Nghiên cứu thuần tập hồi cứu này được tiến hành trên 141.311 bệnh nhân xuất huyết trong não, cho thấy nhóm sử dụng warfarin hoặc thuốc chống đông đường uống không kháng vitamin K (NOAC) có tỉ lệ tử vong tại bệnh viện cao hơn so với nhóm không sử dụng thuốc chống đông trước đó. Mặc dù vậy, việc sử dụng NOAC có nguy cơ tử vong tại bệnh viện thấp hơn so với warfarin (hiệu số nguy cơ hiệu chỉnh là -5,7%; tỉ suất chênh hiệu chỉnh là 0,75).
Nghiên cứu được đăng tải trên JAMA ngày 25/01/2018.
Các thuốc chống đông đường uống không kháng vitamin K (NOAC) ngày càng được sử dụng nhiều trong dự phòng bệnh lí huyết khối-tắc mạch, song dữ liệu về biến chứng xuất huyết trong não (ICH) do NOAC còn rất hạn chế.
Chính vì vậy, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu thuần tập hồi cứu này nhằm đánh giá mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc chống đông đường uống trước đó (warfarin, NOAC hay không sử dụng thuốc chống đông đường uống (OAC)) và tỉ lệ tử vong tại bệnh viện của bệnh nhân ICH. Nghiên cứu được tiến hành trên 141.311 bệnh nhân ICH vào viện từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2016 tại 1662 bệnh viện tại Hoa Kì tuân thủ theo Hướng dẫn về Đột quị. Trong đó, phơi nhiễm được đánh giá là việc điều trị thuốc chống đông trước khi có ICH, được định nghĩa là sử dụng OAC trong vòng 7 ngày trước khi vào viện. Chỉ số đầu ra chính là tỉ lệ tử vong tại bệnh viện của mỗi nhóm.
Kết quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 141.311 bệnh nhân ICH (tuổi trung bình [độ lệch chuẩn] là 68,3 [15,3] năm; 48,1% là nữ), có 15.036 (10,6%) bệnh nhân sử dụng warfarin và 4.918 (3,5%) sử dụng NOAC trước khi xuất hiện ICH, với 39.585 (28,0%) và 5.783 (4,1%) tương ứng sử dụng 1 thuốc kháng tiểu cầu và liệu pháp kháng tiểu cầu kép. Các bệnh nhân sử dụng warfarin hay NOAC trước đó đều lớn tuổi hơn và có tần suất hiện mắc rung nhĩ và đột quị trước đó cao hơn. Mức độ đột quị do ICH cấp tính (lượng giá bằng Thang điểm Đột quị của Viện Y học quốc gia Hoa Kì) không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 nhóm (trung vị là 9 [khoảng tứ phân vị là 2-21] ở nhóm dùng warfarin, 8 [2-20] ở nhóm NOAC, và 8 [2-19] ở nhóm không dùng OAC). Tỉ lệ tử vong chưa hiệu chỉnh tại bệnh viện lần lượt là 32,6% ở nhóm warfarin, 26,5% ở nhóm NOAC, và 22,5% ở nhóm không dùng OAC. So với nhóm trước đó không dùng OAC, nguy cơ tử vong tại bệnh viện ở nhóm dùng warfarin trước đó là cao hơn (hiệu số nguy cơ hiệu chỉnh [ARD] là 9% [khoảng tin cậy 97,5% là 7,9-10,1%]; tỉ suất chênh hiệu chỉnh [AOR] là 1,62 [khoảng tin cậy 97,5% là 1,53-1,71]) và ở nhóm dùng NOAC trước đó cũng cao hơn (ARD là 3,3% [khoảng tin cậy 97,5% là 1,7%-4,8%]; AOR là 1,21 [khoảng tin cậy 97,5% là 1,11-1,32]). So với nhóm sử dụng warfarin trước đó, bệnh nhân sử dụng NOAC có tỉ lệ tử vong tại bệnh viện thấp hơn (ARD là −5.7% [khoảng tin cậy 97,5% là −7,3% đến −4,2%]; AOR là 0.75 [khoảng tin cậy 97,5% là 0,69-0,81]). Trong nhóm dùng liệu pháp kháng tiểu cầu kép, hiệu số tỉ lệ tử vong giữa nhóm dùng NOAC và dùng warfarin về mặt số học lại càng lớn hơn (32,7% so với 47,1%; ARD là −15,0% [khoảng tin cậy 97,5% là −26,3% đến −3,8%]; AOR là 0,50 [khoảng tin cậy 97,5% là 0,29-0,86]) so với trong nhóm cũng dùng các thuốc nói trên nhưng không dùng liệu pháp kháng tiểu cầu kép (26,4% so với 31,7%; ARD là −5,0% [khoảng tin cậy 97,5% là −6,8% đến −3,2%]; AOR là 0,77 [khoảng tin cậy 97,5% là 0,70-0,85]), tuy nhiên giá trị P tương tác là 0,07 thì chưa đủ có ý nghĩa thống kê.