Nếu ung thư là một bệnh thời đại thì thực phẩm chức năng là cơn dịch thời đại.
Thực phẩm chức năng đúng nghĩa của nó không có gì xấu. Từ trước đến nay, người ta vẫn quảng cáo các thức ăn hỗ trợ cho việc trị bệnh cho chóng lành. Nhưng trong bệnh ung thư, khi thực phẩm chức năng thay thế các phương pháp điều trị chính thống thì quả là tai hại. Trước thời có mạng, miệng truyền miệng các bài thuốc nam là phương thức thông thường nhất, nay với mạng thì các bài thuốc nam tại chỗ phải nhường chỗ cho các thứ kỳ hoa dị thảo, các chế phẩm tân tiến sẵn sàng đi tới góc biển chân trời. Thí dụ hiện nay là nấm Linh chi, tảo nâu Fucoidan, nọc bọ cạp xanh và nano vàng. Nghe nói mức doanh thu rất khá nên tỉ phú Hoàng Kiều cũng đang nhào vô.
Các thứ thực phẩm chức năng đang mới trổi dậy nầy có chung một đặc điểm:
(1) chúng có các bằng chứng từ nhiều trải nghiệm của người bệnh, ai cũng trị khỏi, ít khi nghe là trị không hết bệnh,
(2) càng có giá trị hơn là kết quả từ vài công trình nghiên cứu nào đó,
(3) trị đủ loại ung thư chứ không phải chỉ một loại,
(4) đưa tin nào ra cũng tốt, chỉ trừ một tin xấu, đó là giá cả.
Vì sao có hiện tượng rất phổ biến đi dùng thực phẩm chức năng trong các bệnh ung thư?
Tôi nghĩ:
(1) Mất niềm tin vào điều trị chính thống sau một thời gian điều trị. Dù có nhiều tiến bộ so với trước, hiện nay khả năng điều trị bệnh ung thư đều có mức độ và không phải lúc nào cũng tiên đoán được. Chi bằng bổ sung thêm thực phẩm chức năng thì kết quả có vẻ “chắc ăn” hơn.
(2) Sự vật vã qua điều trị. Các hóa chất ít nhiều đều là chất độc gây nhiều phản ứng. Các cuộc mổ thường dài và lan rộng, mất đi một phần thân thể. Sự chiếu tia tàn phá ít nhiều một vùng cơ thể, dù có khả năng phục hồi, cũng gây khó chịu không ít. Trái lại, các thứ thực phẩm chức năng lại êm dịu hơn nhiều, nhất là nghe nói cũng có hiệu quả không kém.
(3) Điều trị dài ngày rất tốn kém. Thực phẩm chức năng cũng tốn kém thật, nhưng so với điều trị trong BV thì rẻ hơn nhiều.
Kết hợp điều trị chính thống với thực phẩm chức năng có thấy xảy ra, nhưng thường ở bệnh nhân và gia đình có khả năng, vì phải bao thầu cả 2 thứ. Nếu bệnh khỏi thì là do thực phẩm chức năng. Còn không khỏi thì là do điều trị chính thống.
Bỏ điều trị chính thống (vì các lý do trên), chuyển sang thuốc nam hay thực phẩm chức năng, rồi quay lại điều trị chính thống khi đã trễ là điều hay thấy nhất.
Hai thái cực là không điều trị gì hết ngay từ đầu, và còn nước còn tát trong giai đoạn cuối.
Có thể nói thất bại của điều trị chính thống là hệ thống bán hàng thực phẩm chức năng ngày càng phát triển. “Thuận mua vừa bán” là một lý luận ngụy tạo. Nó xuất phát từ quan điểm kinh doanh, lại đi áp dụng trong ngành y tế. Tôi nghĩ người bệnh và gia đình người bệnh không “thuận mua”. Họ bị vây bởi các thông tin lệch lạc. “Vừa bán” cũng không phải luôn, vì giá lúc nào cũng đội lên. Đúng nhất là gia đình phải bấm bụng mà mua, hoặc trao niềm tin vào kẻ cướp.
Tôi kể một câu chuyện cho thấy sự thất đức trong việc mua bán nầy. Tôi có một anh bạn đồng khóa, nguyên giảng viên của Đại học y dược Thành Phố Hồ Chí Minh, chân ướt chân ráo qua định cư tại Mỹ ở cái tuổi mà đồng nghiệp đã chuẩn bị về hưu. Ba anh (cũng tại Mỹ) mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện chê, cho về. Cả nhà xúm lại hùn nhau mua thực phẩm chức năng cho ông già. Anh phản đối và đề nghị chăm sóc giảm nhẹ. Thế là bị mang tiếng hà tiện và bất hiếu, đến giờ vẫn bị gia đình tẩy chay không thèm lại nhà. Xem ra lối “thuận mua vừa bán” nầy đã biến thành “ép mua” rồi.