Viêm gan A là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus viêm gan A là HAV (Hepatitis A Virus) gây ra. Viêm gan A là một bệnh khá lành tính, thường tự khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì cũng như không chuyển sang thể mạn tính.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh là virus HAV, thuộc họ Picornaviridae. Virus được phát hiện năm 1973 bởi Feinstone, có lõi axit nucleic là ARN. Vật chủ tự nhiên là con người và động vật có xương sống.
Nguồn bệnh: Bệnh nhân và những người mang virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng (carrier).
Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua đường tiêu hóa là chủ yếu. Có thể nhiễm virus qua thực phẩm, nước nhiễm virus, ăn thủy hải sản sống (như gỏi cá) ở vùng nước ô nhiễm, tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (có thể không biểu hiện triệu chứng), dùng tay chưa rửa sau khi đi vệ sinh để bốc thức ăn…
Chẩn đoán viêm gan A
Chẩn đoán xác định dựa vào kháng thể typ IgM đặc hiệu HAV trong máu. Nó bắt đầu xuất hiện từ 1-2 tuần đầu sau nhiễm HAV và tồn tại trong khoảng 14 tuần.
Triệu chứng lâm sàng
Đặc trưng: Tổn thương lan tỏa và hoại tử tế bào gan (đặc trưng cho viêm gan siêu vi).
Đối tượng mắc nhiều nhất: Trẻ em và thanh thiếu niên; người trưởng thành thường có miễn dịch bền vững.
Nhiều bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là trẻ em. Thời gian ủ bệnh khoảng 2-6 tuần.
Thời kì khởi phát:
Sốt nhẹ hoặc không.
Đau tức vùng bụng bên phải, ngay dưới xương sườn (còn gọi hạ sườn phải, vị trí thông thường của gan, trừ một số trường hợp bệnh nhân có đảo ngược phủ tạng thì gan ở hạ sườn trái).
Bệnh nhân mệt mỏi nhiều, không muốn làm gì.
Thời kì toàn phát:
Các triệu chứng phát triển và nặng lên:
- Gan to và đau, lách có thể to.
- Chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…
- Vàng da (do tăng bilirubin – sắc tố mật trong máu), vàng mắt phát triển nhanh, kéo dài 2-4 tuần.
- Phân bạc màu (có thể trắng như phân cò).
- Nước tiểu ít và sẫm màu (giống màu nước vối).
- Rất ngứa (do tích tụ bilirubin dưới da kích thích các thụ cảm thể gây ngứa, ngứa trong trường hợp này không đáp ứng với các thuốc kháng histamin H1).
Thời kì hồi phục:
- Thường có hiện tượng đa niệu.
- Các triệu chứng lâm sàng giảm dần rồi mất.
- Bệnh nhân cảm thấy khỏe lên, dễ chịu dần, ăn ngủ tốt.
- Nước tiểu trong trở lại, phân cũng trở về màu như cũ.
- Gan dần trở về kích thước bình thường.
- Sự mệt mỏi và đau tức hạ sườn phải có thể còn kéo dài nhiều tháng sau đó.
Cận lâm sàng
Thời kì khởi phát:
- Khám thực thể: gan to (hầu như mọi trường hợp).
- Nước tiểu sẫm (đa số các trường hợp).
- Urobilinogen niệu (+).
Thời kì toàn phát:
- Transaminase máu tăng cao, đặc biệt là ALT.
- Bilirubin toàn phần tăng.
- Phosphatase kiềm tăng trong trường hợp tắc mật.
- Urobilinogen niệu (-).
Thời kì hồi phục:
- Các chỉ số bilirubin toàn phần, transaminase máu, các chỉ số sinh hóa khác dần trở về bình thường.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
Hiện nay viêm gan A chưa có thuốc đặc trị. Mục tiêu là đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh và ngăn ngừa xảy ra tình trạng tổn thương gan vĩnh viễn.
Việc điều trị cần tuân theo những nguyên tắc sau:
- Nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường trong giai đoạn tiến triển (khi nằm lưu lượng máu qua gan tăng 25%).
- Chế độ ăn đa dạng, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là protid, glucid và lipid, kiêng mỡ động vật, các loại thức ăn nhanh, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, sữa chua. Chú ý ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
- Kiêng rượu, bia, các đồ uống có cồn nói chung.
- Tránh sử dụng các thuốc, tiếp xúc hóa chất gây độc cho gan (ví dụ: thuốc paracetamol, aspirin, hóa chất độc với gan như carbon tetrachloride CCl4, chloroform CHCl3).
- Sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết: các thuốc lợi tiểu, lợi mật, thuốc bảo vệ tế bào gan, thuốc nâng cao miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể người bệnh…
Thuốc điều trị:
- Thuốc lợi tiểu: Spironolactone (Aldactone)…, thuốc có nguồn gốc dược liệu như râu ngô, hạt mã đề (xa tiền tử)…
- Thuốc lợi mật (không dùng trong các trường hợp tắc mật): Sorbitol… hoặc các thuốc có nguồn gốc dược liệu như nhân trần, actiso…
- Thuốc bảo vệ tế bào gan: Thuốc chứa Biphenyl-dimethyl-dicarboxylate như Fortec, Nissel, Grocel… hoặc các thuốc có nguồn gốc dược liệu như chó đẻ răng cưa…
- Thuốc nâng cao miễn dịch không đặc hiệu: Thymomodulin (Thymorosin, Thioserin…)
Dự phòng
Phòng bệnh cho bản thân
- Tiêm globulin miễn dịch: có thể bảo vệ trong một thời gian ngắn.
- Tiêm vaccin: có thể bảo vệ trong một thời gian dài (có thể lên tới 20 năm).
Các loại vaccin phòng viên gan A:
- Havrix, Vaqta: An toàn cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, người lớn kể cả bị tổn thương hệ miễn dịch. Tác dụng phụ thường nhẹ, đôi khi sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra. Cần 4 tuần để vaccin phát huy tác dụng của nó.
- Twinrix: Phòng ngừa cả viêm gan A và B, chỉ dùng cho người bệnh 18 tuổi trở lên. Tác dụng phụ thường nhẹ: đau nhẹ chỗ tiêm,mệt mỏi, đau đầu. Các tác dụng phụ này thường hết sau 48 giờ.
Rửa sạch rau xanh, hoa quả, gọt vỏ trước khi ăn, tránh ăn đồ sống hoặc tái. Thực hiện ăn chín, uống sôi.
Vệ sinh cá nhân thường xuyên. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi thay tã cho trẻ bằng xà phòng. Không dùng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ ăn…
Phòng bệnh cho mọi người xung quanh
- Sinh hoạt tình dục an toàn, nếu là nam giới đồng tính thì nên tránh sinh hoạt tình dục do HAV có thể lây qua đường tay – hậu môn, miệng – hậu môn.
- Rửa tay cẩn thận bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Nếu được, nên dùng khăn lau một lần để lau khô tay.
- Để riêng dụng cụ ăn, không để người khác dùng.
- Không chuẩn bị đồ ăn cho người khác nếu đang bị viêm gan hoạt động.
Tham khảo thêm các bệnh về viêm gan:
Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm gan B: Khái niệm, triệu chứng, đường lây, điều trị, tiêm phòng
Viêm gan C: Triệu chứng, đường lây truyền, phác đồ điều trị mới nhất
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và dự phòng