Các thuốc tránh thai có khả năng gây dị tật thai

thuốc tránh thai

[MHRA] Các thuốc có khả năng gây dị tật thai: sử biện pháp tránh thai nào là hiệu quả và cần kiểm tra việc mang thai với tần suất ra sao?

Hướng dẫn mới về các biện pháp tránh thai và tần suất kiểm tra việc mang thai nhằm hạn chế vô ý phơi nhiễm ở phụ nữ đang sử dụng thuốc có khả năng gây dị tật thai. Đăng tải trên MHRA ngày 21/3/2019.

Mở đầu

Một số thuốc đã được biết rõ hoặc nghi là có khả năng gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và bất thường phát triển thai (khả năng gây dị tật thai – teratogenic potential) nếu sử dụng trong thai kì, đặc biệt trong quí đầu (trong vòng 12 tuần đầu mang thai), đây là khoảng thời gian người phụ nữ có thể chưa biết mình mang thai. Tờ thông tin sản phẩm của các thuốc này sẽ khuyến cáo rằng cần tránh mang thai trong thời gian điều trị, cùng với lời khuyên sử dụng biện pháp tránh thai, trong một số trường hợp có thể đòi hỏi có các chương trình dự phòng mang thai chính thống.

Khi sử dụng bất cứ thuốc nào có khả năng gây dị tật thai, người phụ nữ cần được tư vấn về các nguy cơ và khuyến khích sử dụng biện pháp tránh thai hữu hiệu nhất tuỳ theo hoàn cảnh cá nhân.

Biện pháp tránh thai

Các biện pháp tránh thai được cho là hiệu quả hoặc hiệu quả cao tuỳ theo tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường trong vòng 1 năm đầu [1]. “Cách dùng thông thường” bao gồm các trường hợp sai sót do người dùng thuốc (ví dụ, bỏ quên liều, bắt đầu dùng thuốc muộn) hoặc sử dụng trong những trường hợp làm giảm hiệu quả của thuốc như tương tác với thuốc dùng cùng.

Các biện pháp hiệu quả cao có tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường dưới 1% và trong đó có đình sản nam, đình sản nữ và các biện pháp tránh thai có hồi phục tác dụng kéo dài (long-acting reversible contraceptive – LARC) (như dụng cụ tử cung và que cấy tránh thai).

Các thuốc tiêm chứa progesteron đơn thuần có tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường là 6%, nhưng đây cũng có thể do các lần tiêm thuốc lại được tiến hành muộn. Thuốc tiêm chứa progesteron đơn độc có thể coi là hiệu quả cao nếu các lần tiêm thuốc lại được thực hiện đúng giờ bởi nhân viên y tế.

Các biện pháp tránh thai được coi là hiệu quả bao gồm thuốc tránh thai phối hợp (thuốc viên, miếng dán hoặc vòng đặt âm đạo) và các thuốc viên progesteron đơn thuần, với tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường là 9%.

Các biện pháp tránh thai tự nhiên ở thời điểm giao hợp hoặc dựa trên hiểu biết về sự thụ thai có tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường cao hơn và không được xếp vào nhóm biện pháp tránh thai “hiệu quả” khi dùng thuốc gây dị tật thai, như vậy khi đó không nên chỉ dựa vào các biện pháp này để tránh thai.

Sự cần thiết của việc kiểm tra mang thai

Người phụ nữ có thể không biết mình có thai tại thời điểm bắt đầu điều trị hoặc đang ở giai đoạn đầu của thai kì ở thời điểm dùng lại thuốc do tránh thai thất bại. MHRA vẫn liên tục nhận được các báo cáo về việc tiếp xúc ngoài ý muốn với các thuốc gây dị tật thai trong giai đoạn đầu thai kì. Một cách giúp tránh điều này là kiểm tra mang thai trước khi kê một thuốc có thể gây dị tật thai.

Bảng ghi nhớ do Nhóm Chuyên gia Tư vấn Y tế về Thuốc cho Phụ nữ của Hội Y khoa Anh xây dựng nhằm hướng dẫn khi kê thuốc có nguy cơ gây dị tật thai cho các bác sĩ về tần suất cần kiểm tra mang thai, để tránh gây tiếp xúc ngoài ý muốn trong thời kì mang thai, tuỳ vào phương pháp tránh thai được lựa chọn.

Bảng này đưa ra tóm tắt lời khuyên về kiểm tra mang thai đối với hầu hết các biện pháp tránh thai thông dụng. Bảng được mã hoá bằng màu sắc theo các biện pháp có độ tin cậy nhất. Bảng có thể tải xuống, in ra và sử dụng làm poster ở các bệnh viện và cập nhật các hướng dẫn của địa phương khi cần (Ảnh comment).

Tải bản gốc tại đây: https://assets.publishing.service.gov.uk/…/pregnancy_testin…

Các điểm cân nhắc chủ chốt khi đưa ra hướng dẫn

– Khả năng mang thai là không hằng định và có thể thay đổi theo tình trạng người phụ nữ trong điều trị. Do đó, cần đánh giá khả năng mang thai trước mỗi lần kê thuốc đã được biết có khả năng gây dị tật thai.

– Các xét nghiệm mang thai có thể không phát hiện được thai nghén giai đoạn sớm sau quan hệ tình dục không được bảo vệ xảy ra trước đó 3 tuần. Do đó, người phụ nữ cần làm lại xét nghiệm kiểm tra mang thai 3 tuần sau khi bắt đầu sử dụng một biện pháp tránh thai mới, nếu không có bất cứ dấu hiệu có thai nào tại thời điểm bắt đầu dùng biện pháp tránh thai, ngay cả khi kết quả xét nghiệm lần đầu là âm tính.

– Các biện pháp tránh thai hiện đại có tỉ lệ thất bại thấp (0,03–0,6%) khi sử dụng đúng cách và đều đặn (trong “cách dùng tối ưu” – perfect use), nhưng vẫn có một tỉ lệ thất bại cao hơn rõ rệt đối với một số phương pháp do sai sót của người sử dụng hoặc tương tác với các thuốc dùng cùng (trong “cách dùng thông thường” – typical use). Nguy cơ sai sót do người dùng thuốc ở các phương pháp dùng hàng ngày cao hơn ở các phương pháp LARC và cao nhất đối với các phương pháp ở thời điểm giao hợp.

– Lựa chọn biện pháp tránh thai là tuỳ vào cá thể và phụ thuộc vào một số yếu tố lâm sàng cũng như sở thích cá nhân của người phụ nữ (xem Hướng dẫn hiện hành về tránh thai (*) và Tuyên bố về các thuốc gây dị tật thai (**) của Hội sức khoẻ Giới tính và Sinh sản [Faculty of Sexual and Reproductive Health – FSRH]). Tuy nhiên, các biện pháp tránh thai khác nhau có tỉ lệ thất bại với cách dùng thông thường và thời gian tác dụng cũng khác nhau, điều này có thể ảnh hưởng tới tần suất cần phải kiểm tra việc mang thai.

(*) https://www.fsrh.org/standards-a…/current-clinical-guidance/
(**) https://www.fsrh.org/…/fsrh-ceu-statement-contraception-fo…/

Nếu chưa thể loại trừ có thai, việc đưa ra quyết định bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị với thuốc có khả năng gây dị tật thai sẽ tuỳ thuộc vào tình hình cá nhân, như tính cấp thiết của việc điều trị và các lựa chọn điều trị thay thế. Nếu có thể, nên trì hoãn việc sử dụng thuốc có thể gây dị tật thai cho tới khi loại trừ được có thai bằng xét nghiệm làm lại lần tiếp theo.

Tài liệu tham khảo :
[1] Trussell J. Contraceptive failure in the United States. Contraception 2011; 83: 397-404.

Nguồn: MHRA dịch bởi Trung tâm Dược lý lâm sàng trường Đại học Y Hà Nội.

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *