Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – Chủ đề: Thuốc độc mũi tên
Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM
Từ lâu, mũi tên tẩm độc đã được sử dụng với mục đích săn bắt động vật và sau đó trong chiến tranh. Theo một câu chuyện hư cấu trong thần thoại Hy Lạp, Heracles (tức Hercules) đã hạ nhân mã Nessus bằng mũi tên tẩm máu của quái vật Hydra.
Huyền sử
Trong quyển sử thi cùng tên của Homer, người anh hùng Odysseus đã dùng chất độc trong cây hellebore để tẩm vào mũi tên của mình. Thuật ngữ chỉ chất độc thời hiện đại “toxin” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ “toxon” nghĩa là cây cung và “taxa” trong tiếng Ba Tư cổ nghĩa là mũi tên.
Hellebore, Châu Âu
Hellebore là tên gọi những cây thuộc chi Helleborus, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp gồm “Elein” làm tổn thương và “bora” thực phẩm, còn gọi là thiết khoái tử, cây trị điên, cây lê lư, hoa hồng tuyết, hoa hồng giáng sinh (nhưng không có mối liên hệ với hoa hồng),… Tên cây trị điên lại xuất phát từ một huyền thoại Hy Lạp khác rằng Melampus – anh chàng có thể hiểu tiếng động vật – đã cứu các cô con gái vua Proetus xứ Argos khỏi cơn điên loạn bằng hellebore. Hoa hồng giáng sinh là cái tên dựa trên một câu chuyện cảm động rằng một người phụ nữ khóc vì không có quà tặng cho Thượng đế vào dịp Giáng sinh, chỗ nước mắt trong tuyết ấy mọc lên loài cây này.
Curare, Nam Mỹ
Khi người Tây Ban Nha đặt chân đến Nam Mỹ, họ thấy dân bản địa sử dụng chất độc mũi tên “wurari” để săn bắt động vật. Điều thú vị là sau đó, những người kia vẫn có thể dễ dàng ăn thịt chúng mà không bị nhiễm độc. Wurari có nguồn gốc từ phương ngữ “Mawa cure” chỉ một loại dây leo ở Mawa, loài Strychnos toxifera. Về sau, người phương Tây đã chuyển ngữ từ này thành “curare”. Một số phương ngữ khác tại Nam Mỹ bao gồm: ampi, woorari, woorara, woorali, wourali, wouralia, ourare, ourari, urare, urari, and uirary.
Tuy nhiên, “curare” đầu tiên mà người châu u biết đến không phải từ Strychnos toxifera (alkaloid chính toxiferine) mà từ vỏ thân của Chondrodendron tomentosum. Về sau, các nhà hóa thực vật học đã phân lập được tubocurarin từ loài này với từ tubo ám chỉ chất độc curare được đựng trong các ống tre khi mang về châu u nghiên cứu. Tương tự, có những thuật ngữ như calabash curare hay pot curare dựa vào vật đựng chúng. Mặc dù như thế, các nhận định sau này cho rằng, thực tế curare là một hỗn hợp của nhiều chất, do điều kiện khoa học kỹ thuật vào thời đó, cũng không loại trừ việc sử dụng nhiều cây. (Chondros: sạn/sần, dendron: cây; tomentosum: bao bọc bởi lông xù; ám chỉ thân cây thô, lớn)
Cư dân bản địa Nam Mỹ chủ yếu sử dụng curare trong săn bắn. Con mồi bị bắn bởi những mũi tên hoặc phi tiêu dạng súng ngắn nhúng trong curare, dẫn đến ngạt thở do cơ hô hấp không thể co lại (tức là bị dãn cơ). Điều này gợi ý cho các nhà khoa học sử dụng trong lâm sàng để hỗ trợ gây mê.
Tubocurarin được công bố cấu trúc lần đầu vào năm 1948, với một chút nhầm lẫn, là alkaloid có 2 Nitơ bậc 4 (cả hai Nitơ đều bị methyl hóa). Đến 1970, cấu trúc chính xác của tubocurarin được xác nhận lại chỉ chứa 1 Nitơ bậc 4, Nitơ kia bậc 3 (chỉ có 1 Nitơ bị methyl hóa). Cấu trúc này giải thích tại sao cư dân Nam Mỹ không bị nhiễm độc khi ăn thú săn, vì tubocurarin không qua được lớp màng nhầy tiêu hóa. Trong y tế, tubocurarin được sử dụng duy nhất qua đường tiêm ở dạng muối clorid. Vào giữa thế kỷ 20, tubocurarin được sử dụng cùng với thuốc gây mê để làm giãn cơ xương trong khi phẫu thuật hoặc thở máy, hạn chế việc phải gây mê sâu. Hiện nay, nó hiếm được sử dụng như một chất hỗ trợ gây mê lâm sàng vì có nhiều lựa chọn an toàn hơn.
Tài liệu tham khảo:
Vasiliki Vasileiou, Georgios K. Markantes, Anastasia K. Armeni,
Konstantina Barouti, Angeliki Georgopoulou, Neoklis A. Georgopoulos (2017), “Melampus and the cure of Proetus’ daughters”, HORMONES, 16(2), 212-216.
King H (1948), “64. Curare alkaloids. Part VII. Constitution of dextrotubocurarine chloride”, J Chem Soc, 265.