Trong bài viết này, dược sĩ Lưu Văn Hoàng sẽ giới thiệu đến các bạn sản phẩm thuốc Raxium 20 được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang – DHG Pharma, có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam là 893110270623.
Raxium 20 là thuốc gì?
Thành phần
Mỗi viên nén Raxium 20 chứa:
- Rabeprazol natri: 20 mg.
- Tá dược vừa đủ 1 viên: magnesi oxyd, mannitol, hydroxypropyl cellulose, titan dioxyd,..
Dạng bào chế: Viên nén bao tan trong ruột.

Trình bày
SĐK: 893110270623
Quy cách đóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên
Xuất xứ: Việt Nam
Hạn sử dụng: 36 tháng
Tác dụng của thuốc Raxium 20
Cơ chế tác dụng
Rabeprazol hoạt động bằng cách ức chế enzyme H⁺/K⁺-ATPase nằm trên bề mặt tế bào viền của niêm mạc dạ dày – đây là “bơm proton” chịu trách nhiệm trong quá trình tiết acid. Khi vào cơ thể, rabeprazol được hoạt hóa trong môi trường acid để tạo thành dạng sulphenamid có khả năng liên kết không hồi phục với bơm proton, từ đó ngăn chặn sự tiết acid.
Hiệu lực kháng acid bắt đầu sau khoảng 1 giờ sau uống, đạt đỉnh sau 2-4 giờ và kéo dài đến 48 giờ. Ngay cả sau khi ngừng thuốc, hoạt động tiết acid cũng cần từ 2-3 ngày để trở lại bình thường.
Đặc điểm dược động học
Hấp thu: Rabeprazol được hấp thu nhanh sau khi uống, thời gian đạt đỉnh trong huyết tương là khoảng 3,5 giờ, với sinh khả dụng đạt khoảng 52% (với liều 20mg). Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hấp thu thuốc.
Phân bố: Hoạt chất Rabeprazol có tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương đạt 97% lượng hấp thu.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa tại gan qua hệ enzyme CYP450, chủ yếu là CYP2C19 và CYP3A4.
Thải trừ: Khoảng 90% liều dùng của Raxium 20mg được bài xuất qua nước tiểu ở dạng chất chuyển hóa không hoạt tính, phần nhỏ còn lại thải trừ qua phân.
Đối tượng đặc biệt:
- Ở người cao tuổi: Nồng độ thuốc trong máu cao hơn nhưng không gây tích lũy.
- Ở bệnh nhân suy gan nhẹ đến trung bình: Sau nhiều ngày sử dụng, nồng độ thuốc chỉ tăng nhẹ.
- Ở bệnh nhân suy thận: Thời gian bán thải kéo dài nhưng không cần điều chỉnh liều.
Thuốc Raxium 20 được chỉ định trong bệnh gì?
Raxium 20 được chỉ định dùng cho các tình trạng:
- Loét tá tràng đang tiến triển
- Loét dạ dày lành tính đang hoạt động
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) dạng loét hoặc ăn mòn
- Duy trì điều trị lâu dài GERD để phòng tái phát
- Giảm triệu chứng GERD trung bình đến nặng
- Hội chứng Zollinger – Ellison và các bệnh lý tăng tiết acid bệnh lý khác.
- Tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori thông qua phối hợp với kháng sinh trong điều trị loét tiêu hóa.
Liều dùng và cách sử dụng
Cách dùng Raxium 20
Raxium 20 uống trước hay sau ăn? Thuốc nên được uống nguyên viên, không nhai hay nghiền nát, sử dụng trước bữa sáng hoặc trước khi đi ngủ.
Liều khuyến cáo
Chỉ định | Liều khuyến nghị |
Loét tá tràng | 10-20 mg/lần/ngày, dùng trong 4-8 tuần. |
Loét dạ dày lành tính | 10-20 mg/lần/ngày, trong 6-12 tuần. |
Trào ngược dạ dày – thực quản loét hoặc bào mòn (GERD) | Giai đoạn điều trị: 10-20 mg/lần/ngày trong 4-8 tuần.
Duy trì: 10-20 mg/lần/ngày. |
GERD không viêm thực quản | 10 mg/ngày trong 4 tuần (xem xét thêm nếu không cải thiện). |
Zollinger–Ellison | Bắt đầu với 60 mg/ngày, có thể tăng lên đến 100 mg/ngày hoặc chia 60 mg x 2 lần/ngày. |
Tiêu diệt H. pylori | Rabeprazol 20 mg x 2 lần/ngày kết hợp cùng phác đồ kháng sinh: clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày + amoxicillin 1g x 2 lần/ngày, uống liên tục trong 7 ngày. |
Trẻ em ≥12 tuổi: Dùng ngắn hạn để điều trị GERD (tối đa 8 tuần).
Trẻ <12 tuổi: Chưa đủ dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả.
Không sử dụng Raxium 20 trong trường hợp nào?
Dị ứng với rabeprazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Mẫn cảm với các thuốc thuộc nhóm benzimidazol.
Lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc
Thận trọng
Cần loại trừ khả năng ung thư dạ dày ác tính trước khi điều trị.
Điều trị kéo dài cần theo dõi định kỳ, đặc biệt ở bệnh nhân dùng thuốc hơn 1 năm.
Thận trọng khi dùng thuốc đối với bệnh nhân suy gan nặng.
Không khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ vì thiếu dữ liệu về hiệu quả và an toàn.
Dùng kéo dài có thể liên quan đến giảm magie máu, tăng nguy cơ gãy xương, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như Clostridium difficile, Salmonella, Campylobacter.
Tác dụng phụ
Phản ứng phụ liên quan đến Raxium 20mg thường ở mức độ nhẹ và chỉ thoáng qua. Một số tác dụng phụ được ghi nhận như sau:
- Hệ thần kinh: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
- Hô hấp: viêm họng, ho.
- Tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi.
- Cơ xương khớp: đau lưng, đau cơ.
- Miễn dịch: có thể gây phản ứng dị ứng như nổi ban, phù, phản vệ (hiếm).
- Huyết học: giảm bạch cầu, tiểu cầu (hiếm).
Tương tác
Các tương tác thuốc cần lưu ý đối với Raxium 20 là:
- Rabeprazol làm thay đổi độ pH dạ dày, có thể ảnh hưởng đến hấp thu của một số thuốc phụ thuộc pH như ketoconazole, itraconazole, atazanavir.
- Có thể làm tăng tác dụng của warfarin (nguy cơ chảy máu).
- Không nên dùng đồng thời với atazanavir.
- Có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa cyclosporin.
Lưu ý cho phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng khi lợi ích vượt trội so với nguy cơ cho thai nhi vì chưa có đủ dữ liệu an toàn.
Phụ nữ cho con bú: Chưa biết thuốc có tiết vào sữa hay không, do đó nên tránh dùng hoặc ngừng cho bú nếu bắt buộc phải điều trị.
Lưu ý khi sử dụng cho người lái xe và vận hành máy móc
Thuốc không ghi nhận ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lái xe, tuy nhiên trong trường hợp xuất hiện chóng mặt, buồn ngủ thì nên tránh điều khiển phương tiện hoặc máy móc phức tạp.
Quá liều và xử trí
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp quá liều. Trong các trường hợp này, cần điều trị hỗ trợ dựa trên triệu chứng. Rabeprazol gắn kết mạnh với protein huyết tương nên khó loại bỏ qua lọc máu.
Bảo quản
Bảo quản thuốc Raxium 20 nơi khô thoáng, nhiệt độ không nên quá 30°C, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.
Thuốc Raxium 20 giá bao nhiêu? bán ở đâu?
Khách hàng có thể mang đơn thuốc đến các địa chỉ kinh doanh dược phẩm trên toàn quốc để mua được . Quý khách hàng nên tìm hiểu và lựa chọn các địa điểm uy tín để đảm bảo mua được thuốc an toàn, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.
Quý khách có thể tham khảo thêm các thuốc (sản phẩm) khác của nhà thuốc có cùng hoạt chất và tác dụng như:
- Thuốc Rabestad 20 được dùng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison. Thuốc được sản xuất bởi Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.
- Thuốc Rabicad 20 được sản xuất bởi Daewoong Pharmaceutical Co., Ltd. Thuốc được chỉ định cho trường hợp loét tá dày tá tràng ở cả thể hoạt động hoặc lành tính, kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hoặc loét ống tiêu hóa.
Tài liệu tham khảo
- Tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc do Nhà sản xuất cung cấp. Xem và tải về bản PDF đầy đủ tại đây.
Trang –
tôi được bác sĩ kê thuốc này, giảm loét dạ dày rất tốt