Nguy hiểm từ việc sử dụng thuốc giảm cân

giảm cân

Trong vòng hơn 60 năm qua, các phương pháp giảm cân đã được phát triển và thay đổi đáng kể. Từ sự ra đời của các chất có bản chất là hormon tuyến giáp cho đến thời đại của các chất gây nghiện như amphetamine, fenfluramine…

Thông tin chi tiết

Hiện nay, tỉ lệ béo phì ở người trẻ đang có xu hướng tăng cao. Mọi người thường muốn ăn ngon, ăn nhiều đồ ăn khác nhau nhưng lại muốn giữ cho mình một vóc dáng thon gọn, không quá đẫy đà. Do vậy, nhu cầu cần giảm cân là không thể thiếu với không chỉ với các chị em phụ nữ mà còn nhiều đối tượng khác. Tập thể dục, tập gym là một phương pháp giảm cân tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ thời gian và kiên nhẫn để chờ đợi thành quả từ phương pháp này.

Một số người có xu hướng tìm đến các sản phẩm giảm cân như tràthảo mộc, thực phẩm chức năng, thậm chí là nhiều loại thuốc với mong muốn có được cân nặng như ý. Bài viết này cung cấp một số thông tin về các thuốc đã từng được sử dụng để giảm cân ở những người béo phì, không còn được lưu hành trên thị trường, nhưng không có nghĩa rằng chúng hoàn toàn không có trong một số sản phẩm hỗ trợ giảm cân. Người dùng nên tham khảo kĩ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mình đang sử dụng, kịp thời ngừng hoặc tránh dùng nếu phát hiện có chứa các thuốc/chất đã bị cấm dưới đây.

Trong vòng hơn 60 năm qua, các phương pháp giảm cân đã được phát triển và thay đổi đáng kể. Từ sự ra đời của các chất có bản chất là hormon tuyến giáp cho đến thời đại của các chất gây nghiện như amphetamine, fenfluramine… và gần đây là sibutramine, rimonabant. Tuy nhiên, kiến thức và sự hiểu biết của con người ngày càng được nâng cao, các nhà khoa học sớm phát hiện ra các tác dụng có hại của các thuốc này từ cơ chế dược lý của chúng. Chính vì vậy những thuốc này ngay lập tức đã bị rút khỏi thị trường ở một số quốc gia trong vai trò là một thuốc điều trị béo phì.

Dưới đây là những thuốc/hợp chất đã ngừng sử dụng hoặc cấm lưu hành:

Thuốc nhuận tràng:

Thuốc nhuận tràng được sử dụng để giảm cân đã được phát hiện từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên bởi các bác sĩ Hy Lạp. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc lâu dài đã gây ra một số biến chứng cho bệnh nhân: tiêu chảy mạn tính dẫn đến rối loạn chuyển hóa như hạ kali máu, nhiễm kiềm chuyển hóa. Ngoài ra những bệnh nhân có kèm theo nôn, tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn. Rối loạn đường ruột trên nền bệnh thận mạn tính và suy thận cũng đã được phát hiện. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân là một phương pháp thực sự có hại. Thật không may, việc lạm dụng những thuốc này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm lý và chứng cuồng ăn.

Hormon tuyến giáp:

Việc sử dụng hormon tuyến giáp đã tồn tại từ cuối thế kỷ 19. Hormon ban đầu được sử dụng cho những bệnh nhân suy giáp. Họ phát hiện một tỷ lệ trao đổi chất tăng ở những bệnh nhân này do tác dụng tăng sinh nhiệt của thuốc. Tuy nhiên, hậu quả của việc tăng tốc độ trao đổi chất là tăng phân giải các mô cơ, mônạc của cơ thể chứ không phải mô mỡ, và việc mất mô nạc dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong. Một số tác dụng phụ khác bao gồm: giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương, tăng phìđại cơ tim, tăng chuyển hóa lipid, carbohydrate và protein. Trong 15 năm vừa qua, một số hormon tuyến giáp chọn lọc đã được phát triển, phân lập với hy vọng làm giảm các tác dụng phụ trên tim mà vẫn giữ tác dụng giảm cân an toàn. Trong một số thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả giảm cân chưa được báo cáo, các thuốc này mặc dù kích thích trao đổi chất nhưng lại kém hiệu quả trong việc giảm cân. Chính vì vậy, những thuốc này đã không còn được sử dụng cho chỉ định giảm cân ở bệnh nhân béo phì.

Dinitrophenol:2,4-dinitrophenol (DNP)

Là một trong những thuốc giảm béo đầu tiên được sử dụng vào những năm 1930, được phát hiện khi quan sát thấy ở những công nhân nhà máy đã tiếp xúc với thuốc này thì cân nặng của họ giảm đáng kể. Thuốc được chứng minh là làm tăng tốc độ trao đổi chất và chuyển hóa chất béo, tiêu thụ calo đáng kể dẫn đến tăng thân nhiệt không kiểm soát được và dẫn tới tăng nguy cơ tử vong. Một số tác dụng phụ ghi nhận bao gồm: tăng thân nhiệt độc hại, nhiễm độc gan, đục thủy tinh thể và một vài trường hợp mất bạch cầu hạt đã được báo cáo. Do các tác dụng có hại nghiêm trọng như vậy, thuốc bị cấm sử dụng vào năm 1938, nhưng hiện nay DNP vẫn được rao bán tự do trên mạng internet mà không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Amphetamine và “thuốc cầu vồng”:

Amphetamine và dẫn chất của nó là các chất kích thích hệ thần kinh trung ương (CNS), tác dụng của chúng là kích thích hệ giao cảm gây ra một số phản ứng ví dụ như tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Cơ chế là tăng bài tiết noradrenaline, dopamine và serotonin, làm tăng hoạt động CNS và tăng tiêu thụ năng lượng ngay cả khi nghỉ ngơi. Chúng làm giảm cảm giác thèm ăn của cơ thể dẫn tới giảm lượng thức ăn ăn vào từ đó dẫn tới giảm cân nặng. Benzedrine (amphetamine sulfate) là chất đầu tiên được sử dụng cho bệnh béo phì, với tác dụng tăng sử dụng năng lượng, tăng tỉnh táo và giảm cân nặng, tuy nhiên bệnh nhân trở nên lạm dụng thuốc và nghiện thuốc. Mặc dù vậy, thuốc “cầu vồng” vẫn được kê đơn rộng rãi cho những bệnh nhân bị béo phì, thuốc “cầu vồng” là hỗn hợp của amphetamine, hormon tuyến giáp và thuốc lợi tiểu với tác dụng giảm cân, và thuốc chẹn thụ thể beta cùng với các benzodiazepin (thuốc an thần gây ngủ) để kiểm soát tác dụng phụ. Do độc tính cao như cường giáp, độc tính digitalis trên tim, hạ kali máu, nên những thuốc này sau đó cũng được rút khỏi thị trường là thuốc giảm cân. Hiện nay, amphetamine và các dẫn chất của nó được liệt vào danh sách ma túy đá, cấm tàng trữ và mua bán dưới mọi hình thức.

Phentermine:

Năm 1959, phentermine được phát triển cho liệu pháp ngắn hạn, là một thuốc lâu đời nhất được FDA cấp phép cho chỉ định giảm cân. Tương tự amphetamine, cơ chế của phentermine là ức chế sự thèm ăn thông qua việc tăng giải phóng noradrenaline, lượng nhỏ dopamine và serotonine, và vì vậy người ta cho rằng nó ít gây nghiện hơn amphetamine. Một phân tích tổng quan dựa trên 6 nghiên cứu cho thấy các triệu chứng như mất ngủ, khó chịu, bồn chồn và lo lắng phổ biến hơn ở những người dùng liên tục (24%) hoặc không liên tục (27%) so với những người dùng giả dược (8%). Năm 2000, Cơ quan y tế Châu Âu khuyên rút phentermine do nguy cơ của thuốc lớn hơn lợi ích, tuy nhiên vào năm 2003, một nhà sản xuất ở Anh thắng kiện tại tòa án Châu Âu, và vì vậy, thuốc được lưu hành rộng rãi trở lại.

Phenylpropanolamine:

là một chất có cấu trúc và tác dụng tương tự amphetamine, nhưng chọn lọc trên thụ thể α-adrenergic và đồng thời là chất ức chế tái thu hồi catecholamine, do đó nó cũng tác động lên hệ thần kinh trung ương (CNS) vàgây ra chứng chán ăn. Thuốc này đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ độc lập với đột quỵ chảy máu ở phụ nữ, độc tính trên tim và đau đầu.

Diethylpropion:

là một hợp chất vòng phenylethylamine có hoạt tính giao cảm, có tác dụng tăng giải phóng noradrenaline ở khe synap của các tế bào thần kinh vùng dưới đồi, do đó kích thích thụ thể noradrenaline và ức chế cơn đói. Một nghiên cứu được thực hiện cho thấy khô miệng và mất ngủ là những tác dụng phụ phổ biến nhất. Tuy nhiên nghiên cứu này có hạn chế là tập trung chủ yếu trên số lượng nhỏ phụ nữ ở một trung tâm duy nhất, và vì vậy không thể ngoại suy cho nam giới, bệnh nhân lớn tuổi hay bệnh nhân có bệnh mắc kèm.

Aminorex:

Aminorex fumarate (2-amino-5-phenyloxazoline), có cấu trúc hóa học tương tự adrenaline và amphetamine, tác dụng của nó chủ yếu là tăng giải phóng các catecholamine. Thuốc phổ biến ở Thụy Sĩ, Áo và Đức năm 1965. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc tăng áp động mạch phổi nguyên phát (PPH) ở ba nước này tăng lên rõ rệt từ năm 1965 đến 1972; các triệu chứng bao gồm khó thở khi gắng sức, ngất, đau ngực bắt đầu xuất hiện sau khi dùng thuốc 6-12 tháng. Năm 1968, thuốc đã bị rút khỏi thị trường.

Fenfluramine và Dexfenfluramine:

Thuốc gây ra cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn. Sự kết hợp giữa fenfluramine và phentermine (Fen-Phen) đã được thực hiện từ năm 1992, nhưng đến năm 1997 người ta mới phát hiện ra rằng hở van tâm thất phải và trái có liên quan đến fenfluramine. Tăng áp động mạch phổi cũng đã quan sát thấy trong cả hai loại thuốc, vì vậy chúng cũng bị rút khỏi thị trường vào năm 1997.

Benfluorex:

Benfluorex là một chất ức chế tái thu hồi serotonine chọn lọc, liên quan đến fenfluramine. Nó được biết đến với tác dụng hạ lipid và gây chán ăn. Do các báo cáo về tăng áp động mạch phổi, bất thường van tim nên thuốc này đã bị rút khỏi thị trường. Một thử nghiệm tiến hành trên các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã báo cáo sự gia tăng gấp 3 lần tỷ lệ tiếng thổi tim do hở van tim ở những người dùng benfluorex so với pioglitazone.

Sibutramine:

Sibutramine là một chất ức chế tái thu hồi serotonine và noradrenaline đã được phê duyệt bởi FDA vào năm 1997. Các thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng sibutramine có tác dụng giảm cân, cải thiện khả năng dung nạp lipid và glucose, nhưng nócũng làm tăng huyết áp và nhịp tim. Thử nghiệm lâm sàng SCOUT cho thấy sibutramine gây ra tỷ lệ biến cố tim mạch cao hơn so với lợi ích mang lại của thuốc ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, hoặc cả hai. Vì vậy sau đó nhà sản xuất thuốc này đã tự nguyện rút khỏi thị trường. Hiện nay, sibutramine là một thuốc cấm lưu hành ở Việt Nam nhưng vẫn được các nhà sản xuất cố tình trộn vào thành phần của các sản phẩm thực phẩm chức năng, trà thảo mộc, sản phẩm hỗ trợ giảm cân…

Rimonabant:

Sự phát triển của rimonabant là do thuốc được giới thiệu với cơ chế tác dụng hoàn toàn mới trong cuộc chiến chống béo phì, chủ vận ngược thụ thể cannabinoid. Các thử nghiệm lâm sàng chứng minh vai trò giảm cân và cải thiện sự trao đổi chất, nhưng cũng gây ra trầm cảm và lo lắng. Một thử nghiệm khác về kết quả tim mạch đã phải ngừng ngay khi phát hiện gia tăng tỷ lệ tác dụng tâm thần nghiêm trọng bao gồm tự tử sau trung bình 14 tháng sử dụng. Rimonabant sau đó cũng bị rút khỏi thị trường Châu Âu vào năm 2009.

Nhu cầu sở hữu một thân hình hoàn hảo là không sai, tuy nhiên lạm dụng các sản phẩm chứa các thuốc cấm sử dụng nhằm đạt mục đích ngay lập tức cũng đồng nghĩa với việc gia tăng gặp phải các rủi ro khác. Chúng tôi không khuyến cáo bạn đọc ngừng sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giảm cân, chúng tôi chỉ đưa ra một số thông tin hữu ích từ các bằng chứng khoa học về lợi ích và nguy cơ của các thuốc giảm cân đã từng được sử dụng trước đây, từ đó giúp bạn đọc nâng cao hiểu biết về một số thuốc đang bị lạm dụng sử dụng hiện nay. Thuốc là con dao hai lưỡi, vì vậy hãy cân nhắc thật kĩ trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm không rõ nguồn gốc nào, rất nhiều trường hợp đã phải nhận giá đắt để có một cân nặng như ý muốn.

Tác giả: Đức Huy , Nguồn: Pharmacotherapies in obesity.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *