THỰC VẬT – CÔ LÂU

Bộ môn Thực Vật

Hồi xưa, đám sinh viên mới vào trường hay được đàn anh đàn chị tặng cho mấy câu thơ:

Nhất Lâu, nhì Kỷ
Qua Lâu, Qua Kỷ
Mới thành Dược sĩ

Lâu ở đây chính là cô Nguyễn Thị Lâu – Bộ môn Thực Vật và Kỷ là thầy Trương Thế Kỷ – Bộ môn Hoá Hữu Cơ.
D91 là khoá cuối cùng học thực vật với cô Lâu ở Học kỳ II năm thứ nhất và Học kỳ I năm thứ hai. Thật sự mà qua được thực vật của cô Lâu đúng là trầy vi tróc vảy nhưng được cái sau này có chuyện mà tự hào đã qua thực vật cô Lâu.

Hồi đó bộ môn Thực vật có cô Lâu, cô Đẹp, cô Ngân và thầy Liêm.

Giảng đường nằm gần Bộ môn Sinh hoá, rộng dư sức chứa 150 sinh viên và thầy cô ngồi trên cao như sân khấu.
Giờ thực vật thì vui lòng không đi trễ, nếu trễ thì bỏ luôn một tiết là tốt hơn là thò đầu vô. Vô trễ một tí thôi là sẽ hân hạnh được cô tặng cho một lời hỏi thăm đảm bảo hồn xiu phách lạc “cho tui xin cái tên”.
Nộp tên xong là thế nào cũng được ghi nợ -2 hay -3 điểm vào bài thi. Mà thiệt thì lấy được của cô 5 điểm đã khó.
Cô ngồi trên cao, vừa giảng vừa đọc liên tục, sinh viên cắm đầu chép và dĩ nhiên là không thể nào chép kịp nên mới có cái đoạn hết giờ, cả nhóm xúm lại điền vào chỗ trống, nghĩa là viết không kịp thì chừa trống ra và sau đó mượn của bạn khác chép vô. Phải chi như giờ có vi tính, photo chạy re re thì đỡ biết mấy.
Khoẻ nhất là cái đoạn cô ngừng lại để giảng trên mấy cái hoa đồ to đùng do thầy Liêm vẽ sẵn trên bảng, khiêng vô trước lúc cô bắt đầu giảng, coi như được nghỉ tay chút.
Giờ thực tập thì thôi rồi, môn nào còn dám đi trễ chứ thực vật thì trước 15’ là đầy đủ, blouse chỉnh tề, ôm cặp chờ đợi cô mở cửa là cun cút đi vào.
Nội quy ngoài khoảng đúng giờ thì cái đáng sợ nhất là “sau buổi thực tập, nhóm nào để sót mảnh lamen nào trong lavabo thì trừ cả nhóm 4 điểm”. Cô cứ phạt như Singapore vậy thì trò nào không teo.

Thực sự cô khó đến đâu thì cũng không rõ vì có nhiều “truyền thuyết” dạng tam sao thất bổn về cô.
Nhớ hồi đó tụi bạn hay dặn là cô không chào sinh viên năm 1 và năm 2 đâu vì chưa qua hết thực vật, cô chỉ chào những sv nào qua hết thực vật thôi, nghe là nhớ vậy.

Hồi gần cuối năm nhứt, lang thang trong trường tự nhiên gặp cô. Cha nó căng thẳng ghê luôn, chào hay né, chào rồi cô không thèm chào cái zìa tổn thương buồn chết sao? CPU trong đầu chạy vù vù 5s đưa ra kết quả, tới luôn, chào luôn, cùng lắm cô không chào chứ ai đời học trò gì gặp thầy cô mà trốn chứ. Lấy hết can đảm chào cô rõ to, cô chào lại vui vẻ! A, tụi nó xạo hù mình rồi. Hí hửng chạy đi kể cho đồng bọn nghe, cái tụi nó nói chắc mặt mày già cô tưởng qua rồi, mà trời mình nhỏ tuổi gần nhứt lớp.

Nhớ hồi thi học phần I, bài lý thuyết chủ yếu học thuộc lòng mà mấy bạn ở ký túc thì còn có đàn anh chỉ chiêu này chiêu nọ, còn dò bài qua lại, mình ở tuốt Thủ Đức, lụi hụi tụng một mình, mà nói thiệt chứ sợ nhứt là học thuộc lòng.
Đến ngày thi, phát giấy xong, cô cho thi … trắc nghiệm. Mà trắc nghiệm của của cô không phải A, B, C, D chọn như các cháu thi tốt nghiệp hổm giờ đâu mà là một câu cô chừa ra khoảng trống rồi tự nghĩ ra và điền vô 3, 4 chữ gì đó như kiểu key words để google bây giờ vậy. Vật vã cả buổi – 4 điểm thi lại.

Về thay đổi chiến lược, không thèm học cả đoạn nữa, học key words thôi. Sôi kinh nấu sử đã đời hiên ngang đi thi lại, lên đến nơi, cô cho thi … vấn đáp. Hic, chữ đâu mà nói!

Còn phần thi thực hành, cắt phẫu, nhuộm, vẽ ha. Lần đó thi nhóm 2, thi ngày hôm sau. Nhóm 1 thi xong thì tin động trời lan ra, một đứa bị rớt ngay khi chưa thi xong vì nói chuyện với bạn khác trong lúc thi. Thì ra là nhuộm phẫu phải canh giờ mà hắn không có đồng hồ (hồi đó nghèo thí mồ đâu phải ai cũng có cái đồng hồ đeo tay đâu) nên quay qua quay lại canh giờ theo cái đồng hồ của đứa bạn.

