Thông tin về Morphin – thuốc giảm đau mạnh, giảm đau nội tạng

31
Morphin
Morphin
Đánh giá

Thông tin chung về hoạt chất Morphin

Việc sử dụng Morphin (ở dạng Morphin sulfat) được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ chấp nhận để giảm các cơn đau vừa đến nặng ở thể cấp tính hoặc mạn tính. Hiệu lực giảm đau của Morphin rất tốt nên trong nhiều trường hợp hoạt chất này đã bị lạm dụng.

Dược lý và cơ chế tác dụng của Morphin

Morphin được coi là thuốc giảm đau nhóm opioid cổ điển so với các loại thuốc giảm đau khác. Tuy nhiên, vai trò của hoạt chất này vẫn rất quan trọng. Morphin thường được coi là thuốc giảm đau opioid nguyên mẫu và là thước đo để so sánh hiệu lực của các thuốc giảm đau khác.

Dược lực học

Morphin tác dụng chủ yếu trên hệ thần kinh trung ương (TKTW) và trên cơ trơn thông qua ái lực với thụ thể opioid. Các thụ thể opioid có ở não, tủy sống và đường tiêu hóa.

Morphin
Công thức cấu tạo của Morphin

Tại 1 vùng mô não có các thụ thể opioid, trong trường hợp vắng mặt Endorphins (opioid nội sinh), tế bào thần kinh ức chế tiết ra chất dẫn truyền thần kinh ngăn chặn tế bào thần kinh gần đó giải phóng dopamine. Ngược lại, nếu cơ thể sản xuất nhiều Endorphin giúp kích hoạt 3 thụ thể opioid chính nằm trên các tế bào thần kinh ức chế, được gọi là thụ thể muy (MOP), kappa (KOP) và delta (DOP). Khi Endorphin liên kết với các thụ thể này, chúng ngăn chặn tế bào thần kinh ức chế giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh, cho phép các tế bào thần kinh tiết dopamin tự do giải phóng dopamin. Dopamin sau đó được bắt giữ bởi một tế bào thần kinh thứ 3 trong cùng khu vực. Khi Dopamin giải phóng tại các vùng xử lý đau của não, như đồi thị, hành não, tủy sống, kết quả là cảm thấy bớt đau hơn. Khi Dopamin giải phóng tại các vùng thưởng, như vùng não thất (VTA), vùng có các nhân liền kề và vỏ não trước trán có tác dụng giúp cảm xúc của chúng ta tốt hơn.

Đó là cách thức hoạt động bình thường, nhưng khi 1 opioid ngoại sinh mạnh, như Morphin, liên kết với các thụ thể opioid, hậu quả là 1 trận lũ khổng lồ của dopamin. Điều này giúp kiểm soát cơn đau, nhưng nó cũng gây ra trạng thái hưng phấn khác thường trong các vùng não liên quan đến con đường tưởng thưởng. Đó là 1 dạng cảm xúc cao.

Morphin tương tác chủ yếu qua thụ thể MOP ở sừng sau tủy sống và não giữa, tạo ra tác dụng giảm đau. Vì thế, Morphin thường được coi là chất chủ vận MOP. Ngoài ra, ở liều cao Morphin có thể tác dụng qua các thụ thể DOP và KOP.

Ở cấp độ tế bào, sự gắn kết của Morphin với các thụ thể opioid bắt cặp với G-protein xuyên màng làm cho tiểu đơn vị α của G-protein trao đổi phân tử guanosine diphosphate (GDP) đã liên kết của nó với guanosine triphosphate (GTP) nội bào. Điều này sau đó cho phép phức hợp α-GTP tách ra khỏi phức hợp βγ. Cả hai phức hợp này (α-GTP và βγ) sau đó được tự do tương tác với các protein đích. Sự gắn kết đó cũng dẫn đến sự ức chế adenylyl cyclase làm giảm nồng độ

Adenosine monophosphate tuần hoàn nội bào (cAMP). Ngoài ra, các phức hợp này còn kích hoạt kênh Kali và ức chế kênh Canxi. Kết quả của những thay đổi này là giảm cAMP nội bào, tăng phân cực tế bào và giảm giải phóng chất dẫn truyền thần kinh.

Như vậy, Morphin kích hoạt các con đường ức chế giảm đau của hệ thống TKTW cũng như ức chế các tế bào thần kinh hướng tâm thụ cảm đau của hệ thống thần kinh ngoại biên. Tức là làm tê liệt con đường dẫn truyền cảm giác đau của cơ thể. Tác dụng giảm đau của Morphin là do làm thay đổi cảm nhận đau và một phần do làm tăng ngưỡng chịu đau.

Các chất chủ vận MOP như Morphin có thể gây giảm đau nhưng cũng gây an thần, ức chế hô hấp, chậm nhịp tim, buồn nôn, nôn, co đồng tử và giảm nhu động dạ dày. Kích hoạt thụ thể DOP có thể gây giảm đau cột sống và giảm nhu động dạ dày. Trong khi đó kích thích thụ thể KOP có thể gây giảm đau cột sống, lợi tiểu và khó nuốt.
Vì có tác dụng mạnh mẽ trên hệ thần kinh, nên Morphin có thể gây nghiện cả về thể chất về tâm lý. Ngoài ra, sử dụng Morphin thường xuyên có thể gây ra tình trạng quen thuốc. Do đó, cần hết sức thận trọng khi sử dụng.

Dược động học

Hấp thu: Morphin hấp thu được qua đường uống, đường tiêm, đường hô hấp và đường trực tràng. Hấp thu qua đường tiêm nhanh và mạnh hơn (sinh khả dụng 15-65%), vì khi sử dụng đường uống, Morphin bị chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng thấp (17-33%). Sau khi uống 30-60 phút, đạt được nồng độ tối đa trong máu, tác dụng giảm đau xuất hiện sau 20 – 60 phút từ khi đặt trực tràng.

Thức ăn làm tăng mức độ hấp thu Morphin dạng thông thường và làm giảm tốc độ hấp thu Morphin dạng giải phóng chậm, nhưng không làm giảm mức độ hấp thu. Morphin được hấp thu nhanh sau khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

Tác dụng giảm đau tối đa xuất hiện 50 – 90 phút sau khi tiêm dưới da, 30 – 60 phút s

Morphin
Thời gian xuất hiện tác dụng của Morphin

Morphin có thể thâm nhập tốt vào tủy sống sau khi tiêm ngoài màng cứng hoặc tiêm vào khoang dưới màng nhện. Sau khi tiêm vào khoang dưới màng nhện, thuốc vào máu chậm nên tác dụng theo con đường này kéo dài. Sau khi tiêm ngoài màng cứng morphin thông thường, thuốc vào máu nhanh, nồng độ trong máu thay đổi theo thời gian rất giống khi tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Phân bố: Morphin liên kết với protein huyết tương khoảng 30%, liên kết với mô cơ là 54%. Thể tích phân bố sau khi tiêm tĩnh mạch là 1 – 4,7 lít/kg .Morphin phân bố nhiều ở cơ vân, gan, phổi, thận. Hoạt chất này qua được hàng rào máu não, nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ thuốc ở não thấp hơn các nơi khác.

Chuyển hóa: Morphin chủ yếu được chuyển hóa ở gan bằng cách liên hợp với acid glucuronic tạo chất chuyển hóa là Morphin-6-glucuronic còn hoạt tính và Morphin-3-glucuronic không có hoạt tính.

Thải trừ: Morphin được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, một phần thải qua phân (có chu kỳ gan ruột). Thời gian bán thải trong huyết tương của Morphin vào khoảng 2 giờ, của Morphin 3-glucuronic là 2,4 – 6,7 giờ. Ở thanh niên, nửa đời của Morphin khoảng 2 – 3 giờ, nửa đời của morphin-6-glucuronid dài hơn một chút. Thời gian bán thải trong huyết tương và trong dịch não tủy sau khi tiêm ngoài màng cứng là 2-4 giờ. Trong vòng 24 giờ, 90% thuốc bị thải trừ. Ở trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non, người suy thận và suy gan thải trừ Morphin chậm hơn nhiều.

Tác dụng và chỉ định

Tác dụng:

Tác dụng trên TKTW: Morphin có tác dụng giảm đau mạnh, giảm đau nội tạng và chọn lọc (chọn lọc trên trung tâm đau, không ảnh hưởng tới cảm giác khác và không mất ý thức). Ngoài ra, Morphin còn có tác dụng an thần, gây ngủ. Tác dụng an thần gây ngủ của Morphin chỉ rõ khi dùng liều thấp hơn liều giảm đau và chỉ rõ ở người cao tuổi. Thuốc ít gây buồn ngủ ở người trẻ. Ngược lại, có nhiều trường hợp cảm thấy bồn chồn, bứt dứt, thậm chí nếu dùng liều cao cho trẻ em có thể gây co giật. Tác dụng trên tâm thần của Morphin là gây ra cảm giác sảng khoái, mơ màng, tăng trí tưởng tượng, mất cảm giác đói khát, buồn phiền. Dùng dài ngày có thể gây nghiện thuốc.

Tác dụng trên hô hấp: Ngay cơ liều điều trị, thuốc đã gây ức chế trung tâm hô hấp, làm nhịp thở chậm và sâu,… Liều cao có thể gây ức chế mạnh hoặc rối loạn hô hấp. Cơ chế gây ức chế hô hấp chủ yếu là do thuốc làm giảm đáp ứng của trung tâm hô hấp đối với CO2 và ức chế trung tâm hô hấp ở hành não. Ngoài ra, thuốc còn gây co thắt cơ trơn phế quản (có thể do tăng giải phóng histamin). Vì vậy, cần thận trọng với người hen phế quản.

Trên tuần hoàn: Ở liều điều trị, thuốc ít ảnh hưởng tới tuần hoàn. Tuy nhiên, ở liều cao, thuốc làm chậm nhịp tim, giãn mạch và hạ huyết áp (có thể do thuốc kích thích trung tâm phó giao cảm, ức chế trung tâm vận mạch ở hành não và tăng tiết histamin). Các chất đối kháng với opioid, chất đối kháng histamin và thuốc hủy phó giao cảm làm giảm hoặc mất tác dụng trên tuần hoàn của Morphin.

Trên tiêu hóa: Morphin làm giảm trương lực và nhu động sợi cơ dọc, giảm tiết dịch tiêu hóa gây táo bón kéo dài. Thuốc làm tăng trương lực cơ vòng tiêu hóa, cơ thắt môn vị, hậu môn và cơ vòng Oddi. Vì thế, Morphin không thích hợp để sử dụng trong giảm đau đường mật và tiết niệu.

Trên tiết niệu: Morphin làm co cơ vòng bàng quang, gây bí tiểu tiện.

Các tác dụng khác: Dễ gây nôn do kích thích trung tâm nôn ở sàn não thất IV. Gây hạ thân nhiệt do kích thích trung tâm tỏa nhiệt. Gây tăng tiết hormon tuyến yên, làm giảm chuyển hóa, giảm oxy hóa. Gây co đồng tử do kích thích trung tâm dây III. Gây giảm tiết dịch nhưng tăng tiết mồ hôi.

Chỉ định:

Đau nặng hoặc đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau khác: sỏi thận, ung thư, chấn thương, sau phẫu thuật, chuyển dạ, nhồi máu cơ tim.

Phù phổi cấp thể nhẹ và vừa.

Phối hợp khi gây mê và tiền mê.

Morphin được sử dụng để giảm đau trong ung thư

Chống chỉ định của Morphin

Dị ứng với Morphin hoặc với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.

Suy hô hấp, hen phế quản.

Chấn thương não hoặc tăng áp lực sọ não.

Trạng thái co giật.

Nhiễm độc rượu cấp.

Đang dùng các thuốc IMAO

Trẻ em dưới 30 tháng tuổi hoặc trẻ đẻ non.

Suy gan nặng.

Đau bụng cấp không rõ nguyên nhân.

Liều dùng và cách dùng Morphin

Với thuốc uống

Mức liều tham khảo là: uống 10mg/ lần, 2-4 lần/ ngày. Có thể tăng lên đến 60-100mg/ ngày tùy vào mức độ quen thuốc và mức độ đau. Tuy nhiên, nên dùng Morphin với liều thấp nhất có tác dụng và ít lặp lại nhất để tránh nghiện thuốc và nhờn thuốc.
Với thuốc viên (viên nang hoặc viên nén): Nên nuốt cả viên, không nhai, không bẻ hoặc nghiền. Có thể uống vào lúc no và lúc đói. Nếu uống viên thuốc giải phóng kéo dài thì không được uống rượu hoặc các loại đồ uống có cồn.

Phải giảm liều ở bệnh nhân bị suy gan, trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế TKTW. Với bệnh nhân suy thận cũng cần giảm liều và nếu cần thì chọn một opiat khác không bị thải trừ qua thận. Đối với người bệnh đã tiêm morphin, liều uống phải đủ cao để bù cho tác dụng giảm đau bị giảm đi khi uống. Liều có thể tăng 50 – 100%. Cần thay đổi liều theo từng người bệnh, do có khác nhau lớn giữa các cá thể.

Với thuốc tiêm

Khi tiêm morphin tĩnh mạch, tiêm ngoài màng cứng, tiêm dưới khoang màng nhện cần phải có sẵn thuốc kháng opiat, các phương tiện hỗ trợ hô hấp, oxygen. Tiêm ngoài màng cứng, tiêm dưới khoang màng nhện phải được thực hiện ở nơi có điều kiện thích hợp để theo dõi bệnh nhân vì suy hô hấp có thể xảy ra muộn và kéo dài, bởi vậy cần theo dõi liên tục trong một thời gian dài tùy theo tình trạng bệnh nhân và chế phẩm sử dụng (phải theo dõi ít nhất 24 giờ nếu dùng morphin thông thường, ít nhất 48 giờ nếu dùng morphin dạng liposome giải phóng chậm). Nếu dùng qua đường vi truyền liên tục có kiểm soát thì phải theo dõi 24 giờ sau mỗi liều thử và theo dõi nhiều ngày sau khi mổ.

Phải quan sát bằng mắt dung dịch để tiêm. Phải vứt bỏ dung dịch vẫn bị tủa ngay cả sau khi đã lắc kỹ. Phải loại bỏ dung dịch có màu vàng nhạt hoặc có màu khác. Phải tiêm tĩnh mạch thật chậm để tránh làm xuất hiện ADR nặng và nguy hiểm

Cần để bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, đầu cao khi tiêm.

Chỉ tiêm ở vùng thắt lưng vì tiêm ở vùng lưng dễ gây ức chế hô hấp ngay cả với liều thấp. Không tiêm dưới khoang màng nhện quá 2 ml dung dịch nồng độ 0,5 mg/ml hoặc quá 1 ml dung dịch nồng độ 1 mg/ml.
Trong phẫu thuật mổ lấy thai, tiêm ngoài màng cứng morphin dạng liposome giải phóng chậm sau khi đã kẹp dây rốn.

Điều chỉnh liều

Suy thận: Clcr 10 – 50 ml/phút: dùng 75% liều bình thường; Clcr <10 ml/phút: Dùng 50% liều bình thường.

Suy gan: Thận trọng khi dùng. Hệ số thanh thải morphin giảm ở người bị xơ gan. Phải giãn cách gấp rưỡi hoặc gấp đôi thời gian giữa các liều so với người không bị suy gan.

Người cao tuổi, nên giảm liều khởi đầu dùng liều morphin thấp hơn, do thể tích phân bố nhỏ hơn và chức năng thận giảm.

Chuyển từ đường uống sang đường tiêm: Liều thuốc tiêm mỗi ngày bằng 1/3 liều thuốc uống mỗi ngày; liều ban đầu bằng ½ liều thuốc uống.

Chuyển từ đường tiêm sang đường uống: Liều thuốc uống mỗi ngày gấp 3 lần liều thuốc tiêm (để điều trị đau mạn tính).

Chuyển từ thuốc giảm đau không phải opioid uống hoặc tiêm sang morphin uống: Dùng một nửa liều morphin tương đương mỗi ngày được tính làm liều khởi đầu và bổ sung bằng morphin giải phóng tức thời

Tác dụng không mong muốn của Morphin

Khoảng 20% người bệnh buồn nôn và nôn. Phần lớn ADR phụ thuộc vào liều dùng.

Nguy cơ các phản ứng kiểu phản vệ là do morphin có tác dụng giải phóng trực tiếp histamin.

Nghiện thuốc có thể xuất hiện sau khi dùng liều điều trị 1 – 2 tuần. Có những trường hợp nghiện chỉ sau khi dùng 2 – 3 ngày.

Hội chứng cai thuốc: Xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ngừng một đợt điều trị dài và đạt tới đỉnh điểm trong vòng 36 – 72 giờ. Biểu hiện của hội chứng cai thuốc là: chảy nước mắt, nước mũi, ngất, lạnh, giảm thân nhiệt, giãn đồng tử, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, run, vật vã, co giật.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Tim chậm, huyết áp giảm, buồn ngủ, chóng mặt, sốt, lú lẫn, nhức đầu, ngứa, khô miệng, táo bón, buồn nôn, nôn, bí tiểu, thiếu máu, đau chỗ tiêm, yếu cơ, co đồng tử.

Độc tính cấp: khi dùng liều 0,05 – 0,06g, liều gây chết là 0,1 – 0,15g.

Triệu chứng ngộ độc Morphin là: hôn mê, co đồng tử, suy hô hấp nặng, tím tái, sau đó giãn đồng tử, trụy tim mạch, ngừng hô hấp và tử vong.

Xử trí khi ngộ độc Morphin: ngoài các biện pháp giải độc thông thường thì chất giải độc đặc hiệu là các hoạt chất kháng opioid: Naloxone, naltrexone phối hợp với atropin.

Tương tác thuốc của Morphin

Cấm phối hợp với thuốc ức chế monoamine oxidase, vì nếu phối hợp có thể gây trụy tim mạch, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, dẫn đến hôn mê và tử vong. Morphin chỉ được dùng sau khi đã ngừng thuốc ức chế monoamine oxidase ít nhất 15 ngày.

Các chất vừa chủ vận vừa đối kháng Morphin (như buprenorphine, nalbuphine, pentazocin) làm giảm tác dụng giảm đau của Morphin do chẹn cạnh tranh với thụ thể.

Rượu làm tăng tác dụng an thần của morphin.

Các dẫn chất khác của morphin, các thuốc chống trầm cảm cấu trúc 3 vòng (amitriptylin, clomipramin), các kháng histamin H1 có tác dụng an thần, các barbiturat, benzodiazepin, thuốc liệt thần (neuroleptic), Clonidin cùng dẫn chất, làm tăng tác dụng ức chế TKTW của Morphin.

Thận trọng khi sử dụng Morphin

Sử dụng Morphin có thể gây ức chế hô hấp. Morphin ức chế hô hấp là do ức chế tác dụng kích thích của khí cacbonic (CO2) trên trung tâm hô hấp ở hành não. Ở người bệnh hô hấp bình thường, liều điều trị dưới 10 mg morphin ít tác dụng đến hô hấp. Tuy nhiên, cũng liều đó có thể gây suy hô hấp ở người suy giảm chức năng hô hấp như bị bệnh phổi hoặc dùng các thuốc khác có ảnh hưởng đến hô hấp.

Trong số các tác dụng của morphin trên tâm thần, tác dụng rõ nhất là gây sảng khoái, nhưng cũng có người bệnh trở thành trầm cảm hoặc ngủ gà, mất tập trung và giảm trí nhớ.

Morphin có thể trực tiếp gây giải phóng histamin, do đó làm giãn mạch ngoại vi đột ngột, như ở da, thậm chí gây co thắt phế quản.

Tác dụng trên tim mạch thường rất yếu, nhưng đôi khi, ở một số người bệnh, có thể xảy ra hạ huyết áp rất rõ

Morphin gây nghiện rất nghiêm trọng. Nghiện có thể phát sinh ngay sau 1 tuần tiêm lặp lại liều điều trị. Sự quen thuốc cũng phát triển, người bệnh đau nhiều, cần điều trị lâu dài, thường cần liều tăng dần mới khống chế được đau.

Morphin loại tiêm ngoài màng cứng không được có chất bảo quản.

Ở người bệnh chức năng hô hấp bình thường, tiêm ngoài màng cứng 2 – 5 mg morphin, sẽ ức chế hô hấp rất ít. Nguy cơ ức chế hô hấp tăng ở người cao tuổi, đặc biệt sau khi điều trị đồng thời với thuốc giảm đau gây ngủ khác và sau khi tiêm ngoài màng cứng liều lặp lại. Nguy cơ ức chế hô hấp cũng tăng ở người có bệnh đường hô hấp mạn tính (hen) và người bệnh tăng áp lực nội sọ.

Morphin tiêm ngoài màng cứng có thể gây bí đái, do cơ bàng quang giãn làm tăng dung lượng bàng quang.

Cần thận trọng khi sử dụng cho người cao tuổi, người suy gan, suy thận, giảm năng tuyến giáp, suy thượng thận, sốc, người rối loạn tiết niệu – tiền liệt (nguy cơ bí đái), hen, tăng áp lực nội sọ (chấn thương đầu), bệnh nhược cơ.

Thuốc làm giảm sự tỉnh táo, vì vậy không nên lái xe hoặc vận hành máy. Thuốc gây phản ứng dương tính khi xét nghiệm doping trong thể thao.

Để giảm đau trong sản khoa, phải điều chỉnh liều để tránh ức chế hô hấp cho trẻ sơ sinh.

Đối với phụ nữ mang thai: Các thuốc giảm đau kiểu Morphin gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh, do thuốc qua được nhau thai và tác động vào trẻ. Thải trừ Morphin ở trẻ sơ sinh rất chậm. Không được dùng morphin cho người mẹ 3 – 4 giờ trước khi đẻ. Nếu mẹ bị nghiện hoặc dùng morphin kéo dài trong khi mang thai, trẻ đẻ ra sẽ xuất hiện hội chứng cai nghiện như co giật, kích thích, nôn và thậm chí tử vong.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Một lượng nhỏ Morphin được bài tiết vào sữa mẹ. Những nghiên cứu mới đây cho biết trẻ em nhận được khoảng 0,8 – 12% liều thuốc dùng cho mẹ. Do đó, nên ngừng cho con bú, nếu mẹ dùng Morphin.

Giải đáp một số thắc mắc về việc sử dụng Morphin

Morphin thường được kê đơn để giảm đau trong các trường hợp đau nặng như đau ung thư. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về những ảnh hưởng của chúng với sức khỏe. Một số cho rằng Morphin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Điều này không hoàn toàn đúng.

Thuốc Morphin cho người ung thư có hiệu quả không?

Các nghiên cứu cho thấy, Morphin là thuốc giảm đau hiệu quả cho bệnh nhân ung thư. Cứ hai hoặc ba người thì có một người bị ung thư sẽ phải chịu đựng cơn đau với cường độ vừa phải hoặc dữ dội. Và cơn đau có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi ung thư tiến triển.

Năm 1986, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên uống Morphin cứ sau bốn giờ để kiểm soát tốt cơn đau do ung thư.

Các nghiên cứu cho thấy, khoáng 90% người bệnh cảm thấy đỡ đau hơn khi dùng Morphin và khoảng 60% người sử dụng hài lòng với công dụng của hoạt chất này.

Tuy nhiên, sử dụng thường xuyên hoặc lạm dụng Morphin có thể gây nghiện hoặc gặp nhiều tác dụng phụ.

Morphin giúp người bệnh cảm thấy đỡ đau đớn hơn và mệt mỏi hơn

Thuốc Morphin cho người ung thư có khiến họ chết sớm hơn không?

Morphin được sử dụng trong liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư, đặc biệt là ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, một số bệnh nhân và gia đình họ lo lắng rằng, liệu Morphin có khiến sức khỏe của người bệnh giảm sút và đẩy nhanh quá trình hấp hối không.

Các chuyên gia khẳng định rằng, Morphin không phải là yếu tố dẫn đến cái chết của một người đang mắc bệnh nặng. Không có bằng chứng nào cho thấy Morphin đẩy nhanh quá trình tử vong ở bệnh nhân dùng đúng liều lượng. Thực tế, việc sử dụng Morphin để điều trị cơn đau ở giai đoạn cuối của bệnh còn có thể giúp người bệnh sống lâu hơn một chút.

Ngoài ra, có sự khác biệt giữa cái chết tự nhiên và cái chết do dùng quá nhiều Morphin. Nếu người bệnh sử dụng quá nhiều Morphin họ thường bị hôn mê, hơi thở thường chậm và đều đặn. Trong khi, trong vài giờ cuối cùng của quá trình chết tự nhiên, hơi thở của người bệnh thường nông và nhanh hơn bình thường.
mã nhúng youtube

Một số chế phẩm chứa Morphin thường sử dụng

Dạng thuốc uống (morphin sulfat):

Viên nang giải phóng chậm chứa chuỗi hạt: 30 mg (27 mg giải phóng chậm và 3 mg giải phóng tức thời)/24 giờ; 60 mg (54 mg giải phóng chậm và 6 mg giải phóng tức thời)/24 giờ; 90 mg (81 mg giải phóng chậm và 9 mg giải phóng tức thời)/24 giờ; 120 mg (108 mg giải phóng chậm và 12 mg giải phóng tức thời)/24 giờ.

Viên nang giải phóng chậm chứa vi cầu (pellet): 20 mg/24 giờ; 30 mg/24 giờ; 50 mg/24 giờ; 60 mg/24 giờ; 80 mg/24 giờ; 100 mg/24 giờ; 200 mg/24 giờ.

Viên nén: 15 mg; 30 mg. Dung dịch: 10 mg/5 ml; 20 mg/5 ml; 100 mg/5 ml.

Viên nén giải phóng chậm: 15 mg/12 giờ; 30 mg/12 giờ; 60 mg/12 giờ; 100 mg/12 giờ.

Viên nén bao phim giải phóng chậm: 30 mg/12 giờ; 60 mg/12 giờ; 100 mg/12 giờ; 200 mg/12 giờ.
Viên nén hòa tan: 10 mg; 15 mg; 30 mg.

Các biệt dược phổ biến trên thị trường: Morphin 30mg, MS. Contin, Osaphine C30,…

Dạng thuốc tiêm:

Thuốc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch, dưới da: 0,5 mg/ml; 1 mg/ml; 2 mg/ml; 4 mg/ml; 5 mg/ml; 8 mg/ml; 10 mg/ml; 15 mg/ml.

Dung dịch (không có chất bảo quản) để tiêm ngoài màng cứng, tiêm dưới khoang màng nhện hoặc tiêm tĩnh mạch: 0,5 mg/ml; 1 mg/ml.

Dung dịch (không có chất bảo quản) để tiêm ngoài màng cứng, tiêm dưới khoang màng nhện chỉ dùng qua bộ vi truyền liên tục: 10 mg/ml; 25 mg/ml.

Dung dịch để truyền tĩnh mạch qua bộ truyền được kiểm soát phù hợp với bệnh nhân: 1 mg/ml; 5 mg/ml.

Dung dịch truyền tĩnh mạch: 25 mg/ml.

Dung dịch để pha truyền tĩnh mạch: 25 mg/ml; 50 mg/ml

Các biệt dược phổ biến trên thị trường: OSAPHINE, Opiphine, Morphin 10mg/10ml,…

Dạng thuốc đạn

Thuốc đạn: 5 mg; 10 mg; 20 mg; 30 mg.

Tóm lại, Morphin là lựa chọn để giảm nhẹ các cơn đau từ trung bình đến nặng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Đặc biệt ở bệnh nhân ung thư, Morphin là hoạt chất quan trọng trong các liệu trình chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng Morphin cần hết sức thận trọng.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam (Xuất bản năm 2018). Chuyên luận Morphin sulfat, Dược thư Quốc gia Việt Nam. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 03 năm 2023.
  2. Patrick B. Murphy, Samuel Bechmann, Micheal J. Barret (Ngày đăng: Ngày 20 tháng 6 năm 2022). Morphine: Continuing Education Activity, Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 03 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!