HO GÀ

ho gà

Hồi mấy tuần trước mình nghe các mẹ antivax bảo với nhau là sao con em tiêm vaccine ho gà xong về vẫn bị ho như gà nên mình đành phải viết bài này trước là để cung cấp thêm thông tin về ho gà cho các bạn sau là để thông não cho các mẹ antivax và thuận tự nhiên gạo lứt muối vừng các thể loại. Tuy nhiên có một điều mình không ngờ là mình đã phạm phải tội ác chống lại loài người và anh Mark là viết bài quá dài. Nhưng mà viết ngắn hơn thì lại không thể vì không đủ lượng thông tin mà mình muốn chuyển tải. Do đó, các bạn có thể để dành đọc làm nhiều lần hoặc từ từ mỗi ngày ngâm cứu một ít cũng được.

Trước tiên, ho như gà chưa chắc là ho gà nha các mẹ. Hãy nghe các bác sĩ mô tả về bệnh này.

Một danh y ở thế kỷ 15 tên là Bahaodowle Razi được xem là người đầu tiên mô tả về ho gà. Ông là danh y nổi tiếng nhất đương thời. Có lẽ ông đã viết rất nhiều sách nhưng chỉ còn sót lại cho đời sau duy nhất một quyển. Đó là cuốn “Tóm Tắt Những Trải Nghiệm trong Y Học” bao gồm 28 chương. Ở chương thứ 13, ông có mô tả hai trận dịch lớn ở Harat và Rey với những bệnh nhân chịu đựng những cơn ho khan kéo dài, dẫn đến tím tái. Những cơn ho này nặng đến mức có thể gây ra nôn mửa, mệt mỏi, mất năng lượng thậm chí dẫn đến mê man và tử vong.

Đến thế kỷ thứ 17, Guillaume de Baillou đã mô tả về căn bệnh này trong hai tác phẩm của mình: Epidemorium et ephemeridum (năm 1640) và Pharos medicorum (năm 1673). Ông viết về một trận dịch xảy ra ở Pháp vào mùa hè năm 1578 với căn bệnh được ông đặt tên là Quinta, hay Quintana tussis thường gặp ở trẻ từ bốn đến năm tháng tuổi. Lý do căn bệnh có cái tên gọi này là vì đặc trưng của nó là những cơn ho (tussis) lập lại mỗi bốn đến năm giờ (quint). Theo lời ông mô tả thì những cơn ho có thể nặng đến mức gây nghẹt thở, chảy máu mũi, chảy nước mắt, và thậm chí tử vong. Riêng về những trận dịch, ông cho chúng một cái tên riêng: coqueluche.

Vào năm 1674, Thomas Willis cũng mô tả một căn bệnh mà ông gọi là “chin-cough” gặp chủ yếu ở trẻ em và trẻ sơ sinh với đặc điểm là những cơn ho dữ dội. Những cơn ho này chẳng những làm cho các cơ quan ở đường thở phải hoạt động một cách đau đớn mà còn làm chúng co giật, thậm chí ngừng hoạt động. Việc hít vào và thở ra trở nên cực kỳ khó khăn như bị ai đó xiết cổ. Ông ghi nhận đây là một căn bệnh nguy hiểm, rất khó chữa và thậm chí có thể tử vong.

Năm 1765, Nils Rosen von Rosenstein, một bác sĩ người Thụy Điển, cũng đã từng viết về căn bệnh này. Ông thấy nó giống với sởi, nhưng khác ở chỗ nó đi kèm những cơn ho và điểm đặc biệt là chúng ngày càng nặng hơn đến mức làm bệnh nhân ngộp thở và chảy máu mũi. Những cơn ho này lập lại sau mỗi 7 đến 8 giờ và diễn ra liên tục cho đến khi đứa trẻ bị tím tái mặt mày.

Thủ phạm của ho gà là vi khuẩn Bordetella pertussis (hay B. pertussis). Khi những người bị nhiễm ho, những hạt đờm li ti từ đường hô hấp có B.pertussis ẩn náu bên trong bên trong bắn ra ngoài. Chúng sẽ treo lơ lửng trong không khí cho đến khi có người khác hít vào và đi vào bên trong đường hô hấp của họ. Sau đó, chúng bám vào các lông mao của những tế bào lát mặt trong mũi, họng, và đường hô hấp rồi sinh sản nhanh chóng. Các lông mao này khi bình thường sẽ đung đưa qua lại liên tục để đẩy lớp chất nhầy có chứa bụi bẩn bên trong đường hô hấp đi lên trên rồi ra ngoài. B. pertussis tạo ra các độc tố làm tê liệt các lông mao của những tế bào này.

Diễn tiến của bệnh ho gà được chia ra làm ba giai đoạn.

GIAI ĐOẠN ĐẦU

Giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Trong giai đoạn này người bệnh sẽ có những triệu chứng chảy mũi, ho nhẹ, hắt xì, và đôi khi là sốt nhẹ. Đây là những dấu hiệu không đặc trưng của bệnh vì nó cũng thường gặp ở một số bệnh khác như cảm cúm thông thường và viêm phế quản. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn bệnh nhân dễ truyền bệnh cho người khác nhất vì trong chất đàm của họ có đầy vi khuẩn B. pertussis. Người ta ước tính có khoảng 80% số người tiếp xúc thường xuyên với người bệnh trong giai đoạn này sẽ bị nhiễm bệnh.

Cũng chính vì vi khuẩn hiện diện trong cơ thể nhiều nhất ở giai đoạn này nên nếu bệnh nhân được điều trị kháng sinh thì tình trạng nhiễm trùng cũng sẽ nhẹ hơn và có thể thay đổi được diễn tiến bệnh. Ngoài ra, dùng kháng sinh trong giai đoạn này cũng ngăn không cho bệnh lây sang những người khác. Sau khoảng 5 ngày điều trị, số lượng vi khuẩn ho gà sẽ giảm đi đáng kể nên khả năng truyền bệnh cho người khác cũng sẽ mất đi.

Tuy nhiên, khoảng 3 tuần sau khi nhiễm bệnh, vi khuẩn đã biến mất khỏi cơ thể. Do đó, sau 3 tuần thì điều trị kháng sinh là vô ích mặc dù các triệu chứng của ho gà vẫn xảy ra do các vi khuẩn đã kịp gây ra những tổn thương bên trong cơ thể bạn trước khi ra đi rồi.

Đó cũng là lý do vì sao những người bị ho gà cần phải nghỉ làm, nghỉ học, và tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ trong vòng ít nhất 3 tuần kể từ khi bắt đầu ho hoặc sau ít nhất 5 ngày điều trị kháng sinh.

Cấy vi khuẩn được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh ho gà cũng được thực hiện dễ dàng nhất ở giai đoạn này vì lúc này vi khuẩn xuất hiện nhiều nhất. Tuy nhiên, phải chờ đến sau 2 tuần mới có kết quả cấy, lúc đó thì đã quá muộn cho các bác sĩ để đưa ra những can thiệp có ý nghĩa trên diễn tiến bệnh rồi.

GIAI ĐOẠN HAI

Sau 1 đến 2 tuần, những cơn ho sẽ dần dần nặng nề hơn. Lúc này, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn ho gà. Đây là giai đoạn đặc trưng của bệnh. Đàm được tiết ra bên trong đường thở nhưng không được các lông mao đẩy lên phía trên và đi ra ngoài nên đọng lại ngày càng nhiều và càng đặc. Do đó, cơ thể cảm thấy khó chịu và tạo phản ứng ho để cố gắng tống đàm ra ngoài nhưng thất bại. Những cơn ho xuất hiện ngày càng nhiều hơn, kéo dài hơn, và gấp gáp hơn. Vào cuối mỗi cơn ho, bệnh nhân sẽ cố gắng hít vào thật mạnh để bù cho khoảng thời gian ngay trước đó không thở nổi vì ho. Lúc này, không khí luồn lách từ ngoài vào trong phổi với tốc độ cao. Khi đi qua đường thở ngang khe thanh môn, lúc này đã bị sưng nề do viêm nhiễm nên thít chặt lại, chúng sẽ tạo thành tiếng rít đặc trưng nghe như tiếng gà kêu. Đó là lý do vì sao người ta gọi đây là bệnh ho gà. Những trẻ sơ sinh nhỏ hơn 6 tháng tuổi có thể sẽ không có tiếng ho gà đặc trưng này vì chúng không thể hít vào nổi.

Những cơn ho có thể kéo dài đến mức khiến bệnh nhân tím tái do thiếu oxy vì không có thời gian để thở. Trẻ em và trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề nhất. Nôn ói sau khi ho cũng thường xảy ra. Cũng có nhiều trường hợp trẻ sẽ bị nôn ói do sặc đàm.

Những cơn ho thường xảy ra nhiều nhất vào ban đêm, trung bình khoảng 15 cơn trong 24 giờ. Giai đoạn ho gà kéo dài từ 1 đến 6 tuần nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài đến 10 tuần. Mật độ xuất hiện của những cơn ho này tăng lên dần trong 2 tuần lễ đầu, giữ nguyên trong vòng 2 đến 3 tuần sau đó, và giảm dần trong 2 tuần cuối cùng.

GIAI ĐOẠN HỒI PHỤC

Cuối cùng là giai đoạn hồi phục. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự giảm dần của những cơn ho dữ dội và liên tục ở giai đoạn thứ hai rồi dần dần biến mất trong vòng từ 2 đến 3 tuần.

Ngoài những cơn ho dữ dội, B.pertussis còn gây ra những tác động trên toàn cơ thể bao gồm tăng lympho bào, rối loạn điều hòa tiết insulin, nôn ói sau khi ho gây mất nước và suy dinh dưỡng, thay đổi chức năng thần kinh (ngất, động kinh, và mất ý thức).

Biến chứng thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của ho gà là nhiễm trùng phổi thứ phát sau ho gà. Nguyên nhân là do B. pertussis sinh sản bên trong mô phổi, gây viêm phổi và là kẻ cầm đầu kéo theo các loại vi khuẩn khác tấn công vào phổi. Những trẻ sơ sinh có nguy cơ bị biến chứng cao nhất. Những dữ liệu thu thập được từ năm 1997-2000 cho thấy viêm phổi xảy ra trên 5.2% trường hợp bị ho gà và 11.8% trẻ sơ sinh nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, ho gà còn có thể gây ra những biến chứng trên thần kinh do não thiếu oxy vì bệnh nhân không thở nổi lúc ho hoặc vì độc tố. Cũng vậy, trẻ sơ sinh nằm trong nhóm bị những biến chứng thần kinh này cao nhất.

Những biến chứng nhẹ hơn bao gồm viêm tai giữa, chán ăn, mất nước.

Những hậu quả do các cơn ho trực tiếp gây ra bao gồm xẹp phổi, chảy máu mũi, tụ máu dưới màng cứng (của não), và thoát vị.

Về mặt điều trị, thì như trên đã nói, không biết tác dụng diệt vi khuẩn ho gà của tamari với số 7 ra sao chứ dùng kháng sinh chỉ có tác dụng trong vòng 3 tuần đầu của bệnh. Ngoài ra, kháng sinh được dùng để ngăn không cho người bệnh lây nhiễm sang cho người khác chứ nó không thể làm cho các cơn ho giảm đi được. Ngay cả thuốc ho cũng không làm giảm các cơn ho được. Thật ra là CDC khuyến cáo không nên sử dụng thuốc ho trừ phi có chỉ định của bác sĩ.

Còn lại là những điều trị hỗ trợ như dùng corticoid để làm giảm viêm ở đường hô hấp giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được cho thở oxy và hút đàm từ trong đường thở ra ngoài.

Ở trẻ vị thành niên và người lớn, hoặc những trẻ đã được tiêm chủng thì bệnh thường nhẹ hơn và có những người thậm chí còn không có triệu chứng, hoặc chỉ có ho nhẹ.

Ho gà cho những biến chứng hết sức nguy hiểm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khoảng phân nửa trẻ bị ho gà ở độ tuổi này phải nhập viện và cứ 100 trẻ nhập viện sẽ có 1 trẻ tử vong. Do đó, tất cả những phụ nữ có thai đều được khuyến cáo phải tiêm vaccine ho gà ở tam cá nguyệt thứ ba (tốt nhất là từ 27 đến 36 tuần). Nhờ vậy, khi mới ra đời, trẻ sẽ nhận được kháng thể chống lại ho gà từ mẹ (miễn dịch thụ động) nhờ đó có thể chống lại căn bệnh nguy hiểm này trong vòng 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, vaccine còn giúp mẹ không bị ho gà nên làm giảm nguy cơ lây cho con. Mỗi một lần mang thai đều cần phải tiêm ngừa bất kể là trước đó có tiêm hay không.

Thậm chí, những người thường phải gần gũi với trẻ, như anh chị em, ông bà, và tất cả mọi người trong gia đình, người trông trẻ cùng đều phải chắc chắn có tiêm phòng ít nhất 2 tuần trước khi tiếp xúc với trẻ.

Và cuối cùng, để các bạn được mục sở thị căn bệnh này như thế nào, mình gửi kèm theo bài viết này một đoạn video và hai tấm hình. Đoạn video quay lại cảnh một người mẹ ôm đứa bé gái bị ho gà trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đoạn video này do Mayo Clinic gửi lên Youtube. Bức hình thứ nhất là hình ảnh một đứa bé trai bị ho gà đến mức thở không nổi. Bức hình thứ hai là hình ảnh một đứa bé khác bị ho gà đến mức vỡ luôn cả các mạch máu và bầm tím hết mặt mày. Cả hai bức hình được lấy từ link sau: http://www.vaccineinformation.org/whooping-cough/photos.asp Đây là website của Immunization Action Coalition ra đời từ năm 2002 với sự hợp tác của CDC để cung cấp thông tin về vaccine cho cộng đồng.

Vậy nha. Nhắc lại cho mấy mẹ antivax nhớ nếu mấy mẹ chịu khó đọc được tới đoạn này. Còn mấy mẹ đọc không tới nổi thì coi như là xui đi nha. Ho như gà chưa chắc là ho gà đâu nha mấy mẹ. Con cái mấy mẹ mà bị ho gà thật thì mấy mẹ đã xách nó vô cấp cứu từ lâu rồi nha.

Còn bây giờ thì mình xin mời các thánh cùng hạ phàm xuống hội chẩn cách dùng tương tamari chữa ho gà.

====

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Erik L. Hewlett (Apr 01, 2014). Pertussis Pathogenesis—What We Know and What We Don’t Know. Được lấy từ: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3952676/

Paddock CD, Sanden GN, Cherry JD, Gal AA, Langston C, Tatti KM, Wu KH, Goldsmith CS, Greer PW, Montague JL, Eliason MT, Holman RC, Guarner J, Shieh WJ, Zaki SR. Pathology and pathogenesis of fatal Bordetella pertussis infection in infants. Clin Infect Dis. 2008 Aug 1; 47(3):328-38.

Weston, R. (2012). Whooping cough: A brief history to the 19th century. Canadian Bulletin of Medical History, 29(2), 329-349.

Yarmohammadi, H. (2015, July 1). The First Report of Epidemic Pertussis by Bahaodowle Razi from the 15th Century Anno Domini. Được lấy từ: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4580069/

Tác giả: Bác sĩ Lê Minh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *