Thuốc trị ho và cảnh báo tác dụng phụ có hại của một số thuốc trị ho

Thuốc trị ho và cảnh báo tác dụng phụ có hại của một số thuốc trị ho

Ho là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh về đường hô hấp, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng cụ thể mà ho có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Vậy có những nhóm thuốc trị ho nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái quát về bệnh lý ho

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm đẩy ra các dịch chứa vi khuẩn, virus, hay các chất kích thích ra khỏi đường hô hấp. Khi bị các yếu tố dị nguyên xâm nhập, chúng sẽ kích thích các dây thần kinh gửi tín hiệu đến não của bạn. Sau đó, não sẽ ra lệnh cho các cơ ở ngực và bụng đẩy không khí ra khỏi phổi để đẩy yếu tố dị nguyên ra ngoài.Ho là một lời cảnh báo của cơ thể nhắn cho chúng ta biết là cơ thể không ổn.
Ho có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
Nguyên nhân gây ra ho có thể là do bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng và hen suyễn, chất kích thích, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, viêm phổi hoặc ho do thuốc.
Thường khi bị ho sẽ có 2 dạng ho điển hình là ho khan và ho có đờm. Ho khan (hay còn gọi là ho khô) thường do dị ứng, phản ứng sau khi viêm, bệnh mạn tính hoặc dị ứng thuốc trong khi ho có đờm (ho ướt) thường do nhiễm trùng, bệnh cấp tính.
Ngoài ra ho có thể đi kèm với các triệu chứng khác như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, sốt,…
Tùy theo triệu chứng bệnh sẽ có các cách điều trị khác nhau.

Tổng quan về bệnh lý ho
Tổng quan về bệnh lý ho

Các nhóm thuốc trị ho

Khi sử dụng thuốc trị ho, nhiều người thường tìm kiếm thuốc trị ho nhanh nhất. Tuy nhiên không có thuốc trị ho nào là nhanh nhất, quan trọng là phải tìm ra được nguyên nhân gây ho, từ đó sử dụng thuốc trị ho phù hợp với nguyên nhân gây ho.

Thuốc giảm ho khan (Antitussive cough suppressant)

Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế cơn ho. Thuốc giảm ho được cho là có tác dụng bằng cách ức chế trung tâm ho nằm ở thân não, làm gián đoạn cung phản xạ ho. Thuốc này tác dụng tốt với ho khan. Thuốc giảm ho được sử dụng phổ biến nhất là Dextromethorphan. Đây cũng là hoạt chất được sử dụng như thuốc cắt cơn ho cho người lớn.
Một số thuốc trị ho khan ngứa cổ chứa Dextromethorphan trên thị trường hiện nay như: Methorfar 15, Dextromethorphan 10mg, Dexipharm 15, Rodilar 15mg.
Đối với dạng bào chế viên ngậm:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 5-15mg mỗi 2-4 giờ
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 5 đến 15 mg mỗi  2-6 giờ.
  • Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: 5mg mỗi 4 giờ.
  • Trẻ em và trẻ sơ sinh đến 4 tuổi: Không nên sử dụng.

Đối với dạng bào chế siro:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 30mg mỗi 6-8 giờ.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 7mg mỗi 4 giờ hoặc 15 mg mỗi 6-8 giờ.
  • Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: 3,5 mg mỗi 5 giờ hoặc 7,5 mg mỗi 6-8 giờ.
  • Trẻ em và trẻ sơ sinh đến 4 tuổi: Không nên sử dụng.

Một số tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này như:

  • Mờ mắt
  • Lú lẫn
  • Bí tiểu
  • Buồn ngủ, chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Run rẩy, khó thở
  • An thần
Thuốc giảm ho khan có chứa Dextromethorphan
Thuốc giảm ho khan có chứa Dextromethorphan

Thuốc long đờm (Cough expectorant)

Thuốc long đờm có 2 dạng điển hình là thuốc làm loãng đờm và thuốc tiêu đờm. Đây cũng là 2 nhóm thuốc trị ho có đờm cho người lớn.
Thuốc làm loãng đờm là thuốc làm tăng tiết dịch trên đường hô hấp, tạo điều kiện giúp tống đờm ra ngoài khỏi đường hô hấp một cách dễ dàng. Một số thuốc loãng đờm hiện nay được sử dụng là: Guaifenesin (Mucinex), Kali iodid, Natri benzoat, Terpin hydrat (Terpin benzoat, Terpinzoat).

Thuốc làm loãng đờm trị ho
Thuốc làm loãng đờm trị ho
Thuốc làm loãng đờm trị ho
Thuốc làm loãng đờm trị ho

Thuốc tiêu đờm có cơ chế là phá vỡ liên kết disulfide (-S-S-) có trong đờm nhớt. Khi bị mất các liên kết đó, đờm sẽ lỏng ra, từ đó người bệnh dễ khạc đờm ra ngoài. Một số thuốc tiêu đờm được sử dụng hiện nay như: Acetylcystein (Acetylcystein STADA), Ambroxol (Mucosolvan), Bromhexin (Bromhexin 8mg),…

Thuốc tiêu đờm trị ho
Thuốc tiêu đờm trị ho

Liều dùng của các thuốc tiêu đờm như sau:

Tên thuốc Liều dùng
Acetylcystein (Acetylcystein STADA) Người lớn: 200mg x 3 lần/ngày.
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 200mg x 2 lần/ngày.
Ambroxol (Mucosolvan) Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 30mg x 3 lần/ngày.
Bromhexin (Bromhexin 8mg) Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 8mg/ lần x 3 lần/ ngày.

Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này bao gồm:

  • Táo bón .
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Phát ban.
  • Buồn nôn và nôn (nếu dùng liều cao).

Thuốc kháng histamin H1 (antihistamine H1)

Phản ứng với dị nguyên là một trong những nguyên nhân gây ra ho. Vì vậy có thể sử dụng thuốc kháng histamin H1 khi bị ho để điều trị các phản ứng do dị ứng. Tuy nhiên quan trọng là cần biết được yếu tố dị nguyên đó là gì. Vì khi bị ho do dị ứng thì sử dụng thuốc kháng histamin mới có tác dụng.
Một số loại thuốc kháng histamin H1 có thể được sử dụng là:
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1: Chlorpheniramine 4mg, Alimemazin (Theralene 5mg), Dexclorpheniramin (Coafarmin 2mg)
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2: Loratadin (Claritin), Cetirizine (Zyrtec), Desloratadine (Aerius)
Liều dùng của các thuốc histamin H1 như sau:

Thế hệ thuốc Tên thuốc Liều dùng
Thế hệ 1 Chlorpheniramine 4mg 1-4mg mỗi 4-6 giờ/ngày

 

Alimemazin (Theralene 5mg) Người lớn: 5-20mg
Trẻ em >6 tuổi: 0.15-0.5mg/kg
Dexclorpheniramin (Coafarmin 2mg) Người lớn: 2mg mỗi 4-6 giờ
Trẻ em từ 6-12 tuổi: 1mg mỗi 4-6 giờ
Trẻ em từ 2-6 tuổi: 0.5mg mỗi 4-6 giờ
Thế hệ 2 Loratadine (Claritin) Người lớn: 10mg/lần/ngày
Trẻ em: : 5 mg/lần/ngày
Cetirizine (Zyrtec) Người lớn và trẻ >6 tuổi: 10 mg x 1 lần/ngày.
Trẻ em 2 – 5 tuổi: 5mg x 1 lần/ngày
Trẻ 6 tháng – 2 tuổi: 2,5 mg/lần/ngày.
Desloratadine (Aerius) Người lớn: 5mg/lần/ngày;
Trẻ từ 6 đến 11 tuổi: 2.5mg/lần/ngày;
Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: 1.25mg uống 1 lần/ngày;
Trẻ từ 6 tháng-11 tháng tuổi: 1mg/lần/ngày.

Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng histamin H1 khi dùng trị ho là:

  • Buồn ngủ (thường xảy ra khi dùng thuốc kháng H1 thế hệ 1)
  • Chóng mặt
  • Ù tai
  • Gây độc cho tim
Thuốc kháng histamin H1 trị ho
Thuốc kháng histamin H1 trị ho

Thuốc ho kết hợp

Trên thị trường hiện nay cũng có những loại thuốc chứa các thành phần được kết hợp từ nhiều hoạt chất khác nhau, chẳng hạn như Dextromethorphan và Guaifenesin (Cidetuss), Codein và Guaifenesin (Eucatopdein), Promethazine và Dextromethorphan (Promethazine DM). Đây là những thuốc có công dụng làm dịu cổ họng và giảm thiểu các cơn ho phiền toái.
Ngoài khả năng giúp giảm ho, những thuốc này còn hỗ trợ hạn chế các triệu chứng khác đi kèm như trị sổ mũi, giảm dị ứng, giảm đau, trị nghẹt mũi,…
Vì đây là dạng phối hợp các hoạt chất với nhau nên tác dụng phụ của chúng cũng có thể có nhiều hơn.
Lưu ý khi sử dụng các hoạt chất có tính gây nghiện như Codein cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng, và cách dùng, tránh dừng đột ngột có thể gây ra hội chứng cai nghiện opioid, hoặc lạm dụng quá nhiều sẽ bị gây nghiện và phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc.

Thuốc Benzonatate

Benzonatate được sử dụng để giảm ho do cảm lạnh hoặc cúm. Nó không được sử dụng cho các trường hợp ho mãn tính xảy ra do hút thuốc, hen suyễn hoặc khí thũng hoặc khi có lượng chất nhầy hoặc đờm lớn bất thường khi ho.
Benzonatate làm giảm ho bằng cách tác động trực tiếp lên phổi và đường thở. Nó cũng có thể tác động lên trung tâm ho ở não.
Liều điều trị ho của Benzonatate là:

  • Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 100-200 mg x 3 lần/ngày; liều tối đa 600 mg mỗi ngày.
  • Không sử dụng Benzonatate cho trẻ dưới 10 tuổi.
  • Một số chế phẩm có chứa Benzonatate là Flumax, Benzonatate capsule USP.
  • Một số tác dụng phụ khi sử dụng  Benzonatate có thể gặp như: Nghẹt mũi, buồn nôn, táo bón, buồn ngủ, lú lẫn, đau đầu, chóng mặt.

Lưu ý khi sử dụng Benzonatate: Không ngậm hoặc nhai viên nang Benzonatate, chống chỉ định dùng Benzonatate cho trẻ dưới 10 tuổi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo rằng trẻ em dưới 10 tuổi vô tình nuốt hoặc nhai phải benzonatate có thể dẫn đến tử vong do quá liều.

Thuốc Benzonatate trị ho
Thuốc Benzonatate trị ho

Thuốc giãn phế quản hoặc corticoid

Đây là nhóm thuốc được sử dụng khi cơn ho kèm theo thở khò khè do đường thở bị tắc hay nhỏ lại. Dạng dùng phổ biến thường là dạng hít. Trong nhóm này bao gồm thuốc giãn phế quản Albuterol (Proair) hay thuốc có chứa corticosteroid như Budesonide (Pulmicort). Thuốc Albuterol làm giãn đường thở trong khi Budesonide  làm giảm viêm sưng. Cả hai loại này làm đường thở giãn ra khiến quá trình ho trở nên dễ dàng hơn. Các thuốc xịt này thường đường kê toa cho bệnh nhân bị suyễn, dị ứng, hay viêm sưng đường hô hấp. Tác dụng phụ của các thuốc hít thường gặp như: nhức đầu, khàn tiếng, tăng nhịp tim, nhiễm nấm candica, rối loạn giấc ngủ,…Việc sử dụng nhóm thuốc này cần hết sức thận trọng, cần có sự chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ và chuyên gia y tế. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng và lạm dụng nhóm thuốc này.

Thuốc giãn phế quản hoặc corticoid trị ho
Thuốc giãn phế quản hoặc corticoid trị ho

Pseudoephedrine + triprolidine

Đây là loại thuốc kết hợp giữa loại làm thông mũi và kháng histamine. Thuốc có 2 dạng là dạng viên nén và dạng siro. Chế phẩm có chứa Pseudoephedrine+triprolidine là Aprodine với hàm lượng Pseudoephedrine HCl 60mg+Triprolidine HCl 2.5 mg
Liều dùng thuốc Aprodine (pseudoephedrine/triprolidine) được khuyến cáo như sau:
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: uống 1 viên mỗi 4 đến 6 giờ. Không dùng quá 4 viên trong 1 ngày
Không nên sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Thuốc trị ho có nguồn gốc từ thảo dược

Ngoài các thuốc trị ho có chứa các hoạt chất trên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trị ho có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và hiệu quả với người dùng. Đây cũng thuộc nhóm các loại thuốc giảm ho cho trẻ. Các sản phẩm này thường chiết xuất từ các dược liệu như:
Lá thường xuân: Siro ho prospan
Vỏ quýt, mật ong, ô mai, cam thảo, tỳ bà điệp, gừng: Siro ho Bảo Thanh
Húng chanh, mạch môn, quất, cát cánh, đường phèn, chiết xuất gừng và mật ong nguyên chất: Siro ho Ích Nhi
Húng chanh, cồn bọ mắm, cao lỏng núc nác, viễn chí: Siro ho Eugica
Bạc hà, bạch phàn, xạ can, bách bộ, tang bạch bì, tinh dầu bạc hà, bán hạ chế, tỳ bà diệp, bạch linh, cát cánh, mơ muối, thiên môn đông, cam thảo: Bổ phế nam hà chỉ khái lộ.

Thuốc trị ho có nguồn gốc từ thảo dược
Thuốc trị ho có nguồn gốc từ thảo dược

Cách chữa ho tại nhà

Một số phương pháp trị ho tại nhà bằng các phương pháp dân gian như sau:

Trà gừng

Gừng có tính ấm, kháng viêm, và hóa đờm, giúp làm dịu cổ họng, giảm ho, và thông mũi. Bạn có thể pha trà gừng bằng cách đun sôi nước với gừng tươi hoặc khô, thêm mật ong hoặc chanh để tăng hương vị và hiệu quả
Mật ong
Mật ong có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, và làm mềm niêm mạc cổ họng. Bạn có thể uống một thìa mật ong trước khi đi ngủ để giảm ho và cải thiện giấc ngủ. Bạn cũng có thể kết hợp mật ong với các nguyên liệu khác như gừng, chanh, tỏi, hoặc nước ấm để tăng hiệu quả

Tỏi

Tỏi chứa allicin, một chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus gây ho. Tỏi cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạ sốt, và giảm đau. Bạn có thể ăn tỏi sống hoặc ngâm tỏi với mật ong hoặc giấm để dùng hàng ngày.

Nước muối ấm

Nước muối ấm có tác dụng làm sạch và khử trùng cổ họng, giảm sưng viêm, và làm loãng đờm. Bạn có thể súc miệng với nước muối ấm 2-3 lần trong ngày để giảm ho và nghẹt mũi

Lá cúc tần

Lá cúc tần là một loại thảo dược có nhiều tác dụng cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc làm sạch và thông thoáng đường hô hấp. Lá cúc tần có chứa acid chlorogenic và tinh dầu, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, và giảm đau. Lá cúc tần có thể giúp giảm các triệu chứng của ho, nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu.
Bạn có thể sử dụng lá cúc tần để chữa ho bằng cách sắc lá cúc tần với nước sôi, pha thêm mật ong và uống nóng. Bài thuốc này có tác dụng giảm ho và đau họng.

Húng chanh

Lá húng chanh chứa tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là Carvacrol, có khả năng ức chế mạnh mẽ các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Bạn có thể sử dụng cây húng chanh trị ho bằng cách chưng 10-15 lá húng chanh với đường phèn trong khoảng 15 phút. Phương pháp này cũng hữu hiệu đối với trẻ nhỏ khi bị ho.

Ngoài ra, khi bị ho, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với dị nguyên, có chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Cách chữa ho tại nhà
Cách chữa ho tại nhà

Một số câu hỏi thường gặp

Thuốc nào trị ho nhanh nhất?

Không có thuốc nào trị ho nhanh nhất mà tùy vào tình hình của mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Bệnh khỏi nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào mỗi đối tượng bệnh nhân.

Thuốc cắt cơn ho cho người lớn có thể sử dụng loại nào?

Đối với đối tượng người lớn, có thể dùng thuốc có chứa Dextromethorphan để cắt cơn ho khan, hoặc sử dụng các nhóm thuốc khác như thuốc long đờm, kháng histamin H1, opioid, Benzonatate, Thuốc giãn phế quản hoặc corticoid, thuốc Pseudoephedrine + triprolidine nếu có các triệu chứng cụ thể đi kèm đã được trình bày ở phần trên.

Kết luận

Trước khi sử dụng bất cứ thuốc trị ho nào, cần tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị dựa vào nguyên nhân gây ho.
Sử dụng thuốc đúng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng, cách dùng để hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc và đạt được sự an toàn, hiệu quả khi dùng thuốc.
Có thể kết hợp với các liệu pháp thiên nhiên tại nhà và điều quan trọng cần phải xây dựng lối sống khỏe mạnh về chế độ ăn uống cũng như vận động để bệnh được điều trị nhanh khỏi hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 01 tháng 12 năm 2023), Dextromethorphan (Oral Route) Proper Use, Mayo Clinic. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023
  2. Chuyên gia của Cleveland Clinic (Ngày cập nhật 19 tháng 11 năm 2021), Expectorant: Uses, Side Effects, Interactions & Types, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023
  3. Tác giả Khashayar Farzam và cộng sự (Ngày cập nhật 10 tháng 7 năm 2023), Antihistamines – StatPearls, NCBI. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023
  4. Chuyên gia của FDA (Ngày đăng 03 tháng 08 năm 2017), FDA Drug Safety Communication: Death resulting from overdose after accidental ingestion of Tessalon (benzonatate) by children under 10 years of age, FDA. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *