Các tương tác thuốc nghiêm trọng cần lưu ý

thuoc

Tương tác thuốc là gì?

Tương tác thuốc (Drug-drug interaction – DDI) là vấn đề thường gặp trong lâm sàng cũng như trong việc sử dụng thuốc, đây là một trong những nguyên nhân gây ra biến cố bất lợi của thuốc, bao gồm xuất hiện độc tính, gia tăng tác dụng phụ, gây ra các phản ứng độc hại trong quá trình điều trị, thất bại trong điều trị hoặc có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Nguyên nhân góp phần vào DDI bao gồm khoảng liều điều trị hẹp liên quan đến một số loại thuốc và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Rõ ràng, điều quan trọng là dược sĩ phải lưu ý và hiểu được những DDI có thể dẫn đến tác hại đáng kể cho bệnh nhân. Bài viết này tập trung giới thiệu một số DDI nghiêm trọng, được liệt kê ở Bảng A. [1]

Methotrexate và Probenecid

Khi dùng Probenecid với liều Methotrexate chống ung thư, kết quả có thể làm tăng gấp 2 đến 3 lần nồng độ Methotrexate. Probenecid hoạt động như một chất ức chế bài tiết Methotrexate ở thận, do đó có khả năng gây độc. Các triệu chứng ngộ độc Methotrexate nghiêm trọng bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, viêm màng phổi và suy thận và có thể dẫn đến tử vong. Tương tác này với Methotrexate cũng xảy ra với nhóm Penicillin (ví dụ, Amoxicillin, Carbenicillin) và Salicylat. Nguy cơ với Methotrexate liều thấp (thường được sử dụng cho viêm khớp) là thấp hơn. Celecoxib không ảnh hưởng đến dược động học Methotrexate và có thể là một lựa chọn thay thế. [1]

Gliclazid và Fluconazol/ Miconazol

Fluconazol gây ức chế enzym gan, đồng thời làm tăng thời gian bán thải sulfamide từ đó giảm chuyển hóa Gliclazid, làm tăng nồng độ Glicazid trong guyết tương, gây nguy cơ hạ đường huyết, hôn mê. Khi điều trị cần lưu ý tránh phối hợp hai thuốc này. [2]

Bromocriptine và Pseudoephedrine

Tương tác có thể dẫn đến co mạch ngoại biên nghiêm trọng, nhịp nhanh thất, co giật và có thể tử vong. Tác dụng phụ đáng chú ý của Bromocriptine bao gồm làm dày dịch tiết phế quản và nghẹt mũi. Điều này rất có ý nghĩa vì bệnh nhân dùng Bromocriptine rất có khả năng tự dùng thuốc thông mũi OTC chứa Pseudoephedrine gây nên các cặp tương tác trên. Bệnh nhân đang dùng Bromocriptine nên được khuyến cáo để tránh các trường hợp phối hợp thuốc trên. [1]

Clarithromycin và Simvastatin

Clarithromycin ức chế enzym chuyển hóa Simvastatin, làm tăng nồng độ thuốc và tăng độc tính của Simvastatin. Các triệu chứng của DDI là gây tiêu cơ vân, mắc các bệnh cơ (đau cơ, yếu cơ…), suy gan. Nên tránh phối hợp, thay thế Clarithromycin bằng Azithromycin (không ức chế enzym gan) hoặc thay Simvastatin bằng Rosuvastatin (ít độc tính hơn). [2]

Sildenafil và Isosorbide Mononitrate

Sildenafil có thể làm tăng đáng kể tác dụng hạ huyết áp của Isosorbide Mononitrate, làm tăng nguy cơ dẫn đến tử vong. Bệnh nhân dùng Isosorbide Mononitrate hoặc bất kỳ nitrate nào, kể cả nitroglycerin, không nên dùng Sildenafil. [1]

Erythromycin và Theophyllin

Erythromycin gây ức chế enzym gan làm cho nhiều thuốc khó chuyển hóa qua gan trong đó có Theophyllin, làm kéo dài tác dụng, gây tăng nồng độ và độc tính của Theophyllin (biểu hiện: nôn, buồn nôn, đánh trống ngực, co giật). Khi kết hợp thuốc nên giảm liều Theophyllin và theo dõi chặt chẽ các biểu hiện ngộ độc. Trong nhóm Macrolid có Erythromycin và Clarithromycin gây ức chế men gan khá mạnh. Trường hợp phải dùng Macrolid cùng một số thuốc chuyển hóa qua gan nhiều và có độc tính cao nên dùng Azithromycin. [2]

Atropin và Kali clorid (dạng uống)

Atropin làm lưu giữ hoặc chậm quá trình chuyển Kali clorid đi qua đường tiêu hóa. Nồng độ Kali clorid tăng gây kích ứng mạnh đường tiêu hóa gây tổn thương loét đường tiêu hóa.Nên dùng Kali dạng tiêm, đặc biệt chống chỉ định cho các bệnh nhân liệt giường. [2][4]

Nhóm Opioid và nhóm Benzodiazepin

Nhóm Benzodiazepin là thuốc an thần được chỉ định cho những người mắc bệnh về thể chất (bao gồm: đau lưng mãn tính, viêm khớp, đau đầu gối tái phát, chứng đau nửa đầu,…). Thuốc cho phép bệnh nhân quên đi những lo lắng về cơn đau của họ, vì vậy có được giấc ngủ ngon hơn. Bệnh nhân cũng có thể được kê các loại thuốc giảm đau có chứa Opioid và nếu có, việc phối hợp hai loại thuốc này với nhau có thể dẫn đến những nguy hiểm thực sự. Nhóm Opioid cũng có tác dụng an thần, người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ quá mức chỉ trong chốc lát sau khi uống cả hai thuốc này. Dùng với liều cao gây đóng cửa các trung tâm quan trọng của não, rơi vào trạng thái hôn mê và không bao giờ tỉnh dậy. Khuyến cáo không nên kết hợp hai loại thuốc trên. [3]

BẢNG A – CÁC TƯƠNG TÁC THUỐC NGHIÊM TRỌNG

Các tương tác thuốc nghiêm trọng
Thuốc 1 Thuốc 2 Cơ chế Hậu quả Giải pháp
Methotrexate Probenecid Probenecid gây ức chế bài tiết Methotrexate ở thận  làm tăng gấp 2 đến 3 lần nồng độ chất này, do đó có khả năng gây độc. Tương tác này cũng xảy ra với nhóm Penicillin và Salicylat. Các triệu chứng ngộ độc Methotrexatenghiêm trọng bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, viêm màng phổi và suy thận và có thể dẫn đến tử vong. Celecoxibkhông ảnh hưởng đến dược động học Methotrexatevà có thể là một lựa chọn thay thế. 
Gliclazid Fluconazol/ Miconazol Fluconazol gây ức chế enzym gan, đồng thời làm  tăng thời gian bán thải sulfamide từ đó giảm chuyển hóa Gliclazid. Tăng nồng độ Glicazid trong guyết tương, gây nguy cơ tụt đường huyết, hôn mê. Lưu ý tránh kết hợp.
Bromocriptine Pseudoephe-drine Bromocriptine có tác dụng phụ làm dày dịch tiết phế quản và nghẹt mũi, bệnh nhân dùng Bromocriptine rất có khả năng tự dùng thuốc thông mũi OTC chứa Pseudoephedrinegây tương tác thuốc. Dẫn đến co mạch ngoại biên nghiêm trọng, nhịp nhanh thất, co giật và có thể tử vong. Bệnh nhân đang dùng Bromocriptinenên được khuyến cáo để tránh trường hợp phối hợp thuốc. 
Clarithromycin Simvastatin Clarithromycin ức chế enzym chuyển hóa Simvastatin, tăng nồng độ thuốc và tăng độc tính của Simvastatin. Gây tiêu cơ vân, mắc các bệnh cơ (đau cơ, yếu cơ…), suy gan. Nên thay Clarithromycinbằng Azithromycinhoặc thay Simvastatinbằng Rosuvastatin.
Sildenafil Isosorbide Mononitrate Sildenafil làm tăng đáng kể tác dụng hạ huyết áp của IsosorbideMononitrate. Gây giảm huyết áp đột ngột, trường hợp nặng gây tử vong. Bệnh nhân dùng IsosorbideMono–nitratehoặc bất kỳ nitrate nào không nên dùng Sildenafil.
Erythromycin Theophyllin Erythromycin gây ức chế enzym gan làm cho nhiều thuốc khó chuyển hóa qua gan trong đó có Theophyllin.  Kéo dài tác dụng làm tăng nồng độ và độc tính của Theophyllin(nôn, buồn nôn, đánh trống ngực, co giật).  Giảm liều Theophyllin  và theo dõi chặt chẽ các biểu hiện ngộ độc. Nên xem xét dùng Azithromycinnhư biện pháp thay thế.
Atropin Kali clorid (dạng uống) Atropin làm lưu giữ hoặc chậm quá trình chuyển Kali clorid đi qua đường tiêu hóa Kali cloridgây kích ứng mạnh đường tiêu hóa làm tổn thương, loét đường tiêu hóa. Đặc biệt chống chỉ định cho các bệnh nhân liệt giường. Nên dùng Kali dạng tiêm.
Nhóm Opioid Nhóm Benzo-diazepin Nhóm Benzodiazepin và nhóm Opioid đều có tác dụng an thần, nhưng hai loại thuốc này có thể củng cố và tăng cường lẫn nhau gây quá liều. Dùng với liều cao gây đóng cửa các trung tâm quan trọng của não, rơi vào trạng thái hôn mê và không bao giờ tỉnh dậy. Lưu ý tránh kết hợp.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Shauna B. Burns and William N. Kelly (2002). 10 Drug Interactions Every Pharmacist Should Know. Pharmacy Times. Link:

https://www.pharmacytimes.com/publications/issue/2002/2002-11/2002-11-7010

  1. DS. Ninh Mai Hường (2017). Tương tác thuốc. Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên – Khoa Dược. Link:

http://www.bvdktuthainguyen.gov.vn/uploads/media/duoc/T%C6%B0%C6%A1ng%20t%C3%A1c%20thu%E1%BB%91c%20trong%20th%E1%BB%B1c%20h%C3%A0nh%20l%C3%A2m%20s%C3%A0ng.pdf

  1. Foundation Recovery Network (2013). Dangerous Drug Combinations. Dual Diagnosis.Org. Link:

https://www.dualdiagnosis.org/drug-addiction/dangerous-combinations/#combo

  1. Amber Erickson Gabbey and Rachel Nall (2016). Hypokalemia. Healthline. Link:

https://www.healthline.com/health/hypokalemia

Tác giả: Sinh viên Dược Phan Ngọc Ánh, Lâm Hồng Châu Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch – Nhịp cầu Dược Lâm Sàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *