Trầu, cau, dừa có công dụng đối với sức khỏe như thế nào?

Cây trầu

Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – chủ đề: Trầu, cau, dừa có công dụng đối với sức khỏe như thế nào? 

Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM

Giới thiệu chung

Từ lâu, trầu, cau, dừa đã là những loài cây phổ biến tại vùng đất Việt Nam nói riêng, hay khu vực Đông Nam Á nói chung. Chúng gắn liền với đời sống văn hóa xã hội của người dân nơi đây trong suốt quá trình lịch sử. Cho đến hôm nay, có lẽ đại bộ phận người dân Việt vẫn sử dụng trầu cau trong lễ cưới, mặc dù việc sử dụng hàng ngày đã dần ít đi. Ấn Độ và Đài Loan là những nơi vẫn sử dụng nhiều trầu cau.

Có lẽ người Việt nào cũng biết đến sự tích Trầu Cau, thông qua đó hiểu rằng từ thời xa xưa, trầu, cau, vôi đã được phối hợp cùng nhau. Cả ba thực thể này có thể cùng tồn tại bên nhau ngoài tự nhiên, dẫn đến hình tượng mang tính chất biểu trưng dây trầu quấn quanh thân cau.

Trong Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm (năm 304) chép: “Trái cau tươi ăn thì có vị đắng và chát, nhưng chẻ bỏ cái vỏ ra đem nấu chín thì nó như trái táo khô, đen ăn chung với trầu và vôi thì thấy trơn ngon, hạ khí, tiêu đờm. Người ở Giao Châu và Quảng Châu cho là quý, khi cưới hỏi thì đem trầu cau ra đãi khách trước nhất. Nếu gặp nhau mà không bày trầu cau ra thì người ta sẽ oán hờn. Phong tục ngày nay cũng còn như thế”.

Đặc điểm về cau

Nguồn gốc

Cau, Areca catechu thuộc họ Arecaceae, được cho rằng có nguồn gốc tại Philippine sau đó di thực lên khắp Đông Nam Á, Ấn Độ, phía Nam Trung Hoa và một số đảo xung quanh Thái Bình Dương. Trong tiếng Hán Việt, cau còn gọi là tân lang, hay nhân lang. Tên gọi này có phần tương đồng với âm đọc penang hay pinang tại Malaysia – tiền đề tạo nên tên gọi đảo Penang của quốc gia này. Tên gọi tân lang dễ được liên tưởng đến chú rể trong lễ cưới, hay tân cũng có nghĩa là vị cay.

Hình thái

“Cau” cũng có thể xuất phát từ việc loài cây này khá cao ngoài tự nhiên, giống như các loài khác trong họ: thân tròn, không chia cành, không có lá, có nhiều đốt do vết lá cũ rụng, chỉ ở ngọn mới có một chùm lá to, rộng, xẻ lông chim. Lá có bẹ to. Hoa tự mọc thành buồng, ngoài có mo bao bọc, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ màu trắng ngà, thơm mát. Quả hạch, hình trứng, to gần bằng quả trứng gà, lúc đầu xanh, vỏ bóng nhẵn, khi già biến thành màu vàng đỏ.

Do đó, việc hái cau có thể là một thử thách. Mo cau là phần bẹ cuống của một tàu lá cau, dính vào thân cây cau. Khi một tàu lá cau héo đi, rụng xuống kéo theo tấm mo. Khi vừa rụng xuống, mo cau ở dạng khô rất dai cứng.

Đặc điểm hình thái của cây
Đặc điểm hình thái của cây

Công dụng

Ngày trước mo cau được sử dụng làm quạt mo, ngày nay trở thành một nguyên liệu làm bát đĩa. Tàu cau có thể sử dụng làm chổi cau.

Đồ dùng làm từ mo cau đẹp mắt
Đồ dùng làm từ mo cau đẹp mắt

Hạt cau màu nâu đỏ chứa một lượng lớn tannin, gây nên vị chát, hàm lượng giảm dần khi quả chín. Các alkaloid trong hạt: arecolin, arecaidin, guvacin, guvacolin, arecolidin và isoguvacin có tác dụng kích thích thần kinh, cũng gây tiết nước bọt hay co đồng tử, tương tự với pilocarpin. Hạt cau có thể được dùng để tẩy giun trong các bài thuốc cổ truyền kết hợp với những dược liệu khác, do đó còn được sử dụng trong thú y. Sau khi quả cau thật chín, người ta tách hạt cau khỏi vỏ quả, xử lý nó qua nhiều công đoạn như ngâm nước làm “mềm” rồi lại làm khô, thái thành lát mỏng.

Tục lệ nhuộm răng ăn trầu từ lâu đã gắn liền với người Việt cổ. Người ta thường bổ cau làm sáu hoặc tám, phết vôi lên lá trầu, có thể thêm một số vị khác như quế, đinh hương, thuốc lào,…quấn lại rồi nhai, sau đó bỏ bã. Người ta có thể cho vào “catechu” là một hỗn hợp màu nâu đỏ, chiết xuất từ cây Keo cao, Acacia catechu, họ Fabaceae, hoặc Uncaria gambir, Rubiaceae; Lithocarpus polystachya, Fagaceae tùy thuộc địa phương. Việc thêm vôi vào hỗn hợp, từ góc nhìn hóa thực vật, nhằm để giữ cho các alkaloid trong cau ở dạng tự do, từ đó hấp thu vào cơ thể. Sau khi nhai hỗn hợp nói trên, màu đỏ xuất hiện trong miệng. Về dài lâu, màu đỏ sẽ bám lại trên khoang miệng của người nhai.

Tục lệ nhai trầu cau từ xa xưa
Tục lệ nhai trầu cau từ xa xưa

Theo một số nghiên cứu, việc thường xuyên nhai trầu cau có nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt khi kết hợp với thuốc lào hay thuốc lá. IARC và WHO chấp thuận quan điểm sử dụng cau và thuốc lá đồng thời có thể gây ung thư. Điều thú vị là một số nghiên cứu cho thấy trong lá trầu chứa một số hợp chất kháng ung thư. Mặc dù vậy, việc sử dụng bộ ba trầu, cau, thuốc lá không được khuyến cáo theo quan điểm hiện đại.

Đặc điểm của trầu

Nguồn gốc

Trầu, hay trầu không, Piper betle thuộc họ Piperaceae cùng với hồ tiêu, lá lốt. Mặc dù thường được sử dụng kèm với vôi, trầu không phù hợp phát triển ở các vùng đất nhiễm mặn hay kiềm. Đây là một loài thân leo, tương tự hồ tiêu, ở Việt Nam được chia làm 2 giống trầu quế và trầu mỡ, trong đó trầu mỡ hình thức đẹp hơn nhưng trầu quế lại được ưa chuộng hơn. Từ Hán Việt phù lâu có thể là một dạng ký âm của trầu. Giống như cau, trầu được trồng rộng rãi tại Ấn Độ và Đông Nam Á.

Hình thái

Lá hình tim chứa tinh dầu với cấu tử chính chavibetol – tạo nên hương vị khói đặc trưng cùng eugenol, isoeugenol, chavicol, hydroxychavicol, caryophyllen,… chứa vòng thơm trong cấu trúc. Một số cấu tử khác bao gồm terpinolen, terpinen, cadinen và 3-caren,…

Công dụng

Hình dạng lá trầu làm các thầy thuốc cổ đại liên tưởng đến việc chữa bệnh cho phụ nữ. Thực tế, tinh dầu của lá trầu có khả năng sát khuẩn, do đó người ta còn sử dụng làm thơm hơi thở, dịu cơn đau răng.

Đặc điểm của dừa

Nguồn gốc

Dừa có lẽ là loài cây quen thuộc với các vùng ven biển. Có hai giả thuyết về nguồn gốc phát triển tự nhiên của dừa: một nói rằng dừa xuất phát từ Đông Nam Á, thuyết còn lại cho rằng dừa có mặt tại Nam Mỹ trước. Dừa, Cocos nucifera, thuộc họ Cau Arecaceae.

Loài cây này dường như là một phiên bản to hơn của cau, tuy nhiên quả lại chứa nhiều chất lỏng gọi là “nước dừa” và thường dừa cũng không mọc thẳng bằng cau. Việc nội nhũ của quả dừa chứa “nước dừa” khiến nó đặc biệt không chỉ so với cau mà còn với nhiều loại thực vật khác.

Lịch sử sử dụng dừa đã có từ rất lâu tại các vùng hải đảo. Thân dừa có thể được dùng để đóng thuyền mái chèo. Tên gọi tiếng Anh coconut đến từ coco trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là sọ, do ba vết lỏm trên gáo dừa (quả dừa khô lột vỏ) tạo ra hình ảnh liên tưởng. Nucifera = nux (quả cứng) + fera (mang). Tên gọi tại các vùng Đông Nam Á của dừa khá gần gũi với âm đọc “dừa” trong tiếng Việt: thuật ngữ Polynesia và Melanesia Niu; thuật ngữ Tagalog và Chamorro niyog; tiếng Mã Lai nyiur hoặc nyio.

Hình thái

Dừa dại thường có hình gần với tam giác và chứa ít nội nhũ hơn dừa thuần hóa tròn, do đó có khả năng trôi nổi ở các vùng đại dương và dễ bám lại ở những bờ cát. Giống dừa thấp Thái Bình Dương được người Nam Đảo trồng từ thời cổ đại với lý do sinh trưởng chậm hơn nhưng nước dừa ngọt hơn và trái thường có màu sắc rực rỡ.

Công dụng

Quả dừa có thời gian chín lâu đáng ngạc nhiên, phải đến tháng thứ bảy để đạt kích thước tối đa và chứa đầy nước dừa. Khi quả dừa càng chín, “nước dừa” lắng đọng vào mặt trong vỏ quả, tạo thành một lớp “cơm dừa” có thể ăn được. Nước dừa chứa carbohydrat và chất điện giải, tạo nên vị ngọt mát. Quả dừa non có thể có vị chua và ngọt dần khi chín.

Trong khi đó “cơm dừa” hay còn gọi “thịt dừa” chứa nhiều chất béo, carbohydrat cùng protein và một số nguyên tố vi lượng, tạo nên vị ngọt béo. Do đó, dầu dừa có thể được chiết xuất từ phần “cơm dừa” này để sử dụng trong thực phẩm hoặc mỹ phẩm. Hương vị của dừa có thể rõ rệt hơn nếu chế biến có nhiệt độ, kết quả của các phản ứng hóa học, vị “kem” được cho có liên quan đến nhóm hợp chất lacton. Thời gian quả dừa chứa lượng chất béo nhiều nhất thường khi 12-15 tháng và sẽ giảm lúc chuẩn bị nở nầm.

Dầu dừa có nhiều công dụng trong làm đẹp
Dầu dừa có nhiều công dụng trong làm đẹp

Hầu như mọi bộ phận của dừa đều có thể được sử dụng từ rễ, lá, thân gỗ, quả, kể cả phần “xơ dừa” của vỏ quả, gáo dừa, hay thậm chí hoa dừa.

Ngày nay, cùng với công nghệ lai giống, người ta có thể tạo ra những giống dừa có hương vị đặc biệt, ví dụ dừa dứa. Đuông dừa, hay mọt cọ đỏ (Rhynchophorus ferrugineus) là loài côn trùng sống trong thân dừa, hoặc cau, chà là. Chúng có thể tấn công thân cây làm giảm năng suất hoặc phá mất đỉnh sinh trưởng, làm cây đột ngột chết. Thời gian làm hại chủ yếu trong mùa mưa, tháng 7 – tháng 10.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *