Thong tin thuốc Pantoprazol – thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng

4
Pantoprazol
Pantoprazol
Đánh giá

Tổng quan về Pantoprazole

Pantoprazole bắt đầu được nghiên cứu vào năm 1985 và được đưa vào sử dụng trong chỉ định y khoa lần đầu ở Đức vào năm 1994 và nhanh chóng phát triển lan rộng ra toàn thế giới sau đó.

Theo thống kê về doang số thu được từ việc bán thuốc, tính đến năm 2018, chi phí bán buôn thuốc chứa Pantoprazole ở Hoa Kỳ là dưới 0,10 đô la Mỹ mỗi liều. Tại Vương quốc Anh, con số này chỉ dao động dưới 0,05 pound đối với viên uống, và khoảng 5 pound mỗi liều cho thuốc tiêm. Trong năm 2016, Pantoprazole là loại thuốc được kê đơn nhiều thứ 25 tại Hoa Kỳ, với hơn 25 triệu đơn thuốc.

Ở New Zealand, 3 thuốc PPI thuộc danh mục thuốc chi trả hoàn toàn của bảo hiểm xã hội là: omeprazol, lansoprazol và pantoprazol. Các thuốc này cũng có thể mua với số lượng hạn chế, không cần kê đơn tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Tại Việt Nam, pantpoprazole thuộc danh mục 6 thuốc được bảo hiểm chi trả, cùng với omeprazole, lansoprazole, dexlansoprazol, rabeprazole và esomeprazole.

Đặc điểm dược lý của Pantoprazole

Dược lực học và cơ chế tác dụng

Pantoprazole là thuốc gi?

Pantoprazol là một thuốc ức chế bơm proton. Thuốc vào các ống tiết acid của tế bào thành dạ dày để được chuyển thành chất sulfenamid dạng có hoạt tính, dạng này liên kết không thuận nghịch với enzym H+/K+ – ATPase (còn gọi là bơm proton) có trên bề mặt tế bào thành dạ dày, gây ức chế enzym này, ngăn cản bước cuối cùng của sự bài tiết acid vào lòng dạ dày. Vì vậy pantoprazol có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và cả khi dạ dày bị kích thích do bất kỳ tác nhân kích thích nào. Tác dụng của pantoprazol phụ thuộc vào liều dùng, thời gian ức chế bài tiết acid dịch vị kéo dài hơn 24 giờ, mặc dù nửa đời thải trừ của pantoprazol ngắn hơn nhiều (0,7 – 1,9 giờ).

Pantoprazol
Công thức cấu tạo của Pantoprazol

Sau liều uống khởi đầu 40 mg pantoprazol, bài tiết acid dịch vị bị ức chế trung bình 51% sau 2,5 giờ. Uống pantoprazol mỗi ngày một lần 40 mg trong 7 ngày làm giảm tới 85% bài tiết acid dạ dày. Bài tiết acid dạ dày trở lại bình thường trong vòng 1 tuần sau khi ngừng pantoprazol và không có hiện tượng tăng tiết acid trở lại (rebound). Ngoài ra, pantoprazol còn có thể loại trừ Helicobacter pylori ở dạ dày ở người bị loét tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn đó. In vitro, pantoprazol làm giảm số lượng H. pylori gấp hơn 4 lần ở pH 4.

Dược động học

Pantoprazol hấp thu nhanh, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau khi uống khoảng 2 – 2,5 giờ. Pantoprazol hấp thu tốt, ít bị chuyển hóa bước đầu ở gan, sinh khả dụng đường uống khoảng 77%. Pantoprazol gắn mạnh vào protein huyết tương (98%), thể tích phân bố ở người lớn là 0,17 L/kg. Thời gian kéo dài tác dụng chống bài tiết acid dạ dày khi tiêm tĩnh mạch pantoprazol là 24 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch 1 liều đơn từ 20 đến 120 mg, tác dụng thuốc bắt đầu trong vòng 15 – 30 phút và tác dụng trong vòng 24 giờ phụ thuộc vào liều từ 20 – 80 mg. Trong vòng 2 giờ sau khi tiêm liều 80 mg, lưu lượng bài tiết acid hoàn toàn bị loại bỏ. Liều 120 mg cũng không làm tăng thêm tác dụng.

Pantoprazol chuyển hóa chủ yếu ở gan nhờ hệ enzym cytochrom P450, isoenzym CYP2C19 để chuyển thành desmethylpantoprazol. Một phần nhỏ được chuyển hóa bởi CYP3A4, CYP2D6, CYP2C9. Ở một số người thiếu hụt hệ thống enzym CYP2C19 do di truyền (người Á Châu tỷ lệ gặp là 17 – 23% thuộc loại chuyển hóa chậm) làm chậm chuyển hóa pantoprazol, dẫn đến nồng độ thuốc trong huyết tương có thể tăng cao gấp 5 lần so với người có đủ enzym. Nửa đời thải trừ của pantoprazol là 0,7 – 1,9 giờ, kéo dài ở người suy gan, xơ gan (3 – 6 giờ) hoặc người chuyển hóa thuốc chậm do di truyền (3,5 – 10 giờ). Các chất chuyển hóa thải trừ chủ yếu qua thận (khoảng 80%), 18% qua mật vào phân.

Sự khác biệt giữa Pantoprazole và các thuốc ức chế proton khác

Pantoprazole khác với các PPI khác bởi liên kết chọn lọc với con đường vận chuyển ion, độ ổn định tốt ở các giá trị pH trung tính và đường cong thời gian nồng độ trong huyết tương tương đối mạnh.

Những khác biệt về dược động học này có thể không được chuyển đổi hoàn toàn thành những khác biệt về dược lực học của pantoprazole so với các PPI khác.

Pantoprazole đã được đánh giá trong hầu hết các tình huống lâm sàng cần phải ức chế axit, và cho thấy hiệu quả tuyệt vời cũng như hồ sơ an toàn tuyệt vời

Thuốc Pantoprazole chữa bệnh gì?

Thuốc Pantoprazole được chỉ định để điều trị cho các trường hợp bệnh lý sau:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Loét dạ dày, tá tràng.
  • Dự phòng loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid.
  • Các tình trạng tăng tiết acid bệnh lý như hội chứng Zollinger – Ellison.

Liều dùng và cách dùng của Pantoprazole

Liều dùng của Pantoprazole

Đường uống

Pantoprazol được dùng dưới dạng muối natri, 11,28 mg pantoprazol natri tương đương với 10mg pantoprazol.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản:

Liều điều trị: uống mỗi ngày một lần liều 20 – 40 mg vào buổi sáng trong 4 tuần, có thể tăng tới 8 tuần nếu cần thiết. Ở những người vết loét thực quản không liền sau 8 tuần điều trị, có thể kéo dài đợt điều trị tới 16 tuần.

Liều duy trì: 01 liều 20 – 40 mg 1 lần duy nhất mỗi ngày. Độ an toàn và hiệu quả dùng liều duy trì trên 1 năm chưa được xác định.

Điều trị loét dạ dày lành tính: uống mỗi ngày một lần liều 40 mg, trong 4 – 8 tuần.

Loét tá tràng: uống mỗi ngày một lần 40 mg, trong 2 – 4 tuần.

Để tiệt trừ Helicobacter pylori, cần phối hợp pantoprazol với 2 kháng sinh trong chế độ điều trị dùng 3 thuốc trong 1 tuần. Một phác đồ hiệu quả gồm pantoprazol 40 mg, ngày 2 lần (vào buổi sáng và buổi tối) + clarithromycin 500 mg, ngày 2 lần + amoxicilin 1,0 g, ngày 2 lần hoặc metronidazol 400 mg, ngày 2 lần.

Điều trị dự phòng loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid: uống mỗi ngày một lần 20 mg.

Điều trị tình trạng tăng tiết acid bệnh lý trong hội chứng Zollinger – Ellison: uống liều bắt đầu 80 mg mỗi ngày một lần, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh (người cao tuổi liều tối đa 40 mg/ngày). Có thể tăng liều đến 240 mg mỗi ngày. Nếu liều hàng ngày lớn hơn 80 mg thì chia làm 2 lần trong ngày.

Đường tiêm

Loét dạ dày, loét tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản:

Tiêm tĩnh mạch mỗi ngày một lần 40 mg, trong thời gian ít nhất 2 phút hoặc truyền tĩnh mạch trong vòng 15 phút (pha lọ 40 mg pantoprazol với 10 ml natri clorid 0,9%, hòa loãng với 100 ml với dịch truyền).

Liều duy trì: 40 mg mỗi ngày cho tới khi lại có thể tiếp tục dùng thuốc bằng đường uống. Dịch truyền có thể là dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, dextran 5% hoặc dung dịch Ringer lactat.

Hội chứng Zollinger – Ellison (và các trường hợp tăng tiết acid khác): bắt đầu 80 mg hoặc 160 mg trong trường hợp cần phải kiểm soát acid nhanh, sau đó mỗi ngày một lần 80 mg, điều chỉnh theo đáp ứng của bệnh nhân, liều tối đa 240 mg/ngày. Nếu liều hàng ngày lớn hơn 80 mg thì chia làm 2 lần trong ngày.

Phải giảm liều ở người suy gan nặng hoặc phải dùng cách ngày. Liều tối đa mỗi ngày là 20 mg hoặc hai ngày dùng một lần 40 mg.

Đối với người suy thận: thường không cần điều chỉnh liều.

Trẻ em: độ an toàn và hiệu lực của pantoprazol ở trẻ em chưa xác định

Cách dùng của Pantoprazole

Đường uống:

Dùng mỗi ngày một lần vào buổi sáng, trước sau bữa ăn đều được. Thuốc kháng acid có thể uống đồng thời với pantoprazole.

Vì pantoprazol bị phá hủy ở môi trường acid nên phải dùng dưới dạng viên bao tan trong ruột, khi uống pantoprazol phải nuốt cả viên, không được bẻ, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc. Phải tuân thủ đầy đủ cả đợt điều trị.

Đường tiêm:

Pantoprazol có thể tiêm tĩnh mạch ít nhất trên 2 phút hoặc truyền tĩnh mạch khi bệnh nặng, chủ yếu trong loét dạ dày, tá tràng đang chảy máu.

Khi pha loãng như vậy, có thể có kết tủa, tuy vậy không làm thay đổi lượng thuốc, nhưng phải truyền qua bộ lọc của dây truyền, và phải truyền riêng rẽ, không được tiêm đồng thời với các dung dịch tiêm khác.

Chống chỉ định

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Tác dụng không mong muốn

Nhìn chung, pantoprazol dung nạp tốt cả khi điều trị ngắn hạn và dài hạn. Các thuốc ức chế bơm proton làm giảm độ acid ở dạ dày, có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: mệt, chóng mặt, đau đầu.
  • Da: Ban da, mày đay.
  • Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau bụng, táo bón, ỉa chảy.
  • Cơ khớp: Đau cơ, đau khớp.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Toàn thân: Suy nhược, choáng váng, chóng mặt, mất ngủ.
  • Da: Ngứa.
  • Gan: Tăng enzym gan.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

  • Toàn thân: Toát mồ hôi, phù ngoại biên, tình trạng khó chịu, phản vệ.
  • Da: Ban dát sần, trứng cá, rụng tóc, viêm da tróc vảy, phù mạch, hồng ban đa dạng.
  • Tiêu hóa: Viêm miệng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa.
  • Mắt: Nhìn mờ, chứng sợ ánh sáng.
  • Thần kinh: Mất ngủ, ngủ gà, tình trạng kích động hoặc ức chế, ù tai, run, nhầm lẫn, ảo giác, dị cảm.
  • Máu: Tăng bạch cầu ưa acid, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Nội tiết: Liệt dương, bất lực ở nam giới.
  • Tiết niệu: Đái máu, viêm thận kẽ.
  • Gan: Viêm gan, vàng da, bệnh não ở người suy gan, tăng triglycerit.
  • Rối loạn ion: Giảm natri máu.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Pantoprazol thường dung nạp tốt.

Đau bụng, ỉa chảy, nhức đầu, mệt mỏi thường hết khi tiếp tục điều trị, rất ít khi phải ngừng thuốc.

Cần phải theo dõi các triệu chứng như nhìn mờ, trầm cảm, viêm da, đái ra máu, phát ban, liệt dương, … Nếu tình trạng trên kéo dài phải ngừng thuốc hoặc chuyển sang thuốc khác.

Tương tác

Mặc dù pantoprazol bị chuyển hóa qua hệ enzym cytochrom P450 ở gan, nhưng không gây ức chế hoặc cảm ứng hoạt tính hệ enzym này. Không thấy có sự tương tác có ý nghĩa lâm sàng nào đáng chú ý về tương tác giữa pantoprazol và các thuốc dùng thông thường như diazepam, phenytoin, nifedipin, theophylin, digoxin, warfarin hoặc thuốc tránh thai đường uống.

Giống như các thuốc ức chế bơm proton khác, pantoprazol có thể làm giảm hấp thu một số thuốc mà sự hấp thu của chúng phụ thuộc vào pH dạ dày như ketoconazol, itraconazol.

Đau cơ nặng và đau xương có thể xảy ra khi dùng methotrexat cùng với pantoprazol.

Lưu ý khi dùng và bảo quản

Thận trọng

Trước khi dùng thuốc dạ dày pantoprazol cũng như các thuốc khác ức chế bơm proton cho người loét dạ dày, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày vì thuốc có thể che lấp triệu chứng hoặc làm chậm chẩn đoán ung thư.

Cần thận trọng khi dùng pantoprazol ở người bị bệnh gan (cấp, mạn hoặc có tiền sử). Nồng độ huyết thanh của thuốc có thể tăng nhẹ và giảm nhẹ đào thải; nhưng không cần điều chỉnh liều.

Tránh dùng khi bị xơ gan, hoặc suy gan nặng. Nếu dùng, phải giảm liều hoặc cho cách 1 ngày 1 lần. Phải theo dõi chức năng gan đều đặn.

Dùng thận trọng ở người suy thận, người cao tuổi.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai

Chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng pantoprazol ở người trong thời kỳ mang thai.

Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh thuốc bao tử pantoprazol qua được hàng rào nhau thai, tuy nhiên chưa quan sát thấy tác dụng gây quái thai. Các liều 15 mg/kg làm chậm phát triển xương ở thai. Chỉ dùng pantoprazol khi thật cần thiết trong thời kỳ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Chưa biết pantoprazol có bài tiết qua sữa người hay không. Tuy nhiên, pantoprazol và các chất chuyển hóa của nó bài tiết qua sữa ở chuột cống. Dựa trên tiềm năng gây ung thư ở chuột của pantoprazol, cần cân nhắc ngừng cho con bú hay ngừng thuốc, tùy theo lợi ích của pantoprazol với người mẹ.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng của quá liều có thể là: nhịp tim hơi nhanh, giãn mạch, ngủ gà,lú lẫn, đau đầu, nhìn mờ, đau bụng, buồn nôn và nôn.

Xử trí:

  • Rửa dạ dày, dùng than hoạt, điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
  • Theo dõi hoạt động của tim, huyết áp. Nếu nôn kéo dài, phải theo dõi tình trạng nước và điện giải.
  • Do pantoprazol gắn mạnh vào protein huyết tương, phương pháp thẩm tách không loại được thuốc.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 15oC – 30oC.

Các chế phẩm có chứa Pantoprazole hiện nay

Hiện nay, Pantoprazole lưu hành trên thị trường với các dạng bào chế gồm:

Viên nén bao tan trong ruột: 20 – 40 mg.

Viên nang tan trong ruột: 40 mg.

Bột pha tiêm: Lọ 40 mg.

Pantoprazol
Các biệt dược chứa Pantoprazol

Một số thuốc thương mại với thành phẩn Pantoprazole: Pantoprazole 20mg, pantoprazole 40mg, PrazoPro, Pantoloc Cotrol, Hasanloc, Pantoloc, Pantostad, Quapanto, Reprat, SP Extream, Hasanzol, Platra, Panefia, Nolpaza, Naptogast, Redbama, Protonix, Antoloc, Panloz, Lerole, Pantopro, Protomac, Pantopep – Dol, Panto-Denk, Pantocid,…….

Tài liệu tham khảo

  1. Victor Nguyen, PharmD (Cập nhập: ngày 15 tháng 10 năm 2022). All About Pantoprazole Oral Tablet, Healthline. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
  2. R Huber và cộng sự (Ngày đăng: tháng 5 năm 1996). Pharmacokinetics of pantoprazole in man, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
  3. Jai Moo Shincorresponding, Nayoung Kim (Ngày đăng: ngày 8 tháng 1 năm 2013). Pharmacokinetics and Pharmacodynamics of the Proton Pump Inhibitors, Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
  4. G M Ferron và cộng sự (Ngày đăng: tháng 8 năm 2001). Pharmacokinetics of pantoprazole in patients with moderate and severe hepatic dysfunction, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
  5. Marc Bardou 1, Janet Martin (Ngày đăng: tháng 8 năm 2008). Pantoprazole: from drug metabolism to clinical relevance, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
  6. Jean-Dominique de Korwin và cộng sự (Ngày đăng: 19 tháng 6 năm 2004). [New-generation proton pump inhibitors: progress in the treatment of peptic acid diseases?], Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!