Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Chút Chít trang 453-455 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là Trút Trít, Lưỡi Bò, Ngưu Thiệt, Dương Đề
Tên khoa học Rumex wallichii Meisn. Rume sinensis (Rumex maritimus Hook).
Thuộc họ Rau răm Polygonaceae
Dương là dê, đề là gót, vì rễ cây giống chân dê do đó có tên. Lưỡi bò hay ngưu thiệt (cũng có nghĩa là lưỡi bò hay lưỡi trâu) vì lá cây giống lưỡi bò. Trẻ con thường cọ 2 lá vào nhau, làm phát ra tiếng kêu “chút chít” do đó thành tên.
Mô tả cây
Chút chít là một loại cỏ nhỏ, cao chừng 0,40- 1,20m thân cứng, ít phân nhánh, trên thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, phiến lá rộng tới 5cm, dài 15- 20cm mép lá nguyên, lượn sóng. Hoa mọc sít nhau. Quả bế, ba cạnh, dưới có đài tồn tại
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang khắp nơi ở những nơi ẩm thấp từ miền xuôi đến miền ngược đều thấy mọc. Những nơi cao và mát như Sapa (Lào Cai) cũng thấy có. Hiện nay ít khai thác quy mô lớn.
Rễ có thể đào quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, trong các tháng 8, 9, 10. Đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi khô chóng hơn.
Vị thuốc thường là những mẫu rễ tròn dài 10- 20cm, đường kính 1-1,5cm, mặt ngoài màu nâu có vết nhăn dọc, cắt ngang có vết cắt không bằng phẳng, lổn nhổn, màu vàng nâu, vùng sinh tầng trông rất rõ. Mùi nhẹ, đặc biệt, vị lúc đầu hơi ngọt sau đắng.
Thành phần hoá học
Trong rễ và lá chút chít có antraglucozit. Tỷ lệ antraglucozit toàn phần trung bình là 3-3,4% trong đó chừng 0,47% ở dạng tự do và 2,54% ở dạng kết hợp.
Ngoài ra còn có một ít tanin và nhựa.
Trong một loài Rumex japonicus Meins, người ta đã xác định thành phần antraglucozit là axit chrysophanic và emodin.
Tác dụng dược lý
Thí nghiệm tác dụng cao lỏng và thuốc hãm rễ chút chít trên ruột thỏ cô lập và ếch (5 thí nghiệm trên ruột thỏ, 8 thí nghiệm trên ruột ếch) chúng tôi đã thấy sức căng (tonus), biên độ sức co và tần số nhu động của ruột đều tăng (G.Herman, I. Culei, Đỗ Tất Lợi và Ngô ứng Long, 1960. Y học tạp chí 2).
Công dụng và liều dùng
Trong nhân dân trước đây vẫn dùng lá sát vào những chỗ hắc lào đã rửa sạch, hoặc dùng nước sắc lá và rễ để chữa hay rửa các mụn ghẻ.
Có thể dùng uống trong làm thuốc nhuận tràng hay tẩy chữa bệnh tào bón, tiêu hoá kém, ăn uống chậm tiêu, vàng da, lở ngứa, mụn nhọt.
Liều dùng để nhuận tràng: 1-3g, tẩy 4-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc pha hay thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Đơn thuốc có Chút Chít
Thuốc tẩy:
Chút chít thái mỏng 8g, cam thảo 4g, nước 300ml. Sắc còn 150ml. Chia nhiều lần uống trong ngày.
Viên chút chít nhuận tràng:
Mỗi viên chút chít có bột chút chít 0,50g, bột cam thảo 0,30g, diêm sinh đã rửa 0.15g, bột hồi 0,04g. Muốn có tác dụng nhuận tràng, ngày uống 1-2 viên, tác dụng tẩy: 3-6 viên hay 8 viên. Uống vào buổi tối.
Thuốc hắc lào:
Bột rễ chút chít 100g, rượu 600-500ml. Ngâm 10 ngày lấy ra bôi vào các vết hắc lào đã rửa sạch. Có thể dùng bởi ghẻ, trứng cá.
Chú thích:
Ngoài Rumex wallichii, trong nước ta còn loài Rumex crispus L. và một Rumex khác đang được di thực. Có thể dùng như chút chít.