Cao khô bạch dương điều trị Ly thượng bì bọng nước

Rừng cây bạch dương

Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – chủ đề: Cao khô bạch dương điều trị Ly thượng bì bọng nước

Nguồn: Nguồn: Nguồn: Bộ môn dược liệu – Đại học Y Dược TP HCM

Giới thiệu chung

Vào ngày 22 tháng 4 vừa qua, Ủy ban Sản phẩm Y tế dành cho Người (Committee for Medicinal Products for Human Use, CHMP) của châu Âu đã đưa ra quan điểm tích cực về dược phẩm chữa căn bệnh hiếm Ly thượng bì bọng nước có nguồn gốc dược liệu.

Dạng bào chế được sử dụng là gel dùng ngoài với thành phần chính cao khô Bạch dương, lấy từ vỏ thân 2 loài Betula pendula Roth hoặc Betula pubescens Ehrh, với mức quy định hàm lượng triterpen tính theo tổng betulin, acid betulinic, erythrodiol, lupeol và acid oleanolic là 84 – 95 mg (từ 0,5 – 1,0 g dược liệu).

Cao khô Bạch dương được đề xuất có khả năng điều hòa chất trung gian hóa học gây viêm và kích thích quá trình biệt hóa, di chuyển của các tế bào sừng, do đó thúc đẩy quá trình làm lành và đóng miệng vết thương.

Chỉ định của dược phẩm được đề nghị cấp phép tại châu Âu:
“Treatment of partial thickness wounds associated with dystrophic and junctional epidermolysis bullosa (EB) in patients 6 months and older.” (Qua đó có thể thấy quan điểm ủng hộ sử dụng sản phẩm trên cả hai thể loạn dưỡng và thể tiếp nối ở trẻ trên 6 tháng tuổi).

Căn bệnh Ly thượng bì bọng nước là gì?

Dược phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nói trên nằm trong chương trình phát triển thuốc điều trị bệnh hiếm (orphan drug).

Ly thượng bì bọng nước là một bệnh di truyền về da chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em, trong đó lớp ngoài của da, lớp biểu bì, ngăn cách với lớp bên trong là lớp hạ bì. Điều này làm cho da rất mỏng manh và gây phồng rộp nghiêm trọng và sẹo. Căn bệnh này gây ra bởi sự bất thường trong các gen chịu trách nhiệm sản xuất các protein giúp da chắc khỏe và đàn hồi, chẳng hạn như collagen.

Bệnh gây suy nhược về lâu dài có thể đe dọa đến tính mạng, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phồng rộp nặng khiến chất lượng cuộc sống kém, tuổi thọ giảm sút. Đây thực sự là một nỗi ám ảnh đáng sợ của người bệnh và các ông bố bà mẹ có con mắc phải.

Vào thời điểm tham gia chương trình năm 2010, Ly thượng bì bọng nước có tần số mắc trong dân số tại châu Âu khoảng 0,5:10.000 người (ít hơn 25.000 trên 506.500.000 người) thấp hơn nhiều con số định nghĩa 5:10.000 đối với bệnh hiếm. Chương trình phát triển thuốc hiếm là nỗ lực của các chính phủ nhằm khuyến khích các nhà sản xuất nghiên cứu – phát triển dược phẩm điều trị bệnh hiếm, đối tượng thường không có lợi về mặt sản xuất. Nếu không có sự trợ giúp từ phía các chính phủ, các doanh nghiệp thường không có động lực để phát triển những thuốc như vậy.

Vào thời điểm loại thuốc đề cập ở trên được sử dụng, không có một dược phẩm điều trị chính thức cho căn bệnh Ly thượng bì bọng nước. Phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn thường là giữ vệ sinh cẩn thận, thường xuyên chăm sóc da, bảo vệ khỏi các tác nhân gây tổn thương. Đôi khi thuốc giảm đau cũng được sử dụng hoặc phải phẫu thuật nếu có các biến chứng biến dạng bàn tay hoặc ung thư da.

Công dụng của Bạch dương

Hồi năm 2016, Cơ quan Y tế châu Âu cũng từng chấp thuận sử dụng một gel dùng ngoài chiết xuất từ vỏ thân bạch dương để chữa vết thương dày một phần (partial-thickness skin wounds). Những vết thương này tại nơi bị mất lớp thượng bì do bỏng hoặc trong quá trình chờ lành sau phẫu thuật ghép da. Chế phẩm có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình làm lành.

Điều này là khá ý nghĩa về mặt hình tượng: sử dụng da ngoài của thực vật để làm lành vết thương mất da ở người. 1 gam gel chứa 100 mg cao khô Bạch dương, chiết từ 0,5 đến 1,0 gam nguyên liệu bằng dung môi n-heptan. Điều đáng nói là 100 mg cao khô này chứa 72 đến 88 mg betulin.

Các loài bạch dương: Betula pendula (đồng danh: B. verrucosa) thường được gọi là silver birch và Betula pubescens (đồng danh: B. alba) là white birch, thuộc họ Betulaceae.

Từ lâu, vỏ thân Bạch dương đã được sử dụng để thuộc da. Lớp vỏ này có thể dễ dàng lột ra mà không gây chết cây. Chúng có thể được sử dụng trong thực phẩm như lấy lớp màu đỏ bên dưới vỏ ngoài làm bánh mì, hay sử dụng phần vụn trộn với nhựa tạo thành rượu mùi, hay thậm chí gõ vào thân cây vào mùa xuân để thu được chất lỏng ngọt, dùng tươi hoặc cô đặc thành sirô.

Vỏ thân cây bạch dương
Vỏ thân cây bạch dương

Cây cũng được dùng làm củi nhưng nhanh cháy hết hoặc sử dụng phần lõi thân trong nội thất. Có một thời điểm, sự khai khác vỏ thân quá nhiều đến mức Carl Linnaeus bày tỏ quan ngại.

Trong vỏ thân của Bạch dương chứa một lượng lớn betulin, có thể lên đến 30% (10% – 45%), tính trên khối lượng khô. Đây là một triterpen 5 vòng khung lupan, có lịch sử phân lập từ năm 1788, có lẽ do hàm lượng quá lớn trong nguyên liệu.

Dược liệu chứa hoạt chất tương tự Bạch dương

Người dân bản địa Châu Mỹ đã sử dụng vỏ thân cây Trăn đỏ (red alder), Alnus rubra, một loài cây cũng thuộc họ Betulaceae để chữa côn trùng cắn, kích ứng da hay poison oak. Poison oak không phải là sồi, đó là một loại cây bụi leo Bắc Mỹ thuộc họ Đào lộn hột, có quan hệ họ hàng gần với cây thường xuân độc và có các đặc tính tương tự.

Dược liệu Trăn đỏ
Dược liệu trăn đỏ chữa côn trùng cắn

Những người Blackfeet Indian đã sử dụng Trăn đỏ để điều trị rối loạn bạch huyết và lao. Về sau, người ta biết rằng, trong Trăn đỏ chứa các triterpin như betulin và lupeol. Loài cây này hầu như chỉ phân bố ở bờ Tây Hoa Kỳ.

Betulin có một chức alcol trong cấu trúc, nếu chuyển thành chức acid carboxylic sẽ là acid betulinic. Các triterpen được báo cáo có khả năng kháng viêm cũng như gây độc tế bào.

Kết luận

Trong chế phẩm gel điều trị Ly thượng bì bọng nước, cao khô được chiết xuất ở tỉ lệ 1:5 đến 1:10 trong n-heptan 95%. Sản phẩm dĩ nhiên cũng có một số tác dụng không mong muốn được ghi nhận như: quá mẫn, nhiễm trùng vết thương hay gây ngứa.

Tài liệu tham khảo

Hordyjewska, A., Ostapiuk, A., Horecka, A. et al (2019). Betulin and betulinic acid: triterpenoids derivatives with a powerful biological potential. Phytochem Rev 18, 929–951

Ebeling, S., Naumann, K., Pollok, S., Wardecki, T., Vidal-Y-Sy, S., Nascimento, J. M., Boerries, M., Schmidt, G., Brandner, J. M., & Merfort, I. (2014). From a traditional medicinal plant to a rational drug: understanding the clinically proven wound healing efficacy of birch bark extract. PloS one, 9(1), e86147.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *