Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Ké Hoa Đào trang 99 – 100, tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là Phan thiên hoa, tiêu phan thiên hoa, nha khác mòn (Thái), bái lương, bái cúc, vái, địa đào hoa, niêm du tử, dã miền hoa.
Tên khoa học Urena lobata L. (Urena monopetala Lour., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.).
Thuộc họ Bông Malvaceae.
Mô tả cây
Ké hoa đào là một cây nhỡ cao chừng 1m, có cành mang nhiều lông mịn hình sao. Lá gần tròn, đường kính 4-6cm, có khi tới 9cm, gần lá hình chân vịt (gồm 3-7 gan), mép có răng cưa và chia thùy, đầu lá nhọn phía cuối bằng hay hơi bằng, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro nhạt có nhiều lông, dài hình sao. Hoa có cánh màu hồng, mọc đơn độc hay thành đôi ở kẽ lá, đường kính chừng 1,7cm. Quả hình cầu dẹt, có lông, trên có những gai hình móc, đường kính 7-8mm, hạt có vân dọc và có lông gợn ngắn. Mùa hoa suốt hạ và thu
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây ké hoa đào mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Còn mọc ở Trung Quốc, Malayxia, Philipin.
Người ta dùng toàn cây hoặc lá phơi khô hay dùng tươi. Thu hái tốt nhất vào các mùa hạ và mùa thu.
Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
Công dụng và liều dùng
Kẻ hoa đào là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi nhân dân. Theo tài liệu cổ, ké hoa đào có vị nhạt, hơi ngọt, tính lương, không độc. Thường nhân dân dùng rễ và thân sao vàng sắc uống và chữa lỵ, lá đã nát đắp lên những chỗ đau sưng, hoặc rắn độc cắn. Ngày dùng 40-80g cây tươi hay 20g-40g cây khô. Dùng ngoài không kể liều lượng.