Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu em bé chào đời trước 37 tuần.
Số trẻ tử vong vì sinh non vẫn nhiều nhất trong những nguyên nhân gây tử vong sơ sinh. Vì vậy, dự phòng sinh non hiện vẫn đang là đề tài được các nhà lâm sàng quan tâm nhiều nhất khi nghĩ đến sinh non.
Các biện pháp dự phòng sinh non hiện nay được áp dụng trên lâm sàng bao gồm: progesterone, khâu vòng cổ tử cung, vòng nâng cổ tử cung. Progesterone là phương pháp đa dạng, có thể là dạng tự nhiên, dùng đường đặt âm đạo, hoặc đường uống, tiêm bắp.
Tổng quan hệ thống công bố năm 2017 so sánh các biện pháp dự phòng sinh non trên thai kỳ đơn thai nguy cơ sinh non hoặc tiền căn sinh non kết luận progesterone – đặc biệt là dạng tự nhiên là phương pháp có hiệu quả giảm tỷ lệ sinh non và tử vong sơ sinh. Tính từ thời điểm đó đến nay, rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này được công bố. Vì vậy, một bản cập nhật dữ liệu tổng quan hệ thống và phân tích gộp được thực hiện nhằm cung cấp chứng cứ tốt nhất cho đến thời điểm hiện nay về dự phòng sinh non.
Dữ liệu công bố trên BJOG tháng 3 năm 2019 gồm 40 nghiên cứu tính đến tháng 1/2018 trên tổng số 11.311 thai phụ tiền sử sinh non hoặc nguy cơ sinh non chủ yếu dựa vào chiều dài kênh cổ tử cung ngắn. Trong đó có 18 nghiên cứu so sánh progesterone với nhóm chứng, 11 nghiên cứu so sánh khâu cổ tử cung với nhóm chứng, 4 nghiên cứu so sánh vòng nâng cổ tử cung và nhóm chứng, 1 khâu cổ tử cung và progesterone, 6 nghiên cứu so sánh progesterone đặt âm đạo và 17 -hydroxyprogesterone caproate.
Kết quả phân tích cho thấy:
Ở nhóm thai phụ nguy cơ sinh non, progesterone đặt âm đạo có khả năng:
giảm tỷ lệ sinh non < 34 tuần (OR 0,43, 95% CI 0,28 – 0,81)
giảm tỷ lệ sinh < 37 tuần (OR 0,51, 95% CI 0,34 – 0,74)
giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh (OR 0,41, 95% CI 0,28 – 0,83)
Ở nhóm bệnh nhân có tiền căn sinh non, progesterone đặt âm đạo có khả năng:
giảm tỷ lệ sinh non < 34 tuần (OR 0,29, 95% CI 0,12 – 0,68)
giảm tỷ lệ sinh < 37 tuần (OR 0,43, 95% CI 0,23 – 0,74)
Dạng 17 α-hydroxyprogesterone caproate giảm tỷ lệ sinh < 37 tuần (OR 0,53, 95% CI 0,27 – 0,95) và tử vong sơ sinh (OR 0,39, 95% CI 0,16 – 0,95).
Ở nhóm bệnh nhân có chiều dài kênh cổ tử cung ngắn (≤ 25 mm), progesterone đặt âm đạo giảm tỷ lệ sinh < 34 tuần (OR 0,45, 95% CI 0,24 – 0,84).
Như vậy, theo kết quả của tổng quan này, cho đến thời điểm hiện tại, progesterone đặt âm đạo có hiệu quả dự phòng sinh non trên nhóm bệnh nhân đơn thai có nguy cơ sinh non hoặc có tiền sử sinh non.
Lược dịch từ:
Jarde A, Lutsiv O, Beyene J, McDonald SD. Vaginal progesterone, oral progesterone, 17-OHPC, cerclage, and pessary for preventing preterm birth in at-risk singleton pregnancies: an updated systematic review and network meta-analysis. BJOG 2019;126:556–567. Link https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/30480871
Tác giả: Bác sĩ Lê Tiểu My – Nhóm Nghiên cứu sinh non Bệnh viện Mỹ Đức