Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – chủ đề: Sen – loài hoa giàu lòng quân tử
Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM
Tổng quan về dược liệu Sen (Nelumbo nucifera)
Người ta mượn hình tượng của loài hoa này để nói lên sự tinh khiết, vững tâm giữa một môi trường đầy khác biệt. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Gốc rễ của chúng từ bùn lầy, vươn lên khỏi mặt nước, tỏa hương sắc dưới ánh mặt trời, mặc cho dòng nước chảy bên dưới. Hình tượng hoa sen trở thành lý tưởng cao đẹp của người quân tử chính là như thế. Nhưng có lẽ cũng phải nói thêm, đó là xét trên hình tượng văn học; còn ở khía cạnh nông nghiệp, bùn là nơi cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sen.
Sen gồm hai loài Nelumbo nucifera (Indian lotus, sacred lotus) và N. lutea (American lotus, yellow lotus, water-chinquapin, volée) thuộc họ Sen (Nelumbonaceae). Trong thời kì cổ đại, loài thực vật thuỷ sinh này từng mọc dọc theo bờ sông Nile cùng với một loài có họ hàng gần gũi khác là Súng (Nymphaea caerulea). Loài Súng khi ấy được gọi là hoa sen xanh linh thiêng sông Nile (blue lotus). Hình ảnh hoa, quả và đài của hai loài Sen, Súng đã là nguồn cảm hứng cho các công trình kiến trúc linh thiêng từ rất lâu. Ban đầu, Sen được phân loại thuộc họ Súng (Nymphaceae) nhưng các phân tích sau đó tách chi Nelumbo ra thuộc họ Nemlumbonaceae.
Cấu tạo của hoa sen
Thân rễ sen, người Việt còn gọi là củ sen, mọc trong các lớp bùn ao, sông, hồ còn lá thì nổi trên mặt nước. Khi những lá sen non vừa mọc và nổi lên trên mặt nước, vẫn còn cuốn lại thành một vòng thì những người chuyên hái ngó sen sẽ dùng tay đưa dọc theo cọng lá sen xuống tới gốc sen, vừa rút nhẹ và vừa bẻ để lấy được hết phần ngon nhất của ngó. Các thân già có nhiều gai nhỏ. Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao. Thông thường sen có thể cao tới 1,5 m và có thể phát triển các thân rễ bò theo chiều ngang tới 3 m. Lá to với đường kính tới 60 cm, trong khi các bông hoa to nhất có thể có đường kính tới 20 cm.
Từ Sen trong tiếng Việt có thể có nguồn gốc từ tiếng Hán Việt, liên, “蓮. Tên tiếng Anh thông dụng lotus có lẽ có từ nguyên từ lōtus trong tiếng Latin, thì quá khứ của danh từ lavō , nghĩa là bể tắm, ướt dùng để chỉ tập tính thuỷ sinh của Sen. Người ta dùng cụm từ lotus effect để chỉ hiện tượng khó thấm nước của lá một số loài như sen ,tương tự thành ngữ “nước chảy lá môn” ở Việt Nam. Người ta đã dựa vào tính chất giữ ẩm này của lá sen để gói thực phẩm.
Một điều thú vị là hầu như tất cả các bộ phận của Sen đều được sử dụng trong ẩm thực hay y học. Bao gồm:
-Củ sen: vừa là thực phẩm bổ dưỡng, vừa là vị thuốc quý, thường dùng làm gỏi, salad hoặc trong món kim chi do tính chất giòn mát.
-Ngó sen: Ngó sen là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen, chứa tinh bột, asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose; các vitamin: C, A, B, PP và một ít tanin. Ngó sen dùng trong bữa ăn như một loại rau, có thể nấu canh hoặc trộn gỏi. Dùng tươi hoặc thái mỏng phơi khô để dùng dần. Vị ngọt chát, tính bình, vào kinh can tâm vị. Tác dụng thu liễm cầm máu, tráng dương, an thần
-Cuống sen: Mang lá phát triển, không ăn được nhưng có tác dụng làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ. Cuống sen là bộ phận có thể thu được tơ sen, dệt thành lụa sen. Dệt tơ sen có nguồn gốc từ hồ Inle nằm tại bang Shan và được phát minh bởi một người phụ nữ Intha tên Sa Oo sống ở làng Kyaingkhan vào đầu những năm 1900. Bà dệt một chiếc áo cà-sa bằng tơ sen, được gọi là kya thingan (ကြာသင်္ကန်း), để tặng cho vị sư trụ trì của một ngôi chùa địa phương, và tặng một chiếc áo cà-sa tương tự cho một bức tượng đệ tử Thích-ca Mâu-ni tại chùa Phaung Daw U. Việc dệt áo cà-sa là một truyền thống lâu đời ở Myanmar; trong lễ hội Tazaungdaing, cuộc thi dệt áo cà-sa được tổ chức ở nhiều ngôi chùa lớn. Tại Việt Nam, nghệ nhân Phan Thị Thuận là người đầu tiên đã nghiên cứu làm thành công lụa tơ sen. Để kéo được 25kg sợi to, bà cần 100 tấn thân sen. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, có nghề nuôi tằm, dệt lụa truyền thống. Giờ đây, các nghệ nhân đã nghiên cứu dệt thành công lụa tơ sen.
-Lá sen (liên diệp – Folium Nelumbinis): có các alkaloid làm dịu đau, an thần, chống co giật, giải nhiệt, trừ cảm nắng, làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, băng huyết, mất ngủ. Lá sen có thể được dùng như một loại trà.
-Tua nhị sen (liên tu – Stamen Nelumbinis): chỉ nhị của hoa sen đã bỏ phần nhị (hạt gạo). Liên tu có nhiều tanin. Vị chát, tính ấm. Tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.
–Hạt gạo: hạt màu trắng ở trên tua nhị sen; đây là bao phấn, có hương thơm. Người ta thường chọn bông sen sắp nở, tách lấy hạt gạo để ướp chè. Chè móc câu loại ngon, ướp hương sen này, pha với nước sương hứng trên các lá sen vào sáng sớm là thú vui ẩm thực tao nhã của người xưa.
-Gương sen (liên phòng – Receplaculum Nelumbinis): đế hoa hình nón ngược, đã lấy đi quả: vị đắng, chát, mùi thơm, tính ấm. Gương sen xé nhỏ, sấy giòn, tán bột ăn có tác dụng tiêu ứ, tiêu khát, cầm máu, trị băng huyết, đái ra máu, chữa bệnh đái đường rất công hiệu. Gương sen để càng lâu càng có tác dụng chữa bệnh tốt.
-Hạt sen (liên tử – Semen Nelumbinis): phần màu trắng bên trong vỏ cứng của quả (liên nhục), chứa tinh bột, đường, các chất béo, đạm, calci, phospho, sắt. Các dạng sử dụng trong thực phẩm gồm có hạt sen sấy, mứt hạt sen, chè hạt sen. Theo Đông y, hạt sen có tác dụng bổ tâm, an thần, trị bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, tỳ vị hư hàn, kiết lỵ lâu ngày. Chè hạt sen bọc nhãn lồng từng là đặc sản tiến vua ở phố Hiến, sử dụng nhãn Hưng Yên.
–Tâm sen (liên tử tâm – Plumula Nelumbinis): vị đắng, tính hàn, không độc. Tác dụng: an thần chữa mất ngủ, khát nước sau khi đẻ do hư nhiệt. Tâm sen thực tế là mầm sen, chứa các alkaloid khung cấu trúc isoquinolin và flavonoid. Một kỷ lục thu được tại Liêu Ninh, Trung Quốc khi hạt giống sen niên đại cách đây xấp xỉ 1300 năm đã nở mầm thành công.
-Hoa sen: không thể không nhắc đến bộ phận tuyệt vời này. Sen là một loài có hoa đẹp nên do đó được dùng để làm cảnh khá phổ biến. Hoa vừa đẹp lại vừa có hương thơm nên việc thưởng thức trà ướp với hương sen là một thú vui tao nhã vô cùng. Ngày nay, với công nghệ lai tạo giống, hoa sen có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng chủ đạo vẫn là sen trắng và sen hồng.
Khi phân tích thành phần bay hơi của hoa sen bằng sắc ký khí với 3 phương pháp chiết xuất khác nhau: hòa tan bằng dung môi hữu cơ, chưng cất lôi cuốn theo hơi nước và chiết vi pha rắn (Solid-phase microextraction); thành phần hóa học thu được khá giống nhau nhưng khác nhau về hàm lượng tương đối của mỗi hợp chất. Thậm chí khi đi sâu vào phân tích riêng cánh, nhị và nhụy hoa thì cũng có sự khác biệt nhất định. Giữa sen nuôi trồng và tự nhiên cũng hơi khác nhau. Nhìn chung, hương sen đến từ các nhóm hợp chất: aliphatic (alkan, alken, aldehyd, alcol, acid, ester), dẫn xuất của phtalat, sesquiterpen, monoterpen.
Tài liệu tham khảo:
Zhang, C. Y., & Guo, M. (2020). Comparing Three Different Extraction Techniques on Essential Oil Profiles of Cultivated and Wild Lotus (Nelumbo nucifera) Flower. Life (Basel, Switzerland), 10(9), 209.
Baek, Yun-Su. (2016). Headspace Solid-Phase Microextraction Analysis of Volatiles in Floral Organs of Nelumbo nucifera. Flower Research Journal. 24. 248-254.
Chaw Su Hlaing (2016). Lotus Robe in Kyaing Khan Village Innlay Lake, Shan State (South): An Anthropological Perspective. Dagon University Research Journal. 7. 91–102.
Shen-Miller, J., Mudgett, M. B., Schopf, J. W., Clarke, S., & Berger, R. (1995). Exceptional Seed Longevity and Robust Growth: Ancient Sacred Lotus from China. American Journal of Botany, 82(11), 1367–1380.