Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – Chủ đề: Hóa Thạch Sống Bạch Quả
Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM
Tổng quan chung về bạch quả
Sau một mùa đông học ngoại ngữ, năm 1690, nhà tự nhiên học Đức Engelbert Kaempfer đặt chân đến xứ sở Phù Tang. Ông đã tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về các loài thực vật địa phương trong 2 năm ở đây. Nhiều nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Flora Japonica”. Tháng 2 năm 1691, khi viếng thăm các nhà sư tại Nagasaki, Kaempfer đã trông thấy và mô tả loài Bạch quả, Ginkgo biloba. Ông dường như là người phương Tây đầu tiên làm điều này. Sau đó, ông mang về một số hạt giống Bạch quả, trồng trong vườn bách thảo ở Utrecht. Những cái cây đã tồn tại đến thế kỷ 21.
Cách gọi tên bạch quả theo từng vùng
Xứ Phù Tang có thể là cách gọi của người Trung Hoa về đất nước Nhật Bản, xuất phát từ Sơn hải kinh – một quyển sách xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 TCN mô tả về các loài huyền bí, vùng địa lý, văn hoá – trong đó nói Phù Tang là một loài dâu tằm mọc ở phía Đông đất nước. Tương tự thì Nhược Mộc là loài cây mọc ở phía Tây đất nước. Theo truyền thuyết Trung Hoa, mỗi buổi sáng mặt trời được kể là sẽ mọc từ cây Phù Tang và lặn vào cây Nhược Mộc, cũng là một loại dâu tằm. Phù Tang có thể chính là loài dâu tằm đỏ, Morus rubra. Và có nhiều tranh cãi xung quanh việc Phù Tang trong Sơn Hải Kinh ám chỉ Châu Mỹ hay Nhật Bản.
Ginkgo biloba là loài duy nhất thuộc bộ Ginkgoales còn tồn tại cho đến ngày nay. Những anh em của cây hạt trần này đã ở lại lịch sử từ thời thế Pliocen, đơn vị tính bằng triệu năm về trước. Sức sống của Bạch quả có thể thấy qua việc 6 cá thể vẫn tồn tại sau vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima dù cách đó 1 – 2 km. Hầu hết các loài động thực vật khác trong khu vực đều tiêu tan, những cây Bạch quả, mặc dù cháy thành than, vẫn sống sót và sớm khỏe mạnh trở lại. Những loài sống sót được sau vụ này theo tiếng Nhật gọi là Hibakujumoku.
Tên gọi xa xưa theo tiếng Hán của cây này là ngân quả, phiên âm yínguo. Hai tên thông dụng hơn sau này là bạch quả, 白果, bái quả và ngân hạnh, 銀杏,yínxìng. Bạch là trắng, ngân là bạc (thủy ngân là bạc nước).
Cách đọc Nhật hóa của từ ngân hạnh là ginnan, dễ bị đọc nhầm sang gingyo, đây là từ xuất hiện trong cuốn Amoenitates Exoticae (1712) của E. Kaempfer. Và chữ “y” mà ông viết đến phiên người khác (người khác ở đây có cả Carl Linnaeus) lại nhìn nhầm thành “g”, do đó trở thành ginkgo. Biloba có nghĩa là 2 thùy, ý chỉ hình dạng lá. Hình dạng này cũng trở thành biểu tượng của Tokyo.
Mặc dù chúng ta vẫn thường gọi bạch quả, nhưng đây là loài thực vật hạt trần, đơn tính khác gốc. Thể giao tử giống quả này thường được sử dụng trong các món ăn. Khi dùng với một lượng lớn mỗi ngày có thể ngộ độc 4′-O-methylpyridoxin, một chất bền với nhiệt, gây co giật. Vitamin B6 (pyridoxin phosphat) thường được dùng làm thuốc giải. Đôi khi người ta cũng dị ứng với lớp ngoài của “quả”. Trong lá bạch quả giàu các hợp chất polyphenol như flavonoid, acid phenolic, terpen trilacton, ginkgolid và bilobalid,… Có 1 chất nhà flavonoid trong Bạch quả được đặt theo tên Kaempfer, là Kaempferol.
Theo kết luận của Ủy ban thuốc thảo dược Châu u (HMPC), các dược phẩm chứa cao khô lá bạch quả có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức do tuổi tác (suy giảm năng lực thần kinh) và cải thiện chất lượng sống của người lớn mắc chứng sa sút trí tuệ nhẹ. Các dược phẩm trên cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nặng ở chân và cảm giác lạnh tay chân do các vấn đề tuần hoàn nhỏ. (1) Các chuyên luận về nguyên liệu và thành phẩm từ cao khô lá bạch quả có mặt trong một số dược điển thông dụng.
Lưu ý:
(1) Chỉ nên sử dụng sau khi các tình trạng nghiêm trọng đã được bác sĩ loại trừ và chỉ nên dùng cho người lớn. Nếu các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ không cải thiện sau 3 tháng hoặc nếu các triệu chứng xấu đi trong quá trình điều trị, cần liên hệ với bác sĩ.