Dây Đòn Gánh (Dây Gân) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

761
Dây Đòn Gánh
Dây Đòn Gánh
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Dây Đòn Gánh trang 126, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là đòn kẻ trộm, dây gân.

Tên khoa học Gouania leptostachya DC.

Thuộc họ Táo ta Rhamnaceae.

Mô tả cây

Dây leo hoặc mọc tựa. Lá dài 4-10cm, rộng 2-6cm, hình bầu dục, phía cuống hơi hình tim, đầu nhọn, mép có răng cưa. Cụm hoa tận cùng hay ở nách lá, thường họp thành chùy dài 10- 25cm, có móc ở gốc cuống. Hoa họp từ 4-7 trên một trục ngắn ở nách một lá bắc hình ba cạnh. Hoa đực 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, bao phấn rất nhỏ. Đĩa rất nhỏ, mẫm bao quanh vòi, nuốm có 3 thùy.

Hoa cái có bầu hạ, bầu rất thấp 1mm. Quả khô dài 8-10mm, rộng 10-12mm khi chín tách thành ba quả mang cánh, hai đầu có đài tồn tại. Hạt dài 1mm, rộng 3mm. Mùa hoa: tháng 7-8, mùa quả: tháng 9. Cây có hai thứ nữa:

Thứ macrocarpa Pitard, có quả to, dài 10- 12mm, rộng 13-15mm, đen nhạt có cánh dày. Mùa quả: tháng 12.

Thứ tonkinensis Pitard, có lá răng cưa nhỏ, lá kèm hình lá rất rộng, ôm lấy thân ở phía dưới, tồn tại. Hoa dưới của hoa tự định trên những trục khá dài và kèm theo lá bắc. Quả nâu vàng nhạt.

Hoa, quả và lá dây đòn gánh
Hoa, quả và lá dây đòn gánh

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang tại khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, thường ở những nơi dãi nắng.
Thường người ta sử dụng toàn bộ phận trên mặt đất của cây. Dùng tươi.

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ thấy có rất nhiều saponozit.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân thường dùng cây này giã nhỏ thêm ít rượu xoa bóp vào những nơi sưng tấy đau nhức do bị đòn, ngã bị thương sưng tấy (tên đòn kẻ trộm hay dây đòn gánh là vì kẻ trộm bị đánh hay khi bị đánh bằng đòn gánh mà bị sưng đau thì dùng cây này mà chữa). Thường dùng ngoài không kể liều lượng. Có khi vừa xoa bóp bên ngoài, vừa ngâm rượu mà uống.

Còn dùng chữa bỏng, kinh nguyệt không đều.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!