Cây Trinh Nữ Hoàng Cung – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

219
Trinh Nữ Hoàng Cung
Trinh Nữ Hoàng Cung
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Trinh Nữ Hoàng Cung trang 527-529 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là: Hoàng cung trinh nữ-Tây nam văn châu lan- Thập bát học sĩ (Trung Quốc), Tỏi Thái Lan.

Tên khoa học Crinum latifolium L..

Thuộc họ Thuỷ tiên Amaryllidaceae.

Tên trinh nữ hoàng cung do cây này được dùng để trị bệnh cho những phụ nữ còn trinh tiết được tuyển chọn vào cung vua nhưng không được vua chú ý nên mắc một số bệnh riêng của những phụ nữ sống trong cùng hoàn cảnh.

Mô tả cây

Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to, đường kính 10-15cm, bẹ lá úp vào nhau thành một thần giả dài khoảng 10-15cm, có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80-100cm, rộng 3-8cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lõm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím.

Hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cần hoa dài 30-60cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ, từ thần hành mọc rất nhiều củ con có thể tách ra để trồng riêng dễ dàng.

Trinh Nữ Hoàng Cung
Trinh Nữ Hoàng Cung

Phân bố, thu hái và chế biến

Nhân dân thường nói rằng trinh nữ hoàng cung chỉ mọc ở Thái Lan, Campuchia nhưng thực tế ở Việt Nam cũng có mọc từ lâu và hiện nay thấy trồng ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam. Ở Việt Nam bộ phận dùng là lá dùng tươi hay phơi hoặc thái nhỏ sao vàng dùng dần. Nhưng ở một số nước người ta dùng cán hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô.

Thành phần hoá học

Năm 1984, Ghosal (Ấn Độ) đã phân lập và xác định từ cán hoa trinh nữ hoàng cung một glucoancaloit có tên latisolin. Thủy phân bằng enzym thu được aglycon có tên latisodin (J. Chem. Res., 1983).

Ghosal và Shibnath còn phân lập được từ thân hành lúc cây đang ra hoa pratorimin và pratosin là 2 ancaloit pyrolophenanthrindon mới cùng với những chất đã được biết như pratorimin, ambelin và lycorin.

Năm 1986, Ghosal còn công bố tách được từ trinh nữ hoàng cung một số dẫn chất ancaloit có tác dụng chống ung thư crinafolin và crinafolidin (C. A, 1987, vol, 106. 64286n). Năm 1989, Ghosal còn chiết được từ địch ép của cán hoa trinh nữ hoàng cung 2 ancaloit mới có nhân Pyrrolophennanthridin là 2-cpilycorin và 2- epipancrassidin (Phytochemistry, 1989, 28(9). 2535-7).

Một số nhà khoa học Nhật Bản (Kobayashi Shigenru., Tomoda. Masashi, vol. 102. 3236s và 128865c, 21140k) cũng tìm thấy một số ít ancaloit khác từ trinh nữ hoàng cung.

Công dụng và liều dùng

Từ những năm 1989-1990, nhân dân ta đồn nhau tìm sử dụng lá cây trinh nữ hoàng cung để chữa những trường hợp u xơ, ung thư tử cung (đối với phụ nữ ) u xơ và ung thư tiền liệt tuyến (đối với nam giới ) với cách dùng như sau: Ngày uống nước sắc của 3 lá trinh nữ hoàng cung hải tươi thái nhỏ ngắn 1-2cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày, rồi nghỉ 7 ngày, sau đó lại uống tiếp 7 ngày nữa, lại nghỉ 7 ngày và uống tiếp 7 ngày. Tổng cộng 3 đợi uống là 7x3x3 là 63 lá, xen kẽ 2 đợt nghỉ uống, mỗi đợt 7 ngày. Nhiều người chỉ uống nước sắc trinh nữ hoàng cung như trên cũng thu được kết quả tốt. Nhưng có một số bệnh nhân uống thêm cùng nước sắc trinh nữ hoàng cung nước sắc một “đơn thuốc bổ thận”, khi hỏi từ đầu có đơn thuốc này, thì câu trả lời không rõ ràng, nhưng vì tôi được đọc một bản chụp một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài gửi về (không thấy ghi tên, ngày tháng), nhiều người chỉ uống nước sắc trong đơn thuốc này không cùng uống nước sắc trinh nữ hoàng cung mà cũng khỏi cho nên tôi cứ ghi lại ở đây để mọi người cùng theo dõi: Đơn thuốc có 18 vị như sau:

Chế viễn chí 8g

Liên nhục 12g

Đảng sâm 12g

Thục địa 12g

Quảng bì 12g

Mẫu đơn 8g

Hắc đỗ trọng 12g

Hắc táo nhân 16g

Sơn thù nhục 8g

Trích hoàng kỳ 8g

Phục linh 12g

Trích thảo 8g

Nhục thung dung 12g

Ngưu tất 12g

Câu kỷ tử 12g

Hoài sơn 12g

Bach truât 8g

Trạch tả 12g

Để tiện cho người dùng cũng như tiện cho người thầy thuốc theo dõi kết quả điều trị, sau khi kiểm tra đúng các vị thuốc, chúng tôi chế thành ba dạng thuốc: Trà trinh nữ hoàng cung, trà thuốc bổ thận, trà phối hợp thuốc bổ thận và trinh nữ hoàng cung. Ở những nơi khí hậu quá ẩm thấp, dạng trà khó bảo quản, chúng tôi chế thành dạng nước sắc đóng ống, cũng với ba dạng như trên.

Khi uống phối hợp nước sắc trinh nữ hoàng cung với đơn thuốc bổ thận, thì cần 10 thang thuốc bổ thận. Tuần đầu uống 4 thang thuốc bổ thận cùng với 7 ngày uống nước sắc trinh nữ hoàng cung, 2 tuần sau, khi uống nước sắc trinh nữ hoàng cung thì mỗi tuần uống 3 thang thuốc bổ thận.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!