Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) luôn là một trong những đề tài chuyên môn phổ biến, gây nhiều tranh cãi bởi đến nay chưa có tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị, đôi khi khó khăn và nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Takeda tổ chức hội thảo chuyên đề về thuốc ức chế bơm proton thế hệ mới trong điều trị bệnh lý GERD, những thách thức trong chẩn đoán và điều trị khi bệnh có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thuyết trình tại hội thảo, PGS.TS Trần Ngọc Ánh – Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết GERD là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các bệnh lý đường tiêu hóa, tuy nhiên đến nay chỉ có thể chẩn đoán dựa vào kinh nghiệm lâm sàng và các thăm dò, chứ chưa có tiêu chuẩn vàng cụ thể. Nguyên nhân gây bệnh có thể từ thực quản, từ dạ dày và ảnh hưởng từ cơ quan khác trong cơ thể. Với các triệu chứng đặc trưng gồm ợ nóng và có luồng trào ngược, buồn nôn, nuốt đau và vướng, đau tức ngực… Ngoài ra còn nhiều biểu hiện không đặc trưng thậm chí có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm họng, viêm mũi xoang, hen, thậm chí ung thư.
Khi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà không cải thiện triệu chứng, bạn cần điều trị bằng các phương pháp nội, ngoại khoa, tức là sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp nào cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh và biểu hiện của bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là bệnh lý GERD xu hướng trơ với điều trị và nguy cơ tái phát cao, bệnh nhân với tâm lý không thoải mái khi phải khám đi khám lại nhiều lần mà bệnh tình không cải thiện hoặc điều trị không đáp ứng. Do đó, kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ khi chỉ định thuốc sau khi xem xét kỹ càng các nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng.
Xét các biểu hiện bệnh ngoài thực quản, PGS.TS Cao Minh Thành – Trưởng khoa Tai Mũi Họng lại phân tích về hội chứng GERD qua khía cạnh của chuyên khoa tai mũi họng. Một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, thanh quản. Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai,…
Theo kinh nghiệm của các chuyên khoa khác nhau sau phân tích tại hội thảo, các BS khuyến cáo bệnh nhân nên tuân thủ điều trị ngay từ những việc đơn giản như thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, điều trị nội khoa bằng các thuốc ức chế bơm proton thế hệ mới vẫn là lựa chọn đầu tay và tối ưu, cho phép liều dùng linh hoạt trong ngày và đạt được kiểm soát axit tốt hơn, giúp giảm các triệu chứng khó chịu về đêm đồng thời hạn chế phải sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ khác.
PV (ghi)