Thông tin về Domperidone – thuốc chống nôn, giảm khó tiêu

37
Domperidone
Domperidone
Đánh giá

Tổng quan về Domperidone

Domperidone đã xuất hiện và được lưu hành ở 1 số quốc gia châu Âu ngoại trừ Hoa Kỳ từ năm 1978. Domperidone là chất đối kháng thụ thể dopamin D2 được phát triển như một chất chống nôn và prokinetic. Mặc dù Domperidone dạng uống không được chấp thuận lưu hành tại Hoa Kỳ, nhưng nó được sử dụng và lưu hành ở nhiều quốc gia Châu Âu khác từ những năm 1978 để điều trị chứng buồn nôn và nôn, liệt dạ dày và như một loại thuốc kích thích tiết sữa (để thúc đẩy tiết sữa).

Mặc dù là 1 thuốc chống nôn hiệu quả và nhanh chóng, Domperidone ngày càng vướng phải nhiều ý kiến phản đối ở các quốc gia có lưu hành thuốc. Việc rà soát các chế phẩm chứa domperidon được đề xuất lần đầu tiên bởi Cơ quan quản lý Dược phẩm Bỉ trước những quan ngại về tác dụng phụ nguy hiểm trên tim mạch của thuốc. Domperidon dùng đường tiêm đã bị rút khỏi thị trường từ năm 1985 cũng do những tác dụng phụ này. Đến năm 2011, Nhóm chuyên môn Cảnh giác dược Châu Âu (PhVWP) đã đề xuất đưa Domperidon vào thận trọng và khuyển cáo ở tất cả các thuốc thuộc nhóm tim mạch.

Đến năm 2014, Cơ Quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã thức đưa ra quyết định hạn chế và kiểm soát việc sử dụng Domperidone, bao gồm giới hạn chỉ định chỉ sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng nôn và buồn nôn, giới hạn liều dùng và hiệu chỉnh liều thận trọng theo cân nặng khi dùng cho trẻ em, giảm thời gian điều trị.

Domperidone
​Công thức cấu tạo của Domperidone

Đặc điểm dược lý của Domperidone

Dược lực học và cơ chế tác dụng

Domperidone là thuốc gì?

Domperidon là chất đối kháng thụ thể cả thụ thể D1 và D2 của dopamin, tương tự như metoclopramid. Do thuốc hầu như không có tác dụng lên các thụ thể dopamin ở não nên domperidon không có ảnh hưởng lên tâm thần và thần kinh.

Domperidon thúc đẩy nhu động của dạ dày (pro-kinetic agent), làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn, nhưng lại không ảnh hưởng lên sự bài tiết của dạ dày.

Thuốc dùng để điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, cả buồn nôn và nôn do dùng levodopa hoặc bromocriptin ở người bệnh Parkinson. Tuy nhiên, do không vào được thần kinh trung ương, chỉ tác dụng ở ngoại biên (trên vùng cò súng, chemoreceptor trigger zone, CTZ ở sàn não thất 4 và trên ống tiêu hóa) nên tác dụng chống nôn của domperidon không bằng metoclopramid nhưng ít gây hội chứng ngoại tháp hơn.

Domperidon cũng có khả năng đối kháng lại tác dụng ức chế bài tiết prolactin gây ra bởi dopamin hoặc apomorphin, làm tăng rõ rệt nồng độ prolactin trong huyết tương.

Dược động học

Domperidon được hấp thu ở đường tiêu hóa, nhưng cho sinh khả dụng đường uống tương đối thấp: uống lúc đói chỉ đạt khoảng 15% do phần lớn thuốc bị chuyển hóa bước đầu qua gan và bị chuyển hóa tại ruột. Thuốc cũng được hấp thu khi đặt trực tràng cho sinh khả dụng tương đương với sinh khả dụng đường uống, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương chỉ bằng 1/3 nồng độ đỉnh đạt được sau khi uống và thời gian hấp thu chậm hơn (đạt nồng độ đỉnh sau 1 giờ so với 30 phút sau khi uống hoặc tiêm bắp). Sinh khả dụng đường tiêm bắp đạt khoảng 90% với nồng độ đỉnh đạt sau khoảng 30 phút.

Sinh khả dụng của thuốc sau khi uống tăng lên rõ rệt (từ 13% lên khoảng 23%) nếu uống thuốc 90 phút sau khi ăn, nhưng thời gian để đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương thì chậm lại.

Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng từ 91-93%. Thể tích phân bố toàn thân đo được vào khoảng 5,71 lít/kg thể trọng. Có khoảng 0,2% đến 0,8% lượng thuốc có khả năng xâm nhập qua hàng rào nhau thai và gần như không qua được hàng rào máu não.

Domperidon chuyển hóa phần lớn khi đi qua gan nhờ quá trình hydroxyl hóa và khử N-alkyl oxy hóa. Nửa đời thải trừ ở người khỏe mạnh khoảng 7,5 giờ và kéo dài ở người có suy giảm chức năng thận (nửa đời thải trừ có thể tăng lên đến 21 giờ trên bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết tương lớn hơn 530 mmol/lít).

Không có hiện tượng thuốc bị tích tụ trong cơ thể do suy thận, vì độ thanh thải của thận thấp hơn nhiều so với độ thanh thải toàn phần của huyết tương. Domperidon đào thải theo phân và nước tiểu, chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa: 30% liều uống đào thải theo nước tiểu trong 24 giờ (0,4% ở dạng nguyên vẹn); 66% đào thải theo phân trong vòng 4 ngày (10% ở dạng nguyên vẹn).

Chỉ định của Domperidone

Domperidone được dùng trong các trường hợp:

Điều trị ngắn hạn triệu chứng buồn nôn và nôn nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau như sau dùng hóa trị liệu điều trị ung thư, do levodopa hoặc bromocriptin trong điều trị bệnh Parkinson.

Thuốc ít khi được dùng với tác dụng chống nôn kéo dài hoặc phòng ngừa nôn hậu phẫu.

Điều trị triệu chứng chứng khó tiêu không liên quan đến loét.

Điều trị triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản ở người lớn và cả trẻ nhỏ.

Thúc đẩy nhu động dạ dày trong chứng liệt ruột nhẹ ở bệnh nhân tiểu đường, sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột.

Liều dùng và cách dùng Domperidone

Liều dùng Domperidone

Người lớn và trẻ em cân nặng trên 35 kg

Liều chỉ định 10 – 20 mg/lần và dùng 3 – 4 lần/ngày, tối đa 80 mg/ngày.

Hoặc đặt thuốc vào trực tràng 30 – 60 mg/lần và 2 lần mỗi ngày.

Trẻ em

Liều dùng Domperidone cho trẻ em như sau:

Điều trị nôn và buồn nôn:

Đường uống cho trẻ cân nặng đến 35 kg: uống 250 – 500 microgram/kg cân nặng/lần, 3 – 4 lần/ngày, tối đa 2,4 mg/kg/ngày.

Đường đặt trực tràng:

Trẻ có cân nặng từ 15 – 35 kg: 30 mg/lần, 2 lần/ngày (hoặc mỗi ngày đặt vào trực tràng 4 mg/kg, chia làm nhiều lần).

Không dùng đường đặt trực tràng cho trẻ có cân nặng dưới 15 kg.

Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa:

Trẻ sơ sinh: uống 100 – 300 microgam/kg/lần, 4 – 6 lần/ngày.

Trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi: uống 200 – 400 microgam/kg/lần (tối đa 20 mg/lần), 3 – 4 lần/ngày.

Trẻ từ 12 – 18 tuổi: uống 10 – 20 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày.

Cách dùng Domperidone hiệu quả nhất

Domperidon dùng chủ yếu theo đường uống, rất hiếm khi dùng đường tiêm. Nên uống thuốc 15 – 30 phút trước bữa ăn.

Đường tiêm: Hiện nay nhiều nước đã cấm không tiêm tĩnh mạch domperidon, nên khuyến cáo không sử dụng thuốc qua đường này cho bệnh nhân.

Chống chỉ định

Không chỉ định Domperidon cho người:

  • Quá mẫn với domperidon.
  • Chảy máu đường tiêu hóa hoặc thủng đường tiêu hóa.
  • Tắc ruột cơ học.
  • U tuyến yên tiết prolactin (prolactinome).
  • Phụ nữ mang thai.
  • Bệnh nhân suy gan.
Domperidone
Không dùng Domperidone cho đối tượng nào?

Tác dụng không mong muốn

Ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1000

Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, khô miệng.

Thần kinh trung ương: Đau đầu, mất ngủ.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Rối loạn ngoại tháp và buồn ngủ xảy ra với tỷ lệ rất thấp và thường do rối loạn tính thấm của hàng rào máu – não (trẻ đẻ non, tổn thương màng não) hoặc do quá liều.

Chảy sữa, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, vú to hoặc đau tức vú, giảm khoái cảm do tăng prolactin huyết thanh có thể gặp ở người bệnh dùng thuốc liều cao dài ngày.

Tiêm tĩnh mạch domperidon có thể gây co giật, rối loạn vận động cấp, loạn nhịp tâm thất, ngừng tim và tử vong. Hiện nay nhiều nước đã cấm sử dụng domperidon đường tiêm.

Phản ứng dị ứng bao gồm sốc phản vệ, mày đay, phù Quinck rất hiếm gặp khi dùng domperidon.

Tương tác thuốc

Thuốc giảm đau nhóm opioid và các thuốc kháng cholinergic có thể đối kháng và làm giảm tác dụng của domperidon trên nhu động đường tiêu hóa.

Các thuốc ức chế enzym CYP3A4 ở gan (như ketoconazol và các azol chống nấm khác, erythromycin, ritonavir…) có thể làm giảm chuyển hóa của domperidon, do đó gia tăng nguy cơ gây kéo dài đoạn QT trên điện tâm đồ và nguy cơ gây loạn nhịp tim.

Domperidon có thể đối kháng tác dụng làm giảm prolactin huyết tương của bromocriptin.

Domperidon có thể làm tăng tốc độ hấp thu qua đường tiêu hóa của paracetamol do làm thay đổi nhu động đường tiêu hóa.

Lưu ý khi dùng và bảo quản

Lưu ý và thận trọng

Chỉ được dùng domperidon tối đa tới 12 tuần đối với người mắc bệnh Parkinson do có thể xuất hiện các tác dụng có hại ở thần kinh trung ương. Chỉ dùng domperidon cho người bệnh Parkinson khi các biện pháp chống nôn khác an toàn hơn không có tác dụng.

Giảm liều chỉ định từ 30 – 50% khi dùng cho bệnh nhân suy thận và cho uống thuốc làm nhiều lần trong ngày.

Domperidon rất ít khi được dùng theo đường tiêm. Nếu dùng domperidon theo đường tĩnh mạch thì phải thật thận trọng, đặc biệt là trên bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp tim hoặc hạ kali huyết.

Thận trọng không dùng đồng thời với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 (như cimetidin, ketoconazol, erythromycin) do có khả năng gia tăng nguy cơ làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.

Một lượng nhỏ domperidon được xác định có bài tiết trong sữa mẹ (tỷ lệ nồng độ thuốc trong sữa mẹ/huyết tương = 0,03); tuy nhiên do có khả năng gây độc tính cao trên mẹ nên không dùng thuốc này cho phụ nữ đang cho con bú.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc

Do thuốc có thể gây tình trạng rối loạn ngoại tháp, đau đầu và buồn ngủ, do đó bệnh nhân cần được khuyến cáo không lái xe hay vận hành máy móc nên gặp các triệu chứng trên.

Quá liều và xử trí

Triều chứng quá liều: buồn ngủ, mất khả năng xác định phương hướng, hội chứng ngoại tháp, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.

Xử trí ngộ độc cấp và quá liều: rửa dạ dày, dùng than hoạt, điều trị triệu chứng. Các thuốc kháng cholinergic hoặc các thuốc điều trị Parkinson có khả năng giúp kiểm soát hội chứng ngoại tháp trong trường hợp quá liều.

Bảo quản

Bảo quản thuốc trong bao bì kín.

Hỗn dịch uống chỉ sử dụng trong vòng 3 tháng sau khi mở lọ thuốc.

Các chế phẩm có chứa Domperidone

Mặc dù hiện nay tại các nước châu Âu, dạng tiêm của Domperidone đã bị cầm lưu hành do độc tính nghiêm trọng tới tim mạch, tại 1 số nước trong đó có Việt Nam, dạng thuốc tiêm tĩnh mạch vẫn được chấp thuận và được sử dụng dưới chỉ dẫn và theo dõi y tế chặt chẽ trong các trường hợp bắt buộc.

Tại Việt Nam, Domperidone được lưu hành dưới các dạng thuốc thành phẩm sau:

Viên nén 10 mg: Domperidone 10mg Stella, AT. Domperidone, Modom’s, Dompidone, Donalium, Glomoti M, Domridon, Naupastad 10, Molitium-M,…

Hỗn dịch uống Domperidone 10 mg/10 ml, Domperidone 5mg/ 5 ml: Molitium, AgiMotin, Motitridon, Mutecium-M, Domne, Esogut Suspension, Dompenic,…

Thuốc đạn 30 mg.

Ống tiêm 10 mg/2 ml.

Thuốc sủi dạng hạt: 10 mg/gói

Tài liệu tham khảo

1. Otten MH (Ngày đăng: năm 2003). [Domperidone: off the market or freely available?], PMC. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

2. Doggrell SA, Hancox JC (Ngày đăng: tháng 1 năm 2014). Cardiac safety concerns for domperidone, an antiemetic and prokinetic, and galactogogue medicine, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

3. Reddymasu SC, Soykan I, McCallum RW (Ngày đăng: tháng 9 năm 2017). Domperidone: review of pharmacology and clinical applications in gastroenterology, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

4. Bashashati M, Sarosiek I, Siddiqui T, McCallum RW (Ngày đăng: tháng 11 năm 2016). Adverse Effects of Domperidone: Prolonged QuesT for Knowledge?, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

5. Barone JA (Ngày đăng: tháng 4 năm 1999). Domperidone: a peripherally acting dopamine2-receptor antagonist, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

6. Henderson A (Ngày đăng: năm 2003). Domperidone. Discovering new choices for lactating mothers, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!