Đám chưa thi vừa teo, vừa lo đi mượn đồng hồ. Hôm sau vào thi thì đã thấy cô để một cái đồng hồ để bàn trên nóc tủ cho tất cả cùng xem, và như vậy, tuyệt nhiên không còn lý do nào để trao đổi.

Khá an tâm trong bụng bắt đầu cắt nhuộm, xong xuôi thì chọn 1 mẫu cho lên kính hiển vi.

Wao! Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, ai phù hộ mà nó đẹp dữ thần, màu nào ra màu đó, tế bào nào ra tế bào đó, chưa thấy đẹp vậy bao giờ. Bắt đầu cặm cụi vẽ, vừa vẽ vừa nghĩ, đích thị nó là cái thân cây. Xong xuôi hết rồi còn dư giờ nhưng chưa ghi kết luận vội là thân hay cuốn lá. Ngồi nhìn cái phần còn lại chừng hơn đốt ngón tay rồi nghĩ, cha, sao cái thân gì nhỏ quá vậy, giống cái cuốn lá to hơn. Mà hồi nãy thấy cấu trúc giống thân mà! Hoang mang, căng thẳng, sắp hết giờ. Quất luôn phát kết luận – Thân. Kết quả 8 điểm, hình như cao nhứt lớp.

Nhờ kết quả này mà giờ đám tiệc gì cũng được phân công cắt phẫu, thịt bò xào, thịt luộc, rau trộn gỏi, muốn cỡ nào thì bếp trưởng đại tỷ cứ lịnh một phát là mình sản xuất ra đều tăm tắp.

Đến phần thi lý thuyết học phần II, rút kinh nghiệm lần một nên ở nhà học bài vài ngày thì lên trường gặp đồng bọn nghe ngóng tình hình.

Đâu như là tụng hồi hết mấy cái tảo, thông hạt trần đầu tiên xong thấy chán quá nên lật phần cuối học ngược lại, phần cuối là 20 họ hoa cánh dính. Xong, phi lên trường sẵn kiếm bạn dò bài chung.
Lên tới nơi cái tụi nó kiu mày khùng hả? Cô không có ra đề hoa cánh dính đâu, học làm chi, tụi tao có học đâu mà dò với mầy, còn mấy cái thông gì đó cũng vậy, năm nào cũng vậy mà.
Hic, đúng là ở quê khổ thiệt, mà có thấy cô giới hạn vậy đâu, bữa cả lớp năn nỉ cô giới hạn mà cô nói không mà.
Lại về cặm cụi tụng 100 họ cánh rời. Bỏ luôn không thèm ôn cánh dính gì nữa. Gần thi lên thấy mấy bạn thuộc bài mà ham luôn. Nhớ chàng lớp phó cứ nhấn nút là xổ như thánh mà mình thì cái món thuộc lòng nó kém quá.
Đến ngày thi đề bài vô cùng đơn giản: trình bày họ tiêu (cánh rời): 2 điểm, họ cúc (cánh dính): 8 điểm.
Chừng 10 phút lớp phó nộp bài đi ra. Mình lại ngồi lọ mọ nhớ lại cái đám hoa mà mình đã từ bỏ trong tiếc nuối, cái mình cố gắng nhớ lại lúc thực tập mình xé cái bông ra nó như thế nào, cố gắng tả lại những phần còn nhớ, họ tiêu cũng vậy, cố mà nhớ cái cây ngoài đời rồi tả mông lung.
Ra khỏi phòng thi thì thôi nó sôi ầm ầm. Những đứa học bài trong các hốc cửa sổ phòng thực vật và hành lang xung quanh đó bị buộc tội là trong lúc học đã nói chuyện sao đó về việc bỏ không học hoa cánh dính nên cô đã nghe và cô cho … chừa. Nghe nói lớp phó viết xong họ tiêu là ra luôn nên nhanh vậy.
Ngày có kết quả đã tới thì cũng phải lên trường xem chứ. Hồi đó, các bộ môn khác thì thường dán danh sách thi rớt để biết mà thi lại cho kịp vì danh sách đó ngắn, còn đậu thì nhiều khi cuối kỳ mới biết hoặc dán sau. Môn TV thì không vậy, đủ hết vì danh sách đậu thường rất ít.
Vừa vào đến sân, gặp ngay nhỏ bạn thân, nó kiu “T đậu rồi”. Hả, thiệt hông? Mấy điểm? “5 điểm”. Ta nói bất chấp hết ta nhảy vòng vòng, vừa nhảy vừa la, mừng còn hơn hồi đậu đại học. Tỷ lệ đậu lớp AB là 5/61.
Học là vậy, thi rớt lên rớt xuống là vậy, sợ cô là vậy nhưng kính cô một phép vì đơn giản là cô đòi hỏi như vậy với tất cả sv, không phân biệt bạn là ai, con ông nào.
Có lần cả đám đi rình cô họp với BGH vì nghe đâu kết quả thi của mấy anh chị thấp quá, mà cũng vậy thôi. Rồi có nghe đâu hồi xưa có sv nào con ông bự lắm, sợ rớt nên có viết cho cô một cái thư tay gửi gắm, và hình như là sv đó được ra trường sớm luôn vì không thể nào qua được TV của cô. Cô đúng là “Uy vũ bất năng khuất” như Bao Công vậy.

Thực tình mà nói môn TV sau này học xong cũng không áp dụng gì nhiều, nhưng cái rèn được khi học với cô là tính kỷ luật, chỉnh chu, tự lực, và đặc biệt với mình là khả năng học thuộc bài tăng lên rất nhiều, đánh bay vèo vèo các môn sau này không khó khăn gì.

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *