Trẻ quấy khóc kèm mụn sẩn toàn thân

trẻ

Ge Qian; Ligong Hou; Wu Guo Đăng tải trên JAMA ngày 14/01/2019. doi:10.1001/jama.2018.20666

Bé trai xuất hiện mụn sẩn có mủ toàn thân

Trẻ trai, 7 tuần tuổi, tiền sử đẻ đủ tháng, khoẻ mạnh, 4 tuần nay xuất hiện mụn sẩn có mủ toàn thân, lan rộng, tăng dần, ban đầu chỉ là các mụn sẩn lác đác vùng ngực. Trẻ đẻ đường âm đạo, mẹ 31 tuổi, được chăm sóc trước sinh thường qui. Kể từ khi nổi sẩn, trẻ rất hay quấy khóc và ngày càng quấy về đêm. Theo lời cha mẹ, tiền sử gia đình không có ai phát ban. Hỏi bệnh kĩ hơn thì cha mẹ cho biết trẻ có tiếp xúc với người trông trẻ, người này nói rằng có bị ngứa nhất là về đêm. Người này chăm sóc trẻ ở nhà bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến khi rời đi 3 tuần trước đó.

Khám thấy trẻ không sốt, dấu hiệu sinh tồn bình thường. Toàn thân có nhiều mụn sẩn chứa mủ, phù, cỡ đầu đinh ghim, lan toả và các nốt có vảy cứng, hợp lại với nhau có kích thước 5-10 mm; một số có hầm hình bầu dục đến hình dài thuôn, hình giống con giun hoặc hình chữ J (Hình 1). Không thấy hiện tượng tróc da. Test Tzanck không thấy các tế bào đa nhân khổng lồ ở các phần có mủ. Nhuộm Gram và test KOH các phần có mủ không thấy vi khuẩn hay nấm. Nuôi cấy phần có mủ không mọc vi khuẩn hay nấm. Công thức máu toàn phần thấy có 12% bạch cầu ái toan. Các kết quả xét nghiệm khác không phát hiện bất thường.

trẻ
Hình 1. Tổn thương da vùng thân mình của trẻ.

Làm gì tiếp theo cho trẻ này?

A. Dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch.
B. Bôi corticoid tại chỗ.
C. Cạo đường hầm trên da ở nhiều vị trí.
D. Không làm gì và trấn an cha mẹ.

Đáp án: C. Chẩn đoán: Ghẻ sơ sinh

Bàn luận:

Mấu chốt để chẩn đoán đúng làm tổn thương viêm da có đường hầm lan rộng không kèm tróc da, tiền sử tiếp xúc với người trông trẻ có triệu chứng phù hợp với ghẻ, hiện tượng quấy khóc và ngủ không yên về đêm trên nền trẻ sơ sinh khoẻ mạnh. Không như ở người lớn, tổn thương da đặc trưng do ghẻ ở trẻ sơ sinh hay gặp ở gan tay, gan chân, thân mình và da phía trên cổ. Việc tiếp xúc với một người có dấu hiệu và triệu chứng của ghẻ gợi ý nhiều đến chẩn đoán ghẻ.
Ghẻ gặp ở hơn 300 triệu người mỗi năm. Bệnh ghẻ là tình trạng tổn thương da có tính lây nhiễm cao do cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) gây nên [1]. Ghẻ thường gặp ở trẻ em, với biểu hiện thay đổi theo các nhóm tuổi khác nhau [2]. Vì trẻ sơ sinh không gãi được nên ghẻ sơ sinh hay gặp các triệu chứng quấy khóc, kích thích và đêm ngủ không yên, hơn là các triệu chứng gãi và tróc da thứ phát do gãi. Ở trẻ sơ sinh, nhiễm ghẻ rất thầm lặng và kéo dài tương đối lâu, thường gây ra nhiều tổn thương ở các giai đoạn tiến triển khác nhau từ mụn sẩn có mủ đến các nốt lớn. So với các đường hầm ghẻ nguyên vẹn gặp chủ yếu ở vùng kẽ ngón và đầu chi ở người lớn, trẻ sơ sinh lại có biểu hiện là các đường hầm bị viêm nặng trên toàn bộ cơ thể, đặc trưng bởi các hiện tượng sẩn, mụn nước và nốt trên da phù, đỏ, hình bầu dục cho đến thuôn dài, hình con giun hoặc hình chữ J.

Ghẻ lây qua tiếp xúc gần gũi với người hoặc vật dụng cá nhân bị nhiễm ghẻ, bao gồm quần áo, chỗ nằm ngủ, khăn và găng tay [3,4]. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 2 đến 6 tuần sau khi bị nhiễm [3]. Do biểu hiện đa dạng khác với ghẻ kinh điển và độ hiếm gặp của bệnh ghẻ ở trẻ sơ sinh, ghẻ sơ sinh thường được chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán nhầm. Ở trẻ sơ sinh nghi ngờ mắc ghẻ, việc trong gia đình có 1 hoặc nhiều thành viên biểu hiện ban hoặc ngứa điển hình giúp tăng khả năng đưa ra chẩn đoán. Cần kiểm tra cả những người tiếp xúc thoáng qua với đứa trẻ, bao gồm người giúp việc, người chăm sóc ở trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm chăm sóc dài hạn và người giữ trẻ, nhất là khi trong nhà không có người mắc bệnh [4,5].

Chẩn đoán xác định ghẻ dựa trên việc cạo đường hầm ở nhiều vị trí để tìm kiếm cái ghẻ và ấu trùng ghẻ, dễ dàng phát hiện trực tiếp hoặc khi làm xét nghiệm Tzanck và test KOH [6]. Ở trẻ này, đặc điểm ban kéo dài 4 tuần không kèm theo triệu chứng toàn thân và đáp ứng hệ thống, không phù hợp với chẩn đoán nhiễm Varicella hay Herpes [7]. So với ghẻ sơ sinh, mụn nước, mụn mủ hay bọng nước trong chốc nhiễm khuẩn thường có dịch màu vàng trong hoặc đục. Phát ban không triệu chứng trong ban đỏ nhiễm độc sơ sinh xảy ra trong vòng vài ngày đầu đời và tự hết [8]. Ở Hoa Kì Cơ quan quản lí Dược và Thực phẩm không cấp phép cho bất cứ thuốc điều trị ghẻ nào cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, mỡ lưu huỳnh (5-10%) và kem permethrin có thể được khuyến cáo sử dụng an toàn cho trẻ sơ sinh [2,9]. Có thể thay thế bằng crotamiton dùng ngoài hoặc ivermectin đường uống; tuy nhiên có ít bằng chứng ủng hộ cho việc dùng các thuốc này ở trẻ sơ sinh [1]. Đồng thời cũng cần điều trị cho những người tiếp xúc với trẻ.

Kết quả điều trị

Bệnh nhân và người trông trẻ được cạo vảy da và soi thấy nhiều cái ghẻ (Hình 2). Trẻ được điều trị bằng mỡ lưu huỳnh (5%) trong 3 ngày liền và lặp lại 1 tuần sau đó. Trẻ nhanh chóng trở về trạng thái tinh thần bình thường, ngủ ngoan và khỏi hoàn toàn các ban trên da. Người trông trẻ được điều trị bằng kem permethrin 5% và lặp lại 1 tuần sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình được dự phòng bằng một đợt permethrin. Ngoài việc vệ sinh các vật dụng và đồ đạc, tất cả chăn chiếu, quần áo và khăn đều được giặt bằng nước nóng và sấy khô ở nhiệt độ cao để khử trùng [3]. Ba tháng sau, trẻ và những người tiếp xúc đều không có biểu hiện ghẻ.

ghẻ
Hình 2. Cái ghẻ quan sát dưới kính hiển vi x40 khi cạo da

Tài liệu tham khảo

1. Hill TA, Cohen B. Scabies in babies. Pediatr Dermatol. 2017;34(6):690-694. doi:10.1111/pde.13255
2. Subramaniam S, Rutman MS, Wenger JK. A papulopustular, vesicular, crusted rash in a 4-week-old neonate. Pediatr Emerg Care. 2013;29(11):1210-1212. doi:10.1097/PEC.0b013e3182aa1411
3. Tarbox M, Walker K, Tan M. Scabies. JAMA. 2018;320(6):612. doi:10.1001/jama.2018.7480
4. Ross BG, Wright-McCarthy JK, DeLaMora PA, Graham PL III. Transmission of scabies in a newborn nursery. Infect Control Hosp Epidemiol. 2011;32(5):516-517. doi:10.1086/659954
5. Obasanjo OO, Wu P, Conlon M, et al. An outbreak of scabies in a teaching hospital: lessons learned. Infect Control Hosp Epidemiol. 2001;22(1):13-18. doi:10.1086/501818
6. Zou Y, Hu W, Zheng J, Pan M. Nail infestation: an atypical presentation of typical scabies. Lancet. 2018;391(10136):2272. doi:10.1016/S0140-6736(18)31079-1
7. Ladizinski B, Rukhman E, Lee KCA. A 4-day-old neonate with a widespread vesicular rash. JAMA. 2013;310(9):971-972. doi:10.1001/jama.2013.276963
8. Qian G, Ji J, Wu J. Sudden onset of generalized pustules in a newborn. JAMA. 2016;315(9):934-935. doi:10.1001/jama.2016.0006
9. Strong M, Johnstone P. Interventions for treating scabies. Cochrane Database Syst Rev. 2007;(3):CD000320.
Nguồn: JAMA.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *