Cây Thuốc Bỏng (Trường Sinh) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

295
Thuốc Bỏng
Thuốc Bỏng
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Thuốc Bỏng trang 116 – 117, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là trường sinh, thổ tam thất, đả bất tử, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn, sống đời.

Tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. (Bryophyllum calycinum Salisb.).

Thuộc họ Thuốc bỏng Crassulaceae. Có tên “thuốc bỏng” vì cây được dùng làm thuốc chữa bỏng. Trường sinh (sống lâu) hay lạc địa sinh căn (rụng xuống đất mọc rễ) là vì cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con.

Mô tả cây

Cây thuộc thảo, cao chừng 0,60-1m. Lá mọc đối thành hình chữ thập. Lá dày, có khi nguyên, có khi phân thành 3-5 thùy, phiến lá dài 5-15cm, rộng 2-10cm, mép có răng cưa to, mặt bóng, cuống lá dài 2,5-5cm, phía dưới phát triển ẩn vào thân cây. Cụm hoa mọc ở ngọn hay kẽ lá, màu tím hồng hoặc đỏ, mọc rủ chúc xuống. Hoa nở vào các tháng 2-5 quả đậu vào các tháng 3-6.

Hoa thuốc bỏng
Hoa thuốc bỏng

Ngắt một lá để trên đĩa có ít nước hay trên mặt đất, từ mép lá, nơi răng cưa của lá sẽ mọc lên một cây khác. Có khi treo lá trên tường để ở chỗ mát, cây con cũng mọc lên như vậy.

Phân bố

Cây thuốc bỏng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để làm cảnh và làm thuốc. Tại nhiều nước khác cây cũng có mọc: Trung Quốc (các tỉnh Hoa Nam), Ấn Độ, Philipin, Malaixia, Inđônêxia.

Thành phần hóa học

Trong lá, Subhadra Mehta và Bhat J. V. (1952. Journ. Univ. Bombay, Sect. B., No 32: 21-25) có chiết được một hoạt chất gọi là bryophylin.

Các tác giả có nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, pH và thời gian bảo quản. Bryophylin có tác dụng kháng khuẩn và có thể dùng điều trị một số bệnh đường ruột.

Trong cây thuốc bỏng người ta đã tìm thấy ba loại hoạt chất:

1. Các axit hữu cơ: Từ năm 1971, Marriage Paul B. và cộng sự (Can. J. Bioch. 49 (3) 282- 296) đã xác định thấy có 32,5% axit malic, 10,1% axit xitric, 46,5% axit izoxitric, 1% axit succinic, 0,9% axit fumaric, 1% axit pyruvic, 0,4% axit oxalaxetic, 0,5% axit a-xetoglutaric, 0,1% axit glyoxylic, 0,2% axit lactic, 0,2% axit oxalic, 1,6% axit cis-aconitic, và chừng 0,05- 0,6% axit chưa xác định được.

2. Các glycozit flavonoic như flavonoit glycozit A (chưa xác định được), flanoit glycozit B được xác định là quexetic 3-diarabinozit với độ chảy 190-192°C, với aglycon là quexetin (độ chảy 300-302°C), và flavonoit glycozit C xác định là Kaempferol 3-glycozit (Gaind K. N. Gupta R. L. Planta Med. 1973, 23, 2: 149-153),

3. Các hợp chất phenolic: Bao gồm axit p. cumaric, sýringic, cafeic, p. hydro-xybenzoic (C. A. 1973, 79,2741x).

Công dụng và liều dùng

Chỉ mới được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa bỏng, cầm máu, đắp vết thương, đắp mắt đỏ, sưng đau, có tính chất giải độc.

Chữa viêm tai giữa cấp tính: Lá tươi giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào tai.

Bị đánh, bị thương thổ huyết: Lấy 7 lá giã nát, thêm rượu và đường vào mà uống trong ngày.

Lá thuốc bỏng
Lá thuốc bỏng
Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!