Thực hư thực phẩm chức năng chứa các chất Flavonoid chữa ung thư?

Flavonoid

Giới thiệu

Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm được quảng cáo với những công dụng thần kì trong phòng ngừa ung thư, hỗ trợ và điều trị ung thư, kể cả ung thư giai đoạn cuối và có thể áp dụng cho rất nhiều loại ung thư như ung thư phổi, gan, vú, đại tràng, dạ dày, tuyến tuyền liệt, thận, máu, vòm họng, tuyến giáp, tuyến tụy, xương, cổ tử cung.

Với thành phần chính chứa các flavonoid thu nhận từ hoa, quả, hạt, thảo dược, cây gia vị, các sản phẩm này cho tác dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư?

Vậy đây là sự thật đáng lưu tâm hay thổi phồng nhằm trục lợi?

Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cho biết Flavonoid là gì và công dụng của nó thế nào trong điều trị ung thư!

Flavonoid là gì?

Flavonoid là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau và một số loại hạt. Hiện nay có hơn 6000 hợp chất flavonoid đã được xác định.

Cấu trúc hóa học, flavonoid là những hợp chất polyphenol, chứa khung 15 nguyên tử Carbon tạo thành 2 vòng benzen liên kết bởi carbon số 3[1]

Vì là những hợp chất chống oxy hóa tiềm năng nên flavonoid được chú ý nhiều trong nghiên cứu và ứng dụng trong phòng ngừa bệnh tật.

Phân loại:

Dựa vào cấu trúc hóa học, flavonoid được phân loại thành 6 nhóm flavones, isoflavones, flavonol, flavanones, anthocyanidins và flavan-3-ols

Hình 1. Cấu trúc hóa học của các phân lớp chính của flavonoid

(Nguồn: Kyselova Z, Interdiscip Toxicol. 2011 Dec;4(4):173-83)

Các phân lớp và nguồn thực phẩm chứa flavonoid[2]

Loại flavonoid Các hợp chất thường gặp Nguồn thực phẩm
Flavonol Kaempferol, quercetin, myricetin, tamarixetin Hành tây, rượu vang đỏ, cải xoăn, dầu ô liu, bông cải xanh, táo, anh đào, quả mọng, và bưởi và trà
Flavones Chrysin, apigenin Rutin, luteolin, glucosidestangeretin Vỏ trái cây, rượu vang đỏ, kiều mạch, ớt đỏ, vỏ cà chua, rau mùi tây, húng tây
Flavonones Naringin, naringenin, taxifolin, hesperidin Trái cây họ cam quýt, bưởi, chanh và cam
Flavanol Catechin, epicatechin, epigallocatechin, glausan-3-epicatechin, proanthocyanidins Táo và trà
Anthocyanidins Apigenidin, cyaniding, delphinidin, pelargonidin, malvidin Anh đào, quả mâm xôi, dâu tây và nho
Isoflavones Genistein, daidzein Đậu nành, đậu

Các hoạt tính sinh học của flavonoid

-Chống oxy hóa: là một hoạt tính chính của hầu hết các flavonoid, khả năng chống oxy hóa tùy thuộc vào sự sắp xếp các nhóm chức trong công thức cấu tạo nên các flavonoid.

Cơ chế hoạt động chống oxy hóa có thể bao gồm (1) ức chế sự hình thành các chất chứa oxy hoạt động (Reactive Oxygen Species- ROS) hoặc (2) kích hoạt các enzyme chống oxy hóa hay giảm thiểu stress oxy hóa trên tế bào gây ra bởi nitric oxit, (3) giảm các gốc α-tocopheryl, ức chế các oxydase và tăng đặc tính chống oxy hóa của các chất chống oxy hóa phân tử thấp[2, 3]

-Kháng khuẩn: Các nghiên cứu khác nhau cho thấy các chất chiết xuất từ thực vật giàu flavonoid có hoạt tính kháng khuẩn. Apigenin, galangin, flavone và flavonol glycoside, isoflavone, flavanones và chalcones đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ [2]

-Kháng viêm: Viêm là một phản ứng sinh học phức tạp của cơ thể đối với các kích thích có hại, chẳng hạn như nhiễm mầm bệnh, tế bào bị hư hỏng, tổn thương mô và kích ứng hóa học. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) cho thấy nhiều loại flavonoid có khả năng kháng viêm. Quá trình này được thực hiện bằng cách thu hút các các tế bào đáp ứng viêm, giải phóng ROS, RNS (Reactive Nitrogen Species – hợp chất mang nitơ hoạt động) và các cytokine tiền viêm để loại bỏ mầm bệnh ngoại lai và sửa chữa các mô bị thương. Hesperidin, Luteolin và Quercetin được biết là có loại đặc tính chống viêm, chủ yếu ảnh hưởng đến các hệ thống enzyme liên quan đến việc tạo ra các quá trình viêm[2]

Flavonoid trong phòng ngừa và điều trị ung thư:

Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) cho thấy các loại flavonoid có khả năng ức chế một số loại tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư máu[2, 4]; một số nghiên cứu in vivo trên chuột cũng cho thấy một vài hợp chất flavonoid có thể ức chế khối u[37]. (Tuy nhiên cần lưu ý đây là những kết quả trong nghiên cứu in vitro, là các tế bào được nuôi cấy, và mô hình chuột chứ không phải trên cơ thể người)

Nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học:

Nghiên cứu lâm sàng:

Hiện tại, các nghiên cứu lâm sàng ung thư về các flavonoid và các phân lớp cho việc điều trị ung thư còn rất hạn chế và nhiều nghiên cứu chưa có kết quả chính thức:

Nghiên cứu lâm sàng pha 2 sử dụng flavone acetic acid không có hiệu quả trên các bệnh nhân ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư da, ung thư đầu và cổ.[5, 6]

Flavopiridol ( còn gọi là alvocidib) là flavonoid tổng hợp thuộc phân lớp flavone, là chất ức chế CDK, đang được thử nghiệm lâm sàng pha I, II, được sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với một số thuốc hóa trị như paclitaxel, docetaxel cho một số loại ung thư như ung thư bạch cầu cấp tính , ung thư da melanoma, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận và một số loại ung thư khác, và vẫn chưa có kết quả chính thức [7, 8]

Nghiên cứu lâm sàng pha I/II sử dụng genistein đang được tiến hành giai đoạn đầu để chữa ung thư đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư bàng quang. Trong các nghiên cứu này, genistein có thể sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với các thuốc khác như gemcitabine, erlotinib,FOLFOX hayFOLFOX-Avastin. Một số nghiên cứu lâm sàng pha I và pha II sử dụng genistein đã hoàn thành nhưng không có hiệu quả rõ rệt và không tiếp tục nghiên cứu (NCT00244933, NCT00376948) hay chưa có công bố kết quả chính thức, một số nghiên cứu được đưa ra nhưng bị thu hồi[9].

Quercetin đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng bước đầu trên đối tượng ung thư đại trực tràng và tuyến tiền liệt tuy nhiên chưa có kết quả được công bố [10, 11]. Quercetin đã được sử dụng một cách an toàn với số lượng 500 mg hai lần mỗi ngày trong 12 tuần. Tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài hoặc liều cao hơn thì độ an toàn chưa được xác định. Khi uống, quercetin có thể gây đau đầu và ngứa ở tay, chân. Liều cao có thể gây tổn thương thận[12].

Và trên cơ sở dữ liệu thuốc Drugbank chưa có hợp chất flavonoid nào được sử dụng làm thuốc chữa ung thư được FDA cấp phép [13]

Nghiên cứu dịch tễ trên số lượng lớn:

Tổng hợp các nghiên cứu về tiêu thụ flavonoid và nguy cơ một số ung thư:

Loại ung thư Nghiên cứu Kết quả Tác giả
Ung thư vú Nghiên cứu  đoàn hệ tiền cứu trên10713 phụ nữ tại Tây Ban Nha (Nghiên cứu  đoàn hệ tiền cứu-Prospective Cohort Study – sẽ viết tắt là PCS ở các phần sau) Không có sự liên quan rõ ràng giữa việc tiêu thụ flavonoid tổng và giảm nguy cơ ung thư vú Itziar Gardeazabal, 2013[14]
Nghiên cứu PCS EPIC trên 334850 phụ nữ tại các nước châu Âu từ 35-70 tuổi trong khoảng 11,5 năm Trong 11,5 năm có 11576 ca mắc mới ung thư vú được phát hiện. và kết quả cho thấy Không có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ flavonoid tổng và isoflavonoid và làm giảm nguy cơ ung thư vú Raul Zamora-Ros, 2013[15]
Nghiên cứu bệnh chứng (case-control) với 353 người bệnh và 701 đối chứng, 40-70  tuổi Cho thấy  tiêu thụ epicatechin có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú và. Tuy nhiên tác giả khẳng định kết quả vẫn còn phải xác nhận thêm Luo JF, 2010[16]
Ung thư phổi Nghiên cứu trên 34708 phụ nữ sau mãn kinh. tiêu thụ liều cao flavanones, proanthocyanidins làm giảm tỉ lệ mắc mới ung thư phổi, tuy nhiên chỉ có hiệu quả với người đang và đã từng hút thuốc lá, không có hiệu quả với người chưa từng hút thuốc Cutler, 2008[17]
Nghiên cứu bệnh chứng: 1061 người bệnh v à 1425 đối chứng Tiêu thụ một lượng nhỏ flavonoid cho thấy tăng nguy cơ ung thư phổi Christensen KY, 2012[18]
Ung thư đại trực tràng[19] Nghiên cứu PCS trên 42478 nam và 76364 nữ trong 26 năm Không có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại flavonoid (anthocyanin, flavan-3-ol, flavanone, flavone, flavonol) và làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng Nimptsch K, 2016[20]
Nghiên cứu PCS trên 62573 nữ và 58279 nam tuổi từ 55-69 tại Hà Lan Không có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ flavone, flavonol, catechin và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng Simons, 2009[21]
Nghiên cứu trên 3234 bệnh nhân ung thư đại trực tràng 5 loại flavone và flavonol thường gặp :quercetin, kaempferol, myricetin apigenin và luteolin không có vai trò ngăn ngừa ung thư L. Wang, 2009 [22]
Nghiên cứu bệnh chứng với 523 người tham gia Tiêu thụ flavonoid không có liên hệ với việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, về cả tỉ lệ sống cũng như tái phát ung thư Zamora Ros, 2015[23]
Nghiên cứu bệnh chứng với 424 người bệnh và 401 đối chứng tại Tây Ban nha Có sự giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và việc tiêu thụ flavonoid tổng và một số phân nhóm như proanthocyanidins and flavones Zamora Ros, 2013[24]
Ung  th ư d ạ d ày Nghiên cứu dịch tể tại Hoa Kỳ người từ 30-79 tuổi với 1027 bệnh nhân mắc các loại ung thư dạ dày và thực quản, 662 người đối chứng không có mối liên hệ giữa tiêu thụ flavonoid tổng và tỉ lệ mắc mới cũng như tỉ lệ sống của bệnh nhân ung thực quản và ung thư dạ dày J L Petrick, 2015[25]
Nghiên cứu bệnh chứng với 334 người bệnh và 334 đối chứng tuổi từ 35-70 tại Hàn Quốc Tiêu thụ flavonoid tổng giảm nguy cơ ung thư dạ dày ở nữ Hae Donw Woo, 2014[26]
Ung thư bàng quang Nghiên cứu dịch tể European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition (EPIC) trên 477312 người tuổi từ 35-70 tại 10 nước châu Âu, sau 11 năm có 1575 ca mắc ung thư bàng quang được phát hiện, kết quả cho thấy không có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ flavonoid và nguy cơ ung thư bàng quang, tuy nhiên subclass flavonol thì cho thấy tỉ lệ nghịch với nguy cơ mắc ung thư Zamora-Ros R, 2014[27]
Ung thư tụy Nghiên cứu PCS EPIC với 477309 người tham gia trong 11 năm tại Châu Âu Không có mối liên hệ cho thấy giảm nguy cơ ung thư tụy và việc tiêu thụ flavonoid và các phân lớp flavonoid Molina-Montes E, 2016[28]
Nghiên cứu dịch tể National Institutes of Health (NIH)-AARP Diet and Health cohort, 537104 người được khảo sát, trong 10 năm Sau 10 năm có 2379 bệnh nhân ung thư tụy được phát hiện. không có bất kì sự liên quan giữa nguy cơ ung thư tụy và tiêu thụ flavonoid tổng hay bất kì subtype flavonoid nào  (6 subtypes flavonoid gồm có : flavan-3-ols, flavanones, flavonols, anthocyanidins, flavones và isoflavones) Arem H, 2013[29]

Kết quả nghiên cứu dịch tễ trên số lượng lớn cho thấy hiệu quả ngăn ngừa ung thư của flavonoid tổng hay cả những phân lớp flavonoid chưa thực sự rõ ràng, tuy có những kết quả cho thấy có khả năng giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư nhưng nhiều nghiên cứu lại cho thấy việc tiêu thụ các flavonoid không có tác dụng. Và các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của các flavonoid khá khác biệt và biến động tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại flavonoid tiêu thụ, nguồn gốc thu nhận, cả vị trí địa lý và chế độ ăn uống.[1]

Tóm lại, thực sự Flavonoid chứa nhiều hợp chất tiềm năng có tác dụng lên tế bào ung thư nhưng đa số các hoạt chất này được chứng minh trong phòng thí nghiệm. Từ đó cho thấy để có thể khẳng định tác dụng của các flavonoid trong ngăn ngừa và điều trị ung thư trên người vẫn cần quá trình nghiên cứu và xác định rõ ràng hơn. Và đặc biệt chưa có sự cho phép sử dụng các chất flavonoid cho điều trị ung thư ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, các loại rau củ quả chứa nhiều flavonoid là các chất chống oxy hóa, nên sử dụng các loại rau củ quả trong thành phần bữa ăn nhằm đảm bảo việc cung cấp các vitamin và chất xơ cho cơ thể.

Thực hư thực phẩm chức năng chứa các chất Flavonoid chữa ung thư?

Gần đây trên mạng có lan truyền thông tin thực phẩm chức năng của công ty Navita đưa ra thị trường có chứa các hợp chất Flavonoid sử dụng trong điều trị, hỗ trợ ung thư: “Hỗ trợ điều trị ung thư, kể cả giai đoạn cuối: ức chế tế bào ung thư theo 3 cách: ức chế nhân bào, ức chế hình thành mạch máu và kích hoạt cơ chế tự sát của tế bào ung thư. Tốt cho ung thư: Phổi, gan, vú, đại tràng, dạ dày, tuyến tuyền liệt, thận, máu, vòm họng, tuyến giáp, tuyến tụy, xương, cổ tử cung; Giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị: chống sụt cân, nôn mửa, rụng tóc…”

FLAVITA® LIFEMAX: Sản phẩm cao cấp : giá 20 triệu VND, chứa Flovonoids từ 200 loại hoa, quả, hạt, thảo dược, cây gia vị

FLAVITA 88® CYTO: Phòng chống ung thư : giá 2 triệu 500 ngàn VND chứa Flavonoids của 88 loại trái cây, hoa, hạt, thảo mộc, gia vị.

flavita flavita

Hình 2. Một số sản phẩm quảng cáo có thể hỗ trợ điều trị và chữa ung thư của Navita ( Nguồn: website www.navita.life)

Vậy thực hư nên hiểu như thế nào?

Phần phân tích phía dưới sẽ thông tin cho bạn đọc về thực phâm chức năng nói chung và các thông tin từ sản phẩm chữa ung thư chứa Flavonoid của công ty Navita:

Theo các quy định hiện tại, các loại thành phần bổ sung- dietary supplement được xếp vào thực phẩm và thường hay được gọi là Thực phẩm chức năng (TPCN), tuy nhiên không được quảng cáo là có thể điều trị bất kì loại bệnh nào, chỉ có thể nói tốt cho sức khỏe hay giảm nguy cơ bệnh nào đó khi sử dụng[30].

Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ có nhận định không nên mua bất kỳ sản phẩm TPCN nào quảng cáo có thể chữa bất kì bệnh nào, có hiệu quả thần kì và không có tác dụng phụ. Và nếu sản phẩm có tuyên bố chữa được bệnh hay nhiều loại bệnh, chữa khỏi ung thư, ngăn ngừa ung thư phát triển thì sản phẩm này đang được bán bất hợp pháp dưới dạng thuốc. Việc dán nhãn dietary supplement để lách luật tránh sự phê chuẩn của các đơn vị quản lý thuốc ví dụ như FDA. Không nên phụ thuộc vào một sản phẩm không kê đơn nào để chữa bệnh, chữa ung thư, và nếu muốn sử dụng bất kì sản phẩm TPCN nào trong quá trình điều trị ung thư cần hỏi ý kiến bác sĩ có chuyên môn[31-33].

Theo “THÔNG TƯ Quy định về quản lý thực phẩm chức năng” của Bộ Y tế – 43/2014/TT-BYT ban hành năm 2014, Dietary Supplement là thực phẩm chức năng thuộc nhóm “Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”. Theo điều 4 trong thông tư này, TPCN nếu công bố là có công dụng đối với sức khỏe con người cần phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả công dụng, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh thì sản phẩm phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người

“Việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người phải được thực hiện tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học về y học. Riêng đối với sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên.

Trong trường hợp đánh giá thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người được thực hiện tại nước ngoài, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan thẩm quyền nước sở tại thừa nhận, công nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thành lập Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực phù hợp để tham gia thẩm định báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng sản phẩm và các bằng chứng khoa học được công bố”. [34]

Quay lại 2 sản phẩm được quảng cáo là có khả năng chữa ung thư kể trên, bằng chứng khoa học được nhà sản xuất đưa ra qua bài báo khoa học: “Synthesis and SAR Study of Anticancer Protoflavone Derivatives: Investigation of Cytotoxicity and Interaction with ABCB1 and ABCG2 Multidrug Efflux Transporters, Dankó B, et al. ChemMedChem. 2017”. Trong nghiên cứu này, một số hợp chất flavone “tinh khiết” được tổng hợp và thử nghiệm trên một số dòng tế bào ung thư “in vitro” (trong phòng thí nghiệm). Bên cạnh đó, do các sản phẩm này sử dụng theo đường uống, quá trình hấp thụ thế nào và có đến được tế bào ung thư trong cơ thể hay không còn chưa được chứng minh và trong nghiên cứu hoàn toàn chưa thử nghiệm trên mô hình động vật và chưa có thử nghiệm lâm sàng.

Hơn nữa, công trình nghiên cứu này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến sản phẩm được đưa ra.

Do đó, dựa trên kết quả nghiên cứu này để khẳng định sản phẩm có khả năng chữa hoặc hỗ trợ điều trị ung thư là hoàn toàn vô căn cứ.

Bên cạnh các sản phẩm chứa Flavonoid có khả năng chữa ung thư, công ty này còn có một sản phẩm chữa ung thư khác là Navita ARFeMAX® – Hỗ trợ điều trị và phòng chống ung thư?

arfemax

Theo thông tin công ty đưa ra Navita ARFeMAX có chứa Artemisinin. Vậy Artemisinin là gì và đã được sử dụng để chữa ung thư hay chưa?

Artemisinin là một loại hợp chất có nguồn gốc từ cây Artemisia annua (Thanh hao hoa vàng) châu Á

Hiện tại artemisinin cho thấy có hiệu quả ức chế một số dòng tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm ( in vitro)[35]. Một số nghiên cứu lâm sàng sử dụng artesunate, là hợp chất bán tổng hợp từ artemisinin. Nghiên cứu lâm sàng pha I trên đối tượng ung thư vú di căn (NCT00764036) và pha 2 trên đối tượng ung thư đại trực tràng (NCT03093129, NCT02633098) . Tuy nhiên các nghiên cứu này chưa có kết quả xác định. Và chưa có thuốc nào hay hợp chất nào có nguồn gốc artemisinin dùng để chữa ung thư. Hiện tại thuốc Coartem là liệu pháp kết hợp artemether-lumefantrine dựa trên Artemisinin và IV artesunate có nguồn gốc từ artemisinin chỉ sử dụng trong chữa bệnh sốt rét[36].

Do đó việc sử dụng các sản phẩm TPCN như trên như thuốc chữa ung thư là hoàn toàn chưa có cơ sở!

Tóm tại, người tiêu dùng, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn về việc sử dụng bất kì sản phẩm TPCN nào trong quá trình điều trị hay sau điều trị để tránh tiền mất tật mang và tránh những hậu quả đáng tiếc.

Chịu trách nhiệm nội dung: Th.S Trịnh Vạn Ngữ, Viện nghiên cứu Y sinh SoonChunHyang ( SoonChunHyang Institute of Medi-bio Science ), Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc

Cố vấn Khoa học:

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

Tiến sĩ Lê Anh Phương, Đại học Quốc Gia Singapore.

Tài liệu tham khảo:

  1. Rodriguez-Garcia, C., C. Sanchez-Quesada, and J.G. J, Dietary Flavonoids as Cancer Chemopreventive Agents: An Updated Review of Human Studies. Antioxidants (Basel), 2019. 8(5). Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31109072
  2. Karak, P., BIOLOGICAL ACTIVITIES OF FLAVONOIDS: AN OVERVIEW. International Journal of Pharmaceutical Sciences and Research, 2019. 10(4). Link: http://ijpsr.com/bft-article/biological-activities-of-flavonoids-an-overview/?view=fulltext
  3. Kumar, S. and A.K. Pandey, Chemistry and biological activities of flavonoids: an overview. ScientificWorldJournal, 2013. 2013: p. 162750.Link: https://www.hindawi.com/journals/tswj/2013/162750/
  4. Robert, L. and S. Arvind, FLAVONOIDS NUTRACEUTICALS IN PREVENTION AND TREATMENT OF CANCER: A REVIEW. Asian Journal of Pharmaceutical and Clinical Research, 2018. 11(1). Link: https://www.researchgate.net/publication/322205791_FLAVONOIDS_NUTRACEUTICALS_IN_PREVENTION_AND_TREATMENT_OF_CANCER_A_REVIEW
  5. Kerr, D.J., et al., Phase II trials of flavone acetic acid in advanced malignant melanoma and colorectal carcinoma. Br J Cancer, 1989. 60(1): p. 104-6. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2803908
  6. Kaye, S.B., et al., Phase II trials with flavone acetic acid (NCS. 347512, LM975) in patients with advanced carcinoma of the breast, colon, head and neck and melanoma. Invest New Drugs, 1990. 8 Suppl 1: p. S95-9. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2380021
  7. Deep, A., et al., Flavopiridol as cyclin dependent kinase (CDK) inhibitor: a review. New Journal of Chemistry, 2018. 42(23): p. 18500-18507. Link: https://pubs.rsc.org/en/content/articlelanding/2018/nj/c8nj04306j#!divAbstract
  8. Awan, F.T., et al., A phase 1 clinical trial of flavopiridol consolidation in chronic lymphocytic leukemia patients following chemoimmunotherapy. Ann Hematol, 2016. 95(7): p. 1137-43. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4981588/
  9. Spagnuolo, C., et al., Genistein and cancer: current status, challenges, and future directions. Advances in nutrition (Bethesda, Md.), 2015. 6(4): p. 408-419. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4496735/
  10. Buonerba, C., et al., Isoquercetin as an Adjunct Therapy in Patients With Kidney Cancer Receiving First-Line Sunitinib (QUASAR): Results of a Phase I Trial. Frontiers in pharmacology, 2018. 9: p. 189-189.Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29615901
  11. Clinicaltrial.gov. Quercetin. Available from: https://clinicaltrials.gov/ct2/results?cond=Cancer&term=Quercetin&cntry=&state=&city=&dist.
  12. WebMD. Quercetin. Available from: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-294/quercetin.
  13. Flavonoid – Drug bank. Available from: https://www.drugbank.ca/categories/DBCAT001281#drugs.
  14. Gardeazabal, I., et al., Total polyphenol intake and breast cancer risk in the SUN cohort. Br J Nutr, 2018: p. 1-23. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/30588893
  15. Zamora-Ros, R., et al., Dietary flavonoid and lignan intake and breast cancer risk according to menopause and hormone receptor status in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition (EPIC) Study. Breast Cancer Research and Treatment, 2013. 139(1): p. 163-176. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23572295
  16. Luo, J., et al., Urinary polyphenols and breast cancer risk: results from the Shanghai Women’s Health Study. Breast Cancer Res Treat, 2010. 120(3): p. 693-702. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2842475/
  17. Cutler, G.J., et al., Dietary flavonoid intake and risk of cancer in postmenopausal women: the Iowa Women’s Health Study. Int J Cancer, 2008. 123(3): p. 664-71. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18491403
  18. Christensen, K.Y., et al., The risk of lung cancer related to dietary intake of flavonoids. Nutr Cancer, 2012. 64(7): p. 964-74. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23061904
  19. Afshari, K., et al., Natural flavonoids for the prevention of colon cancer: A comprehensive review of preclinical and clinical studies. J Cell Physiol, 2019. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31087338
  20. Nimptsch, K., et al., Habitual intake of flavonoid subclasses and risk of colorectal cancer in 2 large prospective cohorts. Am J Clin Nutr, 2016. 103(1): p. 184-91. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26537935
  21. Simons, C.C.J.M., et al., Dietary flavonol, flavone and catechin intake and risk of colorectal cancer in the Netherlands Cohort Study. International Journal of Cancer, 2009. 125(12): p. 2945-2952. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19530252
  22. Wang, L., et al., Dietary intake of selected flavonols, flavones, and flavonoid-rich foods and risk of cancer in middle-aged and older women. Am J Clin Nutr, 2009. 89(3): p. 905-12. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19158208
  23. Zamora-Ros, R., et al., Dietary flavonoids, lignans and colorectal cancer prognosis. Scientific Reports, 2015. 5: p. 14148. Link: https://www.nature.com/articles/srep14148
  24. Zamora-Ros, R., et al., Association between habitual dietary flavonoid and lignan intake and colorectal cancer in a Spanish case-control study (the Bellvitge Colorectal Cancer Study). Cancer Causes Control, 2013. 24(3): p. 549-57. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22588680
  25. Petrick, J.L., et al., Dietary intake of flavonoids and oesophageal and gastric cancer: incidence and survival in the United States of America (USA). Br J Cancer, 2015. 112(7): p. 1291-300. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4385952/
  26. Woo, H.D., et al., Dietary flavonoids and gastric cancer risk in a Korean population. Nutrients, 2014. 6(11): p. 4961-4973. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4245574/
  27. Zamora-Ros, R., et al., Flavonoid and lignan intake in relation to bladder cancer risk in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition (EPIC) study. Br J Cancer, 2014. 111(9): p. 1870-80. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25121955
  28. Molina-Montes, E., et al., Flavonoid and lignan intake and pancreatic cancer risk in the European prospective investigation into cancer and nutrition cohort. Int J Cancer, 2016. 139(7): p. 1480-92. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27184434
  29. Arem, H., et al., Flavonoid intake and risk of pancreatic cancer in the National Institutes of Health-AARP Diet and Health Study Cohort. Br J Cancer, 2013. 108(5): p. 1168-72. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3619057/
  30. Konstat-Korzenny, E., et al., Artemisinin and Its Synthetic Derivatives as a Possible Therapy for Cancer. Medical sciences (Basel, Switzerland), 2018. 6(1): p. 19. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5872176/
  31. Society, A.C. Choosing and using dietary supplements safely. Available from: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/dietary-supplements/choosing-safely.html.
  32. Society, A.C. FDA regulation of drugs versus dietary supplements. Available from: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/dietary-supplements/fda-regulations.html.
  33. Hua, X., et al., Association among Dietary Flavonoids, Flavonoid Subclasses and Ovarian Cancer Risk: A Meta-Analysis. PLoS One, 2016. 11(3): p. e0151134. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26960146
  34. Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế : Quy định về quản lý thực phẩm chức năng2014. http://vfa.gov.vn/van-ban/thong-tu-quy-dinh-ve-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang.html
  35. Konstat-Korzenny, E., et al., Artemisinin and Its Synthetic Derivatives as a Possible Therapy for Cancer. Medical sciences (Basel, Switzerland), 2018. 6(1): p. 19. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5872176/
  36. Raffetin, A., et al., Use of artesunate in non-malarial indications. Med Mal Infect, 2018. 48(4): p. 238-249. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29422423
  37. Farombi, E.O., Anti-cancer Foods: Flavonoids. Module in Food Science, 2018. Link: https://www.researchgate.net/publication/326014769_Anti-cancer_Foods_Flavonoids

Tác giả:

Thạc sĩ Trịnh Vạn Ngữ
Thành viên Ban Khoa học
Nghiên cứu sinh, Viện nghiên cứu Y sinh SoonChunHyang (SoonChunHyang Institute of Medi-Bio Science – SIMS), Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *