Thiếu Vitamin D, tắm nắng, và ung thư da: Hiểu sao cho đúng?

Vitamin_D

Gần đây, nhiều bài báo trên mạng chỉ sai cách làm tăng Vitamin D, hướng dẫn sai cách tắm nắng đôi khi có thể dẫn đến ung thư da.

Tôi viết bài này để giải thích vai trò quan trọng của Vitamin D, cách không bị thiếu vitamin D, cách bảo vệ da khỏi ung thư mà vẫn có đủ Vitamin D dùng.

Vitamin D là một vitamin cực kỳ quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Thiếu Vitamin D có thể dẫn đến các bệnh về xương, cơ xương khớp, hệ miễn dịch, và thậm chí ung thư (1,2). Vitamin D giúp hấp thụ Calcium (canxi) và Phosphate từ ruột, làm xương chúng ta đậm và chắc. Cơ thể thiếu Vitamin D sẽ không hấp thụ được Calcium, khiến cơ thể chúng ta phải lấy Calcium từ xương để sử dụng, dần dần làm xương yếu đi, gây ra bệnh còi xương và loãng xương. Uống bổ sung Calcium (mua từ chợ như Costco bên Mỹ) mà cơ thể thiếu vitamin D thì không có tác dụng gì cho xương cả vì Calcium không hấp thụ được vào cơ thể.

Có hai loại Vitamin D chính là D2 và D3. Vitamin D2 (ergocalciferol), có chủ yếu từ thức ăn, và chỉ có trong một số ít thức ăn giàu vitamin D, loại vitamin D2 chiếm rất ít trong tổng số lượng Vitamin D chúng ta có. Vitamin D3 (cholecalciferol), tổng hợp ở da từ tiền chất Vit D dưới tác động của tia cực tím (UVB, bước sóng 290-320nm) của ánh sáng mặt trời, phản ứng với protein 7-DHC, sản xuất ra vitamin D3. Loại vitamin này (D3) cung cấp phần lớn lượng vitamin D cho cơ thể. Nói cách khác, cơ thể chúng ta cần ánh mặt trời và làn da để tạo ra phần lớn như cầu vitamin D. Chỉ ăn uống thôi sẽ không đủ cung cấp vitamin D (phải ăn thật nhiều Vitamin D2 mới đủ nhu cầu).

Nhưng Vitamin D3 là một vitamin phức tạp, tổng hợp từ nhiều thành phần và cần nhiều nơi để sản xuất. Sản xuất Vitamin D3 như sản xuất một chiếc xe hơi BMW, cần có một dây chuyền lắp ráp hoàn chỉnh. Chỉ cần một nơi trong dây chuyền này thiếu hay bị hư thì cơ thể chúng ta không sản xuất được Vitamin D3.

Bước đầu tiền để cơ thể tổng hợp Vitamin D là phơi nắng, nhưng phải phơi nắng cho đúng. Cơ thể chúng ta cần nắng có tia UVB (chứ không phải tia UVA hay UVC) để tổng hợp vitamin D. Sai lầm đầu tiên khi phơi nắng là cho bệnh nhân phơi nắng buổi sáng. Phơi nắng kiểu này không giúp gì cho tổng hợp vitamin D vì nắng sáng sớm chỉ có tia UVA (bước sóng 320-400nm), không giúp gì cho tổng hợp vitamin D3.

Phơi nắng cho đúng thì phải phơi từ 10g trưa đến 2g chiều, tốt nhất là 12g trưa, nơi có tia UVB cao nhất. Ở thời điểm này, chúng ta chỉ cần 10-15 phút phơi nắng là đủ phụ tùng để dây chuyền sản xuất Vitamin D3 hoạt động.

Vấn đề là tia nắng lúc trưa (có cả UVA và UVB) là tác nhân chính gây ra ung thư da, dẫn đến hàng ngàn ca tử vong mỗi năm tại Mỹ. UVA cũng là nguyên nhân gây đồi mồi, làm lão hoá da, mất nước, và các tổn thương khác đến da. Tia UVA/UVB gây ung thư da bằng cách làm biến đổi DNA, làm chúng dị biến, dần dần dẫn đến ung thư.

Để ngăn ngừa ung thư da, các nghiên cứu đã chỉ ra kem chống nắng có tác dụng hiệu quả nhất ngăn ngừa ung thư da. Các nghiên cứu đối chứng cho thấy dùng kem có chỉ số SPF 15 hay cao hơn giảm khả năng phát triển ung thu da dạng vảy (SCC) đến 40% hay giảm 50% với ung thư ác tính hắc tố da (Melanoma), và giảm tốc độ lão hoá đến 24% (3,4,5).Dùng kem chống năng sẽ ngăn cản tia tử ngoại (UVA/UVB) từ 80-98% tuỳ độ SPF.

Như vậy, chúng ta cần tắm (phơi ) nắng để tạo ra Vitamin D3 nhưng việc phơi nắng có thể dẫn đến ung thư da. Vậy thì tắm (phơi nắng) sao cho tốt mà vẫn giảm rủi ro ung thư da?

Có nhà nghiên cứu cho rằng nếu dùng kem chống nắng có SPF cao (50 trở lên) cản khoá đến 98-99% tia tử ngoại UVB/UVA thì bệnh nhân có thể bị thiếu vitamin D3. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, dù dùng SPF cao đến 50 hoặc 70, các bệnh nhân vẫn không hề thiếu vitamin D3 (6,7). Các nhà nghiên cứu giải thích dù chỉ 1-2% tia UBV xuyên qua da, số lượng này cũng đủ để tác động vào quá trình sản xuất vitamin D3. Thêm nữa, chúng ta chỉ cần khoảng 10-20 phút phơi UVB là đủ để sản xuất nên chúng ta không cần phải phơi nắng quá lâu dẫn đến rủi ro ung thư da.

Tóm lại, dùng kem chống nắng có SPF cao (50) và ra phơi nắng buổi trưa là không sợ thiếu Vitamin D. Mặc quần áo hoặc ở trong văn phòng có kiếng buổi trưa nắng sẽ cản phần lớn tia UVB, do vậy sẽ không đủ để tổng hợp vitamin D3. Nghiên cứu cho thấy chúng ta cần phơi tay, chân, ngực, và bụng 2-3 lần một tuần lúc trưa trong vòng 10-20 phút là đủ vitamin D3 cho cơ thể(8).

Một cách khác mà nhiều người chọn là uống vitamin D3 hằng tuần (mua luôn chiếc xe BMW, khỏi sản xuất) cho khoẻ, khỏi cần phơi nắng đúng cách, rồi thoa kem chống nắng cho mệt. Liều thường dùng là 5000 IU/ tuần hay 1000-2000 IU/ hằng ngày. Tuy nhiên, uống vitamin D3 lâu dài cũng có tác dụng phụ như táo bón, cao Calicum, hay hư thận.

Tốt nhất là quý vị nên kiểm tra vitamin D thường xuyên với BS. Lượng vitamin D là thấp nếu dưới 30 ng/ml, từ 30-50 ng/ml là okay, và 125 ng/ml trở lên là cao (có nguy cơ ngộ độc). Dựa vào độ thiếu vitamin D, mức độ tắm (phơi) nắng, nghề nghiệp, môi trường sống, và làn da của bệnh nhân (da càng đậm thì hấp thu UVB càng thấp), BS sẽ chỉnh sửa phác đồ điều trị thiếu vitamin D thích hợp.

1. Holick MF. Sunlight and vitamin D for bone health and prevention of autoimmune diseases, cancers, and cardiovascular disease. Am J Clin Nutr2004 (6 suppl); 80:1678S-1688S.
2. Holick MF. Vitamin D: a millenium perspective. J Cell Biochem 2003; 88(2):296-307. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12520530. Accessed April 26, 2016.
3. Van der Pols JC, Williams GM, Pandeya N, Logan V, Green AC. Prolonged prevention of squamous cell carcinoma of the skin by regular sunscreen use. Cancer Epidemiol Biomarkers Prevent 2006; 15:2546-2548.
4. Green AC, Williams GM. Point: sunscreen use is a safe and effective approach to skin cancer prevention. Cancer Epidemiol Biomarkers Prevent 2007; 16(10):1921-1922.
5. Green AC, Williams GM, Logan V, Strutton GM. Reduced melanoma after regular sunscreen use: randomized trial follow-up. J Clin Oncol 2011; 29(3):257-263. doi: 10.1200/JCO.2010.28.7078.
6. Hughes MCB, Williams GM, Baker P, Green AC. Sunscreen and prevention of skin aging: a randomized trial. Ann Intern Med 2013; 158(11):781-790. 10.7326/0003-4819-158-11-201306040-00001.
7. Farrerons J, Barnadas M, Rodriguez J, et al. Clinically prescribed sunscreen (sun protection factor 15) does not decrease serum vitamin D concentration sufficiently either to induce changes in parathyroid function or in metabolic markers. Br J Dermatol 1998; 139(3):422-427.
8. Vitamin D & the sun: what does the sun do for me? A transcription of part 1 of Dr. Michael Holick’s January 22nd, 2013 webinar. Grassroots Health, a Public Health Promotion Organization. www.grassrootshealth.net/holicksuntranscription.

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *