Viêm gan E

Bệnh nhân bị Viêm gan E

Ở các bài trước vnras.com/drug đã giới thiệu tới các bạn hai căn bệnh nguy hiểm là viên gan B, viêm gan C cả viêm gan D. Ở bài này nhà thuốc xin giới thiệu tới các bạn một bệnh viêm gan nguy hiểm nữa với tỉ lệ mắc rất cao đó là viêm gan E. Dưới đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về Viêm gan D.

Tổng quan

Vị trí các vùng gen mã hóa trên ARN HEV
Ảnh: Vị trí các vùng gen mã hóa trên ARN HEV.

Viêm gan E là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan E là HEV (Hepatitis E Virus) gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường phân – miệng do ô nhiễm phân ở nguồn cấp nước hoặc thực phẩm.

Tính đến ngày 19/9/2018, ước tính mỗi năm có khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới nhiễm HEV, và WHO ước tính rằng viêm gan E gây ra khoảng 44,000 ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2015 (chiếm 3.3% tỉ lệ tử vong do viêm gan virus).

Virus HEV được tìm thấy trên toàn thế giới, tuy nhiên tỉ lệ lưu hành cao nhất là ở Đông và Nam Á.

Vaccin phòng ngừa viêm gan E đã phát triển và được cấp phép tại Trung Quốc, tuy nhiên chưa có sẵn tại các quốc gia khác.

Dịch tễ

Viêm gan E đặc biệt phổ biến ở những nước mà người dân được tiếp cận hạn chế với các dịch vụ thiết yếu về cung cấp nước, vệ sinh và y tế, ở đó viêm gan E phát triển thành những vùng dịch tương đối lớn như các khu vực xung đột, chiến tranh, trại dành cho người tị nạn… Những trường hợp nhiễm HEV ở các khu vực này chủ yếu rơi vào genotype 1 và 2.

Ở những khu vực có điều kiện vệ sinh và cung cấp nước tốt hơn, bệnh thường xảy ra lẻ tẻ và thường do genotype 3 gây ra. Genotype này thường có nguồn gốc từ động vật, thường do ăn thịt chưa nấu chín và không có liên quan đến ô nhiễm nước hoặc thực phẩm.

Tham khảo thêm:

Viên gan B

Viêm gan C

Nguyên nhân

Ảnh chụp virus viêm gan E bằng kính hiển vi điện tử
Ảnh: Ảnh chụp virus viêm gan E bằng kính hiển vi điện tử.

Nguyên nhân gây bệnh là virus HEV, một virus nhỏ thuộc họ Hepeviridae, có bộ gen là ARN sợi đơn, chiều dài khoảng 7,200 base, không có vỏ envelope. Có ít nhất là 4 kiểu genotype khác nhau 1, 2, 3 và 4. Kiểu 1 và 2 chỉ tìm thấy ở người. Kiểu 3 và 4 lưu hành trên một số động vật (lợn, hươu, nai) và đôi khi nhiễm trên người.

Chẩn đoán

Không thể chẩn đoán phân biệt viêm gan E với các viêm gan siêu vi khác trên lâm sàng chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng.

Chẩn đoán xác định viêm gan E dựa vào dịch tễ học, kháng thể typ IgM kháng HEV hoặc ARN HEV (sử dụng phản ứng khuếch đại gen RT-PCR) cho kết quả đáng tin cậy.

Triệu chứng lâm sàng

Viêm gan E cấp tính

Triệu chứng của viêm gan E cấp tính tương tự như viêm gan siêu vi cấp nói chung.

Thời kì ủ bệnh:

  • Kéo dài 2 đến 10 tuần, kéo dài trung bình 5-6 tuần, thường không có biểu hiện trên lâm sàng hoặc chỉ vàng da nhẹ khó phát hiện.

Thời kì khởi phát:

Kéo dài 3-10 ngày.

Sốt nhẹ 38-39C.

Đau tức vùng bụng bên phải, ngay dưới xương sườn (còn gọi hạ sườn phải, vị trí thông thường của gan, trừ một số trường hợp bệnh nhân có đảo ngược phủ tạng thì gan ở hạ sườn trái).

Bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi nhiều, không muốn làm gì.

Thời kì toàn phát:

  • Kéo dài 1-3 tuần.

Các triệu chứng phát triển và nặng lên:

  • Gan to và đau, lách có thể to.
  • Chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…
  • Vàng da (do tăng bilirubin – sắc tố mật trong máu), vàng mắt phát triển nhanh, kéo dài 2-4 tuần.
  • Phân bạc màu (có thể trắng như phân cò).
  • Nước tiểu ít và sẫm màu (giống màu nước vối).
  • Rất ngứa (do tích tụ bilirubin dưới da kích thích các thụ cảm thể gây ngứa, ngứa trong trường hợp này không đáp ứng với các thuốc kháng histamin H1).

Thời kì hồi phục:

Thường có hiện tượng đa niệu.

Các triệu chứng lâm sàng giảm dần rồi mất.

Bệnh nhân cảm thấy khỏe lên, dễ chịu dần, ăn ngủ tốt.

Nước tiểu trong trở lại, phân cũng trở về màu như cũ.

Gan dần trở về kích thước bình thường.

Sự mệt mỏi và đau tức hạ sườn phải có thể còn kéo dài nhiều tháng sau đó.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm gan cấp có thể tiến triển nặng thành viêm gan tối cấp, đặc biệt trong thai kì.

Viêm gan E mạn tính:

Bệnh nhân có thể hoàn toàn bình thường.

Có thể có một số triệu chứng lâm sàng như viêm gan cấp: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng…

Khi bị biến chứng xơ gan, ung thư gan bệnh nhân sẽ có thêm những triệu chứng của các bệnh lý này.

Viêm gan E cấp hiếm khi phát triển thành mạn tính, chỉ phát hiện thấy trên những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch (bệnh nhân HIV/AIDS, dùng thuốc ức chế miễn dịch), nhiễm trùng HEV genotype 3 hoặc 4.

Cận lâm sàng

Cấu trúc HEV
Hình ảnh: Cấu trúc HEV

Viêm gan E cấp tính

Cận lâm sàng viêm gan E cấp có nhiều điểm tương tự các trường hợp viêm gan siêu vi cấp khác.

Thời kì khởi phát:

  • Khám thực thể: gan to (hầu như mọi trường hợp).
  • Nước tiểu sẫm (đa số các trường hợp).
  • Urobilinogen niệu (+).

Thời kì toàn phát:

  • ALT, AST tăng cao (có thể trên 5 lần), đặc biệt là ALT.
  • Bilirubin toàn phần tăng, đặc biệt là bilirubin trực tiếp.
  • Phosphatase kiềm tăng trong trường hợp tắc mật.
  • Urobilinogen niệu (-).

Thời kì hồi phục:

  • Các chỉ số bilirubin toàn phần, transaminase máu, các chỉ số sinh hóa khác dần trở về bình thường.

Viêm gan E mạn tính:

  • AST/ALT tăng từng đợt hay kéo dài.
  • Sinh thiết gan: hình ảnh viêm gan mạn tính.
  • Cả viêm gan cấp và mạn đều có thể có ARN HEV (+), kháng thể type IgM kháng HEV (+).

Điều trị

Viêm gan cấp

Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là là hỗ trợ và điều trị triệu chứng.

  • Nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường trong giai đoạn tiến triển.
  • Ăn uống đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, ăn thịt nạc, rau xanh, hoa quả tươi, kiêng mỡ động vật…
  • Kiêng rượu bia và các đồ uống có cồn khác.
  • Có thể xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Có thể sử dụng các thuốc bảo vệ tế bào gan nếu cần: Fortec, Nissel, Grocel… hay các thuốc có nguồn gốc dược liệu như chó đẻ răng cưa…
  • Viêm gan tối cấp: Điều trị nội khoa hồi sức tích cực.

Viêm gan mạn

Một số tác giả đề xuất sử dụng ribavarin trong điều trị viêm gan E mạn tính mặc dù trên thực tế thuốc không được phê duyệt cho chỉ định này. Ngoài ra có thể sử dụng Pegylated Interferon-α đơn độc hoặc kết hợp với ribavarin.

Dự phòng

Phòng bệnh chủ động

  • Hiện tại Việt Nam chưa có sẵn vaccin phòng HEV. Vaccin mới chỉ được phê duyệt tại Trung Quốc.

Phòng bệnh không đặc hiệu

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước khi sơ chế thực phẩm.
  • Sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, tránh sử dụng nước không rõ nguồn gốc.
  • Xử lí phân người an toàn.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *