Tìm hiểu về: Những thầy thuốc đầu tiên

Những Thầy thuốc đầu tiên

Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – chủ đề: Tìm hiểu về: Những thầy thuốc đầu tiên

Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM

Những thầy thuốc đầu tiên

hình ảnh bìa sách cổ
hình ảnh bìa sách cổ

Khi khai quật xác ướp của một người phụ nữ thời Ai Cập cổ đại tên là Asru, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều điều thắc mắc. Vào khoảng 800 năm trước công nguyên, Asru là một ca sĩ hát tại đền Amun ở Karnak. Phân tích cho thấy thi thể nằm trong độ tuổi 50 đến 60. Nhưng điều đáng nói nằm ở các vấn đề bệnh lý của người phụ nữ này. Bà bị bệnh mạch vành, phổi sa mạc (bệnh bụi phổi) do hít phải cát, viêm xương khớp, thoát vị đĩa đệm, bệnh nha chu và có thể là bệnh tiểu đường, cũng như giun ký sinh trong ruột và bàng quang. Vậy thì các thầy thuốc đã có thể làm gì vào thời đại ấy?

Vào mùa đông năm 1873, Georg Ebers, một nhà nghiên cứu Ai Cập học và tiểu thuyết gia người Đức, đã mua tập văn bản giấy cói tại Luxor, về sau tập văn bản này được đặt theo tên ông: Ebers papyrus (giấy cói Ebers), trình công chúng vào năm 1875. Tập giấy cói được viết 1500 năm trước công nguyên, gồm 110 cuộn giấy nếu ghép lại dài cỡ 20 mét, trong đó liệt kê 700 phương thuốc bao gồm cả nguyên liệu và cách bào chế. Tập Ebers trước đó từng thuộc sở hữu của một nhà Ai Cập học khác người Mỹ, Edwin Smith, người được đặt tên cho một tập giấy cói khác Edwin Smith Papyrus mô tả về phương pháp phẫu thuật các vết thương và khối u. Smith nói rằng tập Ebers được tìm thấy giữa đôi chân của một xác ướp tại quận El-Assasif của Khu Theban. Tập Ebers hiện được lưu giữ tại Thư viện Đại học Leipzig, Đức.

Nội dung và hình thức

Tập hợp 4 bản giấy cói Ai Cập, Jackie Campbell đến từ Trung Tâm Y Sinh Ai Cập Học của Đại học Manchester đã nghiên cứu 1000 đơn thuốc có niên đại từ 1850 đến 1200 năm trước công nguyên. Một số thành phần trong các đơn thuốc đã được làm rõ tuy nhiên có một vài thành phần nhỏ khác vẫn chưa khẳng định chính xác, 134 loài thực vật, 24 động vật và 28 khoáng vật. Khoảng 60% các thành phần này vẫn còn được sử dụng ngày nay trong y học, như phiên bản gốc hoặc dẫn xuất. Cũng theo Campbell, có lẽ các thầy thuốc thời Asru đã dựa vào các quyển sách này để kê thuốc chữa ho, viêm khớp và trị giun cho bà. Các phương thuốc đều bắt đầu bằng một câu thần chú hoặc lời cầu nguyện nhưng sau đó trình bày khá lớp lang, cái mà ngày nay ta gọi là theo định dạng chuẩn: hoạt chất, tá dược ổn định, tá dược mùi vị, chất làm dịu, thậm chí chất trung hòa tác dụng phụ của hoạt chất chính, chất dẫn, tỉ lệ thành phần trong công thức, cách bào chế, đường dùng, thời gian dùng, nếu không khỏi thì xem xét tiếp các phương thuốc khác.

Phương pháp bào chế

Điều đáng ngạc nhiên là trình độ kỹ thuật của các thầy thuốc Ai Cập cổ đại hầu như giống với các dược sĩ ngày nay. Họ biết khi nào cần đun sôi để cô cạn, khi nào thì pha loãng và khi nào thì cần nghiền nhỏ vật liệu để chiết xuất tốt hơn. Dung môi chiết xuất cũng được chú trọng, ví dụ bất cứ khi nào dùng colocynth (táo đắng), họ đều lấy cồn thấp độ để chiết xuất. Thậm chí có khi họ còn chiết xuất hai bước: đầu tiên trong nước và sau đó với giấm đỏ hay sữa chua, những dung dịch có tính acid (cái mà ngày nay ta dựa vào kiến thức pH). Đa số bào chế dùng ngay, đôi khi bảo quản trong đường hay rượu. Hầu như không tìm thấy lỗi lầm nào về phương pháp chiết xuất. Họ thậm chí còn chữa hen suyễn bằng dạng bào chế hít: nung dược liệu trên một tấm gạch.

Hiệu quả dược lý

hình ảnh minh họa
hình ảnh minh họa

Đối với chứng tiêu chảy, các y văn sử dụng kaolin để hấp thụ nước và độc tố, hoặc dùng bột carob, hoặc dược liệu chứa hyoscin. Với chứng khó tiêu, các thầy thuốc kê bột đá vôi (antacid của y học hiện đại). Để nhuận tràng, họ dùng dầu thầu dầu, colocynth, chất làm trơn chứa balanites, hoặc đơn giản là dùng chất xơ như sung và bột cám. Trong trường hợp đau quặn ruột và trung tiện, các thầy thuốc dùng thì là và rau mùi. Ký sinh trùng thì sao? Đã có dịch chiết lựu, antimon và dầu balanites – không những làm dịu đau rát tại bàng quang mà còn kết liễu được những tên sán tại đây.

Đối với đau nhức cơ xương, có nhiều phương trị. Xoa thuốc vào chỗ khớp đau hoặc chườm ấm. Chiết xuất từ mù tạt, cây bách xù và nhũ hương hoặc nhựa thông kích thích lưu thông máu, cung cấp độ ấm và tăng cường phản ứng miễn dịch. Hiệu quả điều trị vết thương còn lưu lại trên các xác ướp cũng khá tốt, những thuốc được dùng bao gồm nhựa và kim loại, hoặc mật ong – tạo nên trương lực thẩm thấu khiến vết thương quá khô để vi khuẩn có thể phát triển. Văn bản cũng đề cập việc nhai hạt cần tây, nuốt với rượu để chữa chứng đau khớp (Gout chăng?). Một liệu pháp khác là sử dụng saffron và giả saffron (tức là tỏi độc, chứa colchicin).

Đái tháo đường: uống hỗn hợp bao gồm cây cơm cháy, xơ thực vật asit, sữa, bia, hoa dưa chuột và quả chà là xanh (chưa ai biết asit là gì). Bệnh giun chỉ: quấn phần cuối đang trồi lên của con giun quanh một chiếc que và từ từ kéo nó ra.

Đất son có thể được sử dụng để chữa các bệnh về đường ruột, mắt, tiết niệu. Hay tăng cường sinh lực bằng phương thuốc gồm 39 thành phần.

Vài phương thuốc khá khó hiểu, cũng không loại trừ việc dịch thuật gặp nhiều khó khăn. Một số dược liệu khác có thể kể ra như: gôm arabic, tỏi, lô hội, cần sa, cam thảo, vả tây, dương cam cúc, bạc hà âu, cói, nghệ, long não, calamin, caraway, hành tây, á phiện,…

Liều lượng

Một số phương thuốc có liều lượng thấp đáng kể. Một giả thiết được đặt ra, các loài mọc hoang ngày trước có thể chứa hàm lượng hoạt chất nhiều hơn thảo dược trồng ngày nay.

Một số nhận định khác

Trở ngại lớn nhất đối với các y văn Ai Cập là vấn đề dịch thuật, chúng được viết bằng những ngôn ngữ cổ mà các nhà khoa học đã phải vật lộn hàng năm trời để hiểu chúng, dựa vào việc phân tích ngữ cảnh hay sự lặp lại trong các chủ đề khác nhau. Điều này khác với các y văn Hy Lạp viết bằng ngôn ngữ vẫn có thể hiểu được ngày nay, do đó trở nên phổ biến hơn. Thậm chí các dịch giả đã phải tạm gọi một chương là các bệnh AAA vì không lý giải nổi các thầy thuốc Ai Cập đang nói về bệnh lý nào.

Trong tập Ebers, các thầy thuốc hầu như ít đề cập đến vai trò của thận. Họ cho rằng tim là trung tâm gặp gỡ của máu và tất cả các dịch trong cơ thể bao gồm cả nước mắt, nước tiểu.

Các bệnh lý về tâm thần được đặt vào cùng một chương tên gọi là Book of Hearts bao gồm cả trầm cảm và sa sút trí tuệ. Dựa vào các mô tả trong đó có thể thấy thầy thuốc thời Ai Cập cổ đại đã xem các bệnh về tinh thần như là bệnh về thực thể. Điều này khác xa định kiến chung chung của chúng ta rằng người cổ đại lạc hậu thường quy cho bệnh tâm thần có nguyên nhân tâm linh.

Tài liệu tham khảo

Ahmed M. Metwaly, Mohammed M. Ghoneim, Ibrahim.H. Eissa, Islam A. Elsehemy, Ahmad E. Mostafa, Mostafa M. Hegazy, Wael M. Afifi, Deqiang Dou (2021), “Traditional ancient Egyptian medicine: A review”, Saudi Journal of Biological Sciences, 28(10), 5823-5832.

Godwin Onuh ODEH (2020), “A Neglected Historio-Therapeutic Response to Covid-19 Pandemic: African Ebers Papyrus Revisited”, ISJASSR, 3(1), 34-43.

Papyrus writing material: Encyclopedia Britannica, https://www.britannnica.com.
Pain, S. (2007), The world’s first pharmacists, New Scientist, 196(2634), 40–43.

Xem thêm: Ngũ vị hương trên kệ bếp và vai trò của viên gạch terpen trong ngôi nhà hóa thực vật

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *