớp: hỗ trợ ngắn hạn viêm khớp do gout cấp, viêm cột sống dính khớp, viêm đa cơ, đau đa cơ do thấp, viêm khớp vảy nến, đau động mạch thái dương, viêm đa sụn tái phát, viêm mạch, lupus ban đỏ hệ thống…
  • Bệnh nhiễm trùng: Viêm màng não, nhiễm trùng do giun xoắn ở hệ thần kinh hoặc cơ tim,…

Liều lượng và cách dùng Prednisolone

Prednisolone được bào chế thành nhiều dạng thuốc khác nhau, liều lượng khác nhau, sử dụng trong điều trị các bệnh khác nhau. Với dạng uống, nên dùng sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn để làm giảm tối đa tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của thuốc.

Dùng đường uống

Với người lớn

Thông thường: uống 5-60mg/ngày.

Bệnh xơ cứng khớp rải rác: dùng 200mg/ngày, uống trong 1 tuần. Sau đó giảm liều còn 80mg, dùng cách ngày trong vòng 1 tháng.

Điều trị viêm khớp dạng thấp: khởi đầu 5-7,5mg/ngày.

Với trẻ em

Điều trị hen phế quản cấp: dùng liều 1-2mg/kg/ngày (tối đa 60mg), chia 1-2 lần, dùng trong 3-10 ngày. Điều trị kéo dài, dùng liều 0,25-2mg/kg/ngày.

Tác dụng ức chế miễn dịch và chống viêm: dùng liều 0,1-2mg/kg/ngày, chia 1-4 lần.

Các trường hợp khác: hội chứng thận hư, hay tái phát, tốt nhất nên dùng theo chỉ định của bác sĩ và được theo dõi thường xuyên.

Đường dùng tại chỗ

Thường dùng dạng kem 0,5-1%, dùng điều trị viêm da, dị ứng, bôi ngày 3-4 lần.

Dạng hỗn dịch/dung dịch nhỏ giọt 1% điều trị viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, nhỏ mắt sau mỗi 1-2 giờ, đến khi đạt hiệu quả thì tăng thời gian giữa các liều lên 4 giờ.

Đường tiêm

Tiêm hoặc truyền và tĩnh mạch, liều 25-110mg, 1-2 lần/tuần, dùng dạng muối natri phosphat este hoặc prednisolone acetat.

Tiêm vào trong khớp, liều 5-25mg, dạng prednisolone acetat, muối phosphat hoặc betutat este.

Đường trực tràng

Thụt hậu môn với 20mg prednisolone/100ml hoặc đặt viên đạn prednisolone 5mg.

Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng prednisolone trong các trường hợp sau:

  • Có tiền sử kích ứng với prednisolone hoặc các thành phần khác trong chế phẩm.
  • Người bị viêm giác mạc do Virus Herpes.
  • Người đang hoặc vừa mới dùng các vaccin sống hoặc vaccine giảm độc lực (do prednisolone gây ức chế miễn dịch).
  • Người bị nhiễm nấm toàn thân, bệnh thủy đậu…

Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Prednisolone: giữ nước, chóng mặt, nhức đầu, thay đổi kinh nguyệt (ở nữ) đau cơ…

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn: khó thở, phù, tăng cân, trầm cảm, động kinh…

Tác dụng phụ biểu hiện trên các cơ quan.

  • Quá trình trao đổi chất – chuyển hóa: tăng ngon miệng, tăng cân, làm rối loạn dung nạp glucose, tăng nguy cơ đái tháo đường, giảm kiềm giảm kali huyết, tăng cholesterol toàn phần, tăng rối loạn lipid máu, lắng đọng mỡ bất thường, tăng hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da.
  • Tim mạch: gây giữ nước, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, trụy tuần hoàn, tăng khả năng mắc bệnh cơ tim phì đại ở trẻ sinh non, viêm tắc tĩnh mạch, ngất, phù mạch…
  • Nội tiết: gây rậm lông, cường giáp hoặc suy giáp, hội chứng Cushing, tuyến yên và tuyến vỏ thượng thận không đáp ứng, đặc biệt trong các trạng thái như chấn thương, bệnh tật hoặc phẫu thuật…
  • Hệ tiêu hóa: gây chướng bụng, buồn nôn, viêm tụy, loét dạ dày tá tràng, có thể thủng và xuất huyết, viêm loét thực quản, nhiễm nấm Candida thực quản, khó tiêu, có thể gây thủng ruột ở những bệnh nhân viêm ruột.
  • Miễn dịch: Nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, virus hoặc nấm, ức chế với các xét nghiệm chẩn đoán dị ứng, phản ứng phản vệ.
  • Cơ – xương – khớp: gây hoại tử đầu xương, bệnh teo cơ mác (Charcot), mất khối lượng cơ, yếu cơ, loãng xương, ức chế sự tăng trưởng ở trẻ em (trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên), bệnh viêm gân, đau cơ. Corticoid có thể ức chế hấp thu Canxi ở đường ruột và tăng sự đào thải canxi qua nước tiểu và dẫn đến tiêu xương, mất xương. Mất xương 3% trong một năm đã được chứng minh với prednisolone 10 mg mỗi ngày. 16% nhân cao tuổi được điều trị bằng corticosteroid trong 5 năm có thể bị gãy xương do chèn ép đốt sống.
  • Mắt: gây lồi mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể dưới bao sau, đục thủy tinh thể ở trẻ em, mỏng giác mạc hoặc xơ cứng giác mạc. Ở những bệnh nhân ghép thận được duy trì dùng prednisolone 10 mg mỗi ngày, 33% bị đục thủy tinh thể dưới bao sau và tăng nhãn áp đã xảy ra ở 5% bệnh nhân.
  • Tâm thần 1% đến 10% bệnh nhân có biểu hiện thay đổi hành vi, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, chứng hay quên. Một số biểu hiện trầm cảm, phản ứng loạn thần, hưng cảm, hoang tưởng, ảo giác, trầm trọng thêm bệnh tâm thần phân liệt…
  • Da liễu: tăng nổi mụn trứng cá, viêm da dị ứng, teo da và mỡ dưới da, da đầu khô, phù nề, ban đỏ trên mặt, tăng hoặc giảm sắc tố, suy giảm khả năng lành vết thương, tăng tiết mồ hôi, chấm xuất huyết , bầm máu, phát ban, áp xe vô trùng, bầm tím, giãn da, phát ban, kích ứng đáy chậu.
  • Sinh dục: gây vô kinh ở nữ,chảy máu sau mãn kinh hoặc kinh nguyệt không đều, tăng hoặc giảm khả năng vận động và số lượng tinh trùng
  • Gan: tăng nồng độ men gan trong huyết thanh, gan to.
  • Hệ thần kinh: Viêm màng nhện, co giật, nhức đầu , tăng huyết áp nội sọ với phù gai thị (thường sau khi ngừng điều trị), viêm màng não, viêm dây thần kinh, liệt / liệt nửa người, rối loạn cảm giác, các dấu hiệu lâm sàng của tiến triển đột quỵ, bệnh thần kinh do thiếu máu cục bộ, mệt mỏi, suy nhược.
  • Hô hấp: Phù phổi , nấc cụt.

Tương tác

Không dùng đồng thời Prednisolone với các vaccin sống hoặc natalizumab.

Prednisolone có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chống đái tháo đường, Isoniazid, Calcitriol, các salicylat, corticorelin và các vaccin đã bất hoạt. Bên cạnh đó, Prednisolone còn làm tăng nồng độ/tác dụng của các thuốc có hoạt chất ức chế acetylcholinesterase, cyclosporin, amphotericin B, các thuốc lợi niệu quai, lợi niệu thiazid, các thuốc chống viêm không steroid…

Các thuốc chống nấm nhóm azol đường dùng toàn thân, aprepitant, thuốc chẹn kênh calci không thuộc nhóm dihydropyridin, cyclosporin, fluconazol, fosaprepitant, các dẫn xuất estrogen, kháng sinh nhóm macrolid và quinolon, các salicylat, Trastuzumab, thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh cơ loại không khử cực có thể làm tăng tác dụng của prednisolone hoặc tăng nồng độ prednisolone trong hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, nồng độ Prednisolone có thể bị giảm bởi các thuốc kháng acid, aminoglutethimide, các barbiturat, echinacea, primidon, các chất gắn acid mật, các dẫn xuất Rifamycin, carbamazepin, Phenytoin.

Tránh việc sử dụng đồng thời prednisolone với các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) do có thể tăng nguy cơ loét dạ dày.

Cần kiểm tra lại liều điều trị đái tháo đường trong trường hợp bệnh nhân dùng Prednisolone do chúng có khả năng gây tăng Glucose huyết.

Tăng nguy cơ loạn nhịp tim do hạ kali huyết nếu dùng prednisolone với các digitalis, theo dõi chặt chẽ khi dùng cùng với các thuốc làm giảm kali huyết khác.

Khi đang trong giai đoạn điều trị với prednisolone, không nên uống rượu do có thể tăng kích ứng niêm mạc dạ dày. Đồng thời, prednisolone gây ảnh hưởng tới hấp thu calci, do đó, hạn chế sử dụng prednisolone chung với thức ăn.

Prednisolone
Tác dụng phụ của Prednisolone

Lưu ý và thận trọng

Lưu ý khi sử dụng

Hãy dùng Prednisolone với liều lượng theo quy định của bác sĩ, không được phép tự ý thay đổi liều lượng so với khuyến cáo.

Không nên ngừng sử dụng Prednisolone đột, nếu cần dừng thuốc, hãy giảm từ từ theo liều được chỉ định.

Trong trường hợp cần phẫu thuật, điều trị hoặc thực hiện các xét nghiệm, hãy thông báo với nhân viên y tế rằng bạn đang sử dụng prednisolone để nhận được lời khuyên trước khi thực hiện.

WHO: Prednisolon và nguy cơ hạ magnesi máu

Năm 2023, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Ả Rập Xê út (SFDA) đã phát hiện được tín hiệu hạ magnesi máu của prednisolon.

SFDA nhận thấy có 28 báo cáo ca hạ magnesi máu trên thế giới được ghi nhận trong Vigibase, trong đó có 13 ca được đánh giá có thể có mối liên quan đến thuốc, 13 ca không đánh giá được và 2 ca được đánh giá ít có khả năng liên quan đến thuốc. Tín hiệu an toàn thuốc phát hiện được qua khai phá dữ liệu được biểu thị bằng chỉ số IC. Với cặp thuốc – ADR trên, chỉ số IC được tính toán = 0,6, cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê.

Đánh giá của SFDA đã đi đến kết luận rằng, dữ liệu báo cáo ca ADR đơn lẻ cho thấy có mối quan hệ giữa việc sử dụng prednisolon và hạ magnesi máu. Cần đánh giá sâu hơn về tín hiệu này để xác định nguy cơ và cảnh báo nhân viên y tế về biến cố bất lợi có thể xảy ra.

Quá liều và xử trí

Quá liều Prednisolone được cho là không gây ra các triệu chứng đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên, nếu dùng với liều cao kéo dài, có thể dẫn tới các tác dụng phụ với các triệu chứng: mỏng da, da dễ bầm tím, tăng xuất hiện mụn, lông mặt, mất hứng thú tình dục…

Xử trí khi sử dụng quá liều prednisolone:

  • Cấp tính: Rửa dạ dày hoặc gây nôn, sau đó điều trị các triệu chứng nếu có.
  • Mạn tính: có thể giảm liều dùng tạm thời (trong trường hợp bệnh nhân điều trị bằng liều cao kéo dài).

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

Đối với phụ nữ có thai: Prednisolone được chứng minh là có thể qua được nhau thai và gây tác dụng bất lợi lên thai nhi. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng corticoid trong 3 tháng đầu khi mang thai có thể tăng nguy cơ sứt môi, hở hàm ếch, chậm tăng trưởng và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Nguy hiểm hơn, có thể gây thiểu năng thượng thận ở trẻ em sau sinh. Do đó, cần phải cân nhắc mặt lợi ích và tác hại khi sử dụng prednisolone để giảm thiểu tối đa rủi ro xảy ra với mẹ và bé.

Với mẹ đang cho con bú: Lượng prednisolone được tiết vào sữa mẹ khá ít, khoảng 0,14% so với liều dùng hằng ngày của mẹ. Mặc dù chưa có tác dụng phụ nào được báo cáo nhưng tốt nhất, mẹ nên tránh cho con bú trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi dùng prednisolone cho mẹ đang cho con bú, nếu mẹ thực sự cần thiết phải điều trị bằng prednisolone, hãy dùng với liều điều trị thấp nhất và ngưng cho trẻ bú tạm thời.

Bảo quản

Bảo quản các sản phẩm thuốc chứa hoạt chất Prednisolone trong đồ đựng kín, nhiệt độ dưới 30 độ C. Tránh ánh sáng hoặc để đông lạnh.

Tránh xa tầm tay với của trẻ nhỏ.

Hàm lượng và các sản phẩm có chứa Prednisolon

Một số dạng bào chế và sản phẩm có chứa Prednisolone có trên thị trường và được bán tại nhà thuốc online Central Pharmacy.

Dạng viên

Thuốc Prednisolon 5mg Vinphaco của Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc có tác dụng điều trị các bệnh về đường hô hấp: viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm amidan… và các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, viêm khớp dạng thấp. Sử dụng thuốc với liều 5-60mg/ngày, ngày uống 2-4 lần theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc Prednisolone 5mg Tenamyd Pharma điều trị các bệnh lý mãn tính (bệnh da, huyết học, rối loạn nội tiết…), dị ứng, thấp khớp, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Liều dùng thuốc Prednisolone 5mg trong điều trị bệnh lý mãn tính với liều khởi đầu từ 5-10mg/ngày và dần tăng liều, trong điều trị quá tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh sử dụng liều 2,5-10mg/ngày. Trong điều trị thấp khớp và dị ứng, dùng liều 20-30mg/ngày.

Thuốc Prednisolon 5mg Nam Hà của Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà được sử dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, hen phế quản và các trường hợp dị ứng, viêm khác, liều dùng điều trị cho người lớn: ngày uống 1-12 viên, liều dùng với trẻ em: ngày uống 0,14-2mg/kg. Sự thay đổi liều có thể tùy vào đáp ứng của từng bệnh nhân.

Dạng kem

Kem bôi trĩ chữ A của Nhật được sản xuất bởi Công ty dược phẩm Amato sử dụng để làm giảm chứng viêm nhiễm, ngứa rát, phồng rộp da tại vùng hậu môn bị trĩ, ngăn tình trạng viêm và nhiễm trùng, giảm nguy cơ xuất huyết hậu môn, cải thiện và phục hồi tình trạng tuần hoàn máu và các cơ hậu môn, giúp búi trĩ trở về trạng thái ban đầu. Dùng kem bôi trĩ chữ A điều trị tổn thương do trĩ gây nên, ngày dùng 1-3 lần.
Gel bôi ngoài da Remos IB của Công ty TNHH Rohto – Mentholatum Việt Nam với thành phần Prednisolon Valerat Acetat kết hợp với Allantoin, Crotamiton, Isopropylmethylphenol, L-Menthol. Có tác dụng giảm cảm giác ngứa ngáy, viêm nhiễm, sưng tấy do côn trùng cắn. Ngoài ra, thuốc còn dùng điều trị các bệnh viêm da dị ứng, phát ban, mề đay.

Dạng lỏng

Hỗn dịch nhỏ mắt Pred Forte 5ml của nhà sản xuất Allergan Pharmaceuticals Ireland dùng trong điều trị cho các bệnh nhân viêm có đáp ứng với corticoseroid: viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm phần trước nhãn cầu, viêm giác mạc. Sử dụng thuốc nhỏ mắt Pred Forte ngày 2-4 lần, mỗi lần 1-2 giọt.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2, xuất bản 2018. Prednisolon, Trang 1173-1176. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022.
  2. Chuyên gia của NCBI (Ngày đăng 20 tháng 12 năm 2021). Drugs and Lactation Database, NCBI. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022.
  3. Chuyên gia của Drugs.com (Ngày đăng 23 tháng 5 năm 2022). Prednisolone Side Effects, Drugs.com. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022.
  4. World Health Organization (‎Năm 2023). WHO pharmaceuticals newsletter: 2023, No. 3, WHO. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!