Thông tin về hoạt chất Omeprazole – thuốc điều trị tăng acid dạ dày

47
Omeprazole
Omeprazole
Đánh giá

Tổng quan về hoạt chất Omeprazole

Omeprazole là chất thuốc nhóm ức chế bơm proton thế hệ thứ nhất, được FDA phê duyệt lần đầu tiên vào năm 1989 và nhanh chóng trở nên phổ biên vào những năm sau đó.

Thuốc được chỉ định trong điều trị những rối loạn tăng acid dạ dày bao gồm trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh loét dạ dày tá tràng và một số các triệu chứng điển hình khác. Sự ra đời của Omeprazolelà bước đầu tiên đánh dấu vai trò không thể phủ định của thuốc PPI trong việc điều trị viêm loét và trào ngược thực quản, là tiền đề cho sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các thuốc ức chế proton thế hệ mới, mới hiệu quả điều trị, khả năng dung nạp cao và ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Omeprazole cũng như các thuốc PPI khác, được đánh giá có hiệu quả điều trị cao và khả năng dung nạp tốt, thúc đẩy cho việc chỉ định rộng rãi ở trẻ nhỏ và người lớn.

Đặc điểm dược lý của

Omeprazole
Công thức cấu tạo của Omeprazole

Omeprazole là thuốc gì?

Omeprazole là một hợp chất có tác dụng ức chế bơm proton chọn lọc và không thuận nghich. Cơ chế ức chế tiết axit dạ dày của Omeprazole do ức chế hệ thống các kênh enzym hydro-kali adenosin triphosphatase (H+/K+-ATPase) có trên các tế bào viền tại niên mạc dạ dày.

Do sự bất hoạt của các bơm proton, dẫn đến ức chế sự vận chuyển cuối cùng của dòng H+ từ ngoài vào trong lòng dạ dày, phản ứng tạo HCl không được diễn ra, nhờ vậy chặn đứng quá trình tăng acid trong dịch dạ dày.

Omeprazole cho hiệu quả toàn diện, gây ức chế trên cả quá trình bài tiết axit cơ bản lẫn đáp ứng đối với bất kể tác nhân kích thích nào.

Các thuốc ức chế bơm proton như Omeprazole tạo liên kết cộng hóa trị với cysteine tồn dư thông qua cầu nối disulfua, cho tác dụng ức chế axit dạ dày lên đến 36 giờ sau khi dùng 01 liều điều trị, hiệu quả kháng acid tăng khi liều chỉ định của thuốc tăng.

Dược động học của Omeprazole

Hấp thu

Sau khi dùng Omeprazole dạng bao tan trong ruột, thuốc được giải phóng khi tới ruột, và được hấp thu nhanh chóng ngay sau đó. Sinh khả dụng tuyệt đối theo đường uống của Omeprazole thường thấp, dao động từ 30 đến 40%, tăng theo liều uống 20 và 40 mg. Nồng độ thuốc đạt đỉnh trong huyết tương sau khi uống từ 0,5 đến 3,5 giờ, tăng tuyến tính theo liều dùng tại khoảng điều trị.

Phân bố

Thuốc phân bố rộng rãi trong các mô, tập trung chủ yếu tại tế bào viền trên thành dạ dày, với tỷ lệ liên kết protein huyết tương khoảng 95%.

Chuyển hóa

Omeprazole bị chuyển hóa phần lớn và rộng rãi lần đầu khi qua gan, chủ yếu thông qua hệ thống cytochrom P450 với hoạt động chính của isozyme CYP2C19 và CYP3A4.

Thải trừ

Thải trừ của Omeprazole đường uống chủ yếu thông qua sự bài tiết nước tiểu, bao gồm 1 phần hoạt chất ở dạng không đổi, còn lại là các chất chuyển hóa không hoạt tính của nó. Thời gian bán hủy trong huyết tương của nó là 0,5 đến 1 giờ sau khi uống ở những người khỏe mạnh.

Dược động học ở đối tượng đặc biệt

Bệnh nhân suy gan: các dữ liệu dùng thuốc trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan cho thấy, sinh khả dụng của Omeprazole tăng gấp đôi so với liều tiêm tĩnh mạch do giảm tác dụng chuyển hóa thuốc trên gan, đồng thời thời gian bán thải trong huyết tương cũng tăng lên tới 3 giờ thay vì 0,5 đến 1 giờ như ở người bình thường.

Bệnh nhân suy thận: chưa có dữ liệu về sự thay đổi của các thông số động học khi dùng thuốc cho người suy giảm chức năng thần (độ thanh thải creatinin từ 10 đến 62 mL/phút/1,73 m2)

Người cao tuổi: sinh khả dụng thuốc tăng do đó cần giảm liều ở người lớn tuổi.

Chỉ định của thuốc Omeprazol

Thuốc Omeprazole được FDA chấp thuận dùng để điều trị trong các trường hợp sau:

  • Điều trị ngắn hạn bệnh loét dạ dày ở người lớn, trong đó hầu hết bệnh nhân sẽ lành bệnh trong vòng bốn tuần.
  • Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Phối hợp trong phác đồ diệt vi khuẩn Hp.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em và người lớn.
  • Viêm dạ dày thực quản ăn mòn ở trẻ em và người lớn.
  • Tình trạng tăng tiết acid dạ dày: hội chứng Zollinger-Ellison, đa u tuyến nội tiết và bệnh tế bào mast toàn thân ở người lớn.

Các chỉ định khác được dùng trong lâm sàng nhưng chưa được FDA đồng thuận:

  • Barrett thực quản.
  • Dự phòng loét dạ dày do căng thẳng kéo dài.

Liều dùng và cách dùng của thuốc Omeprazole

Liều dùng của thuốc Omeprazole

Điều trị GERD không có triệu chứng tổn thương thực quản: liều dùng 20 mg 1 lần duy nhất mỗi ngày trong tối đa 4 tuần hoặc 8 tuần trong các trường hợp tổn thương ăn mòn.

Diệt vi khuẩn H. pylori: (20 mg Omeprazole + clarithromycin 500 mg + amoxicillin 1000 mg + metronidazole 500 mg)/ lần. dùng hai lần mỗi ngày trong vòng liên tục mười bốn ngày.

Trường hợp nhiễm Hp có kèm xuất hiện vết loét: sử dụng tiếp tục thêm 18 ngày omeprazole liều 20 mg một lần mỗi ngày.

Tăng tiết acid dạ dày: liều khởi đầu 60 mg một lần mỗi ngày, sau đó điều chỉnh liều cho từng cá nhân dựa trên nhu cầu và đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Nếu liều chỉ định lớn hơn 80 mg mỗi ngày, nên chia thành 2 lần dùng trong ngày.

Cách dùng thuốc Omeprazole hiệu quả

Omeprazole dùng trước hay sau ăn?

Omeprazole dạng viên dùng đường uống, 1-2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng hoặc sáng và tối, có thể dùng trước hoặc sau khi ăn do hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Uống thuốc cùng lượng nước lọc vừa đủ, cố gắng nuốt nguyên viên.

Thời gian cho mỗi đợt điều trị nên tối đa trong vòng 14 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu sau 14 ngày không cho cải thiện sức khỏe, cân nhắc thay đổi thuốc chỉ định.

Chống chỉ định

Omeprazole có thể dùng an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên chống chỉ định tuyệt đối trong trường hợp:

  • Mẫn cảm với Omeprazole hoặc tá dược có trong thuốc.
  • Bệnh nhân suy gan.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Thần kinh: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Da: Nổi mày đay, ngứa, nổi ban.
  • Gan: Tăng tạm thời transaminase

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

  • Toàn thân: Ðổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốt, phản vệ.
  • Huyết học: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các tế bào máu, ngoại biên, mất bạch cầu hạt.
  • Thần kinh: Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt là ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
  • Nội tiết: Vú to ở đàn ông.
  • Tiêu hóa: Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng.
  • Gan: Viêm gan vàng da hoặc không vàng da, bệnh não ở người suy gan.
  • Hô hấp: Co thắt phế quản.
  • Cơ – xương: Ðau khớp, đau cơ.
  • Tiết Nniệu – dục: Viêm thận kẽ.

Tương tác thuốc

Tác nhân Tương tác
Thức ăn, rượu, amoxycilin, bacampicilin, cafein, lidocain, quinidin hay theophylin

Maalox hay metoclopramid

Không có tương tác quan trọng trên lâm sàng
Ciclosporin Omeprazol có thể làm tăng nồng độ của ciclosporin trong huyết tương.
Kháng sinh diệt trừ H. pylori Tăng tác dụng của kháng sinh trong liệu pháp kết hợp
Diazepam, phenytoin và warfarin Omeprazol ức chế chuyển hóa và làm tăng nồng độ thuốc này trong máu
Dicoumarol Tăng hiệu quả chống đông máu khi dùng cùng Omeprazol
Nifedipin Giảm chuyển hóa nifedipin tới 20%
Clarithromycin Ức chế chuyển hóa omeprazol tại gan và làm cho nồng độ omeprazol trong máu tăng cao gấp đôi.

Lưu ý và thận trọng khi dùng Omeprazole

Trước khi cho người bị loét dạ dày dùng omeprazol, phải loại trừ khả năng bị u ác tính (thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán).

Với người cao tuổi, không cần thiết phải điều chỉnh liều lượng.

Ở người suy thận, sinh khả dụng của omeprazol thay đổi không đáng kể.

Ở người suy gan, diện tích dưới đường cong tăng và sự đào thải của thuốc chậm lại; một liều 20 mg omeprazol mỗi ngày thường là đủ cho những người bệnh này.

Trên súc vật, khi dùng omeprazol thời gian dài với liều tương đối cao, thấy có sự biến đổi hình thái học ở niêm mạc dạ dày. Ở chuột cống, trong thời gian 24 tháng dùng omeprazol thấy có tăng tỷ lệ ung thư dạ dày. Mặc dù không thấy xảy ra trên người sau khi dùng omeprazol thời gian ngắn, cần có số liệu lâu dài hơn để loại trừ khả năng tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở bệnh nhân dùng dài hạn thuốc này.

Sử dụng các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (thí dụ nhiễm Salmonella, Campylobacter).

Các chế phẩm chứa Omeprazole hiện nay

Mặc dù hiện nay Omeprazole ít được sử dụng hơn so với cá thuốc PPI thế hệ II, tuy nhiên sau khi được chấp thuận, Omeprazole đã phát triển và nghiên cứu 1 cách mạng mẽ trên toàn cầu, với nhiều thuốc thương mại ở dạng viên nang, thuốc tiêm, hầu hết với 2 hàm lượng: Omeprazole 20mg và Omeprazole 40mg:

Viên nang cứng: stomex 20mg, omeraz 20, lasectil 40, mepraz, omelezo-20, glomezole, hatrizol, helinzole, ovac,….

Thuốc tiêm: Omeprazole nomor, Oraptic, Omevin, Pyme OM40, Omepramed, Mocetrol, atimezon, ozogast,……

Omeprazole
Các biệt dược chứa Omeprazole

Tài liệu tham khảo

  1. Neal Shah; William Gossman (Ngày đăng: ngày 7 tháng 2 năm 2023). Omeprazole, Thư viện quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  2. Omeprazole, National Health Service. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  3. Vincenzo Savarino và cộng sự (Ngày đăng: tháng 10 năm 2018). The appropriate use of proton-pump inhibitors, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  4. Philip O Katz và cộng sự (Ngày cập nhập: ngày 1 tháng 1 năm 2022). ACG Clinical Guideline for the Diagnosis and Management of Gastroesophageal Reflux Disease, Thư viên quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  5. Alisha D. Sellers (Ngày cập nhập: ngày 25 tháng 2 năm 2022). Nexium vs. Prilosec: Two GERD Treatments, Healthline. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023
  6. Bộ Y tế (Ngày cập nhập: năm 2018). Omeprazole, Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018, NXB Y Học. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!