Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Đào Tiên trang 897-898 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là Quả Trường Sinh.
Tên khoa học Crescentia cujete Lin.
Thuộc họ Núc nác Bignoniaceae.
Mô tả cây
Những năm gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, người ta nói nhiều đến vị thuốc chế từ một quả cây mang tên đào tiên. Còn có tên khác là trường sinh. Tên đào tiên gợi cho ta câu chuyện con khỉ Tôn Hành Giả trong truyện Tây du ký sống lâu nhờ ăn quả đào tiên hái trộm trong vườn của bà Tây Vương Mẫu. Trước đây khi nghe tên đào tiên, thường người ta chỉ nghĩ đến cây đào có hoa màu đỏ, dùng trang trí trong những ngày tết, quả ăn được, có tên khoa học Prunus persica Stokes hay Persica vulgaris Mill. thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Có điều đáng lưu ý là cây đào Prunus persica, dù cho mọc ở núi cao lạnh như Sapa thuộc tỉnh
Lào Cai cũng không thấy ai gọi là cây đào tiên. Nhưng tên đào tiên của cây Crescentia cujete thì được nhà thực vật người Pháp ghi rõ trong quyển sách “Những cây thuốc ở Campuchia, Lào và Việt Nam” từ năm 1953 trong tập 2 của bộ sách mang tên trên gồm 4 quyển. Vậy đào tiên là tên gọi của cây này trong nhân dân có từ lâu.
Tên trường sinh có lẽ xuất phát từ sức sống mãnh liệt của cây này, và phải chăng cũng vì vậy người ta gán cho cây này tác dụng sống lâu, sống dai này đối với người: Một cành nhỏ của cây bỏ khô, chỉ cần một đoạn xanh đem vùi xuống đất dù thuộc loại đất khô cằn, cây vẫn sống và phát triển. Cây đào tiên là một cây gỗ, mọc không cao lắm, chỉ 7-10m, lá mọc hình tán, xanh tươi hầu như quanh năm, hoa mọc đơn độc ngay trên thân và cành, mùi hơi khó chịu. Quả hình cầu, đường kính 6-12cm, trông giống quả bưởi to vừa phải, nhưng vỏ xanh cứng trong quả có thịt (còn gọi là cơm hay nạc) màu trắng, vị chua chua, có nhiều hạt dẹt nhỏ cũng màu trắng. Nhưng cơm quả này một khi nạo ra, để ngoài trời rất chóng chuyển sang màu đen. Và chính phần cơm này được nhân dân dùng chế thuốc dưới dạng rượu, viên hoặc xirô… Nếu khéo mổ quả đào tiên, thì lớp vỏ cứng, sau khi nạo hết phần cơm hay thịt trong ruột, thì phần vỏ có thể dùng làm nồi nấu nước, ấm pha chè uống hoặc làm đồ đựng
Chúng tôi chưa tìm được tên trong sách cổ của cây này để tham khảo xem xưa kia ông cha ta dùng để làm gì, có văn bản để lại không.
Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc hoang dại và được trồng ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia. Còn thấy mọc ở Nam Mỹ, châu Phi. Theo A. Petelot thì cây này có nguồn gốc Braxin. Người châu Âu (Anh, Pháp) gọi cây này với những tên calebasse, calabasse, calebassier, calabash tree.
Trước đây hầu như không thấy sử dụng. Vào năm 1987, một đoàn cán bộ được của Việt Nam qua thăm một ngôi chùa ở thủ đô Vientian được sư cụ trụ trì ngôi chùa giới thiệu tác dụng kéo dài tuổi thọ của quả đào tiên hay quả trường sinh. Ở Vientian có 13 vị sư nhờ ăn quả đào tiên này mà họ thọ hơn 130 tuổi. Lúc phái đoàn đến thăm còn 7 cụ vẫn mạnh khỏe, hàng ngày vẫn tụng kinh, lễ phật. Cũng vào thời kỳ ấy, bệnh nhân đến Tục Tĩnh đường (Trạm y học dân tộc, đặt tại chùa Pháp Hoa ở Long Thành, Đồng Nai) đều thấy vị sư trụ trì ở đây thường xuyên có quả đào tiên. Hỏi thì được biết phải phối hợp với mấy vị thuốc khác mới chế thành thuốc được.
Thành phần hóa học
Trong thịt quả đào tiên người ta phát hiện có một số axit hữu cơ như axit xitric, axit tactric, axit clorogenic, axit creosentic…
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu khác, cũng như chưa thấy có tài liệu nào nghiên cứu về tác dụng kéo dài tuổi thọ.
Công dụng và liều dùng
Trong nước ta cũng như ở Lào, người ta truyền miệng nhau tác dụng kéo dài tuổi thọ của đào tiên. Nhưng chưa rõ việc sử dụng có phối hợp với những vị thuốc gì khác.
Theo những tài liệu nước ngoài, thì nhân dân châu Phi, Nam Mỹ cũng có đào tiên chế thuốc chữa ho, nhuận tràng: Bổ quả đào tiên, cạo lấy phần thịt trắng, thái nhỏ, cho vào chảo hay nồi đun nóng và đảo cho chín (lúc đầu màu trắng, nhanh chóng chuyển thành đen nhánh) rồi chế thành xirô gọi là sirop de calebasse, dùng để chữa ho. Cũng theo tài liệu nước ngoài, cơm quả đào tiên chưa chín, được dùng làm thuốc tẩy và nhuận tràng. Cơm quả đào tiên ngâm rượu dùng với liều nhỏ (với liều 10 centigam) làm thuốc khai vị, với liều 60 centigam làm thuốc tẩy mạnh do tác dụng tăng cường co bóp ruột.
Đây là một đề tài nên nghiên cứu