Chàm (eczema) là một bệnh ngoài da khá phổ biến ở thời kì hiện đại. Đây không phải là một bệnh nguy hiểm mà chỉ gây ra những khó chịu nhất định cho người bệnh. Tuy nhiên khi xuất hiện ở những vùng nhạy cảm như mặt, môi… sẽ dễ làm cho bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, tự ti về vẻ bề ngoài của mình. Và chàm môi có chữa được hay không là câu hỏi băn khoăn, thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân về vấn đề của mình. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh chàm môi cũng như các phương pháp điều trị bệnh hiện đang được áp dụng.
Bệnh chàm môi là gì?
Chàm (eczema) chỉ tình trạng viêm lớp da nông, cấp hoặc mạn tính, tiến triển theo đợt hoặc tái phát, có nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau nhưng luôn có vai trò quan trọng của “cơ địa dị ứng”. Khi chàm xuất hiện ở vùng môi thì gọi là bệnh chàm môi.
Nguyên nhân gây bệnh chàm môi
Nguyên nhân gây bệnh cực kì đa dạng:
- Nguyên nhân bên ngoài:
- Khí hậu khô hanh, lạnh (đặc biệt trong điều kiện khí hậu miền Bắc nước ta).
- Liếm môi nhiều.
- Dị ứng hóa chất, mỹ phẩm (son dưỡng, son môi, các sản phẩm chăm sóc da (skincare), nước hoa, xà phòng).
- Dị ứng một số thuốc.
- Dị ứng một số thực phẩm.
- Dị ứng quần áo, các dụng cụ…
- Điều trị một số bệnh ngoài da không đúng cách.
- Một số tác nhân vật lí, hóa học, sinh học khác.
- Nguyên nhân bên trong:
- Yếu tố di truyền (gen).
- Tiền sử viêm da dị ứng.
- Rối loạn thần kinh: Lo âu, căng thẳng, stress…
- Rối loạn nội tiết.
Triệu chứng lâm sàng của chàm môi
Dù là chàm ở môi hay bất kì vị trí nào, bệnh đều chia thành các giai đoạn:
- Giai đoạn đỏ da: Xuất hiện những vết đỏ (ở viền môi), sờ thấy cộm (các mụn nước đang đùn từ dưới lên), ngứa rát viền môi, sưng viền môi…
- Giai đoạn mụn nước: Các mụn nước nhỏ nổi lên rất nhiều, sít nhau, có thể tự vỡ và chảy dịch, dễ loét, nhiễm khuẩn nếu không vệ sinh sạch sẽ…
- Giai đoạn lên da non: Tình trạng viêm giảm, tổn thương lành dần, lên da non.
- Giai đoạn lichen hóa, hằn cổ trâu: Vùng da bị chàm lâu ngày bị sẫm màu, thô ráp, cộm, nổi rõ hằn da… Ngứa kéo dài không khỏi.
Thông thường các giai đoạn diễn ra lồng vào nhau. Trên một vùng da bị chàm có thể có nhiều giai đoạn một lúc. Có vùng ở giai đoạn lên da non trong khi vùng bên cạnh lại đang ở giai đoạn đỏ da… Bệnh thậm chí có thể chuyển từ giai đoạn sau trở về giai đoạn trước (ví dụ từ giai đoạn lên da non trở về giai đoạn mụn nước) do một số nguyên nhân khác nhau như dùng thuốc không đúng cách hay do bệnh nhân gãi và chà xát nhiều.
Hai giai đoạn đầu (đỏ da và mụn nước) tương đương với thể cấp tính. Giai đoạn thứ ba (lên da non) tương đương thể bán cấp và giai đoạn cuối cùng tương đương thể mạn tính.
Bệnh gây mất thẩm mĩ, làm bệnh nhân mất tự tin, đặc biệt là ở chị em phụ nữ.
Điều trị chàm môi
Điều đầu tiên bệnh nhân cần nắm rõ đó là KHÔNG có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh, không chỉ với chàm môi mà với mọi loại chàm. Điều đó có nghĩa là bệnh không bao giờ khỏi hoàn toàn. Chỉ có các cách điều trị làm giảm triệu chứng bệnh và kiểm soát bệnh ở trạng thái tốt nhất. Mọi thuốc được quảng cáo là chữa khỏi hoàn toàn chàm môi hay bất cứ loại chàm nào khác đều là không đúng sự thật.
Thuốc điều trị
Giai đoạn mụn nước có loét, chảy dịch do vỡ các mụn nước: Dùng các thuốc sát khuẩn, làm dịu da, chống ngứa đắp ngoài da như thuốc tím KMnO4 (1/4000), bạc nitrat AgNO3, nước muối sinh lý NaCl 0.9%… 1 tuần đầu sau đó bôi dung dịch Milian, tím metin 1%, bôi hồ nước.
Khi tổn thương đã khô, bôi corticoid + kháng sinh (Neo-Synalar, Celestoderm-V…), tác dụng giảm các phản ứng viêm, chống bội nhiễm do vi khuẩn.
Nếu đã nhiễm khuẩn nặng, xem xét dùng kháng sinh toàn thân (tetracycline, erythromycin…).
Có thể sử dụng thêm các thuốc phối hợp có thuốc kháng nấm ngoài da (Clotrimazol) phòng bội nhiễm nấm.
Với chàm mạn tính xem xét corticoid, có thể xem xét sản phẩm có thêm acid salicylic (Diprosalic).
Các thuốc corticoid đường toàn thân (uống) phải rất hạn chế và chỉ được dùng ngắn ngày.
Thuốc kháng histamin H1: Làm giảm các triệu chứng ngứa và dị ứng. Xem xét ưu tiên các thế hệ mới ít tác dụng phụ hơn các thế hệ đầu (như loratadine, fexofenadine).
Xem xét thuốc giải cảm, giải lo âu nếu thật sự cần thiết (Buspiron).
Phòng bệnh chàm môi
Hạn chế chất kích thích (cà phê, rượu bia, thuốc lá…).
Tránh tiếp xúc dị nguyên nếu như xác định được dị nguyên là gì.
Đổi mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da có thể gây dị ứng. Xem xét chuyển sang các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
Tránh tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, tránh gãi quá nhiều càng làm tổn thương lâu lành hơn.
Tránh stress, căng thẳng, lo âu…
Bỏ thói quen liếm môi. Nếu môi bị khô thường xuyên thì sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm (không gây dị ứng).