Cùng nhìn lại mối quan hệ giữa vitamin D và dự trữ buồng trứng

vitamin-D

Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội mô canxi và mật độ xương ở cơ thể người. Ngoài ra, việc xuất hiện các thụ thể vitamin D trong các cơ quan sinh sản như buồng trứng, nội mạc tử cung, tinh hoàn, vùng hạ đồi và tuyến yên cũng giúp xác định được vai trò của vitamin D trong sinh sản. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng vitamin D có thể tác động lên hormone AMH, nhạy cảm với các hormone kích thích sự phát triển nang noãn (FSH) và giúp giải phóng progesterone ở người. Phụ nữ trong giai đoạn điều trị hỗ trợ sinh sản nếu cung cấp đầy đủ vitamin D cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn (tỷ số chênh 1,33) so với người thiếu hoặc không cung cấp đủ vitamin D (Chu và cộng sự, 2018). Đặc biệt, một số nghiên cứu gần đây tập trung tìm hiểu việc thiếu vitamin D tác động như thế nào đến sinh lý buồng trứng của người phụ nữ.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu của Shapiro và cộng sự (2018) tìm hiểu mối tương quan giữa nồng độ vitamin D và thông số dự trữ buồng trứng ở nhóm phụ nữ vô sinh có dự trữ buồng trứng giảm. Tiến hành đo các thông số như 25-hydroxy vitamin D (25OH-D), AMH và FSH trong 90 ngày và đánh giá trên 2 nhóm tuổi < 38 tuổi và ≥ 38 tuổi. AMH ở 3 mức khác nhau là 0,5 ng/ml; 1,0 ng/ml và 5,0 ng/ml. Kết quả cho thấy mức AMH và FSH không khác nhau giữa phụ nữ bị thiếu vitamin D và người có vitamin D bình thường. Và không có mối tương quan giữa mức 25OH-D với các thông số dự trữ buồng trứng.

Như vậy, nghiên cứu giúp cung cấp dữ liệu lâm sàng về mối tương quan của vitamin D và dự trữ buồng trứng ở phụ nữ vô sinh. Sau khi tổng hợp các nghiên cứu của Fabris và cộng sự (2017), Drakopoulous và cộng sự (2017), nồng độ vitamin D dường như không tác động trực tiếp đến các thông số dự trữ buồng trứng. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm vai trò của vitamin D trong sinh lý buồng trứng và các rối loạn chức năng buồng trứng ở phụ nữ vô sinh.

Nguồn: Revisiting the relationship between vitamin D and ovarian reserve. Fertility and Sterility/ 10.1016/j.fertnstert.2018.07.001. Link https://www.fertstert.org/article/S0015-0282(18)30565-X/abstract

Lê Thị Thu Thảo – Chuyên viên phôi học IVFMD Tân Bình

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *