Metronidazol – Kháng sinh điều trị Amip, Giardia, Lậu

Công thức Metronidazol

Metronidazol là một kháng sinh quen thuộc với tên biệt dược nổi tiếng là Flagyl, dùng trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí cùng các trường hợp nhiễm Amip, Giardia, lậu. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến độc giả những thông tin chi tiết và quan trọng nhất về hoạt chất Metronidazol: Metronidazol là thuốc gì? Tác dụng và Công dụng của Metronidazol? Liều dùng và những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc này.

Metronidazol là thuốc gì?

Metronidazol là dẫn xuất thế hệ 1 của nhóm 5-nitroimidazol, được bán trên thị trường dưới tên Flagyl cùng với các tên khác, là một loại thuốc kháng khuẩn và thuốc chống động vật nguyên sinh. Thường được sử dụng một mình hoặc phối hợp với các kháng sinh khác trong điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí, các trường hợp nhiễm Amip, Trichomonas vaginalis, Giardia, lậu. Nó còn được dùng trong Viêm loét dày tá tràng có H.P(+) hay Viêm ruột kết màng giả do Clostridium difficile. Metronidazol được dùng theo đường uống, dạng kem và tiêm tĩnh mạch.

Thuốc Flagyl chứa hoạt chất Metronidazol
Thuốc Flagyl chứa hoạt chất Metronidazol

Tác dụng của Metronidazol

Metronidazol có hoạt phổ rộng trên động vật nguyên sinh như Amip, Giardia và Vi khuẩn kỵ khí.

Cơ chế tác dụng: Hiện còn chưa biết rõ, trong tế bào vi khuẩn hoặc động vật nguyên sinh, nhóm 5-nitro bị khử bởi nitroreductase của vi khuẩn thành các chất trung gian độc với tế bào, phá vỡ cấu trúc xoắn của phân tử ADN vi khuẩn làm ngừng quá trình sao chép dẫn tới tế bào bị tiêu diệt.

Phổ tác dụng:

Với vi khuẩn: In vitro, metronidazol có tác dụng tốt trên nhiều loại vi khuẩn gram âm kỵ khí như B. ovatus, Bacteroides fragilis, B. oreolyticus, B. distasonis, Prevotella bivia, P. disiens, B. thetaiotaomicron, B. vulgaris, P. gingivalis, P. intermedia, Porphyromonas asaccharolytic, Fusobacterium và Veillonella; Một số chủng Mobiluncus; Thuốc cũng có tác dụng trên một số chủng kỵ khí gram dương như Clostridium, Peptococus, C. dif cile, Eubacterium, C. perfringens, và Peptostreptococus.

Với Helicobacter pylori khi dùng nên phối hợp các kháng sinh khác để tránh tình trạng kháng thuốc

Với động vật nguyên sinh: Metronidazol có tác dụng với Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Trichomonas vaginalis và Balantidium coli.

Metronidazol không có tác dụng trên nấm, virus và hầu hết vi khuẩn hiếu khí bắt buộc

Metronidazol dùng trong phác đồ điều trị vi khuẩn HP
Metronidazol dùng trong phác đồ điều trị vi khuẩn HP

Chỉ định và liều dùng

– Nhiễm amip: Các thể nhiễm amip cấp ở đường ruột và áp xe gan do amip gây ra bởi Entamoeba hystolistica. Trường hợp có kén amip không có triệu chứng bệnh không dùng metronidazol mà dùng các thuốc có khả năng diệt kén

Liều điều trị thông thường cho người trưởng thành là mỗi ngày 3 liều, mỗi liều dùng 750 mg. Thời gian điều trị kéo dài từ 5 – 10 ngày (Tuy nhiên thường dùng tối thiểu 10 ngày)

Điều trị tình trạng áp xe gan do amip: Dùng cho người lớn mỗi ngày 3 liều, mỗi liều dùng 500 – 750 mg. Thời gian điều trị kéo dài từ 5 – 10 ngày.

Đối với trẻ em: liều điều trị thông thường là dùng mỗi ngày từ 35 – 40 mg/kg thể trọng, dùng 3 liều trong 1 ngày; Thời gian điều trị trong khoảng 5 – 10 ngày.

– Nhiễm vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí hỗn hợp:

Dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch điều trị các nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn trong ổ bụng (viêm màng bụng, áp xe ổ bụng, viêm màng trong tử cung, viêm vòi buồng trứng và nhiễm khuẩn âm đạo sau phẫu thuật), nhiễm khuẩn da và cấu trúc da, nhiễm khuẩn ở xương, khớp, đường hô hấp dưới (bao gồm viêm phổi, viêm màng phổi mủ, áp xe phổi); nhiễm khuẩn hệ não tủy (bao gồm viêm màng não và áp xe não), nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm.

Liều khởi đầu 800 mg, sau đó là 400 mg/lần, 8 giờ một lần, dùng trong khoảng 7 ngày; Hoặc dùng liều 500 mg/lần, 8 giờ một lần. Trường hợp không thể dùng đường uống, tiêm truyền tĩnh mạch 500 mg (dung dịch 5 mg/ml) với tốc độ 5 ml/phút, 8 giờ một lần; Hoặc đặt trực tràng 1 g dạng thuốc đạn, 8 giờ một lần trong ít nhất 3 ngày, sau đó giảm 12 giờ đặt một lần. Hoặc dùng liều theo cân nặng: Uống 7,5 mg/kg/lần, 6 – 8 giờ một lần; Hoặc tiêm truyền tĩnh mạch 15 mg/kg sau đó 7,5 mg/kg/lần, 6 giờ truyền một liều.
Tổng liều tối đa theo bất kỳ đường dùng nào cũng không nên vượt quá 4 g trong 24 giờ. Đợt điều trị 7 – 10 ngày.

– Bệnh trùng roi do nhiễm Trichomonas vaginalis cho cả phụ nữ và nam giới. Dùng dạng thuốc uống, đặt tại chỗ hoặc kết hợp cả hai.

Sử dụng 1 liều 2g hoặc dùng liên tục trong 1 tuần, mỗi ngày 3 liều, mỗi liều 250mg

Điều trị đồng thời cho bệnh nhân có quan hệ tình dục cho kết quả tốt

Nếu chưa khỏi, bệnh nhân cần được điều trị thêm 1 đợt 1 – 2 tuần, với liều 1g/ngày chia 2 lần

Điều trị Trichomonas vaginalis
Điều trị Trichomonas vaginalis

– Viêm ruột, đi ngoài do Clostridium difficile.

– Nhiễm Giardia ở người trưởng thành và trẻ em:

+ Liều dùng dành cho người trưởng thành: mỗi lần uống 250 mg, ngày uống 3 lần; Cần điều trị kéo dài từ 5 -7 ngày.

+ Liều dùng dành cho trẻ em: Uống mỗi ngày một lượng 15 mg/kg thể trọng cơ thể, chia làm 3 liều trong ngày; Cần điều trị kéo dài từ 5 – 10 ngày

– Viêm lợi hoại tử có loét cấp tính, viêm lợi quanh chân răng cùng với một số trường hợp nhiễm khuẩn răng miệng khác do vi khuẩn kị khí gây ra:

Liều dùng thông thường: Mỗi ngày uống từ 7,5 mg – 1g (base) trên mỗi kg thể trọng, uống ngày 4 lần, điều trị kéo dài tối thiểu 1 tuần

– Viêm loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn HP (có phác đồ điều trị phối hợp thuốc riêng biệt để điều trị tiệt trừ HP).

Mỗi liều dùng 500 mg Metronidazol, uống 3 lần trong ngày, kết hợp với kháng sinh bismuth subsalicylat hoặc bismuth subcitrat keo cùng một số kháng sinh khác như trong phác đồ tiệt trừ HP như amoxicilin hoặc tetracyclin và 1 thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton. Thời gian điều trị kéo dài 1 – 2 tuần.

-Viêm tiết niệu không do lậu cầu: Phối hợp với azithromycin điều trị khi bệnh nhân bị viêm kéo dài hoặc tái phát, hoặc không được điều trị ngay từ đầu với azithromycin.

– Dự phòng nhiễm khuẩn kỵ khí sau phẫu thuật

Dược động học

Metronidazole có khả năng hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng qua đường tiêu hoá. Sau khi uống 500mg khoảng 1 tiếng, thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết tương là 10mcg/mL. Dược động học khi dùng tại chỗ (đường đặt) khác nhiều so với khi dùng toàn thân (đường tiêm hoặc uống), với liều đơn 5g gel đặt âm đạo, nồng độ thuốc trong huyết tương đạt 237 ng/mL sau 6-12h , bằng khoảng 2% so với khi dùng đường uống.

Metronidazol xâm nhập tốt vào các mô và dịch cơ thể, kể cả nước bọt, dịch âm đạo, tinh dịch, sữa mẹ và dịch não tuỷ. Liên kết với protein huyết tương 10% – 20%.

Metronidazol chuyển hoá ở gan bằng phản ứng oxy hoá (khoảng 50%), các chất chuyển hoá dạng 2-hydroxy và glucuronid đều có hoạt tính, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Thời gian bán thải khoảng 8 giờ, tăng lên khi bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan, chức năng thận không ảnh hưởng đến thời gian bán thải.

Thận trọng

– Cần theo dõi và không dùng rượu và các chế phẩm có cồn khi uống thuốc.

– Dùng liều cao có thể gây rối loạn máu và gây ra các chứng bệnh thần kinh thể hoạt động.

– Thận trọng khi sử dụng thuốc trên trẻ em do tính an toàn còn chưa được xác định

– Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi do chức năng gan suy giảm

– Cần theo dõi đề phòng nguy cơ bội nhiễm Candida âm đạo, miệng và ruột

– Thời kỳ mang thai: không nên dùng cho thời gian đầu do thuốc qua nhau thai, trừ khi bắt buộc dùng phải cân nhắc nguy cơ – lợi ích

– Thời kỳ cho con bú: thuốc bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, nên ngừng cho trẻ bú sữa mẹ trong quá trình điều trị của bà mẹ bằng kháng sinh metronidazole

Tác dụng phụ

Thường gặp, ADR > 1/100

Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: nôn nao, nôn mửa, chán ăn, khó tiêu, đau bụng, đi ngoài, cảm thấy mùi kim loại trong miệng.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

Tác dụng phụ trên máu: Giảm số lượng bạch cầu.

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

Tác dụng phụ trên Máu: Mất bạch cầu hạt.

Tác dụng phụ trên TKTW: xuất hiện cơn động kinh bất chợt, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, đau nhức đầu.

Tác dụng phụ trên Da: nổi ban đỏ, mẩn ngứa, da phồng rộp, chấm nước.

Tác dụng phụ trên Tiết niệu: Nước tiểu chuyển màu sẫm.

Tương tác thuốc

Metronidazol làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông coumarin, lithium, thuốc giãn cơ nhóm chống khử cực. Do đó nên tránh dùng đồng thời hoặc khi dùng nên hiệu chỉnh liều cho phù hợp

Các thuốc gây cảm ứng enzyme như phenobarbital, rifampicin… làm giảm tác dụng của Metronidazol, vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng đồng thời

Rượu và các chất có chứa alcol: Thuốc gây hội chứng giống disulfiram vì vậy không nên uống rượu trong thời gian điều trị

Giá bán một số thuốc có chứa Metronidazol

Nguồn tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Metronidazole

https://www.healthline.com/health/metronidazole-oral-tablet

https://www.drugs.com/metronidazole.html

Copy ghi nguồn: Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *