Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – Chủ đề: “Ngậm ngải tìm trầm” dưới góc độ hóa thực vật học
Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM.
“Ngậm ngải tìm trầm” dưới góc độ hóa thực vật học.
Không biết từ bao giờ, dân gian đã tồn tại câu nói “ngậm ngải tìm trầm” dùng để chỉ sự khó nhọc của những người phu đi tìm trầm. Trầm là sản phẩm có mùi hương đặc trưng thu được từ một số loài trong chi Dó bầu, Aquilaria hoặc chi Gyrinops, họ Thymaceae. Không phải tất cả các loài trong chi Aquilaria đều có khả năng sinh ra trầm, một trong những loài đặc biệt có khả năng này là Aquilaria malaccensis. Tùy thuộc vào phẩm chất của sản phẩm mà người ta phân chia thành Kỳ nam hay Trầm hương. Gỗ Kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Nó tích chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu. Gỗ Trầm hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy Trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí.
Gỗ Dó bầu nguyên thủy vốn không có hương, khi thân cây bị tổn thương bởi các tác nhân lý hóa hay sinh học, ví dụ nhiễm nấm Phialophora parasitica, chúng sẽ tiết ra chất nhựa để bảo vệ các vết thương này. Sau đó nhựa bị đông lại thành khối thể chất cứng, tỏa hương đặc trưng. Vì vậy, trong tiếng Anh, các sản phẩm trên được gọi là agarwood (đông lại như thạch) hoặc aloe (chất nhựa chảy ra). Tên gọi trầm có lẽ ám chỉ màu sắc tối của khối nhựa này hoặc giả giống như tiếng Nhật jin-koh, nghĩa là chìm đắm trong hương thơm. Loài phong lan Hoàng thảo song hồng (Dendrobium parishii) được gọi bằng tên trầm rừng do hương hoa phần nào giống của chúng.
Thành phần tinh dầu chưng cất từ trầm khá phức tạp, đa số là các terpenoid ở dạng sesquiterpen, không tìm thấy monoterpen. Các dẫn xuất chromon có lẽ là thành phần mang đến hương “ngọt”. Nỗ lực tạo mùi hương trầm nhân tạo hầu như là bất khả. Trầm cũng như một số loại nhựa thơm trong các loài khác có thể đóng vai trò thu hút “thiên địch” của các tác nhân gây tổn thương cho cây.
Mùi hương khác biệt khi đốt lên khiến cho trầm từ lâu đã được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo. Y học Ayurveda đề cập đến trầm qua văn bản Susruta Samhita. Dioscorides gọi chúng trong De Materia Medica là Áγαλλοχου (agarwood) có tính chất làm se và vị đắng, sử dụng để làm thơm hơi thở khi nhai hoặc dưới dạng thuốc ngậm trong miệng. Ông cũng viết rằng chiết xuất từ rễ đã được sử dụng để điều trị các bệnh về dạ dày, kiết lỵ cũng như đau phổi, gan.
Trong Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn viết vào thời nhà Tấn có nói đến sản vật trầm tại vương quốc Nhật Nam (thuộc miền Trung Việt Nam ngày nay). Trong nhiều giai đoạn lịch sử phong kiến, quốc gia Chiêm Thành cũng thường mang trầm sang Trung Hoa. Khi các chúa Nguyễn tiến vào Đàng Trong, giao thương với nước ngoài mở rộng, Nhật Bản là một trong các quốc gia thu mua Trầm hương hay Kì nam rất nhiều, khiến mặt hàng này lên giá chóng mặt. Sự khai thác quá mức của con người khiến cho các thực vật tạo trầm ở trong tình trạng bị đe dọa.
Công việc tìm trầm thường được miêu tả ở chốn “rừng thiêng nước độc” nên bên cạnh những dụng cụ cần thiết khi đi rừng, các phu trầm cần mang theo thuốc men phòng bệnh hoặc dùng trong cấp cứu. Trong bối cảnh đó, “ngậm ngải” có lẽ là một cụm từ mang tính hình tượng.
Ngải có thể là tên các dược liệu trong chi Artemisia, họ Cúc, thường được gọi là wormwood ở phương Tây. Các dược liệu này đa số có vị đắng, ví dụ ngải cứu (Artemisia vulgaris) dùng trong y học cổ truyền phương Đông, ngải đắng (Artemisia absinthium), thành phần trong rượu mạnh truyền thống Absinthe. Do đó, “ngậm ngải” cũng có thể xem như “nếm mật” trong thành ngữ “nếm mật nằm gai”, ám chỉ khó khăn mà các phu trầm phải trải qua để thu được thành quả.
Ngải cũng có thể là tên gọi một số cây trong chi Curcuma thuộc họ Gừng, như ngải trắng (Curcuma aromatica). Các loài này còn được biết dưới tên Nghệ. Thực tế, 艾 có thể là dạng ký âm của cả hai cách đọc Ngải hay Nghệ. Các cây Ngải hay Nghệ trong họ Gừng không có mối liên hệ gần gũi với chi Ngải họ Cúc.
“Ngậm ngải tìm trầm” dưới một cách nhìn nào đó, cũng có thể chỉ việc sử dụng nhóm dược liệu Ngải để trị sốt rét, căn bệnh khá phổ biến ở rừng nhiệt đới ẩm. Trong chi Ngải có Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua) đã được sử dụng để chiết xuất Thanh hao tố (artemisinin) làm cơ sở điều trị sốt rét thời hiện đại.
Trớ trêu thay, Thanh hao hoa vàng lại được gọi là sweet wormwood, phân bố chủ yếu ở Trung Hoa, Việt Nam và một số vùng Đông Nam Á. Trong bài phỏng vấn với phóng viên, Giáo sư Đồ U U (Tu Youyou) đã chia sẻ khi nhóm nghiên cứu cảm thấy nản lòng, bà đã có lại động lực nhờ đọc quyển sách cổ của Cát Hồng “Trửu hậu bị cấp phương”, một danh y thời Đông Tấn. Trửu có nghĩa là khuỷu tay, ý chỉ tập sách được cấp theo chữa bệnh cấp tính.
Điều thú vị là Cát Hồng đã có thời gian sống tại nước Việt và được dân gian tuyên truyền như một tiên ông thích luyện đơn. Ông mô tả quá trình chiết xuất Thanh hao sử dụng nước lạnh. Chính vấn đề ngâm lạnh đã làm Giáo sư Đồ xuất hiện ý tưởng dùng dung môi có nhiệt độ sôi thấp (ether) để chiết Thanh hao tố với suy nghĩ chúng sẽ bị phân hủy bởi nhiệt độ (ban đầu, bà sử dụng ba dung môi: nước, ethanol, ether). Nguyên văn “青蒿一握, 以水二升渍, 绞取汁, 尽服之” (Một nắm thanh hao, ngâm trong hai thăng nước, vặn lấy nước uống hết). Kết quả đúng như mong đợi, mẫu phân lập số 191 thể hiện khả năng kháng sốt rét 100% trên mô hình chuột. Bên cạnh đó, Cát Hồng còn mô tả một số bệnh truyền nhiễm thời đó như đậu mùa hay viêm phổi (có thể là lao: diễn biến khôn lường, lúc nóng lúc lạnh, hôn hôn mê mê, không biết chỗ nào khỏi, lại không có chỗ nào dễ chịu, càng kéo dài sức khỏe và tinh thần xuống dốc cho đến chết. Chết rồi người kề cận còn bị lây nhiễm, nặng hơn cả nhà đều chết). Theo báo cáo của Giáo sư Đồ, Thanh hao hoa vàng là loài duy nhất trong chi Artemisia có chứa artemisinin.
Tất nhiên bài viết không hề khẳng định việc các phu trầm đã ngậm Thanh hao hoa vàng khi đi rừng mà đây chỉ là những câu chuyện thú vị về hai nhóm thảo mộc mang tên trầm và ngải.
Tài liệu tham khảo:
Saiful Nizam Tajuddin and Mashitah M. Yusoff (2010), “Chemical Composition of Volatile Oils of Aquilaria malaccensis (Thymelaeaceae) from Malaysia”, Natural Product Communications, 5(12), 1965 – 1968.
Wang, S., Yu, Z., Wang, C., Wu, C., Guo, P., & Wei, J. (2018), “Chemical Constituents and Pharmacological Activity of Agarwood and Aquilaria Plants”, Molecules (Basel, Switzerland), 23(2), 342.
“Những câu chuyện Trung Hoa xưa Danh Y phần 2”, Nhà xuất bản Trẻ.
Tu Youyou – Biographical. NobelPrize.org. Nobel Prize Outreach AB 2022. Mon. 18 Apr 2022.
Tu Youyou Biographical, truy cập ngày 09/05/2022.
Xem thêm bài cùng tác giả: Táo và nhóm thuốc gliflozin- Môn dược liệu – Trường ĐH Y Dược TP HCM.