CHUYỆN CON SÁN

sán lợn

Mấy ngày nay tôi im lặng theo dõi phản ứng của truyền thông vụ nhiễm sán này, để xem có bao nhiêu bài báo 1 cách công tâm và tử tế. Đáng tiếc là không. Tất cả tập trung vào nỗi sợ, hoang hết cả mang, khủng hết cả khiếp về cái chuyện bé như lỗ kim. Đó là chuyện ăn bẩn.

Nói đi cũng phải nói lại, vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay có nghiêm trọng không: nghiêm trọng

Tất cả lỗi có phải do thức ăn của nhà trường không, có phải do món thịt lợn nghi ngờ bị gạo không: không hẳn.

Tất cả trong 1 cơn lên đồng tập thể, khủng khiếp quá, đáng sợ quá, làm tất cả mọi người đều hoang mang. Đến cả tôi là bác sĩ hàng ngày đọc tin mà còn thấy kinh khiếp. Nhưng sự thật có đáng sợ không: không.

Con số nghe ra rất khủng khiếp, tuy thế xét theo tỉ lệ ở cộng đồng nó chỉ phản ánh con số chả có gì đáng báo động. Nó chỉ đưa ra 1 sự thật là tỉ lệ nhiễm kỹ sinh trùng của Việt nam vẫn còn cao, y như WHO cảnh báo năm nào, tất cả do thói quen vệ sinh của cộng đồng. Vậy nên đổ lỗi cho bữa ăn nhà trường là điều không đúng.

Nang sán có trong thịt lợn, là ấu trùng sán đi lạc và đóng đô ở những mô cơ. Nếu ăn phải thịt lợn nhiễm sán này (gọi là lợn gạo) chưa nấu chín, ấu trùng sán còn sống đi vào dạ dày rồi chui xuống ruột non cư trú ở đó rồi trưởng thành gây bệnh nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa. Chả bao giờ nó chui được vào chỗ khác ở cơ thể như cơ, não…gây bệnh cả.

Trứng sán, sẽ theo phân chui ra môi trường, bám vào đất và thức ăn. Do tập quán canh tác của người dân, đặc biệt các anh chị thuận tự nhiên thích dùng phân nhưng thiếu hiểu biết. Phân chuồng, phân xanh ủ không đúng cách, tưới rau bằng nước tiểu… Sau rồi rửa tay không đúng cách ( giờ làm cái thống kê có khi 80% dân số không rửa tay sau đi ỉa, thật). Trứng sán đi vào dạ dày, nở ra ấu trùng, con ấu trùng này mới chui vào máu chạy lăng quăng rồi lạc chỗ vào não, cơ…gây bệnh cho động vật và người, dân gian gọi là bệnh gạo. Như vậy, ăn rau bẩn còn nguy hiểm hơn thịt bẩn, nói nhanh cho vuông, he he. Nguồn này mới kinh.

Theo các nghiên cứu trích dẫn của tổ chức y tế thế giới, WHO, Việt Nam vẫn là vùng nhiễm ký sinh trùng vào mức cao của Đông Nam Á, dù có giảm theo từng năm nhưng vẫn còn hết sức cao. Nói ra lại bảo xấu, 1 thống kê tại 1 tỉnh phía Bắc, gần Hà Nội cho thấy, 39% người lớn và trẻ em nhiễm ký sinh trùng. Có những nơi con số này lên đến 44 và 50%. Còn 1 số tỉnh nông nghiệp còn đến…80%. Choáng chưa.

Quay lại vụ ầm ĩ này, các cháu nhỏ làm xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán sán, kết quả dương tính có nghĩa là cơ thể hoặc đã từng tiếp xúc với ký sinh trùng là con sán, hoặc có thể đang mắc sán. Tỉ lệ nói chung không cao so với thống kê của WHO, như vậy chả có gì ghê gớm cả. Chỉ là 1 con số.

Và, nhiễm sán kiểu này dễ chữa không. Dễ, uống 1 liều thuốc duy nhất là hết. Có gì phải ầm hết cả ĩ lên. Có nhiều thứ còn đáng kinh hoàng hơn chuyện con sán này vạn lần.

Để khỏi hoang mang và truyền thông khỏi tìm mọi cách lái đến lương tâm và sự sợ hãi. Cần làm sàng lọc ký sinh trùng cho các cháu nhỏ và cả gia đình của chúng là biết ngay nguồn lây từ đâu. Nếu bố mẹ cũng bị, và tỉ lệ của người lớn tương đương trẻ em, thì là do cả xã hội ăn bẩn, chả phải trường học. Nhở.

Nói chung, làm gì thì cũng đừng có làm quá lên như thế, nhân dân người ta sợ.

Bác sĩ Hung Ngo

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *